VỀ ĐỒNG THÁP TÌM CÁNH CHIM HỒNG HẠC

Hai ngày một đêm bỏ cho căn nhà vắng chủ đi tới một vùng mà ấn tượng là còn nhiều hoang dã giữa một đồng bằng cũng còn rất mới, nhìn từ góc độ khai thác của con người, vài trăm năm vẫn chưa đủ để lấp kín nơi trũng nhất của ĐBSCL.

Rìa của vùng này trước 75 gọi là tỉnh Kiến Phong, nơi mà công chức được chuyển tới đó không khỏi lo âu khi đi trên đoạn tách ra từ QL 4A (nay là QL 1A) bắt đầu bằng cái tên An Hữu vào tới thị xã Cao Lãnh thủ phủ của tỉnh, thời chiến tranh đó thường hay bị phục kích. Giờ thì Cao Lãnh là đơn vị hành chánh cấp thành phố, thủ phủ tỉnh Đồng Tháp, lãnh vực hành chính trộn lẫn với bức tranh phát triển.

 

      Cao Lãnh có những con đường phố dài và rộng ngang (ngày trước nó ngắn và hẹp lắm), hẳn là do đường phố cũ vươn ra ngoại ô theo đà phát triển của thành phố nhiều cây xanh. Phải vì thế mà trong con mắt người ở xa đến, thành phố không kết chặt thành những cụm nhà của thời đất vàng? Nhiều chỗ để thở trong kiến trúc đang có. Những con phố nhiều nhà mới nhưng còn vẻ ngơ ngác của một cuộc lắp ghép đô thị với ngọai thành. Một thành phố nằm giữa lòng vùng thiên nhiên hoang dã, khác với nhiều thành phố khác có vành đai xanh của lúa và cây trái, ở đây sau những phố sá nhiều phần là nước và thảm thực vật đặc trưng của vùng ngập nước!

 

      Cảm nhận thật rõ khi xe chở 13 người của Chi hội văn học-Hội VHNT tỉnh Long An đi thăm một nơi gọi là Gáo Giồng. Đường xi măng lạ mắt vì nó rất nhỏ cho một lối vào khu du lịch, bên tay này là rừng tràm, bên tay kia lác đác những căn nhà tường và sau lưng đó những “không gian” nước có lúc người đến lần đầu phân vân không biết là sông hay ruộng. Cuối con đường mấy chục cây số hai xe không thể cùng đi một lúc đó là Gáo Giồng. Anh bạn người tại chỗ là một nhà văn, cử nhân lâu năm, hiểu biết khá đầy đủ về quê hương mình giải thích tên gọi này bằng giả thuyết! Nó trước kia là nơi có những cây Gáo, nhưng sao lại là Giồng khi địa hình thấp như còn lại đó? Thêm một lần nhớ ra sự thú vị do cách phát âm Nam bộ!

 

      Càng đi sâu càng rõ một điều Đồng Tháp (tỉnh) khác với những tỉnh khác. Đô thị hóa không bỏ lại sau lưng những vết tích tan tác, hoang phế hay tạo ra những câu trả lời giận dữ của con người và nhất là của thiên nhiên. Những chiếc ghe nhỏ chở du khách đi vào rừng tràm giữa những cây ken đặc và cao khép tán. Luồn lách giữa rừng tới một nơi mà anh bạn nói đó là một trong những căn cứ thời chién tranh. Không còn gì của một nơi như thế! Người ta quan tâm khai thác thiên nhiên cho du lịch mà quên đi những dấu vết có tính lịch sử một thời nương náu thiên nhiên?

