Lễ hội Làm Chay ở Tầm Vu, huyện Châu Thành

Nhân dân đi lễ hội

Nhân dân đi lễ hội

Là nơi được lưu dân Việt khai phá sớm, Long An có một si sản vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng. Chỉ riêng lễ hội dân gian, cuộc tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể do Bảo tàng Long An tiến hành năm 2005 cho biết toàn tỉnh có 408 lễ hội với qui mô và tính chất khác nhau, mà đa phần là gắn với tín ngưỡng của văn minh nông nghiệp như Kỳ Yên, Hạ điền, Cầu bông, Thượng điền, Tống phong, Cầu mưa, bà chúa Xứ, bà Ngũ Hành…
Trong số lượng khá lớn ấy có một lễ hội đặc biệt mà sức thu hút của nó được thể hiện qua câu ca dao được mọi người truyền tụng đến ngày nay:

Dù ai buôn bán bộn bề
Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu

Đó là Lễ hội Làm Chay diễn ra vào hai ngày 15 và 16 tháng Giêng hàng năm ở đình Dương Xuân Hội, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, để cúng vong linh các tử sĩ là nghĩa quân tham gia phong trào Thủ Khoa Huân kháng Pháp.

Đình Dương Xuân Hội là ngôi đình làng của làng Dương Xuân xưa, được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Đình được sắc phong vào thời Tự Đức thứ năm (1852), tuy trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn còn giữ được nét cổ kính qua kiến trúc tứ trụ truyền thống, mái ngói âm dương…, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 2001 (Quyết định số 2345/QĐ-UB,  ngày 11-7-2001).

Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của lễ hội, nhưng hiện nay đa số nghiêng về việc nhân dân mượn cớ cúng tế cô hồn để tỏ lòng thương tiếc và kính trọng đối với những bậc nghĩa khí trung kiên ở đây đã hy sinh trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa đầu thế kỷ 19, mà tiêu biểu là Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự (1). Ngày ấy, nhân dân đã phao tin “Loạn cô hồn dậy dẹp chợ” để bày duyên cớ  làm “lễ trai đàn” (hay chay  đàn) cúng tế cô hồn nhằm tránh sự đàn áp của giặc, theo thời gian, trở thành lệ Làm Chay và ngày nay là Lễ hội Làm Chay. Điểm đặc biệt của Lễ hội Làm Chay là không gian lễ hội không chỉ ở đình Dương Xuân Hội mà còn liên quan đến các thiết chế tín ngưỡng khác ở thị trấn Tầm Vu như Chùa Ông (Linh Võ Tự) thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công), Miễu Điền (Dương Xuân Miếu) thờ Thần Nông, Miễu Cô Hồn (Âm Nhơn Miếu), Chùa Linh Phước (Linh Phước Tự), Thánh thất Phương Quế Ngọc Đài (đạo Cao Đài).


Hình ông Tiêu trong lễ hội Làm Chay

Với lịch sử hơn 100 năm và trở thành nét văn hóa truyền thống của đất và người nơi đây, Lễ hội Làm Chay được tổ chức khá long trọng, thu hút quảng đại tầng lớp nhân dân, các giới, các thành phần xã hội và các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau như đạo Phật, Cao Đài… với khoảng hơn 10.000 người tại chỗ và các nơi khác đến. Lễ hội được tổ chức bằng kinh phí hoàn toàn do nhân dân tự nguyện đóng góp. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan chỉ hỗ trợ về công tác tổ chức, bảo vệ an ninh trật tự và hướng dẫn lễ hội theo đúng quy chế về lễ hội.

 Theo lệ, công tác chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành từ tháng Chạp năm trước để giải quyết mọi việc từ chương trình, kế hoạch; lập các ban điều hành, phục vụ như nghi lễ, khánh tiết, tài chính, hậu cần, an ninh trật tự; dựng giàn ông Tiêu, hình ông Tiêu, Long đình-Tứ châu, giàn thầy, đài liệt sĩ, ghe phóng đăng…, trong đó, hình ông Tiêu và ghe đăng được chuẩn bị rất chu đáo, công phu và mất khá nhiều thời gian tại chùa Linh Phước.

Tuy tên gọi làm chay nhưng thực ra là cúng mặn với những lễ vật để thực hiện nghi thức cúng tế Thần và cô hồn, chiến sĩ trận vong, như: đầu heo luộc, thịt, xôi, trà, rượu, bánh ít, bánh tét không nhân, trái cây, trầu cau… Nói chung, là những lễ vật có nguồn gốc nông nghiệp mà địa phương sản xuất, nhưng được chọn loại ngon nhất để dâng cúng. Bánh trái, hoa quả thì mùa nào thức ấy, tùy lòng hảo tâm, có thể dâng cúng bất kỳ loại hoa quả, bánh trái nào mà không cần kiêng kỵ. Riêng lễ vật hiến tế Thần ở Đình, theo lệ xưa là một con trâu, do từ truyền thuyết có ông lái trâu trong một lần lùa trâu ngang qua đình bỗng dưng đàn trâu đứng lại, ông van vái Thần cho được làm ăn suôn sẻ, sẽ cúng trâu khi đến lệ. Do bất tiện, từ năm 1925, lễ vật trâu được thay thế bằng bò và sau này là heo.


