Nhớ về mùa xuân năm ấy

Ba giờ chiều, ngày 30 Tết Mậu Thân năm 1968, chúng tôi được lệnh lên đường. Tại đình Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Long An, toàn bộ tiểu đoàn 16 của phân khu II nghiêm trang nghe đồng chí Lê Phải_Phó chính ủy phân khu II, đọc nhật lệnh, trong đó có câu: “Đây là thời cơ ngàn năm có một!”. Tất cả chúng tôi như muốn hét toáng lên và muốn hành quân tức khắc với một khí thế bừng bừng chưa từng có. Mặc dù đã qua hai đêm hành quân cấp tốc từ Ba Thu xuống, khá mệt mỏi, nhưng trong ánh mắt mỗi người đều bừng lên một ngọn lửa mãnh liệt. Lệnh gởi toàn bộ ba lô ở Mỹ Hạnh. Một số đồng chí sốt rét, ốm yếu được phân công ở lại, đều đòi đi đánh. Có đồng chí không được đi, tức quá, khóc òa như con nít. Chúng tôi vai vác súng, lưng nặng trĩu đạn và thủ pháo mà vẫn đi băng băng.

Nhân dân đứng dọc theo đường đi, tiễn chúng tôi (đường hành quân chỉ cách đồn 1 ki-lô-mét).Tất cả các loại bánh trái trong ngày Tết, cô bác đem ra, tới tấp tặng cho chúng tôi. Chúng tôi vừa hành quân vừa từ chối (vì nặng quá), nhưng cô, bác vẫn không chịu. Trên vai chúng tôi lủng lẳng đầy bánh tét, bánh ít, bánh in…Đến bưng Bình Thủy, chúng tôi phải tranh thủ ăn bánh, vừa lấy sức vừa giải phóng đôi vai.

 

Vượt bưng Bình Thủy, chúng tôi băng ngang ấp chiến lược Tân Hòa và hành quân giữa đồng trống, cập theo quốc lộ 1, nghe rõ tiếng xe chạy ầm ầm, đèn pha sáng rực. Lâu lâu, lại một loạt hỏa châu từ các bót dọc đường vọt lên như những con mắt thao láo, kinh ngạc nhìn đoàn quân lạ đang tiến thẳng về Sài Gòn. Trước mắt chúng tôi hiện rõ “cái quầng sáng” của Sài Gòn mà nhà thơ Lê Anh Xuân đã viết:

 

“Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ đó

 

Cứ đêm đêm nức nỡ gọi ta về”

 

“Quầng sáng” ấy cứ rõ dần ra bằng những ánh điện lập lòe và những ngọn đèn đỏ báo hiệu nhấp nháy trên sân bay Tân Sơn Nhất. Hành quân gần đến sân bay mà chúng tôi vẫn không hề gặp một lực lượng tuần tiễu nào của địch. Chúng tôi thấy những đoàn ĐKB của ta dàn hàng, hướng họng pháo về phía sân bay. Lần đầu, thấy dàn ĐKB, H12 nhiều đến vậy, chúng tôi phấn khởi vô cùng. Trong hàng quân có nhiều tiếng suýt xoa, tấm tắc khe khẽ.

 

Khoảng 1 2 giờ, xung kích 1 của đơn vị tôi đã lọt vào trong 21 hàng rào dây kẽm gai của sân bay do các đồng chí của tiểu đoàn 12 đặc công  đưa vào. Xung kích 2 đã tiến sát vào nằm ở vị trí xuất phát tấn công, bên kia quốc lộ 1. Sân bay Tân Sơn Nhất, cái nơi mà bọn địch từng quảng cáo ầm ĩ là lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á, có “mắt thần điện tử’ ra-đa, phát hiện đối phương từ xa vẫn say sưa “ngủ”.

 

Hơn 2 giờ! Lệnh nổ súng! Giờ G ngày N thiêng liêng đã điểm! Khắp vùng trời thành phố bỗng vỡ tung lên trong những tiếng nổ rền vang.

 

Ngay từ những phút đầu, súng B40, B41 của quân ta đã đập tan sức đề kháng của địch ở lô-cốt đầu cầu, sau những vầng lửa màu da cam.

