Đờn ca tài tử Nam bộ ở Long An Xuất phát từ nông dân lao động

               Sự hình thành Đờn Ca Tài Tử (ĐCTT) Nam Bộ ở Long An có những điểm tương đồng với các nơi trong vùng đồng bằng sông Cửu Long là bắt nguồn từ nông dân lao động và mang tính tự  phát.
"Chờ con nước lớn" - Duy Bằng
* Những nghệ nhân nghiệp dư với các nhạc cụ thô sơ:
              Ngay từ buổi đầu khẩn hoang, lưu dân người Việt vùng Thuận Quảng đã mang theo hành trang văn nghệ của quê hương bản quán là những câu hò, giọng hát, điệu lý đến vùng đất mới để phục vụ cho lao động: Vừa vừa chặt phá rừng bụi, vừa vừa cấy gặt, vừa hát vừa chèo ghe... Tất nhiên là không có nhạc cụ phụ đệm. Khi đã định cư, định canh, họ nghĩ ngay đến viêc chế tác các nhạc cụ với những vật liệu sẵn có quanh nhà như: tre, trúc, cây vông, gáo dừa…họ có thể làm được dễ dàng các loại đờn Kìm (Nguyệt), đờn Cò (Nhị) và đờn Gáo.Với ba nhạc cụ làm bằng vật liệu thô sơ vừa kể và những người sử dụng đều là nông dân biết đờn kiểu nghiệp dư  nên ta tạm hiểu là  Dàn nhạc 3 nhạc cụ  gồm Kìm, Cò, Gáo vào buổi đầu lập nghiệp của cộng đồng cư dân ở Long An cũng như ở Nam Bộ. Họ dùng tiếng đờn lời ca để giải trí, giảm căng thẳng sau những ngày làm lụng vất vả, mệt nhọc. Điểm tổ chức cũng hoàn toàn mang tính dân dã: Dưới ghe thuyền lênh đênh trên sông nước, dưới ánh trăng vằng vặc trước sân nhà… hoặc góp vui cho những buổi hội he, giỗ quải. Bởi kiểu đờn ca nghiệp dư bắt nguồn từ nông dân lao động và mang tính tự phát nên không có tổ chức quy củ và cũng chẳng có tên gọi. Tuy nhiên, nó là hạt nhân ươm mầm cho vườn hoa văn nghệ toả sắc ngát hương ở vùng đất mới cho những thế kỷ tiếp sau đó.
             Với dàn nhạc gồm 3 nhạc cụ nói trên  thì cây đờn Gáo có âm trầm nên khi hoà tấu với đờn Cò thì nó phải đờn “dây lòn” (âm thấp). Khi dây đờn bằng kim loại có mặt ở vùng đất mới, người ta có thể thay đờn Gáo bằng đờn Tranh.
             Như vậy, đến giữa thế kỷ XIX, dàn nhạc Tài Tử của tỉnh Long An gồm 2 cây khảy, 1 cây kéo:
-                                                                           - Kìm (Nguyệt), Tranh và Cò (Nhị).
-                                                                Nếu có dư tay đờn thì thêm đờn Gáo (đờn dây lòn). Riêng cây đờn Bầu (Nam Bộ trước đây ít hay không gọi “đờn Bầu”  mà gọi  “đờn Độc Huyền”) là loại                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          dễ chế tạo nhất nên những người tật nguyền biết nói thơ Vân Tiên, thơ Bạc Liêu… dùng đờn này đi khất thực. Hơn nữa, tên “độc huyền” đồng âm với độc thân, độc mạng, đơn độc, cô độc…ngưới ta “cữ” đem nó vào chỗ vui chơi. Vì vậy mà giới  đờn ca có “thành kiến”  với đờn Bầu  nên ngày trước không dùng hoặc rất ít dùng đờn này trong Ca Nhạc Tài Tử.
