ĐẢO VÕ

Đảo võ hay Đảo vũ nghĩa là cầu mưa. Câu ca dao dưới đây nói lên tiếng kêu than của người nông dân Nam Bộ khi bị hạn hán kéo dài không canh tác được: “Tiếng than kêu thấu trời cao/ Ruộng đồng nứt nẻ làm sao cài bừa”

Nước sông mặn thì không thể dẫn thủy nhập điền (đem nước vào ruộng). Chỉ còn cách cầu trời: Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm? Lấy rơm đun bếp. Lạy trời bằng lời nói, trời chưa động lòng, thôi thì bằng hành động cụ thể: Lễ Đảo võ được cử hành.

 

Tiếng  trống và thanh la càng lúc càng gần. Đám trẻ con chúng tôi chạy ùa ra bờ cái rồi nhập vào đoàn người đi Đảo võ (hồi ấy chúng tôi gọi là đi xem Đua bơi). Đoàn Đảo võ đến giữa ruộng khô nứt nẻ dừng lại. Các bô lão trong ba hội đình khăn đóng áo dài chỉnh tề. Một cụ cao niên cầm bó nhang xá bốn hướng, miệng lâm râm khấn vái rồi cắm bó nhang giữa ruộng. Đứng gần các bô lão là một  thanh niên hóa trang làm Thổ địa, chân mài và râu vẽ bằng lọ nồi trộn dầu dừa, đầu vấn khăn đỏ, mặc áo dài, bụng độn to, tay cầm cây quạt mo cao, quạt cầm chừng theo nhịp trống. Bộ phận Đảo võ khoàng vài chục thanh thiếu niên hóa trang như nông d6an, quần vo áo xắn, xếp thành hai hàng, bên nam đội nón lá, bên nữ đội khằn rằn, trên tay mỗi người cầm một cây dầm làm bằng bặp dừa (gốc lá dừa nước) hướng về các bô lão. Trống và thanh la vừa dứt, ông Địa bước ra đứng trước bọn trẻ Đua bơi, nói to: “Hồ bơi, hố bơi”. Bọn trẻ cùng lặp lại: “Hồ bơi, hố bơi”. Miệng nói, tay làm động tác “bơi chèo” trên ruộng khô đầy…lỗ nẻ! (Ngụ ý: cầu có nước đầy ngập, dù trên ruộng đồng bơi xuồng cũng được). Ông Địa “xướng” bài Đảo võ một câu, bọn Đua bơi “xô” một câu: “Hồ bơi, hố bơi”. Cuộc xướng xô bắt đầu:

 

“Cầu trời nhỏ phước/ Cầu được trời mưa

 

Cho dân cày bừa/ Cho dân gặt đập

 

Mưa n đầy ruộng thấp/ Mưa ngập ruộng cao

 

Mưa xuống đầy ao/ Mưa vào đầy giếng

 

Cho cơm đầy chén/Cho lúa đầy bồ

 

Làng xóm tung hô/ Ngọc hoàng vạn tuế!!!

 

Hồ bơi, hố bơi- Hồ bơi, hố bơi…

 

Xong trò Đua bơi ở ruộng, các bô lão dẫn đoàn Đảo võ đến đình làng, cúng Thần Nông với xôi gà tại đàn Xã Tắc (có nơi cúng tại Miễu Điền) rồi dẫn đoàn và đông đảo dân làng đến mé sông. Vài thanh niên lực lưỡng thay phiên nhau vòng tay làm kiệu, kiệu ông Địa đi trước. Khi đến mé sông, một người trong đoàn nói lớn: “Nhờ ông Địa xuống hỏi Long Vương xem chừng nào trời mưa”. Chiếc kiệu tay hất ông Địa văng tõm xuống sông. Hai, ba người kéo ông Địa lên, hỏi: “Long Vương nói chừng nào mưa?”. Ông Địa mình ướt loi nhoi như chuột lột, trả lời: “Một tháng nữa”. Mọi người la ó: “Không được! Không được! Nhờ Địa hỏi lại”. Đoạn, họ xô ông Địa xuống sông lần nữa rồi lại kéo lên, hỏi: Chừng nào?”. Địa nói: “Mười ngày nữa”. Mọi người không đồng ý, bảo phải mưa liền. Ông Địa nói: “Long Vương không có quyền, để ta đi xin Ngọc Hoàng”. Ông Địa lên ngồi trên cháng ba cây bần, chắp hai tay trước ngực, mắt lim dim, miệng lầm thầm, đầu gục gặc…đoạn ông nhảy xuống đất, hô to: “Mọi người về lo súc lu, súc khạp đựng nước; sửa cày sửa cuốc làm ruộng. Ngọc Hoàng nói trong vòng ba ngày nữa có mưa lớn!”. Mọi người vỗ tay reo mừng: “Ngọc Hoàng vạn tuế! Ngọc Hoàng vạn tuế!!!”. Trống và thanh la đánh ba hồi, ai về nhà nấy, cuộc Đảo võ chấm dứt.

 

Trên đây là trò diễn dân gian tạo cảnh vui nhộn được lồng ghép trong lễ Cầu mưa mang tín ngưỡng truyền thống của nền nông nghiệp lúa nước. Chúng tôi được xem lễ hội Đảo võ cách nay gần bảy mươi năm tại quê nhà, thuộc vùng hạ huyện Tân Trụ tỉnh Long An, vùng có hai mùa nước mặn, ngọt trong năm. Lúc bấy giờ chúng tôi còn là những đứa bé chưa đầy mười tuổi. Đối với chúng tôi đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng được may mắn “dự” lễ hội dân gian này.

