Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

CÁC GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CẦN TIẾP TỤC RÈN LUYỆN, PHÁT HUY TRONG THỜI KỲ MỚI

Giá trị cốt lỗi hay phẩm chất cách mạng về “Sự tận tụy, sự trung thành, tiêu chuẩn 3T (Tâm - Tầm - Tài), đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn lên” là các giá trị bền vững mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải học tập, rèn luyện và phát huy trong mọi bối cảnh lịch sử, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng,Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng,Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

Con người là yếu tố quyết định thành - bại của mọi công việc. Trong lãnh đạo quản lý, cán bộ là hạt nhân, là yếu tố quyết định niềm tin của nhân dân đối với cả hệ thống chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân”, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, xem đây là khâu “then chốt của then chốt” trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Làm sao để “người đầy tớ” hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để từ đó giữ gìn và củng cố được niềm tin trong nhân dân, xứng đáng là người nhận trách nhiệm ủy thác, giao phó từ nhân dân?
Thành quả cách mạng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đạt được trong suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong năm 2021 là rất đáng trân trọng và tự hào. Trong năm 2022 và những năm sắp tới, mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra là hết sức nặng nề trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thời cơ và thách thức đan xen. Để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang mà toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đặt lên vai chúng ta, đòi hỏi tất cả cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện, học tập, vun đắp cho mình những phẩm chất cách mạng hay những giá trị cốt lõi về: Sự tận tụy, sự trung thành, tiêu chuẩn 3T (Tâm - Tầm - Tài), đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn lên.
Khái niệm về các giá trị cốt lõi hay các phẩm chất cách mạng cần có đối với cán bộ, đảng viên
Giá trị cốt lõi đó hay phẩm chất cách mạng là các giá trị bền vững mà mọi cán bộ, đảng viên cần phải học tập, rèn luyện và phát huy trong mọi bối cảnh lịch sử, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Việc quán triệt, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên hiện nay là phải làm cho giá trị cốt lõi đó được lan tỏa, thẩm thấu trong cả hệ thống chính trị thông qua những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực đem lại lợi ích cho nhân dân, cho dân tộc. 
* Sự tận tụy là hết lòng, hết sức với công việc của mình làm; tận tâm, tận lực với trách nhiệm được giao. Tận tụy được biểu hiện qua các đức tính cần cù, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ, hy sinh; qua cách làm việc chu đáo, tỉ mỉ với tinh thần trách nhiệm cao, không vì lợi ích riêng tư, lợi ích cục bộ. Đã tận tụy thì dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng quyết tâm làm, nhằm đi đến thắng lợi cuối cùng; không tận tụy thì dù việc rất dễ dàng cũng khó bảo đảm thành công.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích cách mạng của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Quần chúng nhân dân chỉ quý mến những người cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đối với đời sống của người dân. Nhân dân lao động, quần chúng ngoài Đảng thường nghe đảng viên nói và nhìn vào hiệu quả đảng viên làm mà xem tư cách, đánh giá năng lực của người đảng viên. Làm cán bộ phải biết yêu thương dân, kính trọng dân, giúp đỡ dân, thực tâm giải thích và hướng dẫn cho nhân dân khi dân chưa hiểu rõ vấn đề… để từ đó có thể hiểu được lòng dân, biết được ý của dân, để được dân tin tưởng, nghe theo và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, của Nhà nước. Ngược lại, nếu không thương dân, không thực tâm lo lắng cho lợi ích của nhân dân mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình thì đó là người cán bộ, đảng viên không có đạo đức cách mạng, không có ý thức trách nhiệm đối với nhà nước và nhân dân.
Người cán bộ, đảng viên muốn nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nhất thiết phải vừa thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức cách mạng của người cán bộ, nghĩa là biết “nhận thức rõ phải, trái. Giữ vững lập trường, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Người cán bộ phải nêu gương “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, dù công tác ở lĩnh vực nào cũng đều phải học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng, trên cương vị cấp bậc càng cao thì càng phải nêu gương về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt ngày càng nhiều thêm”.
Ở tỉnh ta, trong điều kiện nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện xuống cấp về tư tưởng đạo đức, thoái hóa biến chất, lãng phí; chưa tận tâm, tận lực với công việc, chưa tận tụy với nhân dân, còn tình trạng vòi vĩnh, gây khó dễ cho nhân dân và doanh nghiệp; chưa đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết, mà còn đặt nặng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, từ đó xa rời các nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với cán bộ Nhà nước. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (theo Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng) về sự tận tụy, “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” phải là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên; bởi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa cơ bản, lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Học tập và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải quán triệt “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Để làm được thế, trong trái tim của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không thể thiếu tình yêu đất nước và lòng thương mến nhân dân, lòng tự trọng, lòng tự tôn dân tộc. Mỗi đảng viên phải tự biết nuôi dưỡng, rèn luyện và hâm nóng tình yêu ấy suốt đời. Có như vậy, cán bộ, đảng viên mới tự giác rèn luyện cho đầu óc mình minh mẫn, sáng suốt và trong sạch để tập trung hết tinh thần, sức lực, trí lực làm việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