            * Dàn nhạc được bổ sung và cải tiến:
             Đến giữa thế kỷ XIX, sau khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn đã ổn định việc cai trị thì vấn đề giao thông giữa ba miền có phần dễ dàng. Những người là “bậc thầy” của đất Thần Kinh  vào Nam dạy các nghề trong đó có một số là thầy dạy đờn. Học viên là những người trí thức, giàu có, đa phần là con cháu của các trưởng giả, địa chủ. Vì chỉ có họ mới có  đủ điều kiện học đờn ca: thời giờ nhàn rỗi, có tiền bạc trả học phí, và nhất là phải nuôi thầy đờn tại nhà nhiều tháng, thậm chí nhiều năm! Mặt khác, những Nho sinh (cũng là con nhà giàu hoặc con nhà quyền quý) ra Huế học chữ, dự các khóa thi, hầu hết có học đờn ca nhạc Huế để khi trở về, họ tổ chức những buổi đờn ca theo phong cách Huế hoặc truyền nghề lại cho các môn sinh. Điển hình là trường hợp của Tôn Thọ Tường, Phan Hiển Đạo v.v… Khác với nông dân,  giới trí thức, địa chủ dùng nhạc Tài Tử để tiêu khiển trong những lúc trà dư tửu hậu, giao lưu với thành phần thượng lưu nhiều nơi trong vùng. Kể từ đấy, dàn nhạc cổ của Long An cũng như Nam Bộ được tăng thêm từ 4 đến 5 nhạc cụ:
       - Dàn nhạc 4 nhạc cụ: Kìm, Cò, Tranh, Tam (hoặc thay Tam bằng Tỳ Bà).
       - Dàn nhạc 5 nhạc cụ: Kìm, Cò, Tranh, Tỳ Bà, Tam (ít khi có đờn Bầu).
(Gọi theo Ca Nhạc Huế là Tứ  Tuyệt hay Ngũ Tuyệt. Còn Lục Tuyệt là: Nguyệt, Nhị, Tam, Tỳ, Tranh, Độc. Nếu có thêm ống Sáo thì gọi là Thất Tuyệt.)
               Trong ba loại đờn khảy là Kìm, Tỳ và Tam thì cây đờn Kìm thông dụng hơn cả, hầu như có mặt đầy đủ trong các buổi đờn ca, hoà tấu ở Long An nhờ cách rung chuyển, nhấn nhá của nó trong các thể điệu Bắc, Ha, Nam, Oán rất hoàn hảo. Một đặc điểm khác nữa của cây đờn Kìm mà các loại đờn khảy khác không có được: Chỉ cần “lấy dây” một lần là đờn Kìm đờn được năm cung còn gọi là năm “Hò” (2) trong hai điệu Ai và Oán. Hai cây Tỳ và Tam thiếu hẳn tính năng này và tiếng kêu không hay bằng đờn Kìm nên rất ít thấy xuất hiện trong dàn nhạc cổ ở Long An và  cũng không thông dụng ở các nơi khác.
               + Tên gọi:
               Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc thì trước thế kỷ XIX, ở Nam Bộ chưa có danh từ  “Đờn Ca Tài Tử”. Từ giữa thế kỷ XIX trở đi, khi nhạc này đi vào giới trí thức, địa chủ thì nó hoàn toàn thay đổi từ diện mạo đến ý nghĩa. Về hình thức, số nhạc cụ được tăng thêm  và chất liệu cũng tốt hơn, quý hơn; bài bản cũng phong phú hơn, thống nhất hơn. Cách tổ chức một buổi đờn ca cũng có khác: Trước khi diễn tấu phải xông trầm, mặc quốc phục tề chỉnh, nơi ngồi cũng trang trọng (điểm tổ chức thường là nhà địa chủ, dinh thự quan chức…). Đối tượng thính giả cũng là thành phần giàu có, trí thức. Về nội dung, người ta căn cứ vào sự hình thành của Nhạc lễ và Ca nhạc cung đình Huế là lấy thuyết Am Dương Ngũ Hành của nền triết học phương Đông làm cơ sở thì Ca nhạc Tài Tử Nam Bộ cũng không ngoại lệ. Vì thế nên các nghệ nhân dựa vào danh từ Ca Nhạc Huế mới “bác học hoá” cho nhạc này với tên gọi là Ca Nhạc Tài tử (kiểu như Nhạc Thính Phòng của Châu Au) để phân biệt với các loại nhạc khác cùng thời: Nhạc lễ, Nhạc Hát bội, Nhạc Thầy chùa, Nhạc Bóng rỗi…Còn cụm từ “Đờn ca Tài tử” người ta mới đặt sau này cho dễ hiểu, đúng nghĩa và đúng chức năng của nó.
