Một liệu pháp dưỡng sinh mang tính trí tuệ và sang trọng

Một liệu pháp dưỡng sinh mang tính trí tuệ và sang trọng
Câu lạc bộ thơ Long An có thể coi như là câu lạc bộ dưỡng sinh về trí tuệ của gần một trăm cán bộ về hưu của hai thành phố Tân An (Long An ) và Mỹ Tho (Tiền Giang). Phương châm: Sống Vui, sống khỏe và sống có ích – không chỉ là khẩu hiệu của những người cao tuổi mà được chính những người cao tuổi biến thành hành động thực tế, và thú vị thay đây đã là tập thơ thứ mười tám của các cụ. Nói thế để bạn đọc biết rằng đây là một hoạt động thường xuyên chứ không phải là nhất thời kiểu phong trào.

Ấn tượng chung khi đọc cả tập thơ này là bàng bạc những hoài niệm về quá khứ, một quá khứ. Đó có thể là một thoáng “cô đơn” – Văn Trọng, ngắm nhìn “nước chảy về nguồn” để nghĩ về những nổi trôi đời người được mất:
Góp chung những khoảng tình đời
Ấu thơ sẵn có một đời long đong
Theo chồng nghĩ đã thong dong
Nào ngờ thôi đã nửa dòng buông trôi
                                                 Hiền Trang – Tình đời.
Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả là tình yêu quê hương đất nước bởi phần lớn các tác giả trong tập này đều đã lăn lộn nhiều: hoặc trên các chiến trường khói lửa hoặc các miền quê trên suốt dọc dải đất hình chữ S thân thương này. Điều đó thể hiện ở chỗ nhiều bài thơ là tên các địa danh hoặc nói về các địa danh trong Nam ngoài Bắc. Đó là Nha Trang, về thăm Đồng Tháp của Quỳnh An; chiều Mũi Né, Hồn quê của Duy Hoàn; Ngã ba Đồng Lộc, ngẫu hứng tháng Tư, Bên sông Vàm cỏ, Sông Vàm vào xuân của Ngộc Lộc; Quê tôi của Hồng Giang; Chợ Gạo quê em, Mỹ Tho thành phố của tôi của Thu Sách; Ra bến Vân Đồn của Văn Tân; Đại Từ tôi yêu, Về quê của Thanh Tân; Gửi Trường Sa của Thanh Tuyền; Xuân về quê mẹ của Hiền Trang; Quê hương của Văn Trọng …. Khi đứng riêng ra thì những địa danh trong các tựa bài thơ trên chưa nói lên được điều gì cả. Nhưng khi đặc chúng bên nhau thì sẽ tạo nên một trường liên tưởng thẩm mĩ giàu tính nhân văn trong người đọc, nhất là trong những bài ấy có được những hình ảnh thơ như thế này thì lại càng sâu sắc hơn:
Chiều buồn hồn gởi về quê
Ngổn ngang trăm mối bốn bề dọc ngang
Xa xôi quê mẹ miền Trung
Nhưng hồn vẫn tưởng bên lưng mẹ hiền
                                                       Duy Hoàn – Hồn quê
Thế hệ trẻ bây giờ có lẽ không hiểu và cảm được bao nhiêu hình ảnh thơ ở câu cuối. Bây giờ, “Bầu sữa mẹ vẫn nuôi dưỡng cả thế giới” (M.Gorki) đó thôi nhưng ở đầu thế kỷ trước, con người nói chung, người mẹ nói riêng, nuôi con cực khổ thiếu thốn trăm bề chứ đâu có đầy đủ các phương tiện như bây giờ “ngày lưng mẹ, đêm nằm bên giường mẹ” (Vương Trọng).
Người đọc còn cảm thấy nhẹ lòng hơn khi không ít lần được chia sẻ niềm vui với các cây bút thơ phần lớn đều ở ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”. Đó là “Mừng xuân có Đảng của Quỳnh An, Hạnh phúc của Lê Thanh Châu, Quê em thay đổi của Hoàng Yến, Mừng anh Văn- đại tướng Võ Nguyên Giáp- tròn trăm tuổi của Thanh Lân Hoàng Văn Hiển- người cụ chiến binh đã có thời làm cận vệ cho Bác, rồi thì niềm vui và khoảng lặng của Vũ Ngọc Linh, Mừng xuân mừng Đảng của Chu Văn Trang …
Tóm lại, do khuôn khổ và đặc trưng thể loại của bài viết nên tác giả không thể “điểm danh” được tất cả những tác giả đã hội ngộ trong câu lạc bộ dưỡng sinh đặc biệt này. Việc có được “Vàm cỏ - dòng sông thi ca” như đã nói đầu bài đây là điều đáng trân trọng và biết ơn. Dù vẫn còn sai sót về mặc kỹ thuật, nhưng dẫu sao, ngày xuân được đi dọc “dòng sông thi ca - Vàm cỏ” là vui rồi.
                                                  Trước thềm năm mới Quý Tỵ

Tác giả bài viết: Phan Văn Tường

Nguồn tin: VNLA XUÂN 2013