 

     Xuống Đồng Tháp được ăn nhiều món dân dã, đặc thù miền hoang dã của nước mênh mông cùng những sinh vật cũng đặc thù của thiên nhiên ấy. Suốt mấy bữa ăn đều vắng bóng gà vịt heo bò gây một cảm giác thích thú và ngon miệng. Ở Gáo Giồng là không khí trong lành, yên tĩnh và yên lành, hiền hòa với những củ khoai lang, bắp thổ sản nướng, chè hạt sen mềm và bở lấy nên từ xứ của sen còn phảng phát hương vị tươi mát của thổ sản giống như cái tươi cảm thấy từ chén trà móc câu Thái Nguyên. Một khu du lịch "sạch" và thật sự là xanh trong bức tranh du lịch chộn rộn hiện nay.
     Về Đồng Tháp Mười mong nhìn thấy những con hồng hạc khôn dàng trời, biết trốn lạnh về đây và về đây chúng chỉ tìm những củ năn làm thực phẩm, khôn chẳng kém chi người! Nhưng tiếc thay, mùa này những con sếu đầu đỏ ấy lận đận phương xa chưa về tới nơi đất lành chim đậu!

 

     Con sông Tiền mùa này không một đám lục bình hay rong rêu củi mục, dường như ai đó đã vớt hết chúng khi làn nước đỏ phù sa chảy về qua Cao Lãnh. Những chiếc phà trắng tinh, khỏe mạnh nối bờ Cao Lãnh với Sa Đéc gợi nhớ những đồng nghiệp của chúng ngày nào cũ kỹ chậm rì làm sốt ruột người đứng chờ. Có một chút nhỏ nhặt đời thường, phà sạch đẹp nhanh nhưng với bao nhiêu người tụ lại mà không một chỗ hoàn toàn có thể làm được là cái chỗ nói ra nghe không thanh cao nhưng ai cũng cần là cái toilette!

 

     Nhà văn làm người hướng dẫn suốt chuyến đi chiêu đãi anh em tại một quán ăn ở Sa Đéc. Bữa ăn nhiều món nhưng tuyệt không thấy bò, gà vịt mà toàn thổ sản như một lời giới thiệu dịu dàng về những đô thị mọc quanh Đồng Tháp Mười, lấy cái ăn từ vùng còn hoang dã, mãi mãi cứ là hoang dã như một điểm nhấn đẹp mắt của miền Tây mà nếu ai đó để cho sự ẩm thực thành thị xóa đi thì đó là một sự dại dột không thể còn dại dột hơn! Bánh phồng tôm Sa Đéc, cá linh chiên dòn, gỏi cuốn có dưa leo...chả cần tranh đua cũng “thắng” những món chung chung của nhiều xứ khác!

 

     Hai ngày một đêm ở Đồng Tháp - ở ven vùng “bảo tàng” thiên nhiên Đồng Tháp Mười - gây ấn tượng hơn nhiều những lần có mặt ở nơi khác! Đô thị hóa không gây nên cảnh tan tác một cách khốc liệt và hung dữ như một số nơi ở Tây nguyên! Quên không hỏi anh nhà văn xem ở đây có hay xuất hiện lâm tặc không!

 

     Cuối hết, trong bữa ăn tối gặp lại Hạc-Thành Hoa mà “tên Đồng Tháp Mười” sau này là tên thực. Ở chuyện bút danh của bạn, cũng có một suy nghĩ rằng những cuộc đổi bút danh dường như tạo ta vết đứt gãy có hàn thế nào cũng không làm mất dấu hàn! Cám ơn anh bạn mấy chục năm trước nổi tiếng về những bài thơ nửa tình nửa cảnh sang sang mềm mại, nhờ đó anh bạn có nhiều những cánh thư phương xa. Thán phục anh, chỉ chọn một cánh thư Sa Đéc ngày ấy cho mãi đến bây giờ!

 

     Cám ơn Đồng Tháp, cám ơn Đồng Tháp Mười cho một chuyến thăm để thấy khu dân cư ngày một to mà không để lại những dấu tích ngậm ngùi như thơ của người xưa “Thiên niên cự thất thành quan đạo/ Nhất phiến tân thành một cố cung” .Quan đạo giờ nhiều, những “tân thành”cũng vậy nhưng không có cố cung nào bị một! Còn đó những khoảng nước mênh mông, những rừng tràm, cây hoang ngút ngàn với không ít cảm giác kỳ bí bên trong!

 

Tác giả bài viết: Cao Thoại Châu

Nguồn tin: TC VNLA 10/2013