Thứ hai 14/10/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Gần 120 đại biểu sẽ tham dự Đại hội Hội nhà văn Việt Nam khóa 10

Đại hội Liên chi Hội Nhà văn các cơ quan Trung ương lần này dự kiến sẽ đưa ra thảo luận nhiều vấn đề, đặc biệt là về bảo vệ quyền nhà văn và lao động sáng tạo.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Đại hội Liên chi Hội Nhà văn các cơ quan Trung ương vừa diễn ra ngày 3/10 tại hội trường tòa soạn báo Nhân Dân, số 71 Hàng Trống, Hà Nội. Tham dự đại hội có nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các Phó chủ tịch Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa và các ủy viên Ban chấp hành cùng hơn 200 nhà văn, nhà thơ.

Tại đại hội, các đại biểu đã chính thức lựa chọn và biểu quyết thông qua danh sách 117 nhà văn và 3 đại biểu dự khuyết, chiếm khoảng 50% tổng số hội viên của Liên chi hội, đi dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.

Đại hội cũng đã nghe các báo cáo, tham luận và thông qua “Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020,” “Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025,” “Dự thảo Báo cáo Sửa đổi Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam,” “Dự thảo Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ 2015-2020 của Ban Kiểm tra Hội,” “Bản Kiểm điểm của Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2015-2020.”

Một trong số nhiều vấn đề được đưa ra tham luận gồm câu chuyện bảo vệ quyền tác giả từ phía nhà thơ, nhà văn Trần Thị Trường, hiện là Phó Giám đốc khu vực phía Bắc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Bà kể lại câu chuyện của chính mình khi phải mang bản thảo sang Mỹ để xuất bản thay vì in tại Việt Nam. Bản thân là người làm công tác bảo vệ quyền tác giả, bà Trường nắm rõ về Luật Sở hữu trí tuệ và cho rằng Hội chưa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền của nhà văn. 

Chỉ ra vì sao nhiều tác phẩm văn học chưa có sự hấp dẫn nhất định, nữ nhà thơ, nhà văn Nguyễn Tuyết Mai tham luận với chủ đề tác giả trẻ và việc đi thực tế để sáng tác. Theo nhà văn, mặc dù đây là một vấn đề nhỏ nhưng không kém phần quan trọng với thế hệ tác giả 8x, 9x. Bởi một tác phẩm văn chương có mạnh về ý tưởng, trí tuệ đến thế nào vẫn cần chạm vào trái tim người đọc. Và một trong những yếu tố để làm được điều đó chính là giá trị nội dung với những lắng đọng, sâu sắc thật sự từ những chuyến đi thực tế sáng tác. 

Bên cạnh đó, nhà văn Nguyễn Tuyết Mai cũng chỉ ra một số vấn đề về việc đi thực tế nhưng tác phẩm chưa đạt tới mức sâu sắc, chưa lột tả được bản sắc địa phương nơi mình đến, thậm chí có hiện tượng đạo văn, sử dụng tiểu xảo trong tác phẩm để rồi vỡ lở ra là nhà văn chưa từng đến khu vực đó. 

Cuối tham luận, cô gợi ý nhà văn kết hợp tác nghiệp ở nhiều loại hình khác nhau như báo chí, lý luận phê bình hoặc liên kết hội nhà văn với các mảng du lịch, điện ảnh, nhiếp ảnh để cùng quảng bá, tăng cường tạo điều kiện cho nhà văn trẻ đi thực tế, viết theo những chủ đề cụ thể.

Kết lại Đại hội, Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh khẳng định chủ trương của hội là tập trung vào vấn đề trung tâm chứ không phải nhân vật trung tâm như trước đây. Về vấn đề bảo vệ quyền tác giả, ông cho rằng hội đã nỗ lực đấu tranh vì tác giả, tác phẩm Việt Nam, một trong số đó là trường hợp tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của tác giả Nguyễn Ngọc Tư và nhiều nhà văn, nhà thơ khác song cũng chưa thể xử lý hết từng trường hợp tác giả gặp khó khăn trong xuất bản sách..../. 

 

Theo TTXVN

Theo baolongan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 21


Hôm nayHôm nay : 2016

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 70340

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 10541386