               Tại sao đặt tên cho loại Ca nhạc này là “Tài Tử”? Tài tử  nghĩa là người tài. Có lẽ  các nghệ nhân trí thức ngày xưa căn cứ vào hai câu thơ chữ Hán: “Minh quân lương tể tao phùng dị; Tài tử giai nhân tế ngộ nan” (Chúa thánh tôi hiền gặp nhau dễ; Trai tài gái sắc gặp nhau khó). Trai tài gái sắc trong đờn ca là nói về chàng Tư Mã Tương Như và nàng Trác Văn Quân  đời vua Cảnh Đế nhà Hán ( 163 – 149 trước CN)).
              Nếu dưới triều nhà Lê (thế kỷ XV)) cho nghệ thuật này là“xướng ca vô loại” thì ngược lai, đến thế kỷ XIX, người trí thức Nam Kỳ coi nó là thú tiêu khiển  “thanh cao, tao nhã”! Họ căn cứ vào bốn thú vui của tao nhân mặc khách  là CẦM, KỲ, THI, HOẠ  thì đờn ca (Cầm) đứng hàng đầu! Vả lại, chốn kinh kỳ ngày xưa có mở trường dạy lục nghệ (sáu nghề) là: LỄ, NHẠC, XẠ, NGỰ, THƯ, SỐ thì Nhạc cũng đứng hàng thứ hai! Do đó mà ĐCTT phát triển khá mạnh trong giới trí thức và địa chủ ở Nam Bộ nói chung và Long An nói riêng hồi hậu bán thế kỷ XIX.
            Đến cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, khi nhạc sư  NGUYỄN QUANG ĐẠI (tức ông Ba Đợi) từ Huế vào Nam định cư tại Cần Đước (Long An) để dạy Nhạc lễ và Nhạc Tài Tử. Nhờ vậy mà phong trào ĐCTT ở Long An lúc bấy giờ đã phát triển đến đỉnh cao và lan dần ra các tỉnh khác, chẳng những trong giới trí thức mà nó còn quay trở lại rộng khắp với người nông dân lao động. Bởi vậy khi đề cập đến nhạc Tài Tử, trong dân gian ở miền Tây có câu:”Nhứt Bạc Liêu, nhì Cần Đước”. Tỉnh Long An nằm giữa hai miền Tây và Đông Nam Bộ (trước đây, các huyện Bến Lức, Đức Hoà, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cần Đước thuộc tỉnh Chợ Lớn, là khu vực Miền Đông mà thường gọi là đất Đồng Nai), trong dân gian miền Đông cũng có câu ca dao mà các sách biên khảo về cổ nhạc thường nhắc:
                                                 Đồng Nai có bốn rồng vàng:
                                           Lộc hoạ, Lễ phú, San đàn, Nghĩa thi.
San đàn” nói đây là ông Phụng Hoàng San, một nghệ nhân có ngón đờn tranh tuyệt vời, ông cũng là tác giả tập “Bản đờn tranh” do nhà in Phát Toán,  Sài Gòn xuất bản năm 1909. Trong thời gian này, tại huyện Thủ Thừa và tỉnh lỵ Tân An (kể là miền Tây) có hai ông Lê Văn Tiếng (Thủ Thừa) soạn bản đờn  và Trần Phong Sắc (Tân An) đặt lời ca, xuất bản cuốn “Cầm Ca Tân Điệu” (bản đờn Kìm). Đây là cuốn sách dạy đờn ca đầu tiên ở Nam Bộ. Nói như vậy để chứng tỏ Long An là “vùng đệm” giữa hai miền  nên ĐCTT phát triển rất sớm và rất mạnh. Bởi vậy ngươi ta thường nói Long An là cái nôi của Nhạc lễ và Nhạc Tài tử ở Nam Bộ.
