Thứ ba 16/04/2024

NỘI DUNG CHÍNH

AI LÀ TÁC GIẢ CỦA BỨC TRANH TÂN AN NHỮNG NGÀY THÁNG TÁM 1945?

Tác phẩm Những ngày cách mạng Tháng Tám năm 1945 của họa sĩ Hữu Phương được lưu giữ tại Bảo tàng Long An

Tác phẩm Những ngày cách mạng Tháng Tám năm 1945 của họa sĩ Hữu Phương được lưu giữ tại Bảo tàng Long An

Vào tháng 8-2012, một tờ tin trong tỉnh đăng lên trang bìa bức tranh “Tân An những ngày tháng 8 năm 1945” với tên tác giả Nguyễn Hữu Phương. Sau khi tờ tin được phát hành ít lâu, dư luận bỗng xôn xao khi có vài ý kiến cho rằng đây là tác phẩm của tác giả Huỳnh Văn Gấm. Vậy ai thật sự là tác giả của bức tranh nổi tiếng trên?

MỘT BỨC TRANH - HAI TÁC GIẢ (!?)

 

Ngay sau khi có thông tin trên, chúng tôi đến tìm gặp họa sĩ Hữu Phương tại nhà riêng của anh. Anh thật sự bất ngờ khi biết có ý kiến cho rằng tác phẩm “Tân An những ngày tháng 8 năm 1945” là của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, vì theo anh đây là tác phẩm được anh vẽ khá lâu theo lời yêu cầu của nhà văn Khương Minh Ngọc, khi đó là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Long An. Tác giả Hữu Phương cho biết, anh về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật (nay là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật) năm 1983. Đến năm 1985, nhà văn Khương Minh Ngọc yêu cầu anh vẽ bức tranh về cách mạng tháng Tám ở Tân An để triển lãm chào mừng kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời nhân ngày thành lập Bảo tàng Long An. Theo lời họa sĩ Hữu Phương, anh đã theo nhà văn Khương Minh Ngọc đến gặp họa sĩ Huỳnh Văn Gấm tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng (bây giờ là trụ sở của Ban Dân Vận). Vì là người trưởng thành sau chiến tranh nên họa sĩ Hữu Phương được họa sĩ Huỳnh Văn Gấm và nhà văn Khương Minh Ngọc kể lại để anh có tư liệu thực hiện tác phẩm. “Qua lời kể của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, tôi phác thảo chì tại nơi nghỉ của ông. Sau khi được ông đồng ý với bức phác thảo của mình, tôi mới vẽ lại bằng bột màu và hoàn thành tác phẩm trên chất liệu giấy. Tác phẩm được triển lãm tại Bảo tàng Long An và đến bây  giờ vẫn còn lưu giữ tại đây”- họa sĩ Hữu Phương cho biết.

Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi đã đến Bảo tàng Long An và được anh Văn Ngọc Bích - Phó phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Long An - hướng dẫn đến nơi cất giữ bức tranh đặc biệt này. Qua thời gian, tác phẩm đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng màu sắc, hình ảnh về cuộc cách mạng Tháng Tám ở Tân An vẫn còn khá rõ nét, sinh động. Bên góc phải bức tranh vẫn còn lưu giữ chữ ký của họa sĩ Hữu Phương và năm sáng tác 1985. Anh Bích cho biết, tác phẩm này được trưng bày trong mảng  đề tài kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1993, khi bảo tàng làm lý lịch cho tất các hiện vật được trưng bày, lưu giữ tại đây, nhà văn Khương Minh Ngọc (lúc ấy là cố vấn Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An) và nhạc sĩ Trịnh Hùng - thời điểm đó là Phó Tổng thư ký Hội đã xác nhận tác phẩm “Tân an những ngày Tháng Tám 1945” là của họa sĩ Hữu Phương. Trong bảng ghi chép tài liệu hiện vật ngày 16-3-1993 của Bảo tàng Long An ghi rõ: “Những ngày cách mạng Tháng Tám năm 1945”là bức tranh vẽ về đề tài lịch sử do họa sĩ Hữu Phương vẽ dưới sự hướng dẫn của đồng chí Khương Minh Ngọc và họa sĩ Huỳnh Văn Gấm. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng miền Nam, Bảo tàng Long An được thành lập, đồng chí Khương Minh Ngọc (lúc ấy là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Long An) thấy cần thiết phải vẽ những bức tranh về các mốc lịch sử quan trọng của cách mạng tỉnh nhà để trưng bày triển lãm cho nhân dân xem. Cho nên đồng chí đã kết hợp với họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (hai người là những người trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tháng Tám, năm 1945 tại tân An) đã chỉ đạo họa sĩ Hữu Phương vẽ bức tranh “Tân An những ngày Tháng Tám năm 1945”….”.