* Sự trung thành là trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, giữ trọn những tình cảm gắn bó, những điều đã cam kết với ai hay cái gì. Ai ở đây được hiểu là quốc gia, tổ chức và nhân dân. Đối với quốc gia, phải tuyệt đối chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Đối với tổ chức, phải trung thực tuân thủ nghiêm nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan đơn vị; phải chấp hành sự phân công, điều động của cấp trên. Đối với nhân dân là người đầy tớ, là công bộc, là người phục vụ lợi ích của nhân dân. Trung thành là giá trị đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có; cán bộ, đảng viên có vị trí càng cao thì sự trung thành đòi hỏi càng lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trung với nước, hiếu với dân”, mỗi cán bộ đảng viên phải trung thành vô hạn với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, tham gia tích cực vào việc đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
* Nguyên tắc 3T: Tâm - Tầm - Tài
Chữ Tâm gần nghĩa với chữ Đức, có nghĩa là sự thiện lương, tử tế, là lương tâm của một con người, là sự đức độ, lòng tốt, là lương tri của một người. Theo Khổng Tử: Cái tâm của con người chính là “nhân”; trong trời đất và trong nhân tính chỉ tồn tại chân, thiện, mỹ, “Nhân chi sơ tánh bản thiện”. Theo lời Bác dạy: Người cán bộ đảng viên muốn nâng cao ý ‎‎‎thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nhất thiết phải vừa thực hiện đạo đức công dân, vừa thực hiện đạo đức cách mạng của người cán bộ, phải biết “nhận thức rõ phải, trái. Giữ vững lập trường, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”.
Chữ Tầm có nghĩa là tầm cao, tầm vóc, tầm cỡ, tầm nhìn xa trông rộng của một người hay tập thể; cái tầm phụ thuộc chủ yếu vào tài năng, đức độ của một người, một tập thể.
Chữ Tài là tài năng, kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp.
Tâm, tầm và tài có mối liên hệ tác động hữu cơ với nhau. Cán bộ, đảng viên có tâm kết hợp có tài thì ắt có tầm cao, tầm nhìn xa trông rộng, có bản lĩnh và trí tuệ vượt qua nghịch cảnh, khó khăn để vươn tới thành công trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Có tâm mà không có tài thì khó mà làm được việc gì, ngược lại có tài mà không có tâm thì vô cùng tác hại. Bác Hồ đã dạy: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng. Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”;  thiếu tâm hoặc tài thì chỉ trở thành tầm thường, tầm thấp mà thôi. Đức và tài bổ sung, hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến. Nhưng trong lời dạy của Bác, rõ ràng vị trí của đức được coi là hàng đầu, là yếu tố quyết định; chính vì thế, thiếu đức con người trở thành vô dụng, thiếu tài người ta làm việc gì cũng khó.
Trong giai đoạn hiện nay, thời đại cách mạng 4.0, muốn có tầm nhìn xa, muốn xử lý, quyết định đúng trong mọi tình huống, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải không ngừng học tập, tu dưỡng suốt đời và tự rèn luyện, trang bị cho mình đủ tâm, đủ tài để tiến tới đủ tầm đảm đương công việc được giao. Có thể khẳng định, thấm nhuần tư tưởng, quan điểm về tâm, tầm và tài vào xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng trong tình hình hiện nay là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 
* Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra và ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý, đổi mới tư duy để nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tư tưởng đổi mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ sớm trong tác phẩm “Đường kách mệnh” năm 1927; sau đó, được Người nhắc lại, làm rõ thêm trong nhiều bài viết, bài nói, nổi bật là “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Đời sống mới” (năm 1947), “Dân vận” (năm 1949), đặc biệt là trong bản Di chúc thiêng liêng (năm 1965 - năm 1969); các bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã toát lên một hệ thống luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về đổi mới. Theo Người, đổi mới phải xuất phát từ nhu cầu khách quan của thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tiễn và giải quyết hiệu quả những đòi hỏi của thực tiễn; là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, gian khổ, phải kiên định, kiên quyết, kiên trì, lựa chọn những bước đi thích hợp. Đổi mới không phải là phủ định sạch trơn, mà là sự kế thừa và phát triển; cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm. Có thể khẳng định, tinh thần đổi mới, sáng tạo vì lợi ích của đất nước, dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hy sinh, phấn đấu vô cùng cao đẹp và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong diễn văn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng của tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo là yếu tố đột phá, quyết định cho sự phát triển. Nếu như Đại hội XI là Đại hội bổ sung, phát triển Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế; Đại hội XII là Đại hội chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thì Đại hội XIII phản ánh nhận thức mới của Đảng về sức mạnh nội sinh và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
* Khát vọng là mong muốn làm được, đạt được những giá trị cao quý, điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống; khi con người có khát khao mãnh liệt, nó sẽ là động lực thôi thúc con người nỗ lực để đạt đến điều mong muốn và không bao giờ từ bỏ; người có khát vọng sống mạnh mẽ luôn thành công trong cuộc sống, được mọi người tôn trọng và giúp đỡ. Khát vọng vươn lên chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên tiềm tàng bên trong mỗi con người. Bác đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính lòng yêu nước nồng nàn, ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước, khát vọng dân tộc là động lực thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước.