 

Như chúng ta biết, đình và miếu là thiết chế văn hóa truyền thống đầu tiên ở vùng đất mới Nam Bộ. Hai cơ ngơi này cũng là nơi thờ phụng thần linh phù hộ cho nông nghiệp. Bởi vậy tại đình thần chúng ta thường bắt gặp những hoành phi với nội dung cầu nguyện “Gió hòa mưa thuận, lúa thóc tốt tươi, nơi ở bình yên, vui cùng nghề nghiệp” (Phong điều võ thuận, hòa cốc phong đăng, an cư lạc nghiệp…). Còn ở miếu thì mang tính dân gian nhiều hơn, đối tượng thờ tực là các nữ thần, cho nên người ta thường tổ chức múa Bóng rỗi để cúng Bà. Trong các hình thức diễn xướng của Bóng rỗi có vài “kịch bản” mang tính Đảo võ như Địa Nàng, Trạng nàng…Chặp bóng tuồng Địa Nàng chỉ có hai nhân vật: Thổ Địa và Nàng Tiên (là Hằng Nga). “Nàng” bước ra sân khấu chào khán giả và cho biết: Theo lời cầu đảo của ban hội miễu (tức nông dân), bà Tây Vương Mẫu sai Nàng xuống tếh gian tìm cho được nơi có mạch nước ngọt, chỉ cho ban hội miễu đào giếng lấy nước tưới cây huê (cây hoa- hàm ý chỉ hoa màu, lúa thóc) cho được xanh tươi. Đến tếh gian lạ lẫm, Nàng phải nhờ Thổ Địa dẫn đường. Thổ Địa được dịp đòi “hối lộ”, vòi vĩnh hết bánh trái đến chè xôi…Rồi Địa dẫn Nàng đến nơi có mạch nước ngọt. Hai người cùng làm các động tác đào giếng, tưới huê. Sau cùng họ gặp được mạch nước ngọt, phấn khởi reo mừng: “Nước ngọt đầy giếng, hue trái tốt tươi!!!”. Hai người cầu chúc bổn hội (Hội miễu) rồi chia tay nhau. Kết thúc chập diễn. Nội dung chặp diễn Trạng Nàng cũng tương tự Địa Nàng, tất cả những trò khôi hài ứng diễn, ứng tại chỗ (kiểu hát cương) nhằm gây cười cho khán gải nông dân mà ý nghĩa là cầu được mưa hòa gió thuận. Đó cũng là một dạng Đảo võ với qui mô nhỏ. Cho đến ngày nay, có lẽ vì việc tổ chức tương đối gọn nhẹ nên lệ cúng miễu kèm thao các trò bóng rỗi, bo1ngb tuồng vẫn còn tồn tại ở một số địa phương trong khi tục Đảo võ/ Đua bơi hầu như không còn thấy nữa.

 

***

 

Biển bạc vững tay chèo, núi sông mo6tt dãi thương cha Lạc/

 

Rừng vàng thơm lúa nước, con cháu muôn đời nhớ mẹ Âu.

 

Trên đây là hai vế đối thờ phụng Lạc Long Quân và Âu Cơ của tác giả Đông Huyền có đề cập đến lúa nước. Theo truyền thuyết thì cha Lạc Long Quân đem năm mươi con xuống biển sống bằng ngư nghiệp, tạo thuyền bè xuôi Nam, nối dài thêm đất nước. Còn mẹ Âu Cơ dẫn năm mươi con lên rừng núi khẩn hoang lập làng, xây dưng nhà cửa, canh tác lúa nước, sống bằng nông nghiệp. Như vậy nên nông nghiệp lúa nước của ta đã có từ khi lập quốc và với sự gắn bó hữu cơ, đã trải qua mấy ngàn năm tồn tại và phát triển.

 

Nông nghiệp lúa nước mà thiếu nước thì lúa không mọc được, không sống được. Thế nên ông bà ta có câu “Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Điều này đã khẳng định công tác thủy lợi là điều kiện tiên quyết đối với nông nghiệp. Ngày nay với kho học kỹ thuật tiến bộ, người ta làm thủy lợi bằng nhiều cách: xây đập ngăn mặn, đào kênh xẻ máng để dẫn thủy nhập điền, thậm chí làm cả mưa nhân tạo!  Nhưng ngày xưa thì có khác, gặp năm hạn hán ke1od ài, người no6ngd ẫn chỉ còn dựa vào quyền năng tối thượng là ông Trời bằng cách tổ chức Đảo võ/ Đua bơi. Việc làm này không biết có “động lòng trời” hay không, nhưng đó là niềm tin, là hy vọng của những người “chơn ướt chơn ráo” sống giữa vùng đất mời bốn bề rừng bụi hoang vu “cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”!

 

Biết rằng việc Đảo võ/ Đua bơi không đem lại kết quả thiết thực, nên ngày nay nó đã nhường chỗ cho khoa học kỹ thuật. Thiết nghĩ, chúng ta không nên lấy đó để so sánh, chê bai, phê phán mà xin hãy cảm thông và cảm ơn người xưa đã đem hết sức mình mong đổi lấy sự no ấm yên bình cho cuộc sống hiện tại và cho con cháu mai sau.

 

Tác giả bài viết: Đỗ Văn Đồng

Nguồn tin: Nông nho kể chuyện