               *  Thời kỳ đầu thế kỷ XX:
                   + Vài thay đổi về nhạc cụ:
              Khi đất Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp thì nhạc cụ phương Tây cũng theo chân bọn thực dân du nhập vào đất Sài Gòn rồi lan dần đến các tỉnh lân cận. Ngoài dàn kèn đồng phục vụ trong quân đội Pháp còn có những nhạc cụ hoà tấu khác, trong đó có hai nhạc cụ được Việt hoá mà ta sử dụng trong dàn cổ nhạc đến ngày nay. Đó là cây Tây Ban Cầm (Guitare d’Espagnole) đã trở thành cây Ghi ta phím lõm sau này, và cây Vĩ Cầm (Violon). (Sau này có thêm cây Hạ Uy Cầm dùng cho sân khấu Cải lương, không thấy dùng trong nhạc Tài Tử) Người sử dụng cây Tây Ban Cầm để đờn Vọng cổ đầu tiên ở Nam Bộ hồi đầu thập niên ba mươi của thế kỷ trước là Acmăng (Armand) THIỀU, người huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
            * Những nhạc cụ thường dùng trong dàn nhạc Tài Tử ở Long An: 
                Hiện nay, việc tổ chức một dàn nhạc cho ĐCTT ở Long An không nhất thiết số lượng, thường từ 3 đến 5 cây đờn. Nếu ít nhạc công thì 3 cây gồm 2 cây khảy, 1 cây kéo: Kìm, Tranh, Cò. Dàn nhạc có 4 cây thì thêm Ghi ta. Nếu dàn nhạc 5 cây thì gồm  4 cây khảy, 1 cây kéo:
- Kìm (giữ song lang), Tranh, Ghi ta, Bầu, Cò (loại kéo)
-                                                                   Tuy nhiên, vì tính đa năng và dễ học của cây Ghi ta phím lõm nên được nhiều người chuyên luyện mà hiện nay đa phần nó đóng vai trò chính (giữ song lang) thay cây Kìm. Một hình thức khác cũng thường thấy trong dàn nhạc Tài Tử ở Long An: Ghi ta (giữ song lang), Sến (thay Kìm), Tranh, Bầu, Violon (kéo, thay Cò).
-                                                                   Cái Song lang, một nhạc cụ rất cần thiết trong dàn nhạc Tài Tử . Nó dùng để gõ nhịp giữ trường canh cho các buổi đờn ca hay hoà tấu. Giới ĐCTT ngày trước bắt chước Nhạc lễ dùng 2 mảnh gỗ cứng (gõ, cẩm lai, trắc) làm cặp Sênh (gọi trại là Sanh hay còn gọi là cặp Phách)), một người cầm cặp Sênh giữ nhịp. Trên hai mảnh gỗ này có khắc chạm mỗi bên hình một con chim loan. Thoạt đầu người ta gọi nó là “Song loan”. Sau dùng một thỏi gỗ tròn, moi rỗng , có cần đạp, do người đờn Kìm giữ nhịp, khỏi mất một người cầm nhịp riêng. Theo giọng nói Nam Bộ tiếng song loan tấu thành song lang rồi quen gọi như vậy đến ngày nay.