Đại hội XIII xác định phương châm hành động là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, qua đó thể hiện khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất định sẽ lập nên thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn thịnh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta. Theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW xác định chủ đề toàn khóa và năm 2021 là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhằm quán triệt sâu sắc tư tưởng chủ đạo của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đối với mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để không ngừng nỗ lực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, tự giác nêu gương, lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xây dựng kế hoạch để thực hiện ý tưởng, khát vọng của mình đạt được kết quả tốt nhất trong công việc, đời sống.
Từ lý luận đến thực tiễn
Năm 2021 - là một năm với vô vàn những khó khăn, thách thức, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân. Nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, linh hoạt và sáng tạo thực hiện thành công “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Trung ương. Trước tiên, phải khẳng định rằng, chính sự “bền gan, vững chí” đã tạo nên sức mạnh to lớn để Long An giành thế chủ động, từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và trở thành địa phương đầu tiên trong vùng tâm dịch thực hiện “mở cửa” nền kinh tế; các hoạt động kinh tế - xã hội được phục hồi nhanh, thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái “bình thường mới”, từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Nhờ vậy, mà tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 1,02% (đứng thứ 4/13 tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 4/8 tỉnh, thành vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam), mức tăng trưởng này tuy không đạt so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn là khá tốt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 18.800 tỷ đồng, đạt 124% dự toán Trung ương và đạt 121% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được củng cố, cải thiện. Đặc biệt, năm 2021, Long An trở thành điểm sáng của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam trong thu hút đầu tư và vươn lên đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 3,8 tỷ USD, chiếm 12,3% cả nước.
Song song đó, tỉnh đã tập trung chăm lo đời sống nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán Nhân Dần, đã đảm bảo mọi nhà, mọi người trên địa bàn tỉnh đều được vui Xuân đón Tết, với tinh thần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, theo đúng chủ trương của Chính phủ “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững; hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng hiệu quả; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào thực chất. Người dân, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, đồng thuận vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng với Đảng bộ và chính quyền tỉnh.
Những thành quả đạt được trong năm 2021 và nhiều nhiệm kỳ trước, đã đặt nền móng quan trọng, tạo ra những kinh nghiệm quý báu và kỳ vọng về sự phát triển mang tính bước ngoặt, đột phá cho năm 2022. Trọng trách, nhiệm vụ của năm 2022 cần gánh vác là hết sức to lớn, đặc biệt là những vấn đề mới phát sinh cần tiếp tục giải quyết trong bối cảnh “bình thường mới” và tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, đây là năm thứ hai triển khai thực hiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho các năm tiếp theo thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 đã đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; với tinh thần chung là phải tạo đột phá tổng thể trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2022. Nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, công tác cán bộ được xem là then chốt của then chốt; do yếu tố con người là quan trọng nhất, công tác cán bộ ngay từ đầu đúng chiến lược, chọn được người đủ năng lực, phẩm chất đạo đức thì những chủ trương chính sách sau này mới có cơ hội được thực hiện thành công. Người cán bộ không chỉ là yếu tố cốt lõi trong hệ thống chính trị mà còn là nơi gửi trọn niềm tin của nhân dân. Chú trọng chất lượng, phẩm chất cán bộ chính là chăm chút cho lòng tin của nhân dân với Đảng bộ và chính quyền.
Với nhận thức đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện bản thân, luôn tiên phong, gương mẫu và phải trang bị cho mình hành trang vững chắc là những phẩm chất, giá trị cốt lõi về sự tận tụy, lòng trung thành, nguyên tắc 3T (Tâm - Tầm - Tài), sự đổi mới sáng tạo và khát vọng vươn lên. Học ở Người, toàn Đảng và toàn quân Long An, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều phải tích cực tự giác nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Phải tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, nhất quán quan điểm “xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”. Tăng cường cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong khởi nghiệp, đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; trong đó, cần đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; phải thật sự là công bộc của dân, luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin mà Đảng và nhân dân giao phó. Bên cạnh đó, rất cần huy động sự tham gia, đồng hành, chung tay, góp sức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vì sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Long An - đó là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 63


Hôm nayHôm nay : 6506

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 171994

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8318404