Tuy nhiên trong quyển tóm tắt Lịch sử Đảng Bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Long An (1930-2005), xuất bản năm 2005, và quyển Lịch sử Đảng Bộ tỉnh Long An (1930-2000) do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2005 đều chú thích đây là tác phẩm “Khởi nghĩa Tháng 8-1945 ở tỉnh lỵ Tân An” của tác giả Huỳnh Văn Gấm?

TRẢ CHO LỊCH SỬ TÍNH CHÍNH XÁC.    

 

Khi biết có thông tin cho rằng tác phẩm “Tân an những ngày tháng Tám năm 1945” tác giả không phải là mình, họa sĩ Hữu Phương vô cùng bức xúc. Anh tâm sự, dù bức tranh đã được vẽ khá lâu nhưng những kỷ niệm về nó vẫn còn in đậm trong anh. “Đây có thể xem như là tác phẩm về đề tài lịch sử đầu tiên của tôi. Tôi không sinh ra trong hoàn cảnh ấy nên khi được bác Khương Minh Ngọc đề nghị vẽ tôi cảm thấy rất lo lắng. Tôi cố gắng lắng nghe những lời kể, những lời hướng dẫn của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm để thể hiện được không khí khởi nghĩa ở Tân An năm 1945. Khi họa sĩ Huỳnh Văn Gấm đồng ý với những gì tôi phác thảo, lúc ấy tôi thấy nhẹ cả người và vô cùng hạnh phúc”.  Phần lớn, những luồng ý kiến kết luận tác phẩm “Tân An những ngày Tháng Tám năm 1945” không phải của họa sĩ Hữu Phương đều bắt đầu từ suy luận một chiều cho  rằng anh không phải là người trong thời kỳ chiến tranh nên làm sao có thể hiểu được những năm tháng sôi nổi ấy(?). Đã có những thông tin vội vàng khi chưa kịp tìm hiểu thêm những tình tiết mang đầy tính thuyết phục cũng như không dánh thời gian để xác định lại ý kiến của những người có liên quan. Trên thực tế việc những tác giả trẻ thể hiện những tác phẩm về đề tài chiến tranh là chuyện rất đỗi bình thường. Tuy họ không sống trong giai đoạn ấy, nhưng bằng nhiều cách khác nhau như qua sách báo, gặp gỡ những nhân chứng sống, những tác giả trẻ vẫn thể hiện được những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc. Họa sĩ Tạ Thị Ánh Hồng (Vĩnh Long) cho biết chị có rất nhiều tác phẩm mang đề tài chiến tranh dù chị là người trưởng thành sau ngày đất nước hòa bình. Chị thường gặp gỡ những nhà cách mạng lão thành, những người sống trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc để tìm tư liệu cho tác phẩm của mình, cho nên, họa sĩ Hữu Phương khi ấy chỉ vừa ngoài 20 tuổi nhưng thể hiện được tác phẩm trong những ngày Cách mạng tháng Tám là chuyện bình thường. Thậm chí, chúng ta còn nên khuyến khích những tác giả trẻ sáng tác về đề tài chiến tranh, xem đây là sự tiếp nối, là cơ hội để người trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc.

 

 

Nhạc sĩ Trịnh Hùng- nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An đã có ý kiến rõ ràng: “Nhớ thời điểm 1984 - 1985, tôi làm chánh văn phòng Hội còn nhà văn Khương Minh Ngọc là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Long An. Tôi hay đi cùng ông nên chuyện chú Sáu Ngọc (nhà văn Khương Minh Ngọc) mời họa sĩ Hữu Phương khi ấy mới về Hội vẽ bức tranh “Tân An những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945” là có thật. Tôi nhớ nhà văn Khương Minh Ngọc đã dẫn họa sĩ Hữu Phương đến gặp họa sĩ Huỳnh Văn Gấm và chính hai ông đã kể lại sự việc những năm khởi nghĩa năm 1945 ở Tân An cho họa sĩ Hữu Phương vẽ tác phẩm. Đến năm 1993, khi tôi là Phó Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật, tôi cùng với nhà văn Khương Minh Ngọc khi ấy là cố vấn Hội đã ký xác nhận với Bảo tàng Long An tác phẩm “Tân An những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945” là của họa sĩ Hữu Phương.

 

 

Linh Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 45

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 44


Hôm nayHôm nay : 9557

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 162752

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8620853