Chi hội Văn nghệ dân gian tham quan thực tế miền Tây

Nhân dịp kỉ niệm 128 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Long An tổ chức chuyến tham quan, nghiên cứu thực tế văn hóa, văn nghệ dân gian miền Tây tại tỉnh Bạc Liêu. Tham gia đoàn, có 28 văn nghệ sỹ, nghệ nhân thuộc Chi hội Văn nghệ dân gian do ông Nguyễn Công Toại, Phó CT Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian làm trưởng đoàn. Trong chuyến đi thực tế này Đoàn Long An rất vinh dự được sự tiếp đón nồng hậu của lãnh đạo cũng như sự nhiệt tình hướng dẫn đoàn tham quan của Phó Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu – Trần Mỹ Châu.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Bạc Liêu
Đến tỉnh Bạc Liêu, trước tiên đoàn tham quan Khu điện gió – du lịch Bạc Liêu, Các nghệ sỹ, nghệ nhân trong đoàn đã được tận mắt nhìn thấy những trụ turbine lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên nền trời, đây là nét du lịch mới của tỉnh Bạc Liêu. Tiếp tục điểm tham quan nghiên cứu thực tế của đoàn là Khu du lịch Quan âm phật đài và Quảng trường Hùng Vương. Tại Quảng trường Hùng Vương đoàn đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lung linh đèn màu của biểu tượng  cây đờn kìm vươn lên từ những cánh sen. Cũng nằm trong khuôn viên quảng trường là Trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật kiêm luôn nhà hát Cao Văn Lầu, Tòa nhà này được thiết kế theo hình dáng 3 chiếc nón lá hướng vào nhau mang nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam.


Ảnh lưu niệm tại Khu Điện gió Bạc Liêu


Biểu tượng "Cây đàn Kìm" tại Quảng trường Hùng Vương - Bạc Liêu

Sáng ngày hôm sau, đoàn được đến thăm quan nhà Công tử Bạc Liêu. Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, mọi người bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa. Những chiếc đèn màu vàng tỏa ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Một phần của khu nhà được dùng làm nơi trưng bày những hiện vật quý hiếm là đồ nội thất gia đình công tử Bạc Liêu từng sử dụng như các bộ bàn ghế được khảm xà cừ tinh xảo; những chiếc ấm, tách trà với họa tiết rồng bay, phượng múa… Sau khi thăm nhà Công tử Bạc Liêu, đoàn có dịp ghé thăm trụ sở làm việc của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Bạc Liêu, ghé xem qua Đồng hồ đá Thái Dương.


Toàn cảnh ngôi  nhà Công Tử Bạc Liêu







Một số hiện vật quý hiếm bên trong nhà Công tử Bạc Liêu

Đặc biệt là đoàn được tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu có tổng diện tích lên tới 2772 m2 gồm 10 hạng mục. Qua cổng, nhìn sang phía bên phải đó là khu mộ gia đình nhạc sĩ với 4 ngôi mộ. Đi tới bên trái, nhà trưng bày hiện vật khang trang bao gồm những vật dụng thân quen và gần gũi với ông Cao Văn Lầu và gia đình hay những bức ảnh của ông. Cuối cùng, tại gian giữa là sự xuất biện của trang thờ với tượng nhạc sĩ uy nghiêm và đặc biệt, 2 bên tường là 2 bản Dạ Cổ Hoài Lang cùng các tác phẩm khách bằng chữ thư pháp. Đến với khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, chắc chắn nhiều người con Việt Nam sẽ không kìm nổi xúc động, đặc biệt là được nghe bài “Dạ cổ hoài lang” giữa không gian hoài niệm, bởi tình cảm họ dành cho người đàn ông tài hoa này. Và những cảm xúc đó như thể hiện phần nào sự biết ơn to lớn của nhân dân đối với ông.


Ảnh lưu niệm tại Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu


Ảnh lưu niệm dưới tượng đài Cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu


Nhạc sỹ Bửu Thiết chụp ảnh lưu niệm bên tượng Cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu

Điểm cuối cùng đoàn dừng chân là Khu Di tích đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi tỉnh Bạc Liêu. Đến đây, các nghệ sỹ, nghệ nhân của đoàn đã thắp hương, tưởng nhớ Bác Hồ, được nghe kể lại câu chuyện lịch sử về xây dựng và bảo vệ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có về viếng Đền thờ Bác Hồ, nhìn những hiện vật đơn sơ nhưng chan chứa tình cảm, rồi nghe người dân nơi đây kể chuyện mới thấm thía hết ý nghĩa của câu: “Bác Hồ sống mãi trong trái tim miền Nam”. Dù cho Người chưa có dịp vào thăm, dù cho niềm mong mỏi của cán bộ, nhân dân miền Nam, trong đó có người dân Bạc Liêu sẽ không bao giờ thành hiện thực, nhưng trong mỗi trái tim người dân vẫn luôn khắc ghi hình bóng và lời dạy của Người, nhất là trong giai đoạn hiện nay “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Cũng tại khu Di tích đền thờ Bác Hồ, các ngệ sỹ, nghệ nhân của 2 tỉnh Bạc Liêu – Long An giao lưu đờn ca tài tử, đây là hoạt động để lại nhiều ấn tượng, kỉ niệm và ý nghĩa nhất của chuyến tham quan thực tế, tạo mối quan hệ gắn kết, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu và biểu diễn của anh, chị em hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian.


Ảnh lưu niệm trước Khu Di tích Đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh


Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi các đoàn đến thăm, thắp hương và mặc niệm


Tượng đài Bác Hồ với ý nghĩa "Miền Nam luôn trong trái tim Người"


Nhạc sỹ Bửu Thiết ghi lại cảm tưởng khi đến thăm Đềnn thờ Bác Hồ


Các nghệ nhân ĐCTT Bạc Liêu - Long An chụp ảnh lưu niệm

 Chuyến tham quan, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian tại tỉnh Bạc Liêu đã được các nhà nghiên cứu, các anh chị em nghệ sỹ, nghệ nhân đánh giá cao về chất lượng trong nội dung hoạt động của Chi hội, góp thêm vốn sống vào hoạt động của từng hội viên./.

 

Tác giả bài viết: Hồng Quế