Thứ hai 20/05/2024

NỘI DUNG CHÍNH

VẸN NGUYÊN KÝ ỨC ĐIỆN BIÊN

Chiến sỹ Điện Biên Hoàng Văn Hiển (ảnh chụp sau chiến dịch Điện Biên 1954)

Chiến sỹ Điện Biên Hoàng Văn Hiển (ảnh chụp sau chiến dịch Điện Biên 1954)

Trung Dũng

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Là đồng đội lại là đồng hương xứ Nghệ, nên câu chuyện giữa tôi và Cựu chiến binh Điện Biên - Hoàng Văn Hiển (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) càng trở nên thân mật và cởi mở; ông là một trong 3 “Chiến sĩ Điện biên” còn lại đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Long An và cả ba đều sinh năm 1935, đều xấp xỉ tuổi 90, trong đó chỉ mình ông còn khỏe mạnh, minh mẫn; 2 cụ còn lại (Trịnh Thị Khai, phường 4; Nguyễn Đình Đăng, phường 5) đều sức khỏe yếu.
Ông kể: Năm 1950, chàng trai Hoàng Văn Hiển (Đô Lương, Nghệ An, mới 14 tuổi) đã tham gia kháng chiến; khởi đầu làm giao liên cho Ty Quân giới Liên khu 4 để “chờ” đủ tuổi vào quân đội. Khi Liên khu 4 dốc sức cùng các địa phương khác đảm bảo hậu cần cho đại quân ta đánh Điện Biên Phủ ông liền tham gia lực lượng thanh niên xung phong lên đường ra trận phục vụ chiến đấu trong đội hình của Đại đội 35 (C35), Tổng đội 34 Thanh niên Xung phong. “Cứ bốn ngày hành quân về ban đêm lại nghỉ một ngày. Suốt chặng đường dài 500 đến 600 km (tính từ Hà Tĩnh),  vượt qua biết bao đèo cao, suối sâu, vực thẳm, đối phó với muỗi, vắt, thú dữ và máy bay, biệt kích, thổ phỉ... Nhưng với ý chí, nghị lực, sức trẻ, đại đội của ông đã hành quân đến đích an toàn, đúng hạn định. Trên đường đi, gặp các đoàn dân công, chúng tôi chào và hỏi thăm nhau, cùng nhau "hò lơ, hò lờ", nhảy điệu "sol la sol", thật sôi động, vang cả núi rừng”, ông kể.

Cựu chiến binh - Hoàng Văn Hiển (trái) đang hào hứng kể chuyện tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên 70 năm trước.