-                                                    
-                                                                * Những nghệ nhân của Long An đã qua đời:
-                                                                   Các danh cầm cổ nhạc ở Nam Bộ từ trước tới nay phần lớn là xuất thân từ  tỉnh Long An, nhất là hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc như sách báo thường nhắc nhở. Họ nổi danh nhờ hai huyện này gần vùng Sài Gòn/Chợ Lơn, tiếp cận được nhiều hãng dĩa, nhiều đoàn hát lớn, các đài phát thanh, thường được báo chí nhắc nhở. Nhất là tay nghề (bài bản, nhịp nhàng, ngón đờn) của họ do ông Ba Đợi và các đệ tử tài ba của ông truyền thụ. Họ lại tổ chức thành các nhóm ĐCTT rất khoa học, rất chặt chẽ do một số nhà trí thức nhúng tay vào. Tuy nhiên, ở các huyện khác của tỉnh Long An cũng có một số nhạc sĩ tài ba, vì họ thiếu các điều kiện trên nên không thấy sách báo nhắc đến. Họ sống âm thầm trong các ban Nhạc lễ, các đoàn hát nhỏ, vui chơi trong các ban ĐCTT lẻ tẻ trong xóm ấp, nhưng họ có “ngón nghề” rất ấn tượng, rồi họ chết trong quên lãng, không ai nhắc đến! Chúng tôi xin “nhắc họ” với lòng biết ơn và kính mến:
-                                                                 1. Nghệ nhân BA HẰNG: Không rõ nguyên quán của ông.  Ông làm nghề cổ nhạc lưu động trong các đoàn hát, các ban Nhạc lễ trong tỉnh Long An; chơi ĐCTT bất cứ nơi nào có mời ông. Ông dạy học trò khắp các huyện trong tỉnh và ngoài tỉnh. Ông sử dụng thành thạo các nhạc cụ cổ nhạc. Về ĐCTT, với cây đờn Kìm, ông vừa đờn, vừa ca, vừa đạp song lang tất cả các bài Bắc, Hạ, Nam, Oán. Ong sống cùng thời với nghệ nhân Chín Láo (Cần Đước) khoảng đầu thập niên ba mươi đến gần cuối thập niên bốn mươi của thế kỷ XX. Học trò của ông có nhiều người thành đạt và vang tiếng một thời như các nghệ nhân: TƯ GIỎI, xãThanh Phú Long (Châu Thành) sở trường cây đờn Kìm. BẢY QUẤC, xã  Phú Ngãi Trị, MƯỜI RÁNG, xã Hiệp Thanh, thuộc huyện Châu Thành. Tại thị xã Tân An có các ông BẢY TRÁC (xã Bình Lập) TÁM BÌ (xã Bình Lập), SÁU KHƯƠNG (phường Khánh Hậu). Riêng nghệ nhân SÁU KHƯƠNG, tên thật là Nguyễn Huỳnh Khương (1907-1978) sử dụng nhiều nhạc cụ, trong đó cây đờn Tam là trội hơn hết. Ong Sáu Khương là hậu duệ đời thứ 6 của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức và là cha vợ của danh cầm Ngọc Sáo (3). Cũng tại Khánh Hậu còn một nghệ nhân nữa là HAI NGHĨA, tên thật là Nguyễn Văn Hai (1918-2003). Ong nổi tiếng trong giới ĐCTT từ năm 1940. Ngón đờn Kìm của Ong độc đáo như danh cầm  Sáu Tửng (SàiGòn).
-                                                                 2. Nghệ nhân LÊ VĂN PHỤNG, quê tại thị trấn Thủ Thừa. Ong là anh ruột của Lê Văn Tiếng (tác giả sách Cầm Ca Tân Điệu soạn chung với Trần phong Sắc). Ong Phụng là thầy đờn cũng là tác giả sách “Dạy Đờn Kìm” xuất bản giữa thập niên ba mươi của thế kỷ trước.
-                                                                 3. Nghệ nhân HAI SỦI, quê xã Phước Vân (Cần Đước) ông chuyên cây đờn Cò. Ong có đờn trong dĩa ASIA tuồng hát bội San Hậu khoảng cuối thập niên bốn mươi (thế kỷ XX).
-                                                                 4. Nghệ nhân TƯ KỶ, tên thật là Lê Văn Xiếu (1927-1978), quê xã Phước Đông (Cần Đước). Tư Kỷ có ngón đờn Cò rất độc đáo, ít người có được. Hồi hai thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, trong giới Đờn Ca Tài Tử và sân khấu đều ít nhiều có nghe danh “Cò Kỷ”.  Nghệ nhân Tư Kỷ có tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau 1975, ông làm việc tại huyện Cần Đước và qua đời tại đây năm 1978 vì bệnh.
