MỘT CHUYẾN VỀ TÂY NINH

Vào những ngày cuối tháng Năm, chúng tôi gồm 20 hội viên của Chi hội Văn nghệ dân gian thuộc Hội LHVHNT tỉnh Long An tổ chức chuyến thực tế tới khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Đầu tiên, chúng tôi dừng chân trước núi Bà Đen. Sừng sững phía trước là ngọn núi giống như một dấu chấm than khổng lồ dựng ngược, cao 986 mét, cao nhất Nam Bộ.

Những câu chuyện dân gian đã biến thành những ngôi đền thiêng dựa vào đá núi, chót vót trên tận đỉnh cao, vững chắc qua bao  năm tháng. Người ta đã lắp đặt hệ thống cáp treo giúp du khách dễ dàng từ mặt đất lên tới đỉnh núi để được đắm mình vào không gian huyền ảo của những câu chuyện từ ngàn xưa gửi lại. Đó là câu chuyện về người thanh niên tài cao, chí lớn, chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước. Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp, đức hạnh với làn da bánh mật. Cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, khi bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh nàng đã leo lên  đỉnh núi gieo mình tự vẫn. Người con gái tiết trinh được dân gian tôn vinh là “ Bà Đen” được thờ trên đỉnh núi, đã thành tên ngọn núi hôm nay. Nhiều người, có cả những cụ già chống gậy lần từng bước một, nhất quyết không ngồi cáp treo để lên tới đỉnh. Sức mạnh tinh thần luôn là một điều kỳ diệu đôi khi chính con người cũng không thể hiểu nổi.

 

Rời núi Bà Đen, chúng tôi đến khu di tích căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Đây chính là chiến khu xanh trong cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ của dân tộc. Ở đây có những huyền thoại có thật, nơi gửi gắm niềm tin sắt đá của bao thế hệ những người kháng chiến bảo vệ độc lập tự do dân tộc. Vào những ngày kháng chiến gian khổ, chúng tôi, những người lính ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sình lầy luôn hướng về nơi đây với một niềm tin  son sắt.

Khu rừng, nơi làm việc của các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác nằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Rừng nơi đây vẫn xanh như năm nào. Những mái lá trung quân đơn sơ, hệ thống giao thông hào ngang dọc, dấu vết còn lại của những hố bom B52 … tất cả đã gợi nhớ một thời kỳ gian khổ ác liệt nhưng hào hùng và đầy tinh thần lạc quan của dân tộc ta, đất nước ta. Rừng buổi sáng yên tĩnh. Gió cũng trở nên nhẹ hơn, như một lời thì thầm ... Tất cả đồng chí đã ra đi mãi mãi, nhưng hình ảnh vẫn còn mãi trong trái tim những  người chiến sĩ cách mạng. Sự trầm mặc của khu rừng buổi sáng. Chỉ những chú chim non vô tư cất tiếng gọi mẹ chíp chíp đâu đó trên cao. “Nơi làm việc của các đồng chí ấy tuềnh toàng, đơn sơ quá”- Ai đó nói và lại im lặng.

Anh em đi qua cây cầu nhỏ bắc qua suối Tiên Cô. Sự tích con suối Tiên Cô được hướng dẫn viên kể lại làm tất cả cảm động. Đơn giản đây chỉ là nơi các nữ chiến sĩ thường ra ngồi tâm sự vào những buổi chiều chiến khu yên tĩnh,  đã trở thành những tiên cô đời thường, xinh đẹp và căng đầy nhiệt huyết vì tự do độc lập của đất nước. Người Việt Nam mình từ ngàn xưa đến nay là như vậy, sẵn sàng lấy cái chết để giữ vẹn toàn phẩm giá con người, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Chúng tôi đến thăm nhà bảo tàng. Mảnh sân rộng ngập tràn ánh nắng. Khoảng năm chục em thiếu niên, trong trang phục quân đội, đứng nghiêm  theo mệnh lệnh của một người chỉ huy. Các em đang tập làm người lính, tình nguyện khép mình vào kỷ luật nhà binh một thời gian để rèn luyện. Nhìn các em đứng nghiêm đưa tay chào theo kiểu người lính tôi thấy xúc động làm sao. Màu xanh áo lính của các em với màu xanh cây rừng như hòa làm một.  Các em là một phần không thể thiếu của màu xanh cánh rừng năm xưa ấy.

Chi hội đã tặng Ban quan lý khu di tích một tác phẩm thư pháp với hai chữ TRÍ DŨNG được trình bày rất công phu và nhiều ý nghĩa thể hiện qua từng nét chữ tài hoa của tác giả Huỳnh Long. Hai chữ TRÍ DŨNG do ông Huỳnh Triều tìm chọn. Tác phẩm của hai hội viên, cũng là tấm lòng của tất cả anh em trong đoàn đối với những gì cảm nhận được sau khi thăm quan khu di tích.

Trở về với rừng là trở về nguồn. Màu xanh cánh rừng Tây Ninh năm ấy và bây giờ đã thành một màu xanh dân gian phủ mát mọi tâm hồn người Việt, mãi mãi không phai.

Tác giả bài viết: PHÓNG VIÊN

Nguồn tin: TC NVLA 06/2014