Kiên trì 10 năm Ngày 5/4/2024, NSƯT Võ Thành Sang (biệt danh Cò Sang), nguyên Trưởng đoàn Xiếc Nhân dân Long An, đã tổ chức họp mặt nhân dịp anh vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú. Đến dự mừng NSƯT Võ Thành Sang có đông đảo cán bộ, công nhân viên 2 đoàn Nghệ thuật Cải lương (NTCL) Long An và Xiếc Nhân dân Long An, nơi "Cò Sang" từng có thời gian dài làm lãnh đạo và cũng là nơi giúp anh có những thành tích nghệ thuật để đạt được danh hiệu NSƯT, cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp.
Giống như các cuộc họp mặt mừng danh hiệu NSND, NSƯT khác, tại bữa tiệc mừng Cò Sang cũng có chương trình văn nghệ “hoành tráng”, nhưng tuyệt nhiên không thấy nhân vật chính giúp vui tiết mục nào, đơn giản là vì anh không biết ca nhạc hay ca vọng cổ, càng không biết biểu diễn xiếc, mặc dù anh từng lãnh đạo, “chỉ đạo nghệ thuật” các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Anh không từng đạt huy chương với tư cách diễn viên, nhưng từng trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật nhiều vở diễn, tiết mục xiếc thành công ở cấp khu vực hoặc toàn quốc, như: Vở cải lương “Hãy yêu nhau thật lòng” tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, trong đó có 1 cá nhân đoạt giải Xuất sắc, 5 cá nhân đoạt Huy chương Vàng và 2 cá nhân đoạt Huy chương Bạc; Liên hoan sân khấu Xiếc toàn quốc có các tiết mục “Ngọn lửa Cao nguyên” đoạt Huy chương Vàng, Xiếc thú đoạt Huy chương Bạc, Ảo thuật lồng thời gian đoạt giải Khuyến khích, tiết mục “Hương vị xứ dừa” đoạt giải Xuất sắc,... Với thành tích hoạt động nghệ thuật, anh đã được Nhà nước và ngành chức năng tặng thưởng: 16 bằng khen cấp tỉnh, bằng khen Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Huy hiệu Vì nghĩa vụ quốc tế (1979 - 1989),...
Cách đây gần 10 năm, vào năm 2015, giới nghệ sĩ tỉnh Long An mừng cho Cò Sang khi trong danh sách xem xét đề nghị phong danh hiệu NSƯT lần ấy có tên anh, anh được gọi làm hồ sơ để xem xét được vinh danh. Nhưng rồi việc lấn cấn người chỉ đạo nghệ thuật có được xét trao danh hiệu cao quý hay không vẫn chưa ngã ngũ, nên anh không được vinh danh. Nhưng vẫn kiên trì, không bỏ cuộc, tiếp tục làm thủ tục để được vinh danh về những cống hiến của anh đối với sự nghiệp sân khấu cổ truyền nói chung và của Long An nói riêng. Với gần 30 năm hoạt động sân khấu, anh đã có nhiều đóng góp vào hoạt động nghệ thuật và sân khấu của tỉnh nhà, góp phần cùng các đoàn nghệ thuật đạt thành tích cao ỡ những lần hội diễn, góp phần cho nhiều diễn viên dưới quyền đoạt nhiều huy chương cao quý các loại, nhiều người được phong danh hiệu NSƯT. Tuy anh không có huy chương nào cho riêng mình ở các lần hội diễn (vì ông là lãnh đạo đoàn, không phải là diễn viên), nhưng ở vị trí Trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật, anh đã góp sức để các diễn viên mang về cho tỉnh nhà 6 huy chương vàng, 2 huy chương bạc trong các cuộc tranh tài ở cấp độ toàn quốc.
Sau này, quy chế xét danh hiệu NSND, NSƯT có phần thông thoáng hơn, có chế độ đặc cách xét về công lao cống hiến nghệ thuật và anh đã được Nhà nước tặng danh hiệu NSƯT, xứng đáng với những cống hiến âm thầm của anh cho nghệ thuật sân khấu của Long An, suốt mấy chục năm không mệt mỏi “bay” trên cánh đồng nghệ thuật không chỉ ở Long An.
