Dâu phụ - rể phụ

Dâu phụ, Rể phụ còn gọi Phù dâu, Phù rể là chỉ những cô cậu bên cạnh cô dâu, chú rể trong ngày cưới để giúp những việc cần thiết. Theo cách hiểu ngày nay, trong đám cưới có thêm Dâu phụ, Rể phụ là bắt chước ngày xưa phải đủ cặp, đủ đôi và cũng để đi cùng cô dâu, chú rể cho … có bạn !
Ảnh minh họa (internet)
Chưa có gia đình, cô cậu nào có ngoại hình tốt được chọn làm Dâu phụ,  Rể phụ là một điều hảnh diện. Về tâm lý, các cô cậu cũng rất thích thú, vì ngày ấy được nghỉ lao động, ăn mặc sang trọng, trang điểm đẹp đẽ cùng bạn bè “diễu hành” trước đám đông được nhiều người … dòm ngó! Ngày nay, khi đưa dâu về họ nhà trai, tân lang và tân nương bắt đầu làm lễ gia tiên rồi ra mắt họ hàng, thân hữu thì hai “vai phụ” này cũng hết nhiệm vụ. Ngày xưa có khác, nhiệm vụ của Dâu phụ, Rể phụ rất cần thiết. Riêng vai trò Dâu phụ còn kéo dài nhiều ngày sau đám cưới. Vai trò Dâu phụ xuất hiện trước Rể phụ, chúng ta thử ngược dòng thời gian tìm xem nó có từ bao giờ.
                            Duyên Tần Tấn, sắt cầm giai hảo hiệp;
                               Nghĩa Châu Trần, loan phụng đắc hoà minh.
         Đó là hai câu đối mà người xưa dùng để chúc đám cưới. Tần, Tấn, Châu, Trần là những nước chư hầu thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Hai thời kỳ nầy kéo dài suốt năm trăm năm (722-220 trước CN), hàng trăm chư hầu nổi lên thôn tính lẫn nhau, gây nên cuộc nội chiến đẩm máu và dai dẳng chưa từng có trong lịch sử cổ đại Trung Quốc! Tuy nhiên, trong thời kỳ hỗn loạn đó cũng có những nước muốn “sống chung hoà bình” tạo “tình hữu nghị bền vững” thông qua con đường hôn nhân : Công chúa Tần gả về cho hoàng tử (1)Tấn, vua nước Châu thông gia với vua nước Trần. Câu thành ngữ “Duyên Tần Tấn, nghĩa Châu Trần” là để ngợi ca những cuộc hôn nhân tốt đẹp, bền vững.