Trò chơi dân gian bịt mắt đập nồi trong lễ hội

Sau các khi hoàn tất việc chuẩn bị, lễ hội diễn ra trình tự với các nội dung như sau:

Ngày 15 tháng Giêng: 10 giờ, Ban khánh tiết, các kỳ lão và 4 phu kiệu trong trang phục chỉnh tề và đông đảo nhân dân với đội lân và dàn nhạc lễ tiến hành nghi thức Thỉnh Tiêu Diện đại sĩ từ Linh Phước Tự về chùa Ông để nhân dân chiêm bái. Đây là một trong những nghi thức quan trọng nhất của lễ hội bởi ý nghĩa biểu tượng hóa thân Phật pháp thưởng thiện diệt ác, cai quản ma quỉ, bao dung cô hồn và bảo vệ cộng đồng làng xã của ông Tiêu, đồng thời gợi nhớ khí phách của nghĩa sĩ thông qua việc phụng cúng tại chùa Ông- mà Quan Công là sự tượng trưng cho sự dũng cảm, chính trực và trung nghĩa. 16 giờ là nghi thức Thỉnh Phật, thỉnh kinh thỉnh thầy từ chùa Linh Phước về đình Dương Xuân Hội cũng với thành phần như trên. 18 giờ, Lễ khai mạc được tiến hành tại sân đình, trước đài liệt sĩ với sự tham dự của chính quyền, đoàn thể các cấp và đông đảo quần chúng nhân dân. Khi hành lễ có mặc niệm, đốt trầm và đánh 3 hồi trống. 19 giờ là phần Khai kinh tụng cầu an do phía Phật giáo phụ trách. 19 giờ 30, cúng tế liệt sĩ (hay chiến sĩ trận vong trước đây) do phía đạo Cao Đài phụ trách với nghi thức đọc văn tế trước trước Đài liệt sĩ. 22 giờ là nghi thức thức Đề phan liệt sĩ do Phật giáo phụ trách nhằm ca tụng công đức, tinh thần xả thân vì nước của các liệt sĩ.

Ngày 16 tháng Giêng: cùng với phần hội bắt đầu từ lúc 8 giờ với các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, kéo co, leo cột mỡ, thả-bắt vịt, thi chạy bộ, đua xe đạp chậm, đá banh; là nghi thức Cúng cô hồn ở miếu Âm Nhơn vào lúc 8 giờ 10 phút. Từ 9 giờ đến 12 giờ là nghi thức Thỉnh Tiêu Diện đại sĩ từ chùa Ông về đưa lên giàn tại đình Dương Xuân Hội, đồng thời cũng là lúc Thỉnh lư hương cô hồn ở miếu Âm Nhơn về đặt tại giàn ông Tiêu. Từ 11 giờ đến 13 giờ Lễ chiêu u được tiến hành nhằm thỉnh vong linh, cô hồn các nơi về giàn ông Tiêu. Từ 12 giờ đến 18 giờ là màn Đánh động, thỉnh thầy, thỉnh kinh theo nội dung diệt yêu quái của thầy trò Đường Tăng  trong tiểu thuyết Thây Du Ký. Lễ phóng đăng với ghe đăng trang trí rực rỡ được tiến hành từ 13 giờ đến 19 giờ 30 phút tại sông Tầm Vu với các nghi thức phóng sinh, thả bèo, tụng kinh. Sau nghi thức Chạy kim đàn lúc 14 giờ, Xô giàn-tiễn khách với việc đốt hình ông Tiêu và đưa tàu lúc 15 giờ là nghị thức cuối cùng kết thúc lễ hội.

Lệ Làm Chay qua các đối tượng tham gia cử lễ và nghi thức cúng tế cho thấy yếu tố “dung hợp văn hóa” đặc thù ở Nam Bộ là rất rõ nét, đồng thời cũng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư nơi đây.Tính chất hội tụ này đã thu hút quảng đại quần chúng nhân dân, với hàng chục ngàn người hành hương, lễ bái, cầu an, giao lưu, cộng cảm, thật sự là một bảo tàng sống động và phong phú về đời sống văn hóa- tinh thần của nhân dân địa phương.

Với ý nghĩa trên, Lễ hội Làm Chay ở Tầm Vu, huyện Châu Thành xứng đáng được quan tâm nghiên cứu, đánh giá đúng mức và bảo tồn theo tinh thần Thông tư “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” đã được triển khai thực hiện trên toàn quốc./.

Nguyễn Tấn Quốc
(Bảo tàng Long An)
Bài viết đã đăng trên Tạp chí Thế giới di sản, số 10/2010,
bút danh: Phương Thảo.

_____________
(1) Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự là hai anh em ruột, thân hào yêu nước kháng Pháp trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa cuối thế lỷ 19 của Thủ Khoa Huân ở huyện Tân Thạnh, Tân An, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Hai ông bị giặc bắt và xử chém cách nhau chỉ 3 ngày trong năm Mậu Dần (1878): ông Đỗ Tường Tự  ngày 26/4 tại đình Dương Xuân Hội; ông Đỗ Tường Phong  ngày 29/4 tại tại khu vực nghĩa địa Tân An (nay thuộc ấp Bình Nam, thành phố Tân An), đã nêu gương khí tiết, để lại cho đời niềm thương tiếc và cảm phục. Ông  Đỗ Tường Tự được chôn cất cạnh đình Dương Xuân Hội và  được thờ trong đình. Tên hai ông được đặt cho hai con đường ở thành phố Tân An.

(2) Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-6-2010.