-                                                                 Trên đây, chúng tôi ghi lại một số nghệ nhân tiêu biểu đã quá cố có ít nhiều cống hiến cho nghệ thuật ĐCTT  của tỉnh nhà, trong đó có NSƯT cố nhạc sĩ Hoàng Huệ, trưởng ban cổ nhạc của đoàn Cải lương Long An.
-                                                                * Những nghệ nhân còn sống:
             Những nhạc sĩ “bậc thầy” trong ĐCTT phần lớn xuất thân từ Nhạc lễ, vì Nhạc lễ là nghề chính cho cuộc sống, còn ĐCTT là giải trí, vui chơi và có tính cách yễm trợ cho nghề chính. Bài bản của hai môn này gần giống nhau, chi khác đôi chút về âm điệu và cách đờn. Xin giới thiệu một số nghệ nhân hiện còn sống ở các nơi trong tỉnh Long An:
-                                                                 - Nhà Nghiên cứu VHDT VÕ TRƯỜNG KỲ, xã Mỹ Lệ (Cần Đước), ông là học trò đờn Tranh của cố nhạc sư Hai Biểu, có phong cách và chữ đờn Tranh thuần tuý cổ điển gần giống như thầy mình. Nghệ nhân TÁM KỲ nguyên là Giám đốc sở VHTT tỉnh Long An, và nguyên là Thường trực HĐND Tỉnh LA, nay đã nghỉ hưu.
-                                                                 - Soạn giả NGUYỄN MINH TUẤN, nguyênlà Giám đốc sở VHTT Long An, ông sử dụng thành thạo 3 cây: Kìm, Ghi ta phím lõm và Violon, nhịp nhàng vững chắc với các bài bản ĐCTT và Cải lương.
-                                                                 - NSƯT. nhạc sĩ BA TU, xã Tân Lân (Cần Đước), ông sử dụng nhiều nhạc cụ nhưng sở trường là cây đờn Kìm. NSUT BA TU có chân và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức phục hồi và phát triển nền cổ nhạc Việt Nam tại TP. HCM. và dạy tại trường Nghệ Thuật SKĐA. Thành Phố.
-                                                                 - Thạc sĩ Nhạc sĩ HUỲNH KHẢI, xã Mỹ Phú (Thủ Thừa) hiện là Nhà Nghiên cứu Cổ nhạc VN tại Nhạc viện TP.HCM. Thạc sĩ HUỲNH KHẢI sử dụng được nhiều nhạc cụ dân tộc.
-                                                                 - Nghệ nhân BẢY VÂN, phường 2 thị xã Tân An là nhạc trưởng của ban nhạc Tài Tử  tỉnh Long An, sử dụng được nhiều nhạc cụ, chuyên cây đờn Kìm, đã có tham gia nhiều cuộc hội thi, liên hoan ĐCTT trong và ngoài tỉnh và đạt được nhiều giải thưởng cao.
                             - Nghệ nhân ÚT BÙ, huyện Cần Giuộc, sở trường cây Ghi ta phím lõm,, có chân trong các tổ chức Cổ nhạc của tỉnh, thamgia giao lưu ĐCTT các tỉnh thành Nam Bộ và có nhiều giải thưởng cao..
-                                                                 - Nghệ nhân TẤN KHOA, Xa Bình Thạnh (Thủ Thừa), chuyên Nhạc lễ và ĐCTT, sử dụng được nhiều nhạc cụ, sở trường đờn Kìm. TẤN KHOA có dự nhiều hội thi và liên hoan ĐCTT trong tỉnh và khu vực đoạt được nhiều giải cao.
              - Nghệ nhân NĂM CAO, phường 1 (Tp. Tân An), chuyên cây đờn Kìm, ông là hội viên của Hội LH/VHNT Long An (Chi hội VNDG), nguyên là chủ nhiệm CLB/ĐCTT của Hội này.