Ảnh minh họa


          Công chúa một nước mà đi làm dâu cho nước khác tất phải có một số cung nữ giỏi giang, thân tín theo hầu. Ngoài việc an ủi chuyện trò cho có bạn với công chúa, những cung nữ nầy còn có nhiệm vụ tham mưu, nhắc nhở, đỡ đần cho cô dâu cành vàng lá ngọc những điều cần thiết để tạo sự hài hoà với hoàng tộc bên chồng. Về danh nghĩa, những cung nữ nầy là người hầu, còn vễ ý nghĩa rõ ràng họ là những cô Dâu phụ giúp đỡ cho cô dâu chính nhiều mặt. Kể từ đó, trong hôn nhân người ta bắt đầu có khái niệm về vai trò Dâu phụ.
           Ngày xưa, nước ta có tục tảo hôn. Tảo hôn là định cưới gả sớm cho con cái khi chưa đến tuổi kết hôn. Câu “Nữ thập tam, nam thập lục” là để chỉ tuổi dậy thì của nữ và nam (gái mười ba, trai mười sáu tuổi) chứ đâu phải bắt buộc gả cưới vào tuổi nầy. Thế nhưng có một số người lấy câu trên làm “ định lệ” để cưỡng hôn con cái. Thử hỏi một bé gái mới mười ba tuổi (nhiều khi còn nhỏ hơn) đã biết gì việc hôn nhân gia đình hay đối nhân xử thế? Sức lực thì không gánh nổi một gánh lúa, giã một cối gạo không xong mà bắt buộc phải đi làm dâu, làm vợ nhà người thì quả thật đau lòng! Vì vậy mà trong lúc đưa dâu, họ nhà gái cho cô Dâu phụ đi theo để gánh vác hết công việc nặng nhọc, an ủi, chỉ vẽ nhiều điều  cho cô dâu chính. Vai trò Dâu phụ đã được họ nhà gái lựa chọn kỹ trong gia đình hoặc bà con ruột thịt có uy tín, nhiều kinh nghiệm, am tường nữ công gia chánh như chị ruột, cô hay dì ruột của cô dâu. Có nơi, cô Dâu phụ hết nhiệm vụ khi cô dâu chính và chú rể làm lễ phản bái (tức lễ Nhị hỉ, sau đám cưới hai ngày);  cũng có khi cô Dâu phụ còn ở lại nhà trai lâu hơn hoặc thỉnh thoảng tới lui cho đến khi cô dâu chính thạo việc. Dưới thời phong kiến, nếu bên nhà trai thuộc loại cường hào ác bá thường lợi dụng tục tảo hôn, cố ý “cầm” cô Dâu phụ ở lại lâu ngày để …làm mọi không công! Chế độ phong kiến cáo chung thì tục tảo hôn cũng bị chôn vùi theo nó, vai trò Dâu phụ kiểu nầy cũng chấm dứt luôn từ đó.
            Còn Rể phụ thì có tự bao giờ? Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu phong tục thì  “… Đám cưới ngày xưa phải có Phù dâu, không định lệ, và cũng không có danh từ Phù rể” (2). Như vậy, trong đám cưới có Dâu phụ chứ không có Rể phụ. Có Dâu phụ vì  tục tảo hôn, cô dâu còn quá ít tuổi mà phải đi làm dâu thì mới co Dâu phụ còn chú rể dù phải “đi làm rể” (ở rể) cũng chỉ một mình chứ không có Rể phụ.
            Lại một ý kiến khác: Sở dĩ có khái niệm Rể phụ là bắt đầu từ giai thoại sau đây:
            Làng Cổ Đô (thuộc phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây cũ), toạ lạc phía hữu ngạn sông Đà nổi tiếng là địa danh khoa bảng, văn vật. Đối diện là làng Trình Xá (thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cũ) toạ lạc phía tả ngạn. Tuy cách nhau hai bờ sông nhưng hai làng rất thân thiện nhờ thông qua nhịp cầu hôn nhân nhiều thế hệ.
            Một hôm đoàn thuyền hoa của làng Cổ Đô vượt sông Đà qua làng Trình Xá đón dâu. Lên khỏi thuyền, họ nhà trai đang đi trên đường cái quan sạch đẹp bỗng bị một sợi dây nhỏ chắn ngang! (Tục nầy gọi là “chắn dây tơ hồng” còn gọi “lan nhai” do một số người xấu muốn làm tiền họ nhà trai. Nếu cho họ chút ít tiền, họ cuốn dây cho qua, còn không thoả mãn họ, họ cắt đứt dây tơ hồng, nói những lời bậy bạ, xui xẻo). Gặp dây chắn, họ nhà trai dừng lại, ông trưởng tộc chuẩn bị một số tiền cho những người chắn dây để được đi đón dâu kịp giờ quy định. Nhưng không,  những người chắn dây nầy không đòi tiền mà đòi…chữ ! Bốn, năm chàng thanh niên tuấn tú, khăn áo chỉnh tề đứng cạnh chiếc bàn trải thảm hồng, trên bàn có sẵn “văn phòng tứ bảo” : bút, nghiên, mực và một mảnh hoa tiên đã viết sẵn một vế đối. Một chàng lễ phép chắp tay nói với chú rể:
-         Thưa quan anh, chúng tôi biết làng Cổ Đô của quan anh là nơi văn vật, xin quan anh vui lòng cho một vế đối làm vui rồi đi đón dâu cũng chẳng muộn.
            Bị tấn công bất ngờ, chú rể đâm ra bối rối, lại càng bối rối hơn khi thấy vế ra đối đã viết sẵn quá hóc búa: - Đông sàng tự  CỔ, ĐÔ tây tịch. Nghĩa là: Giường phía đông (chỉ chú rể) từ xưa nay được trải chiếc chiếu (chỉ cô dâu) phía tây. Cũng có nghĩa: hai làng từng thông gia nhau. Cái “ác” của vế nầy là hai chữ Cổ Đô danh từ riêng chỉ tên làng bị cắt ra một cách hiểm hóc!
            Trong số bạn trai của chú rể theo sau phụ bưng mâm quả có một anh  nhận biết bạn mình mất bình tỉnh, lúng túng ra mặt vì chưa nghiệm ra vế đối lại. Anh nầy nhanh nhẹn bước tới rỉ tai chú rể…. “Được lời như cởi tấm lòng”, chú rể mạnh dạn bước tới xắn tay áo, cầm bút viết ngay vế đối lại : Nam nhạn quy TRÌNH, XÁ bắc châu. Có nghĩa là: con chim nhạn từ phương nam bay về -khi hết rét - đáp ở bãi phương bắc. Cũng có nghĩa: Trai Cổ Đô thường xây tổ ấm với gái Trình Xá.Vế đối lại chẳng những chỉnh về âm, về tự loại, về ý mà còn chỉnh cả về cách chơi chữ nữa. Nếu cái “ác” của hai chữ Cổ Đô được cắt ra làm hai một cách hiểm hóc thì cái “độc” của hai chữ Trình Xá cũng được cắt ra như vậy để đối lại một cách tuyệt vời!
            Tiếp sau tràng pháo tay là tràng pháo thật nổ ran, dây tơ hồng được cuộn lại, các chàng trai Trình Xá trịnh trọng mời chú rể và họ nhà trai Cổ Đô thẳng đường đến họ nhà gái cử hành lễ đón dâu.
            Kể từ đó, người xưa nghĩ ngay đến việc lựa chọn những chàng trai thông minh, mẫn tiệp làm Rể phụ, một mặt để làm “đối trọng” với cô Dâu phụ cho cân xứng, mặt khác cũng là”chỗ dựa tinh thần” cho chú rể trong lễ đón dâu.
***
            Đám cưới ngày nay có khi có đến năm, bảy cặp Dâu phụ, Rể phụ toàn  là trai thanh gái lịch  nhưng không phải kiểu “tảo hôn” hay “ứng đối” như ngày xưa mà để phụ bưng mâm quả hoặc giúp cô dâu trang sức hay thắt hộ chú rể cái cà vạt…. Và những vai phụ nầy cũng “mãn nhiệm”  ngay sau khi đám cưới kết thúc.
          Thiết nghĩ, dù xưa hay nay, các vai trò Dâu phụ, Rể phụ vẫn rất cần thiết, ít nhất họ cũng là những nét điểm xuyết cho thêm phần đẹp đẽ, vui vẻ, trẻ trung trong hôn lễ vậy./-
                                                                                                                               

 
1 - Gọi là “hoàng tử” con vua cho dễ hiểu. Thực ra. Thời Xuân Thu và Chiến Quốc các vua chư hầu lớn gọi là “Công”vì đứng đầu trong ngũ tước (Công, Hầu. Bá, Tử, Nam) như Tần Mục Công, Tấn Văn Công…Vì thế, con của vua chư hầu gọi là “công tử” mới đúng.
2- Tân Việt, Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, NXB. Văn học Dân tộc, Hà Nộ, 1997, tr. 33.


Tác giả bài viết: Đỗ Văn Đồng