Từ xã “bay” lên tỉnh Sau ngày thống nhất đất nước, phong trào văn hóa văn nghệ phát triển rầm rộ tới tận xã áp. Trong môi trường đó Võ Thành Sang đã nhanh chóng khẳng định khả năng tổ chức và quản lý biểu diễn nghệ thuật, dù chỉ ở cấp xã. Anh cán bộ văn hóa thông tin (VHTT) xã Mỹ Thạnh Đông huyện Đức Huệ nhanh chóng được phong biệt danh “Bầu Sang” để rồi cái nghiệp làm “Bầu gánh hát” đeo đẳng anh suốt cả cuộc đời. Phòng VHTT Đức Huệ đã không để phí một “Ông Bầu” văn nghệ có tài tổ chức quản lý nên đã rút anh về huyện. Rồi Sở VHTT Long An cũng nhìn thấy ở người cán bộ phong trào cấp huyện một khả năng tiềm ẩn nên đã rút anh về tỉnh. Năm 1985 “Bầu Sang” chính thức trở thành một ông Bầu chuyên nghiệp - Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc chuyên nghiệp tỉnh Long An.
Nguyên Giám đóc Sở VHTT Long An - ông Phạm Văn Trấn chúc mùng Cò Sang. Trong vở cải lương nổi tiếng “Tiếng hò sông Hậu” của soạn giả Điêu Huyền có hai vai phản diện đã đi vào kinh điển nghệ thuật cải lương. Đó là Hội đồng Dư và con trai mình Cò Sang. Hai vai diễn này in đậm vào lòng khán giả mộ điệu không thua kém các vai chính diện. Từ lúc có vở diễn này, bỗng xuất hiện ở ngoài đời rất nhiều “Hội Đồng Dư” và “Cò Sang”. Năm 1988 Võ Thành Sang được điều về làm Phó Trưởng đoàn NTCL Long An, cũng là lúc anh chia tay biệt danh “Bầu Sang” ở Đoàn Nghệ thuật Ca múa Long An để khoác vào một biệt danh mới - “Cò Sang”.
Suốt mười lăm năm làm phó tướng cho Trưởng đoàn Hữu Lộc tại Đoàn NTCL Long An, Cò Sang là người có mặt “trên từng cây số”, sát cánh với Đoàn trên mọi nẻo đường biểu diễn. Nhưng do NSƯT Hữu Lộc cứ áng “mặt tiền” nên Cò Sang không có cơ hội “ló mặt ra lộ”, không có điều kiện “bay” lên làm trưởng đoàn. Năm 2003 lực lượng lãnh đạo Đoàn xiếc Nhân dân Long An bị khủng hoảng, vậy là Cò Sang bay vèo từ Đoàn cải lương sang lãnh đạo Đoàn xiếc. Từ đó Cò trở thành ông chủ gánh hát xiệc (Trưởng đoàn xiếc nhân dân Long An). Để rồi ở đây khả năng quản lý một đoàn nghệ thuật của anh đã có cơ hội phát huy tối đa. Một đoàn xiếc rối bời, xập xệ bỗng trở nên ngăn nắp, quy cũ một cách lạ lùng. Và với tài dìu dắt của ông “cò” đoàn xiếc đã ăn nên làm ra. Ngay trong năm 2005, doanh thu của đoàn đạt 650 triệu, vượt 50 triệu so với chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, đoàn còn mạnh dạn đầu tư để tham dự tuần lễ xiếc Việt Nam tại Hà Nội và có 4 tiết mục đoạt giải xuất sắc. Cũng trong năm, tập thể đoàn đã nhận được 3 bằng khen của Bộ VHTT, 2 cờ thi đua xuất sắc và hơn 20 bằng khen của UBND tỉnh. Với những thành tích trên, Đoàn xiếc Long An đang trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học nghệ thuật của tỉnh nhà và của cả nước, hiện tượng mang đậm dấu ấn của ông Cò.
