Tìm bạn giữa chợ hoa

Tìm bạn giữa chợ hoa
1 - Bỗng nhiên hai phiên chợ hoa cuối năm tôi không được gặp lại vợ chồng Thành Lợi đi chơi chợ Tết. Cả hai, vừa là bạn thân vừa là ông anh, bà chị kết nghĩa trong kháng chiến. Không những hai phiên chợ tôi đi tha thẩn một mình vừa săn lùng những chậu hoa gần giờ giao thừa, lại phải đảo mắt tìm bạn. Không thể nhầm lẫn với người nào khác, đặc biệt với chị Nhàn – Phan Thị Thanh Nhàn - vợ Thành Lợi, người thanh mảnh, thon thả, có gương mặt trắng mịn màng hay cười đùa với những chậu hoa vừa hé nụ trước mặt chồng. Khi đó, Thành Lợi trầm trồ trước những gốc mai già lụ khụ đã cắt sừng làm nghé – những thân mai lùn tịt, thô, cong cớn, hé ra những chiếc lá non mơn mởn và điểm lấm tấm những cánh hoa vàng.

Thành Lợi đang bận rộn việc gì đặc biệt chăng? Còn Thanh Nhàn đi đâu, về đâu? Không có lý do gì hai người đương nhiên chôn chân qua những phiên chợ hoa vào thời điểm sắp Tết này? Tôi nghĩ. Thành Lợi an phận với công việc một phụ tá Giám đốc Công ty mua bán đặc sản đã lâu. Hương Sen, con gái duy nhất của anh chị tốt nghiệp Đai học mấy năm đường đường là lính biên chế ngành độc quyền kinh doanh Bưu điện. Nhà từ những căn hộ chung cư đã di dời ra ngoại ô. Nhà cơi lên ba thớt, hai tầng, có sân cây cảnh, có hòn non bộ…
Giữa lúc tôi bị hụt hẫng tình bạn, tìm bạn, có nhiều tin đồn  rằng gia đình Thành Lợi bất hòa, lục đục… Người nói: “Chuyện làm ăn thua lỗ, kín lắm!”. Người vặn lại: “Không phải. Chuyện này: gái liệt vào loại lỡ thời khiến con Hương Sen hốt nhằm thằng vô công rỗi nghề. Con nhỏ đẹp giống mẹ!”. Cánh Tuyên giáo, Văn hóa có nhiều người đồn: “Nghề tay trái, ổng thôi làm thơ, thảo báo cáo, day sang viết Sử với lập luận: Trơn, tròn, kêu, tương đối, năm chục phần trăm sự thật cộng biết tranh thủ, khai thông hùng biện, là xong. Lò dò khắp lục tỉnh tới rẻo đất cuối cùng, viết Sử. Có lẽ do nhiều chỗ đặt hàng viết Sử, tính nết ổng đổi khác: lật đà, lật đật, không yên, tuồng như có khối việc chực chờ ổng, và gần như ổng dành trăm năm đời người dồn cho công việc kiếm tiền, không cần một khoảng thời gian nhàn rỗi, thư giãn… Duy, có vợ anh chàng thợ hớt tóc dạo ngang nhà Thành Lợi, nghĩ theo hướng khác, mổ xẻ câu chuyện sâu hơn: “Day vào chuyện con Hương Sen ế chồng là tầm bậy. Nghe nói con Sen là con riêng của bà Nhàn. Chuyện lục đục chính là tại ổng, bả thôi. Chiến tranh lạnh!…”.
Tôi nửa tin, nửa ngờ… 
 2 - Tôi quen thân với Thành Lợi, Thanh Nhàn nhờ một dịp về đất  Tam Khánh tìm đề tài viết báo Tết trong chiến tranh. Lúc bấy giờ đất Tam Khánh nằm giữa hai khu rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ trong vòng kềm tỏa, hủy diệt của pháo giặc từ ngoài biển, trong đất liền, kể cả bom B52 rải thảm. Đồn bót giặc bung lấn ra trên đất Tam Khánh như mạng nhện. Đại đội Bảo an 974 của đại úy Hứa, và riêng đại úy Hứa, được  dịp tiếp tục giết người lên tới số trăm, chưa vừa…   
Lần đầu tiên đặt chân lên đất lửa, tôi ngỡ ngàng giờ lâu trước một cảnh đẹp trong mưa bom bão đạn. Không tưởng tượng được có một nơi giữa rừng, giữa đồng khơi nổi lên xóm nhà lá liêu xiêu với một bàu bông súng tím hồng rực rỡ tựa hồ sen đỏ. Lúa chín, sen tàn; đằng này, súng nghiễm nhiên trổ hoa quanh năm suốt tháng. Đến lúc hoa tàn, nụ súng hình chóp nón vượt lên tua tủa, rung rinh. Sắc tím hoa mua trải dài tít tắp tiếp giáp thảm hoa tràm trắng muốt, thơm lừng. 
