ĐẠI HỘI IV CHI HỘI VNDG VIỆT NAM TỈNH LONG AN

Ông Võ Trường Kỳ- Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Long An.

Ông Võ Trường Kỳ- Chi hội trưởng Chi hội VNDG Việt Nam tỉnh Long An.

Được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự quan tâm phối hợp của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, ngày 24/4/2015, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - tỉnh Long An đã tiến hành tổ chức đại hội toàn thể hội viên nhiệm kỳ IV (2015 - 2020).

Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thường trực Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Long An, đại diện BCH các chi hội chuyên ngành VHNT trung ương và địa phương cùng đầy đủ hội viên của chi hội.
Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - tỉnh Long An có 13 hội viên, phần lớn là những người say mê, tâm huyết và giàu năng lực trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, đã góp phần quan trọng trong công tác phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống ở địa phương. Trong nhiệm kỳ qua, nhiều công trình, tác phẩm có giá trị của các hội viên đã được công bố, tham gia các cuộc hội thảo khoa học và được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những đề tài, công trình đã công bố hoặc chưa có điều kiện ấn hành giới thiệu của hội viên đều có chất lượng về lý luận khoa học và thực tiễn, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, khu vực và tỉnh nhà trong sự nghiệp đổi mới, phát triển liên tục, nhưng vẫn giữ gìn được giềng mối, tinh thần, tính cách dân tộc.

Ông Võ Trường Kỳ - Chi hội trưởng thay mặt tập thể hội viên nhận Bằng khen của UBND tỉnh và hoa chức mừng của lãnh đạo 

 

Ban Chấp hành chi hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 ra mắt đại hội và nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, cởi mở, dân chủ, đoàn kết, Đại hội đã nghe nhiều ý kiến đóng góp tâm quyết của các hội viên và đại biểu; đồng thời thống nhất cao trong việc bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành chi hội nhiệm kỳ mới. Kết quả, nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng, ông Nguyễn Công Toại - Chi hội phó và ông Nguyễn Tấn Quốc - ủy viên Ban Chấp hành.

 

BÁO CÁO
Tổng kết hoạt động khóa III (nhiệm kỳ 2010 - 2015)
và phương hướng hoạt động khóa IV (nhiệm kỳ 2015 - 2020)


A. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHÓA III (NHIỆM KỲ 2010 - 2015)
I. Đặc điểm tình hình
Đại hội III Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDGVN) tỉnh Long An, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã được tiến hành vào tháng 4/2010 đến nay đã tròn 05 năm. Thời gian ấy, Chi hội đã trải qua một chặng đường với nhiều thuận lợi, đồng thời cũng gặp không ít khó khăn thử thách.
1. Về thuận lợi
- Được sự quan tâm ủng hộ đặc biệt và hướng dẫn về chuyên môn của Hội VNDGVN; sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tư tưởng, tổ chức và định hướng hoạt động; sự phối hợp hiệu quả của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và các sở, ngành tỉnh; các địa phương trong tỉnh.
 - Đội ngũ hội viên và cộng tác viên của chi hội ở các sở, ngành liên quan thể hiện sự toàn tâm, toàn ý thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch đã đề ra của chi hội.
 - Việc xã hội hóa, liên kết với các địa phương và doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tp. Hồ Chí Minh, với hội chuyên ngành trung ương và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phát huy tài sản VNDG ngày càng được đẩy mạnh.
2. Về khó khăn
Kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện cho công tác sưu tầm, nghiên cứu VNDG chưa theo kịp tình hình phát triển chung; chế độ chính sách chậm chuyển biến; đời sống vật chất tinh thần của đội ngũ làm công tác điền dã, nghiên cứu, truyền dạy VNDG trong tỉnh còn nhiều khó khăn đã làm hạn chế phần nào hiệu quả hoạt động và ảnh hưởng ít nhiều đến tâm tư tình cảm một bộ phận hội viên trong chi hội.
II. Hoạt động chi hội
 1. Tình hình hội viên và công tác tư tưởng, tổ chức
 - Được sự lãnh đạo của cấp ủy, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền các cơ quan đơn vị có hội viên, hội viên chi hội tham gia đầy đủ các sinh hoạt chính trị tập trung của Hội, của tỉnh.
 - Hội viên chi hội phần lớn tham gia nhiều vai trò công tác ở các chuyên ngành VHNT, các cơ quan quản lý, các địa phương. Hầu hết có tuổi đời, tuổi nghề cao. Tuy nhiên trong chuyên môn, hội viên chi hội luôn thể hiện sự năng nỗ, nhiệt tình, toàn tâm toàn ý, làm đầu tàu gương mẫu trong sinh hoạt cũng như thực hiện nhiệm vụ của Chi hội và của Hội VNDGVN.
 - Đội ngũ cộng tác viên, nghệ nhân dân gian (gần 100 vị) trong ngành văn học nghệ thuật, ngành giáo dục, ngành văn hóa ... các đoàn thể thuộc Mặt trận Tổ quốc ở khắp 15 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là lực lượng đáng kể góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của chi hội trong mọi điều kiện, mọi yêu cầu công tác chuyên môn.
 - Trong nhiệm kỳ, chi hội có 10 lượt hội viên, cộng tác viên được dự tập huấn chuyên môn trong tỉnh, ở các tỉnh, thành phố bạn và ở Trung ương Hội. Các hội viên còn lại đều tham dự đầy đủ các sinh hoạt, hoạt động tập trung như: Trại viết, điền dã, sưu khảo, tham gia hoạt động VHVNDG cơ sở, được các địa phương, sở ngành, đoàn thể trong tỉnh trọng thị.
- Chi hội VNDGVN tỉnh Long An là một trong những chi hội có nhiều hoạt động đạt kết quả tốt ở khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ, phát triển tổ chức vững chắc. Hiện chi hội có 13 hội viên Hội VNDGVN và 17 hội viên địa phương cùng sinh hoạt.
- Trong nhiệm kỳ, về tổ chức, chi hội đã phát triển được 03 hội viên  , đề nghị phát triển 01 hội viên   (đang chờ Trung ương Hội chuẩn y); chi hội cũng đã đề nghị Trung ương Hội cho 02 hội viên thôi sinh hoạt vì lý do sức khỏe   và xóa tên 01 hội viên do tự ý không tham gia sinh họat hội  .
- Chi hội hiện có 11 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên, trong đó có 9 đảng viên.
- Trong nhiệm kỳ, chi hội có 9 hội viên   có đủ tiêu chuẩn theo quy định được Trung ương Hội xét tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam”.
- Chi hội còn tích cực lập hồ sơ đề nghị và được Trung ương Hội phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam cho 20 nghệ nhân, trong đó có 17 nghệ nhân đờn ca tài tử   và 02 nghệ nhân nghề làm trống. Tính đến nay, Long An đã có 20 nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghệ thuật đờn ca tài tử và nghề làm trống được Trung ương Hội truy tặng và phong tặng danh hiệu cao quý này gồm: Nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, được truy tặng nhiệm kỳ trước và 19 nghệ nhân được truy tặng và phong tặng trong nhiệm kỳ này.