-                                                                 - Nghệ nhân NĂM BÁ, kp. Bình Yên Đông, phường 4 (Tp., Tân An), chuyên cây đờn Tranh, là hội viên CLB/ĐCTT của Hội LH/VHNT Long An (Chi hội VNDG).
-                                                                 - Nữ nghệ nhân HỒNG CÚC, hiện là Chủ nhiệm CLB/ĐCTT phường 2 (th.x. Tân An), sở trường cây đờn Tranh.
-                                                                 - Nữ nghệ nhân THU VÂN, thuộc CLB/ĐCTT Thị xã Tân An, cũng như Hồng Cúc, Thu Vân sử dụng thành thạo đờn Tranh và thuộc rất nhiều bài bản cổ nhạc.
-                                                                 Trên đây chỉ là điển hình một số nghệ nhân tiêu biểu về ĐCTT. Chúng tôi tin rằng còn rất nhiều nghệ nhân tài ba khác mà không thể kê ra hết được hoặc chúng ta chưa phát hiện được, ví như tảng băng trôi mà ta chỉ thấy được phần nổi.
-                                                                 * KẾT LUẬN.-
               Qua phần trình bày ở trên, ĐCTT Nam Bộ vừa mang tính bác học lại vừa mang tính dân gian. Trong dân gian tuyệt đại đa số là nông dân lao động. Chính nhờ dân gian nuôi dưỡng, giữ gìn mà nó tồn tại đến ngày nay và ngày càng lớn mạnh. Chính nhờ yếu tố dân gian nên ĐCTT mới có “ca ra bộ” rồi hình thành sân khấu cải lương, một đứa con của ĐCTT mà hiện nay được cả nước yêu thích.
               Trong giới ĐCTT, những người trí thức, giàu sang không có một ai để lai tên tuổi. Ngược lại, những người dân bình thường có thể là xuất thân từ nông dân tay lấm chân bùn như các cụ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) Lê Tài Khị (Nhạc Khị), Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi)v.v… hay những danh cầm như Hai Biểu, Năm Cơ, Văn Vĩ, Ngọc Sáo, Bay Hàm, Chín Trích, Sáu Tửng; hay những danh ca như  Út  Trà Ôn, Ba Đắc, Hai Nhỏ v.v… đều được lưu danh hậu thế.
               Tóm lại, ĐCTT là một nghệ thuật độc đáo của Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung., nó xứng đáng là văn hóa phi vật thể quý giá chẳng những của Việt Nam mà còn của cả nhân loại. Chúng ta cần phải có sự quan tâm đặc biệt để bảo lưu và phát huy đúng hướng cho hiện tại và cho cả mai sau./.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
-                                                   1.- Ta gọi “nhạc cụ” cho thông dụng. Thực ra phải gọi là nhạc khí, những vật phát ra được âm thanh như  đờn, kèn v.v…
-                                                   2.- Cây đờn Kìm có 2 dây: Dây trong lớn, dây ngoài nhỏ, dây nhỏ gọi là “dây Tiếu” (do chữ Tiểu). Khảy trỏng dây Tiếu gọi là Hò Nhứt, bấm phím 1 (đầu cần) gọi là Hò Nhì (thường gọi dây Xề}, bấm phím 2 gọi là Hò Ba, bấm phím 3 gọi là Hò Tư (thường gọi dây Đào) và bấm phím 4 gọi là Hò Năm. Chỉ cần lên dây một lần, đờn Kìm có thể đờn được 5 Hò (tức ngũ âm Hò, Xừ, Xang, Xê, Cống) trong các điệu Ai và Oán.
3.- Bộ Ba: Ngọc Sáo  (Cò, Gáo), Năm Cơ (Kìm, Sến), Văn Vĩ (Ghi ta) nổi danh ba thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Ba ông có cộng tác cho các hãng dĩa, các đài phát thanh, các đoàn hát lớn của đất Sài Gòn và Nam Bộ trước năm 1975.           

Tác giả bài viết: Đỗ Văn Đồng