Do tình hình chiến sự lúc bấy giờ hết sức ác liệt, bộ đội ta thương vong nhiều nên tất cả đơn vị thanh niên xung phong của ông được lệnh chuyển sang bổ sung quân số cho quân đội rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình C35, Tiểu đoàn 125, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316.  Đại đoàn 316 là 1 trong 5 Đại đoàn chủ lực góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn được giao những mục tiêu tiến công quan trọng như tiến công cứ điểm C1, C2, A3 được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi và được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, vì đã hoàn thành nhiệm vụ nhanh gọn nhất trong toàn Mặt trận.
Ác liệt và vẻ vang nhất khi Ðại đoàn 316 của ông Hiển chiến đấu tiêu diệt cứ điểm A1; là cứ điểm có tầm quan trọng bậc nhất, là điểm cao then chốt trong dãy điểm cao phòng ngự phía đông tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Thực hiện nhiệm vụ đó, Ðại đoàn đã đào một đường hầm từ trận địa ta đến dưới hầm địch, rồi dùng một lượng thuốc nổ gần 1.000 kg đánh sập hầm. Trong 16 ngày đêm, bộ đội đã đào sâu vào lòng đồi A1 một đường hầm dài 49 m, đặt 50 gói bộc phá và hơn 400 kíp nổ cùng với đào 200 m giao thông hào cách địch khoảng 200 m dưới làn hỏa lực của địch để tiếp cận đường hầm.
Ðúng 20g30 phút ngày 6/5, tại Ðồi A1 một chớp lửa lớn như sấm sét, kèm theo tiến nổ long trời lở đất; bộ đội ta xông lên đập tan hoàn toàn sức kháng cự của địch, làm chủ đồi A1. Chiến thắng ở cứ điểm đồi A1, sau đó là C2 đã tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức trận tổng công kích vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và các mục tiêu còn lại ở khu trung tâm. 15 giờ ngày 7/5, ta mở trận tổng công kích trên toàn mặt trận. 17g30 phút cùng ngày, Ðờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bị bắt sống. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng. Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục và anh dũng, Ðại đoàn 316 đã góp phần xứng đáng cùng các lực lượng trên toàn mặt trận đập tan tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ.
Kể về chiến thắng, chợt nhớ đến đồng đội, giọng ông lại chùng xuống rưng rưng: “Khốc liệt lắm, có người vừa tươi cười với mình hôm trước, hôm sau đã hi sinh. Tôi rất thân với anh Lân - đồng hương Nghệ An, hai anh em hẹn nhau sau chiến thắng thì trở về cùng đi học, ấy vậy mà anh đã ra đi!”. “Đã từng chiến đẩu bên nhau/Kẻ còn người khuất khắc sâu mối tình/ Điện Biên liệt sĩ anh linh/ Các anh yên nghỉ quang vinh đời đời” (Trích trong bài thơ ông Hiển sáng tác khi về thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ)
Kỷ niệm đẹp nhất khi là đang là “chiến sỹ Điện biên” ông và anh em trong đơn vị được gặp Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Hôm đó ông cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ thu chiến lợi phẩm sau trận đánh, Đại tướng đã ân cần dặn dò: “Anh em phải cẩn thận mìn, đồ hộp phồng hơi (hết hạn sử dụng) thì đừng ăn kẻo đau bụng nhé!”. Chỉ đôi câu ngắn gọn nhưng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của “người anh Cả” đối với chiến sĩ. Sau này, ông Hiển cũng có nhiều dịp gặp lại Đại tướng, nhất là trong thời gian ông tham gia bảo vệ Bác Hồ khi Đại tướng đến thăm hoặc làm việc với Bác, rồi trong những lần họp mặt chiến sĩ Điện Biên,... Đối với ông, lần nào cũng vậy, cảm nhận về Anh Văn vẫn luôn là sự gần gũi, thân thương...
  Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một vinh dự bất ngờ đến với ông, khi ông được chọn vào đơn vị làm nhiệm bảo vệ Bác Hồ. Lúc ấy, cảm xúc của ông như vỡ òa, vui mừng xen lẫn vinh dự, tự hào. Mỗi khi nhắc đến những năm tháng được sống bên Bác, ông xem đó là quãng đời đẹp nhất của mình. Người chiến sĩ Điện Biên năm xưa bồi hồi nhớ lại: “Khi chính thức được nhận nhiệm vụ đặc biệt “bảo vệ lãnh tụ”, tất cả anh em chúng tôi ai cũng xúc động. Không nói ra nhưng ai cũng lo âu vì nhiệm vụ quá to lớn đối với mình, nhưng đều quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Ngày 10/10/1954, đã trở thành thời khắc lịch sử tràn đầy cảm xúc khi đại quân ta tiến vào giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ngày 15/10/1954, Thủ đô Hà Nội vinh dự được đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về. Tại Phủ Chủ tịch, chiến sĩ Hoàng Văn Hiển vinh dự cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Với ông đây là quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời chiến sĩ. Ông kể: “Thường ngày, Bác vẫn mặc bộ bà ba màu nâu dân dã, chân đi đôi dép lốp từ khi còn ở chiến khu. Tranh thủ đôi lúc rảnh rỗi, Bác tập trung chúng tôi lại. Bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, Bác chỉ bảo những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng thật cần thiết cho lính trẻ chúng tôi: Từ lời ăn, tiếng nói khi tiếp xúc với dân; phải lễ phép ra sao, khiêm tốn thế nào, phải tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán đến cách đi đứng trong cơ quan, ngoài đường đến cả việc thường ngày như khi thể dục, đánh răng, rửa mặt,... chẳng khác gì người cha hiền chỉ bảo đàn con thương yêu”.
Trong ký ức ông Hiển vẫn in đậm kỷ niệm “Mỗi khi nhận được tiền nhuận bút viết báo từ Liên Xô, Bác đều gửi hết cho chúng tôi, Bác nói: ‘Nhiều no, ít đủ, Bác không có nhiều tiền, số tiền này tặng cho các chú thêm vào mua con giống. Cố gắng tăng gia để đơn vị có thêm cá, thịt bồi dưỡng sức khỏe...”. Chúng tôi nhận từ tay Bác đồng tiền nhỏ nhoi nhưng tràn đầy ý nghĩa, càng thấm thía về sự quan tâm sâu sắc của Bác, lòng thầm hứa phải cố gắng rèn luyện, tu dưỡng bản thân để xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ...”.
 Sau thời gian làm nhiệm vụ đặc biệt, vinh dự ấy (1954-1958), ông được cấp trên lựa chọn đi học Đại học Bách Khoa; ra trường công tác tại Bộ Công nghiệp (Khu gang thép Thái Nguyên). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, do yêu cầu công tác, ông được điều động vào Long An tăng cường cho đội ngũ cán bộ khoa học địa phương. Đến năm 1991, ông nghỉ hưu.
Biết bao kỷ niệm thật sâu sắc trong những năm tháng được vinh dự sống bên Bác được ông Hoàng Văn Hiển nhớ lại. Ông nói rằng, những lời chỉ bảo ân cần, những việc làm và tấm gương đạo đức sáng ngời của vị lãnh tụ vô vàn kính yêu đã giúp ông - một người lính bình thường, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, được trưởng thành, được đi học và trở thành người cán bộ, đảng viên, ông luôn tâm nguyện: “Suốt đời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực./.
                                                                                                Trung Dũng


 
Từ khóa: chiến thắng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 42

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 40


Hôm nayHôm nay : 8136

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 211875

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8974795