Ngoài ra, chi hội còn phối hợp với sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành hữu quan xác lập 07 bộ hồ sơ trình UBND tỉnh đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đợt đầu, năm 2015. Tất cả đều là các nghệ nhân đã được Hội VNDGVN phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian như các ông, bà: Võ Văn Chuẩn (Tư Bền), Đặng Quất Vân (Bảy Vân), Lê Thị Kim Hồng (Ánh Hồng), Phạm Hữu Dự (Đoàn Dự), Nguyễn Văn Mến, Trần Hồng Cúc, Nguyễn Thị Thanh (Kim Thanh).
2. Hoạt động chuyên môn
a) Trại viết, bồi dưỡng nghiệp vụ, đi điền dã sưu khảo:
- Cùng với chi hội địa phương tổ chức định kỳ trại viết VNDGVN, nhiệm kỳ qua đã có gần 100 lượt hội viên tham dự, tổ chức trên 10 lượt sưu khảo VNDG ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trên tinh thần khai thác bản sắc của 04 cụm văn hóa đặc trưng trên quê hương Long An, kết hợp với chương trình kế hoạch của Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch thực hiện các đề tài nghiên cứu từ cấp tỉnh đến cấp bộ, ngành. Ở các trại viết, chi hội được đầu tư kinh phí phương tiện đi điền dã cho hội viên tuy chưa cao nhưng cũng tạo điều kiện để hội viên tác nghiệp, tập trung vào các hội viên có điều kiện năng lực và nhiệt tình đăng ký thực hiện các chủ trương của Hội VNDGVN và của chi hội.
- Phối hợp với Hội VNDGVN, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, Chi hội VNDG địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai tổ chức Lớp tập huấn sưu tầm, nghiên cứu VHVNDG tại Long An từ 22 đến 26/8/2011, thu hút 51 học viên là những nhà nghiên cứu VH, VNDG đến từ 15 tỉnh, thành phố khu vực Đông và Tây Nam Bộ.
- Cử 02 hội viên (Võ Văn Bửu Thiết và Phan Văn Phấn) cùng 01 hội viên chi hội địa phương dự trại sáng tác văn học nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ 01/4/2012 đến 15/4/2012 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; cử 02 hội viên (Võ Văn Bửu Thiết và Nguyễn Công Toại) dự trại viết ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ 01 đến 15/10/2014.
- Thường xuyên tổ chức phối hợp với các nhà nghiên cứu VH, VNDG ở Tp. HCM và các tỉnh, thành bạn đi sưu khảo VNDG Long An với trên 30 lượt hội viên, cộng tác viên của chi hội tham gia ở các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các hoạt động nổi bật gồm có: Tổ chức các chuyến sưu khảo và giao lưu với các hội viên bạn ở các tỉnh Đồng Tháp (2010); Đồng Nai (2011); Tp. Cần Thơ (2012); Bến Tre (2013) và Tây Ninh (2014). Tiếp đón và giao lưu với đoàn tham quan, nghiên cứu của Hội VNDG thành phố Cần Thơ (2011).
Nhìn chung, các hoạt động giao lưu, nghiên cứu trên đã đạt được kết quả tốt đẹp, tạo mối quan hệ gắn bó với những người làm công tác quản lý, sưu tầm, nghiên cứu VH, VNDG ở các địa phương tỉnh, thành bạn.
b) Đầu tư sáng tạo văn học nghệ thuật:
- Từ năm 2010 đến nay chi hội đã đầu tư 06 công trình của hội viên đã nghiệm thu xong. Ngoài ra, chi hội còn phối hợp với Bảo tàng tỉnh và các địa phương tiến hành hoàn chỉnh nhiều đề tài phong phú về VH, VNDG địa phương. Trong đó gồm các công trình:
+ “Tín ngưỡng thờ Nữ thần ở Long An”. Tác giả Nguyễn Văn Hiếu.
+ “Long An, dấu cũ người xưa”. Tác giả Nguyễn Văn Thiện.
+ “Lễ hội truyền thống và lễ hội tiêu biểu ở Long An”. Tác giả Nguyễn Tấn Quốc.
+ “Bước đầu tìm hiểu giá trị nội dung, nghệ thuật lời đồng dao trên đất Long An”. Tác giả Trần Kỳ Đức.
+ “Góp phần tìm hiểu nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”. Tác giả Võ Trường Kỳ.
+ “Những câu hò trên quê hương Long An”. Tác giả Trịnh Hùng.
+ “1.000 câu hát đưa em”. Tác giả Trịnh Hùng.
+ “Trò chơi dân gian Nam Bộ”. Tác giả Phan Văn Phấn.
+ “Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, chính sử và truyền thuyết dân gian”. Tác giả Võ Văn Bửu Thiết.
+ “Chuyện kể dân gian Trương Chi - Mỵ Nương”. Tác giả Phan Văn Phấn.
- Nhóm hội viên công tác tại Bảo tàng tỉnh hoàn thành các công trình:
+ Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ” ở Long An”.
+ “Đặc trưng văn hóa ẩm thực vùng nước nổi Đồng Tháp Mười”.