Một Bí thư Xã đoàn Thành Lợi và một nữ Tổ đoàn trưởng Thanh Nhàn xuất hiện đúng nơi này. Đặc biệt Thanh Nhàn mặc chiếc áo bà ba màu xanh nước biển, vừa vặn, làm tôn lên gương mặt trắng mịn màng. Tóc xõa dài chấm tới đôi vai tròn lẵn, Thanh Nhàn từ bàu bông súng bước vào xóm dáng lung linh như một nàng tiên sa.
“Quan tỉnh xuống xã, xuống ấp, đừng trách phiền tụi này đưa, đón tệ nghe!”. Nhàn nói xong, đến lượt Thành Lợi tự nhiên xán lại chỗ tôi, xởi lởi: “Ông Thâu ơi, làm sao cho tôi chuyển về tỉnh tập tành viết lách với.  Làm Xã đoàn hay viết báo đều làm làm Cách mạng thôi mà. Tôi khoái viết!”. Đáp lại nghĩa cử, nguyện vọng của Thành Lợi, tôi gật đầu trước mặt nhiều người.
Bữa cơm sáng được bày ra chung quanh trảng xê (hầm nổi) tránh bom tọa độ rơi xuống ban đêm bên cạnh nhà má Bảy, xóm Lung Trời Sinh. Cảnh nghèo, lệ thường, bất cứ nhà nào ở Xóm Lung Trời Sinh có khách, bà con xung quanh kéo tới san sẻ, chung vui, dĩ nhiên, với gia đình ba con trai là liệt sĩ như gia đình má Bảy, đặc biệt hơn, ưu ái hơn.
Vẫn những món ăn thường nhật xứ U Minh Hạ: Rắn bông súng, ri cá,  ri tượng, hầm bồn bồn; cá rô mề chiên xù; cá trê vàng kho mặn; nhiều loại rau đồng…thành tiệc nhẹ, ấm áp, vui…
Trên một tháng trời lui tới trên đất Tam Khánh, tôi không xa Thành Lợi, Thanh Nhàn được mấy hôm. Lần nào gặp Thành Lợi đều có mặt Thanh Nhàn. Thấy Thanh Nhàn hay quan tâm tới khách từ trên tỉnh xuống địa phương, mặt khác, biết tôi hay nhắc nhở, ca cẩm nữ Tổ đoàn trưởng, bà má Bảy tinh ý, nhắc khéo: “Thấy không? (ám chỉ đích danh Thành Lợi, Thanh Nhàn) như cặp sam, đi đôi, về đôi, vài tháng nữa tới ngày đám cưới, khách xa liệu hồn!”. Rồi má tự nhiên tiếp: Người gốc xóm Hương Mai. Nền nếp. Giỏi dắn. Gái vườn dâu Cái Tàu trắng trẻo nhưng con  Nhàn còn thêm được cái duyên!”…
Qua một thời gian khá dài, tôi chưa có dịp trở về Tam Khánh, đất Tam Khánh thêm một lần thử lửa: Vùng 4 Chiến thuật của giặc tung sư đoàn 21 bộ binh mở ra chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” lần 2. Lập tức, Đại đội Bảo an 974 con cưng của Tiểu khu An Xuyên do đại úy Hứa chỉ huy xạo xự làm hậu cần, chỉ điểm, mở mũi tấn công ra tứ phía và cuối cùng dừng lại rải quân dã chiến trọn đêm trong cánh rừng tràm thuộc hậu xóm nghèo nhưng đẹp tuyệt trần - xóm Lung Trời Sinh.  
Chiều xuống đã mờ mặt người. Chim quay về tổ, về rừng thưa thớt hơn mọi hôm. Mười trong số ba mươi ngôi nhà lá xóm Lung Trời Sinh bị đốt phá sau hơn mười lần giao tranh giữa ta và địch còn bốc khói nghi ngút. Trên hai mươi người, có nam lẫn nữ, dân thường lẫn cán bộ không kịp lánh nạn bị địch bắt tra tấn dã man rồi lần lượt được thả về. Duy nhất có một người bị chúng giữ lại. Đó chính là nữ Tổ đoàn trưởng Phan Thị Thanh Nhàn!
