VỀ CÚNG ĐÌNH VĨNH PHONG, TƯỞNG NHỚ ÔNG MAI TỰ THỪA
- Thứ ba - 01/10/2024 15:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đình Vĩnh Phong
Hàng năm, vào ngày 17, 18 tháng Giêng âm lịch, tại đình Vĩnh Phong diễn ra Lễ Kỳ Yên - một trong những lễ hội lớn nhất ở Thủ Thừa, thu hút hàng trăm đồng bào địa phương và nhiều nơi khác tham dự. Nhắc đến đình Vĩnh Phong, không thể quên công lao ông Mai Tự Thừa - người có công khẩn hoang, lập chợ Thủ Thừa, được dân làng tôn Tiền hiền và được thờ tại đình Vĩnh Phong.
Ông Mai Tự Thừa quê ở làng Bình Cách, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường (nay thuộc huyện Chợ Gạo - Tiền Giang). Ông đến làng Bình Lương Tây (nay là thị trấn Thủ Thừa) khai phá đất đai. Ông cất nhà tại bờ Nam kinh Trà Cú. Ngoài việc làm ruộng, ông mở một quán nhỏ để buôn bán. Công việc mua bán ngày càng thuận lợi nên ông lập cái chợ bằng lá. Việc làm ăn ngày càng thịnh vượng, dân số ngày càng đông đúc nên ông xin lập làng mới gọi là làng Bình Thạnh. Được Triều đình chấp thuận, sau khi lập làng, ông cho xây dựng ngôi đình (bằng lá) ngay phần đất ông cất quán ngày trước. Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, ông Mai Tự Thừa tham gia đóng góp công sức, tiền của nạo vét kinh Trà Cú. Đến năm 1829, chợ của ông rất sung túc nên dân làng gọi là chợ Thủ Thừa. Sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi năm 1833, ông Mai Tự Thừa không thấy xuất hiện. Có nhiều giả thuyết về cái chết của ông, trong đó có giả thuyết ông theo Lê Văn Khôi để chống lại Triều đình là thuyết phục hơn cả, ông mất khoảng thời gian từ 1833-1835. Sau khi ông Mai Tự Thừa mất, tài sản của ông bị phát mãi nhập vào công khố, vợ con ông bị lưu đày. Đình Bình Thạnh bị dỡ bỏ, làng Bình Thạnh được đổi thành làng Vĩnh Phong.
Có thể nói rằng, công lao của ông Mai Tự Thừa đối với vùng đất Thủ Thừa ngày nay là rất to lớn. Tuy bị Triều đình kết tội nhưng dân làng vẫn tưởng nhớ công lao của ông về việc khẩn hoang, xây chợ, đào kinh, lập làng, xây đình... Tưởng nhớ công lao ông, nhân dân địa phương góp tiền của xây dựng nên đình Vĩnh Phong, hoàn thành năm 1886. Ông Mai Tự Thừa được thờ tại đình với bài vị: “Tiền hiền Mai Tự Thừa - Chủ thị”.
Lễ Kỳ yên tại đình Vĩnh Phong là lễ hội dân gian lớn nhất tại thị trấn Thủ Thừa. Mục đích của Lễ Kỳ yên là cầu cho mưa thuận gió hoà, nhân dân an cư lạc nghiệp, quốc thới dân an, đem lại an lành cho mọi người nên tất cả đều chung lo ngày lễ long trọng này. Lễ Kỳ yên khởi đầu với việc rước Sắc thần, lễ cúng Thần với nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất đến với mọi nhà, mọi người... Sau đó, dân làng và khách thập phương đến cúng đình, tưởng nhớ công lao ông Mai Tự Thừa, những người có công với làng, với nước, giữ gìn lễ hội truyền thống, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Ngoài Lễ Kỳ yên, ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch, Hội Đình Vĩnh Phong còn tổ chức Lễ giỗ ông Mai Tự Thừa. Ông đã để lại sản nghiệp cho người dân địa phương phát triển kinh tế, lập chợ, xây đình, mở mang cơ nghiệp đến ngày nay, vì thế mọi người đến chiêm bái trước Linh vị của ông để bày tỏ lòng biết ơn và mong ước một cuộc sống an lành, sung túc. Ông Mai Tự Thừa là người đầu tiên đến khai phá vùng đất Thủ Thừa ngày nay. Từ lâu, nhân dân Thủ Thừa đều rất tự hào được sống trên mảnh đất do ông Mai Tự Thừa có công khai phá cũng như những địa danh liên quan đến một nhân vật có công mở đất dựng nghiệp hơn 2 thế kỷ qua.
Đình Vĩnh Phong ngoài địa điểm lưu niệm ông Mai Tự Thừa còn là công trình kiến trúc, điêu khắc gỗ truyền thống thật đặc sắc. Hệ thống bao lam, bàn thờ, khánh thờ được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật. Các hoành phi, liễn đối được sơn son thếp vàng, nguy nga tráng lệ. Đình Vĩnh Phong đã được Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích quốc gia năm 1998.
Lễ hội Kỳ yên ở đình Vĩnh Phong thể hiện sự tín ngưỡng truyền thống quý báu của dân tộc. Qua đó, tình đoàn kết, gắn bó đựơc thắt chặt trong cộng đồng, đời sống tâm linh, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân được thoả mãn. Cúng đình Vĩnh Phong cũng là dịp người dân địa phương tưởng nhớ người có công khai phá, phát triển vùng đất Thủ Thừa. Qua đó thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa đối với thế hệ cha ông đã để lại những di sản vật chất và tinh thần cho những thế hệ sau. Duy trì lễ hội đình Vĩnh Phong sẽ góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam./.