+ “Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Long An”;.
+ “Ẩm thực vùng Đồng Tháp Mười Long An”.
+ “Nghề đánh bắt và chế biến thủy sản vùng Cần Giuộc, Cần Đước” (đang thực hiện). 
+ “Nghề đan đát các sản phẩm từ tre, trúc trên địa bàn tỉnh Long An”  .
- Chi hội còn phối hợp với Đài Truyền hình Cần Thơ 1 thực hiện 9 tập phim về “Địa danh - sử tích”, giới thiệu về văn hóa dân gian của các huyện, thị xã, thành phố của Long An (đã được phát hình). Phối hợp với VTVC 15 thực hiện tập phim về Nghề làm trống Bình An (đã được phát hình). Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV9) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thực hiện các chương trình phỏng vấn về đờn ca tài tử Nam Bộ (đã phát hình và phát thanh).
- Những công trình của hội viên đã được in sách xuất bản: “Nông ngư cụ Nam Bộ qua ca dao, tục ngữ” của tác giả Phan Văn Phấn (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và tác giả phối hợp xuất bản); “Trò chơi dân gian Nam Bộ” của tác giả Phan Văn Phấn và “1.000 câu hát đưa em” của tác giả Trịnh Hùng (xuất bản theo phương thức xã hội hóa); “Về nông thôn nghe nông nho kể chuyện” của tác giả Đỗ Văn Đồng (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật xuất bản); “Đờn ca tài tử Nam Bộ” của tác giả Võ Trường Kỳ (do Hội VNDG Việt Nam tài trợ kinh phí xuất bản).
- Các chương trình nghệ thuật đã được chi hội vận động tài trợ, thực hiện thành công gồm: 01 CD về ca nhạc tài tử Nam Bộ, phát hành vào dịp kỷ niệm ngày giỗ nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại (18-19/ tháng giêng/2011 và 2012); 01 CD về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ do chi hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Âm nhạc Việt Nam thực hiện, góp phần cho đề tài nghiên cứu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
- Các hội viên chi hội cũng đã thực hiện hơn 60 tiểu luận, bài viết tham dự các hội thảo khoa học, đăng trên các báo Đảng, tạp chí Văn nghệ Long An, tạp chí Nguồn sáng dân gian của Trung ương hội … đặc biệt chi hội đã tổ chức thực hiện chương trình “Tầm nhìn văn nghệ dân gian 2010 ở Long An” trong đó hội viên và cộng tác viên Chi hội VNDGVN tỉnh Long An là lực lượng chủ công.
c) Phát huy giá trị di sản văn hóa văn nghệ dân gian:
- Chi hội thường xuyên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử giữa Long An và các địa phương bạn trong khu vực hằng năm nhân Lễ Húy kỵ nghệ nhân - nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại đình Vạn Phước (Mỹ Lệ, Cần Đước). Ngoài ra, chi hội còn có đại diện tham gia vào ban tư vấn tổ chức chương trình tham dự Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2011 khu vực Nam bộ tại tỉnh Bến Tre (tháng 4/2011), Liên hoan dân ca do Đài Truyền hình tỉnh Kiên Giang tổ chức.
- Năm 2014, chi hội đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hai chương trình gồm:
+ Chương trình Hội diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử toàn quốc tại Bạc Liêu (24 - 29/4/2014) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức để chào mừng sự kiện tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tôn vinh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
+ Chương trình nghệ thuật dân gian của tỉnh Long An phục vụ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng (tháng 5/2014) đã tạo được dư luận đánh giá cao cũng như sự ủng hộ rất lớn từ khách tham quan và Ban tổ chức Lễ hội.
3. Giải thưởng
Trong nhiệm kỳ qua, một số hội viên trong chi hội đã được xét tặng giải thưởng cấp toàn quốc dành cho các công trình sưu tầm, nghiên cứu xuất sắc gồm:
- Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT Việt Nam xét tặng giải A cho công trình nghiên cứu “Nông ngư cụ Nam Bộ qua ca dao, tục ngữ” của hội viên Phan Văn Phấn.
- Hội VNDGVN tặng giải Nhì A cho công trình nghiên cứu “Đờn ca tài tử Nam Bộ” của hội viên Võ Trường Kỳ và tặng giải Nhì B cho công trình nghiên cứu “Trò chơi dân gian Nam Bộ” của hội viên Phan Văn Phấn (các công trình, tác phẩm đạt giải thưởng đều được xuất bản, phát hành rộng rãi).
- Cố hội viên Đỗ Văn Đồng (hội viên địa phương) được xét truy tặng Giải thưởng văn học Nguyễn Thông tỉnh Long An lần IV (2010 - 2014).
4. Về tài chính: Chủ yếu là thu, nộp hội phí (có báo cáo riêng).

