Vốn đam mê nghệ thuật ĐCTT Nam bộ nên dù công tác tại vùng biên, cách xa thành thị, cô vẫn không ngừng nuôi dưỡng và theo đuổi ước mơ của mình. Suốt nhiều năm liền, cô giáo trẻ ngày dạy học, đêm về TP.Tân An theo học lớp ĐCTT do Nghệ nhân ưu tú Hồng Cúc giảng dạy. Không chỉ học ca, tài tử trẻ Huỳnh Lý còn học thêm đờn tranh như một cách thử thách bản thân và thỏa đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Niềm vui khi đứng trên bục giảng của tài tử Huỳnh Lý
Giờ đây, nhắc đến tài tử Huỳnh Lý, hầu hết người chơi ĐCTT trong tỉnh đều biết vì dù nhỏ tuổi, “cô em út” cũng có khá nhiều thành tích trong các hội thi, giao lưu ĐCTT trong và ngoài tỉnh. Tài tử Huỳnh Lý chia sẻ: "Lúc đang học tập tại TP.HCM, tôi làm quen với ĐCTT. Khi về lại quê nhà, tôi tiếp tục được các nghệ nhân ưu tú trong tỉnh dìu dắt, hướng dẫn, nên trưởng thành hơn trong cách ca diễn".
Vừa là giáo viên, vừa nặng lòng với ĐCTT nên trong các tiết dạy của mình, cô giáo trẻ Huỳnh Lý thường chia sẻ với học sinh về những cái hay, cái đẹp của bộ môn nghệ thuật được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thỉnh thoảng, trong giờ giải lao, cô Huỳnh Lý còn ca tặng cho học sinh một đoạn ngắn. Vốn tâm huyết nên cô Huỳnh Lý mong muốn có thể trao truyền cho thế hệ trẻ kiến thức và tình yêu về ĐCTT.
“Học sinh của tôi rất đáng yêu. Thỉnh thoảng, khi có thời gian, các em muốn được nghe cô ca. Tôi thường chọn những bài ca ca ngợi quê hương, anh hùng dân tộc để phục vụ khán giả nhí của mình, vừa tạo không khí vui vẻ, vừa giúp các em hiểu hơn về quê hương” - cô Huỳnh Lý nói.
2. Cũng là thầy giáo nhưng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Thanh Lê có một cách khác để tạo niềm vui và hứng thú cho học sinh, đó là sáng tác, hòa âm nhiều bài hát phục vụ công tác giảng dạy. Trong sách Tài liệu giáo dục địa phương lớp 7 của tỉnh có bài hát Long An quê hương em do nhạc sĩ Thanh Lê sáng tác. Kể về điều này, nhạc sĩ Thanh Lê cho biết: “Ngoài giảng dạy tại Trường THCS An Thạnh (huyện Bến Lức), tôi còn làm công việc hòa âm, phối khí nên rất ít sáng tác.
Tác phẩm Long An quê hương em được tôi phỏng theo ý một bài thơ. Tôi chọn làn điệu dân ca cho sáng tác của mình vì mong muốn các em nhỏ có thể hiểu, yêu hơn quê hương qua âm nhạc, nghệ thuật”.
Nhạc sĩ Thanh Lê thường dành thời gian hòa âm, làm bản karaoke cho các bài hát trong sách Tài liệu giáo dục địa phương
Theo nhạc sĩ Thanh Lê, vì là thầy giáo, hiểu rõ tâm lý, tình cảm, âm vực của học sinh nên trong quá trình sáng tác các ca khúc cho thanh, thiếu nhi, anh có sự điều chỉnh phù hợp để học sinh vừa có thể cảm nhận ý nghĩa, vừa hát tốt bài hát. "Tôi là giáo viên Âm nhạc, mỗi khi lên lớp, dạy học sinh bài hát do mình sáng tác, các em rất hào hứng. Tôi cũng thực sự vui. Hiểu rõ về bài hát do mình viết ra, tôi giảng giải cho các em những nội dung ẩn sau từng câu chữ để các em biết thêm nhiều thông tin về quê hương”.
Vì đam mê, tâm huyết nên ngoài giờ lên lớp, thầy Thanh Lê còn dành thời gian hòa âm, làm bản karaoke cho các bài hát được sử dụng trong sách Tài liệu giáo dục địa phương và cung cấp miễn phí cho thầy, cô giáo cùng bộ môn.
Thầy Thanh Lê nói: “Không phải tác giả nào cũng có điều kiện hòa âm và ra mắt bản thu âm bài hát của mình, cũng có tác giả chỉ có video bài hát nhưng chưa có bản karaoke, như vậy rất khó cho giáo viên trong quá trình giảng dạy. Tùy từng bài hát, tôi xin phép tác giả, hỗ trợ được phần nào tôi đều cố gắng hỗ trợ, chỉ mong các em có được file âm thanh bài hát mẫu và file nhạc để học hát dễ dàng hơn”.
Người làm nghệ thuật thường có tâm hồn “bay bổng”, người thầy lại có tình yêu thương dành cho học sinh của mình. Và không có gì quá ngạc nhiên khi có những người làm tốt cả 2 vai trò, vừa làm nghề giáo, vừa tham gia nghệ thuật./.
Mộc Châu
Theo baolongan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Đang truy cập : 12
Hôm nay : 3138
Tháng hiện tại : 75400
Tổng lượt truy cập : 10820623