Đơn giản mà hiệu quả Vào cái thời Cò Sang qua làm lãnh đạo Đoàn NTCL Long An, bộ môn cải lương còn ở giai đoạn cuối thời kỳ vàng son, các đoàn cải lương sống khỏe, nhưng cũng không ít chuyện phức tạp phía sau sân khấu như: Nhậu nhẹt, đánh bài, đánh nhau... Ở Đoàn NTCL Long An cũng vậy, nhiều chuyện phức tạp kéo dài. Về làm quyền Trưởng đoàn NTCL Long An, một buổi tối, sau suất diễn, Cò Sang được báo có 2 anh em hậu đài trong đoàn nhậu nhẹt, rồi gây sự, đánh nhau. Cò Sang tới nơi, lệnh cho mấy anh em “Mang cho tôi 2 thanh kiếm” (đạo cụ dùng để diễn tuồng). Cò Sang phát cho 2 anh vừa đánh nhau mỗi người một thanh kiếm và nói lớn: “Đánh nhau làm gì cho mệt. Mỗi người một thanh kiếm, chém nhau một lần cho biết ăn thua, mai mốt khỏi đánh nữa”. Tất nhiên là 2 anh kia không dám chém nhau, tiu nghỉu xin lỗi “ông Cò”, từ đó trở đi họ không dám đánh nhau nữa.
Năm 2003, Đoàn Xiếc Long An gặp khó khăn trong công tác lãnh đạo. Sở VHTT Long An điều “Cò Sang” từ Đoàn NTCL Long An sang làm Trưởng đoàn xiếc để ổn đinh tình hình. Lúc đó cũng có lời ra tiếng vào, đại ý: Cò Sang biết gì xiếc mà lãnh đạo. Không cần nói nhiều, việc đầu tiên khi về Đoàn xiếc là Cò Sang củng cố lại tổ chức, hoạch định chiến lược biểu diễn, tổ chức học phổ cập văn hoá, diễn viên nào học vấn thấp nhất cũng phải hết lớp 9... Kế đó là mở rộng địa bàn biểu diễn, nhanh chóng khẳng định vị thế của một đơn vị xiếc rạp bạt duy nhất của các tỉnh phía Nam. Kế hoạch 2003 hoàn thành ngon lành, các năm sau Đoàn xiếc của “Cò Sang” luôn thực hiện chỉ tiêu kế hoạch “năm sau cao hơn năm trước".
Võ Thành Sang còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho 2 đoàn Nghệ thuật Cải lương và Xiếc Long An. Khi về phụ trách Đoàn NTCL Long An, Cò Sang chỉ giữ lại một số diễn viên có thâm niên , yêu nghề để làm nòng cốt. Rồi anh thực hiện phương châm “trẻ hóa đội ngũ”. Anh không ngại đường xa vất vả, anh lặn lội đến từng địa phương, gặp từng gia đình các thí sinh để tuyển dụng diễn viên cho đoàn Cải lương, rồi mở lớp, mướn thầy về dạy nghề cho các em, tập dần cho ác em từ vai nhỏ đến vai lớn. Nhờ đó, ngày nay Đoàn NTCL Long An có dàn nghệ sĩ tại chỗ đã trưởng thành, như Vương Tuấn, Ngân Cường, Hùng Dũng, Kim Ngà , Huyền Châu... Trước thời Cò Sang quản lý, Đoàn xiếc Long An luôn nhận diễn viên từ trường xiếc về, họ tuy giỏi chuyên môn nhưng là người ngoài tỉnh, khó gắn bó lâu dài với đoàn. Cò Sang tổ chức đào tạo diễn viên tại chỗ. Trong quá trình đi lưu diễn, anh tìm tòi những em bé nhà nghèo, có tố chất về xiếc, động viên gia đình cho các em theo học nghề (miễn phí, được lo ăn ở hoàn toàn) trong đoàn. Bằng cách ấy anh đã chuẩn bị cho thế hệ xiếc kế thừa là người tại chỗ. Những thí sinh ngày ấy giờ đã trở thành nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp, là trụ cột của 2 đoàn Cải lương và Xiếc Long An, có người được phong tặng danh hiệu NSƯT, là lãnh đạo đoàn nghệ thuật.
Gần 30 năm làm lãnh đạo các đoàn nghệ thuật, sau khi nghỉ hưu, nay ở tuổi 70, Cò Sang tiếp tục hoạt động sân khấu với nhiệm vụ Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ sân khấu VN tỉnh Long An; Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu tỉnh Long An. Cò tiếp tục chứng tỏ là người lãnh đạo, quản lý sân khấu có kinh nghiệm, tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà.