ĐỜN CA TÀI TỬ LÀ NGUỒN CỘI, LÀ LINH HỒN

ĐỜN CA TÀI TỬ LÀ NGUỒN CỘI, LÀ LINH HỒN
Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ- Chi hội trưởng chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Long An- vừa đạt giải thưởng cao nhất về nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian năm 2014 do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng với công trình nghiên cứu “Đờn ca tài tử Nam Bộ”. Trong những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ TrườngKỳ xoay quanh công trình nghiên cứu này.

 Xin chào nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ. Đầu tiên, xin chúc mừng ông vừa đạt giải cao nhất của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2014 với công trình nghiên cứu “Đờn ca tài tử Nam Bộ”. Xin ông giới thiệu đôi nét về công trình nghiên cứu này. 

- Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ:

Về công trình này , trước hết, tôi muốn giới thiệu cho giới chơi Đờn ca tài tử hiểu được hoàn cảnh ra đời, sự phát triển của Đờn ca tài tử từ lúc ra đời cho đến ngày nay.  Quyển sách này gồm 6 chương. Chương 1, tôi giới thiệu sơ lược về đất và người Nam Bộ. Bởi vì, có đất có người thì các loại hình văn hóa mới được sinh ra, trong đó có Đờn ca tài tử. Chương 2 là nguồn gốc phát sinh, hình thành loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đó là sự kế thừa văn hóa truyền thống lâu đời của ông cha ta từ Bắc chí Nam với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú: nhạc cung đình Huế, nhạc Lễ, nhạc Hát bội, dân ca…Ở chương 3, tôi trình bày về sự phát triển của phong trào Đờn ca tài tử trên mảnh đất Nam Bộ với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Chương 4 là quá trình hình thành hệ thống bài bản. Ban đầu, bài bản có tính tự phát, không có hệ thống. Mãi về sau này các bậc trí thức tập hợp, sắp xếp các bài bản hệ thống thành các hơi điệu: Nam, Bắc, Oán, Hạ, Ngự…Đây là bước ngoặt quan trọng đưa Đờn ca tài tử buớc lên một đỉnh cao mới, có giá trị hàn lâm bác học nhưng vẫn đậm màu sắc dân gian. Chương 5: giá trị của Đờn ca tài tử về mặt nội dung và hình thức nghệ thuật. Gồm những tác phẩm điển hình từ thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Những tác phẩm có vai trò quan trọng, đóng góp vào việc xây dựng nền văn học nghệ thuật cách mạng để góp phần giải phóng dân tộc. Không chỉ vui chơi giải trí, Đờn ca tài tử còn giáo dục nội dung tư tưởng chính trị, đạo đức làm người, lòng yêu quê hương đất nước. Chương 6: Biện pháp, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của Đờn ca tài tử trong cuộc sống đương đại. Ngoài ra còn có phần phụ lục về 20 bài bản tổ, những nhạc khí nhạc cụ dùng trong Đờn ca tài tử, những nghệ nhân tên tuổi được phong tặng danh hiệu, hình ảnh sinh hoạt của các loại hình Đờn ca tài tử..

 

Nhà nghiên cứu VH, VNDG Võ Trường Kỳ (bìa phải) nhận giải từ Hội VNDG Việt Nam.

 

 Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi khi ông thực hiện công trình nghiên cứu này?

  

- Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ:

Tôi là một cán bộ công chức nhà nước có vai trò tương đối quan trọng. Lại là một người toàn tâm toàn ý với công việc mà Đảng và nhà nước giao phó nên tôi không thể dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết lách dù tôi rất đam mê. Nhìn ở góc độ khác, đây cũng là điều thuận lợi. Ở những vị trí tương đối quan trọng mà tôi đã từng làm qua, tôi có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và thu thập được rất nhiều nguồn tư liệu quí. Khi tôi về hưu, tôi hoàn thành công trình nghiên cứu này trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, đó là  kết quả của quá trình gần 30 năm tôi đã sưu tầm, nghiên cứu.

 

Chọn đề tài này để nghiên cứu, phải chăng ông có một tình yêu đặc biệt dành cho Đờn ca tài tử?

- Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ:

Tôi được sinh trưởng trong một gia đình có 3 thế hệ với nhiều thành viên biết chơi ca nhạc tài tử và ca nhạc sân khấu cải lương. Từ năm 10 tuổi, tôi tự bắt chước ngón đờn của ông nội là nhạc sĩ Tư Chí, người chú ruột là nghệ nhân dân gian Tư Bền. Sau đó, tôi tìm đến thọ giáo nhạc sư Huỳnh Văn Biểu- người nghệ sĩ đờn tranh nổi tiếng trên đài phát thanh và các hãng đĩa ở Sài Gòn vào những thập niên 40, 50, 60 của thế kỷ 20. Lúc còn học phổ thông tôi chơi nhạc tài tử làm thú vui tiêu khiển. Khi xếp bút nghiên tham gia công tác cách mạng, tôi làm nhạc công đoàn văn công tỉnh Long An. Khi đất nước thống nhất, tôi làm công tác quản lí ngành văn hóa thông tin tỉnh Long An. Qua hàng chục năm hoạt động thực tiễn, từ chơi đờn ca tài tử, biểu diễn nhạc tài tử để phục vụ đồng bào, đến làm công tác lãnh đạo, quản lí ngành văn hóa…tôi luôn tìm tòi học hỏi về Đờn ca tài tử từ các nghệ nhân, nghệ sĩ tài tử và sân khấu cải lương. Càng tìm hiểu, tôi càng say mê, thích thú vì biết thêm nhiều cái hay cái đẹp tiềm ẩn trong thế giới âm thanh của dòng âm nhạc dân gian mà bác học này. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy nhiều vấn đề còn tồn nghi cần phải được giới nghiên cứu làm sáng tỏ thêm: lịch sử và lí luận nghệ thuật về Đờn ca tài tử, thực trạng và xu hướng phát triển của Đờn ca tài tử, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Đờn ca tài tử trong tình hình ngày nay….Có thể nói, với tôi, Đờn ca tài tử là nguồn cội, là máu, là linh hồn, là  một tình yêu vô cùng đặc biệt!

 

Những đề tài nghiên cứu nào ông đang hướng đến sau “Đờn ca tài tử Nam Bộ”?

 

-         Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ:

Với tôi, công trình nghiên cứu này là mở đầu, không phải là kết thúc nghiên cứu về Đờn ca tài tử. Bởi vì, Đờn ca tài tử còn mênh mông lắm, còn nhiều đề tài để nghiên cứu và cần làm sáng tỏ lắm. Ngay cả Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê cũng cho là Đờn ca tài tử còn mênh mông mà! Phải có nhiều hội thảo về Đờn ca tài tử nữa. Phải điền dã nhiều hơn nữa, phải tiếp cận với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ hơn nữa. Những tư liệu mà tôi có được còn hạn chế lắm, trước thực tiễn cuộc sống của Đờn ca tài tử. Do đó, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu về Đờn ca tài tử. Sau công trình nghiên cứu này, tôi sẽ thực hiện một công trình dài hơi hơn. Cụ thể, tôi sẽ sưu tập, phân loại, chú giải, hệ thống tất cả các lời ca, sách về Đờn ca tài tử từ đầu thế kỷ 20 cho đến ngày nay. Từ đây tới cuối đời, tôi chỉ tập trung nghiên cứu về Đờn ca tài tử. Tuy vậy, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Long An, tôi cũng sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ các anh chị hội viên trong việc nghiên cứu các đề tài khác của văn hóa, văn nghệ dân gian.

 

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Long An, ông có những kiến nghị gì để thúc đẩy sự phát triển của việc sưu tầm, quảng bá văn hóa, văn nghệ dân gian trong tỉnh, khu vực và cả nước?

 

-         Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ:

Tôi đã nêu rất nhiều kiến nghị trong công trình nghiên cứu của tôi. Ở đây, tôi chỉ đưa ra vài kiến nghị mang tính cấp bách. Trước hết, nhà nước phải quan tâm hơn nữa đến các nghệ nhân dân gian: kịp thời công nhận những đóng góp của nghệ nhân dân gian, có chính sách hỗ trợ về cuộc sống đối với họ, mở các lớp huấn luyện để nghệ nhân có thể truyền nghề, có thu nhập để đảm bảo cuộc sống, từ đó họ mới có thể toàn tâm toàn ý với nghề. Kế đến, nhà nước cần phải có chính sách để thu hút các nhà nghiên cứu nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian; phải tạo điều kiện để các công trình nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian được xuất bản, được quảng bá rộng rãi. Ngoài ra, nhà nước cũng cần tạo ra nhiều sân chơi, hoạt động về văn hóa, văn nghệ dân gian hơn nữa. Để khuấy động, để làm cho văn hóa, văn nghệ dân gian gần gũi hơn nữa đối với mọi tầng lớp nhân dân. Như là Long An chúng ta cũng đã nhiều lần đăng cai Liên hoan về Đờn ca tài tử, dân ca…Cần thấy được giá trị to lớn của văn hóa, văn nghệ dân gian, cần phải đầu tư đúng mức vào nó. Tôi nghĩ đó cũng là cách để giáo dục về văn hóa truyền thống của dân tộc, về tình yêu và lòng tự hào về quê hương đất nước. Đó cũng là cách để hòa nhập mà không hòa tan!

Tác giả bài viết: TANG NHU