Tóm được một nữ “Việt Cộng” có tên trong sổ bìa đen lưu giữ tại đồn vàm Cái Tàu, chính xác là một nữ Tổ đoàn trưởng trẻ đẹp – một miếng mồi ngon – cánh lính Bảo an tốp thay nhau canh gác, tốp day vào người Thanh Nhàn. Có thừa một tiểu đội sắc áo vàng nhem nhuốc, sình bùn, xô đẩy, chen lấn để được hăm dọa, giễu cợt, thậm chí giở trò sàm sở bằng đủ kiểu nhưng chúng không chạm được vào người Nhàn. Nhàn như bị kiệt sức qua nhiều lần chống đỡ... Rồi bỗng nhiên tốp lính sững lại đứng im phăng phắc, ngơ ngác, nhìn tên chỉ huy lù lù bước tới... Chính hắn – đại đội trưởng 974 – đại úy Hứa. Da ngăm, dáng thấp, môi thâm, đại úy đi đứng chậm chạp, giày trận lún sâu dưới lớp lá mục, phân dớn. Lầm lì không nói một câu. Mặt hắn ngờ nghệch, hai mắt hấp háy nhìn lướt qua từ khuôn mặt xuống ngực, xuống mông cô gái đứng trơ ra trước mặt hắn. Một cái hất hàm lạnh lùng về phía rừng...
Thanh Nhàn đứng hai chân như bắt rễ xuống lớp phân dớn. Lớp phân dày, ấm nóng, như muốn níu chân Nhàn ở lại. Nên chọn đàng nào? Một tốp nhố nhăng giở trò sàm sỡ. Một tên đơn phương độc mã nghếch mặt về phía rừng? Gió lùa tới những chiếc lá tràm lẫn lá nắp nước bung bay lả tả trước mặt người con gái vườn dâu Cái Tàu thơ mộng… 
Trước khi bị tốp lính gí súng đẩy về phía rừng, Nhàn nhìn quanh quất một lượt rồi day mặt ra hướng xóm Lung Trời Sinh. “Có anh em nào còn sót trong đó không? Cho tôi nhắn con Nhàn bị giặc bắt. Nghe không?...”. Nhàn hô lên chưa dứt lại bị tốp lính đẩy đi. Cô lặng lẽ bước, lặng lẽ đếm từmg gốc tràm, từng lùm dây nắp nước, từng hố nước đỏ bầm, đặc sánh ven những trảng trống đầy ắp dây choại và những thân củi đen trủi, gốc cạnh, cứa vào hai bàn chân đau điếng…
Đêm xuống thật nhanh làm toàn bộ khu rừng tràm tràn ngập bóng tối. Đêm thật sâu. Một túp lều hoang phế của những người thợ gác kèo ong làm chỗ cho đại úy Hứa ngả lưng, khi đó, đại úy được vây bọc chung quanh bởi ba lớp quân dã chiến. Không còn ngại đối phương bất ngờ đột kích, đại úy Hứa yên tâm nghỉ qua đêm với một nữ tù binh “Việt Cộng” mặc cho gió rừng  giật từng hồi dài...
3 - Có phải vì chuyện nghiệt ngã, âm ỉ, ngấm ngầm dẫn đến sự hục hặc, xáo trộn báo động đỗ vỡ hạnh phúc trong gia đình Thành Lợi, Thanh Nhàn? Tôi nghĩ và đoán đúng là vì mình vừa được gặp cháu Hương Sen trực Bưu điện đêm 29 Tết…
Hôm ấy, Hương Sen hiện ra sau lớp thủy tinh đơn giản trong chiếc áo dài màu xanh nước biển, tóc sập dài xuống khỏi vai, dáng đi lung linh trông giống Thanh Nhàn dạo còn ở đất Tam Khánh. Khác Nhàn hồn nhiên, tươi tắn, Hương Sen đang trong tâm trạng không vui. Sen nắm níu tay tôi ra tận cửa, thỏ thẻ việc nhà: “Tết này con buồn quá, cậu Thâu! Không hiểu sao mẹ than buồn muốn về quê cho khuây khỏa… Mẹ đi rồi, chưa biết chừng nào mẹ về?!”…
Nguyên nhân từ phía Thành Lợi, từ sự dày dò, ích kỷ của cánh đàn ông yêu vợ, thương con. Nhưng trước hết, phải ghi nhận rằng Thành Lợi có tấm lòng bao dung, can đảm vượt qua cơn sóng gió khi biết chuyện không may xảy ra với Thanh Nhàn thông qua bà má Bảy, kể cả vài người đàn bà xóm Lung Trời Sinh để rồi chủ động làm lễ thành hôn đúng hẹn. Trách ai không tiếp tục giải tỏa tâm trạng của chính mình từ đầu, dĩ nhiên phải lo đời sống vật chất sau khi kết thúc chiến tranh…
Dẫu chuyện xảy ra nông nỗi, đi giữa chợ hoa những ngày giápTết, tôi luôn trong tâm trạng san sẻ, cảm thông, thương yêu sâu sắc hai người bạn cũ vì rằng chuyện đời thường có lắm cái khó hơn nhảy vào lửa!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh

Nguồn tin: VNLA XUÂN 2013