III. Nhận xét đánh giá chung
1. Ưu điểm
- Với đặc trưng là chi hội của những văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn, trong lĩnh vực VHVNDG, hội viên chi hội đa số là người nhiều tuổi, giàu vốn sống thực tiễn trong phát hiện, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình VNDG, bên cạnh đội ngũ hội viên trẻ với nhiệt tình và năng lực chuyên môn đã góp phần tạo sức sống mới trong nghiên cứu khoa học theo phương hướng “Vươn tới tầm cao”, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trên quê hương Long An cùng với khu vực và cả nước.
- Đội ngũ hội viên đã từng bước đi vào ổn định và phát huy năng lực, nghiệp vụ chuyên môn. Công tác phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật cùng với Chi hội VNDGVN tỉnh Long An và chi hội VNDG địa phương đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa - văn nghệ dân gian đã được triển khai tích cực và có hiệu quả. Công tác xã hội hóa đã được thực hiện và giành được hiệu quả bước đầu. Ngày càng có nhiều đơn vị, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - văn nghệ dân gian, đặc biệt trong các lĩnh vực tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật dân gian, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân.
- Cán bộ, hội viên Chi hội VNDGVN tỉnh Long An phát huy tốt tinh thần thái độ tác nghiệp, nhiệt tình, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp, khắc phục nhiều trở ngại chủ quan cũng như khách quan, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội VI Hội VNDGVN và Nghị Quyết đại hội III Chi hội VNDGVN tỉnh Long An nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra, đóng góp tích cực vào những định hướng lớn trong đường lối văn học nghệ thuật của Đảng, chủ trương của hội chuyên ngành Trung ương.
- Những đề tài, công trình đã công bố hoặc chưa có điều kiện ấn hành giới thiệu của cán bộ hội viên chi hội đều có chất lượng về lý luận khoa học và thực tiễn, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, khu vực và tỉnh nhà trong sự nghiệp đổi mới, phát triển liên tục, nhưng vẫn giữ gìn được giềng mối, tinh thần, tính cách dân tộc.
2. Những hạn chế về hoạt động chuyên môn
a) Khách quan:
- Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, phương tiện sưu khảo, bảo tồn còn lạc hậu; bên cạnh vốn di sản VNDG vật thể, phi vật thể ở Long An đang mai một theo thời gian. Những thể loại VNDG đặc sắc thất truyền dần trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn ở tỉnh nhà, việc truyền dạy, phổ biến VHVNDG của Long An cho thế hệ trẻ còn mỏng và yếu ở nhà trường cũng như ngoài xã hội. Trong khi nghệ nhân dân gian già yếu ra đi từng ngày từng giờ, nên việc tiếp tục sưu khảo, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu của các thế hệ hơn 300 năm qua, nhất là những sáng tạo dân gian mang đậm bản sắc riêng của vùng Tân An - Chợ Lớn ngày càng trở nên khó khăn phức tạp hơn.
- Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành TW Đảng và Chương trình hành động của Tỉnh ủy Long An đã được triển khai thực hiện 5 năm qua. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề bất cập trong điều kiện địa phương, như hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQ 23-BCT đã đề cập: “…Công tác thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng ở một số lĩnh vực còn chậm, một số văn bản hướng dẫn Luật chậm ban hành hoặc đã ban hành nhưng chưa cụ thể, chưa theo kịp những biến động của thực tiễn nên hiệu lực còn thấp”  . “… Mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn học nghệ thuật còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ .... ” 
 - Cán bộ hội viên hầu hết kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan ban ngành đoàn thể trong tỉnh, trong hội, quỹ thời gian và điều kiện tập trung cho hoạt động VNDG còn bị động.
- Kinh phí cho hoạt động sưu khảo, bảo tồn và phát huy VNDG còn nhiều hạn chế.
b) Chủ quan:
 - Hội viên, cộng tác viên chi hội vẫn còn thói quen chỉ thuần túy sưu tầm lưu trữ, chưa tập trung đầu tư công sức cho công tác nghiên cứu, tổng hợp phân tích tư liệu thành các công trình khoa học theo định hướng “Vươn tới tầm cao mới”.
- Hoạt động giới thiệu quảng bá truyền dạy di sản VNDG, tổ chức câu lạc bộ các loại hình VNDG tuy được quan tâm, nhưng còn hạn chế.
IV. Kiến nghị
- Đối với Hội VNDGVN: Đề nghị xem xét tài trợ kinh phí cho chi hội cơ sở để giải quyết hành chính phí.
- Đối với lãnh đạo tỉnh: Đề nghị nghiên cứu có đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách “Xây dựng đời sống văn hóa” cho chi hội hoạt động chuyên môn.
- Đối với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh: Đề nghị nên có họp giao ban định kỳ, mỗi năm 2 lần với Chi hội VNDGVN tỉnh Long An (cũng như với các chi hội chuyên ngành Trung ương khác ở địa phương) để trao đổi, phối hợp trong hoạt động chuyên môn.
B. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG KHÓA IV (NHIỆM KỲ 2015 - 2020)
Nhiệm kỳ khóa IV Chi Hội VNDGVN tỉnh Long An (2015 - 2020) sẽ là những năm cả nước ta tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, sớm đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa vào năm 2020. Văn học, nghệ thuật Việt Nam, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy và phổ biến VNDG sẽ đứng trước những vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Trên cơ sở giữ gìn, phát huy, phát triển những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài” và “khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc”.
Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQ 23-BCT đã đánh giá những thành tựu cơ bản đã đạt được:
“… Công tác xã hội hóa các họat động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh. Ngày càng có nhiều tổ chức xã hội và cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn học nghệ thuật.
- Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học nghệ thuật được triển khai tích cực.
- Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước đối với các Hội văn học, nghệ thuật đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn…  ”.
Đặc biệt, vừa qua Tỉnh ủy Long An đã ban hành Chương trình số 38-CT/TU thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Căn cứ các Nghị quyết của Đảng, Chương trình của Tỉnh ủy nói trên; căn cứ phương hướng nhiệm vụ Đại hội VII Hội VNDGVN; căn cứ tình hình thực tế của Chi hội VNDGVN tỉnh Long An, nhằm đưa chi hội ngày một phát triển rộng mạnh về tổ chức và chuyên môn, Chi Hội VNDGVN tỉnh Long An đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2015 - 2020) như sau:
1. Quán triệt sâu sắc nội dung và tinh thần các Nghị quyết của Đảng và của tỉnh về văn học, nghệ thuật, tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị, khắc phục khó khăn, thực hiện với sự nỗ lực cao nhất công tác sưu tầm, bảo tồn di sản, đẩy mạnh và nâng chất hoạt động nghiên cứu, truyền dạy và phổ biến vốn văn hóa, văn nghệ dân gian ở 4 tiểu vùng văn hóa đặc trưng  trên quê hương Long An cùng với Khu vực ĐBSCL và cả nước.
2. Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ chung của đại hội VII Hội VNDGVN nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, VNDG kết hợp với xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Cùng với các ngành hữu quan, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động quảng bá truyền dạy các công trình chuyên sâu về VHVNDG Long An đã lưu hành. Quan tâm sâu sắc đến đối tượng học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ.
3. Đẩy mạnh công tác phát triển hội viên từ nguồn ở chi hội địa phương, phấn đấu 100% đối tượng hội viên có năng lực nghiên cứu, sưu tầm VNDG được phát triển. Tiếp tục tham mưu, đề xuất Hội VNDG Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho các nghệ nhân đầu đàn của các lĩnh vực VH VNDG trong tỉnh, làm cơ sở lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân theo luật định. Củng cố, mở rộng và nâng chất lực lượng cộng tác viên.
4. Khuyến khích và tạo điều kiện để cá nhân và tập thể hội viên thực hiện những công trình có tầm khái quát cao, sâu sắc và đồng bộ theo định hướng “Vươn tới tầm cao mới” về VHVNDG ở tỉnh nhà. Nghiên cứu, tổ chức các tổ nhóm chuyên đề các loại hình VNDG có nguy cơ mai một. 
5. Nâng dần chất lượng Trại viết VNDG, tập huấn và gởi đi đào tạo trong khu vực và ở Hội cấp trên, tăng cường tổ chức điền dã, sưu khảo các đề tài có tính đặc trưng vùng miền, đặc sắc của địa phương, đầu tư cho cá nhân và tập thể có đề tài hoặc phát hiện di sản VHVNDG ở Long An. Trong nhiệm kỳ tổ chức ít nhất 2 cuộc thi viết VNDG cấp tỉnh, tham dự các cuộc thi khu vực và cả nước. Có kế hoạch tận dụng nguồn tài trợ sáng tạo của Hội Trung ương, của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, tranh thủ nguồn các tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh, của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh và nguồn “xây dựng đời sống văn hóa” của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đầu tư kinh phí cho hội viên có đăng ký thực hiện công trình.. Bảo đảm chính xác và kịp thời trong công tác thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tập thể hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp.
6. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành hữu quan, nhằm phát triển về tổ chức cũng như về hoạt động chuyên môn.
Ban Chấp hành Chi hội VNDGVN tỉnh Long An nhiệm kỳ mới có nhiệm vụ cụ thể hóa phương hướng nhiệm vụ được Đại hội bổ sung, quyết nghị thành chủ trương, kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ khuyết hàng năm. Kịp thời báo cáo, thỉnh thị với Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội, thông tin đến toàn thể hội viên theo đúng Điều lệ Hội./.

Tác giả bài viết: NGUYỄN CÔNG TOẠI