 

Đến lúc này, tôi mới chợt nhận ra rằng dường như chỉ có mười mấy trái cối 82 nổ. Vậy còn 200 trái ĐKB, 200 trái H12 và cối 120 các loại ở đâu? (Sau này tôi mới biết là lực lượng tải đạn pháo đêm ấy đã đi lạc trận địa). Tới giờ hợp đồng chỉ có 2 khẩu đội cối 82 còn 16 trái đạn, đem trút hết vào sân bay, nhưng do bắn chính xác nên trong sân bay, một số đám cháy đã bùng lên.

 

_ Xung phong!

 

Tiếng hò reo của quân ta vang lên ở một góc sân bay. Một số ổ đề kháng của địch xuất hiện, bất ngờ nhả đạn nhưng lập tức bị B40, B41 của ta bịt họng luôn. Nhiều đồng chí đã hi sinh và bị thương nhưng chúng tôi vẫn tiến đánh vào khu trung tâm và khu để máy bay.

 

Từ lúc nổ súng tới lúc đó, tôi mới nghe chỉ có một chiếc phản lực cơ vút lên được, còn toàn bộ máy bay địch vẫn nằm chết dí trên đường băng và trong nhà để máy bay. Từng bựng lửa trùm lên máy bay địch. Tai ù đi, tôi chỉ thấy những đường đạn đỏ trên đường băng.

 

Khoảng 4 giờ sáng, một đoàn xe thiết giáp của địch từ phía Củ Chi rần rần chạy đến, cứu viện. Pháo tự hành và đạn 12 ly 7 từ trên xe dội xuống hai bên đường. (Sau này tôi mới biết đó là chi đoàn thiết giáp số 11 của địch từ Củ Chi được gọi về cứu viện). Đoàn xe tăng địch hàng ngang quang quốc lộ 1 thể đội 1 và thể đội 2 của ta.

 

Ban chỉ huy tiểu đoàn điều toàn bộ súng B40, B41 lên bắn cháy được một số chiếc, nhưng chúng lấp lại ngay. Đơn vị tôi bị cắt thành hai cánh: một cánh quân đánh sâu vào sân bay gồm các đại đội 1 và 2; một cánh quân trụ phía bên kia quốc lộ 1 gồm các đại đội 3 và 4 đánh địch nống ra ở khu vực hãng dệt Vinatexco (Công ty dệt Thắng Lợi).

 

Trời sáng dần. Bọn Mỹ ngụy tổ chức phản kích ác liệt. Quân ta bám từng ụ cát, từng lô cốt và các xe tăng, xác máy bay, đánh trả quyết liệt. Đồng chí Mẹo B trưởng B1 của cánh quân đại đội bị  thương, đứng tựa vào xe tăng M41 của địch, vừa bắn vừa chỉ huy chiến đấu. Một loạt đạn địch đã bắn trúng. Đồng chí Mẹo hy sinh nhưng vẫn ở tư thế đứng bắn, súng vẫn kẹp trong tay chĩa thẳng về phía trước. Khi bọn Mỹ phản kích ra, bất ngờ thấy đồng chí Mẹo, tưởng đồng chí còn sống, một số thằng Mỹ quăng súng, quì xuống xin hàng. Sau này nhà thơ Lê Anh Xuân nghe chuyện, đã xúc động viết lên bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”. Lúc ấy, anh Lê Anh Xuân đang ở tại Bộ chỉ huy tiền phương phân khu II. Bài thơ ra đời, in trên tờ bướm bằng rôneô, được quân và dân Long An chuyền tay nhau đọc.

 

Anh Sáu Bắc (chính trị viên tiểu đoàn 16) bị đạn 12,7 ly bắn gãy chân, liền trao xắc- cốt cho liên lạc viên Bằng và lệnh: “Bằng giá nào cũng phải giữ được tài liệu này”. Và đồng chí quay lại kêu gọi chúng tôi: “phải giữ vững trận địa, dù phải hi sinh tới người cuối cùng”. Sau đó, đồng chí Sáu Bắc hi sinh. Tuổi đời anh mới 30, cái tuổi còn phơi phới của mùa xuân.

 

Chúng tôi chiến đấu suốt ngày hôm ấy, quên cả đói và khát, giành nhau với địch từng khu vực trong sân bay. Có bộ phận đánh sâu vào khu trung tâm về phía bộ tổng Tham mưu ngụy. Bộ phận ấy sau này không có một ai trở về.

 

Chiều hôm ấy, có lệnh rút ra. Chỉ một số anh em mở được đường máu vượt qua quốc lộ 1 sáp nhập vào lực lượng xung kích 2 ở bên ngoài.

 

Sau này tôi được nghe kể lại: lực lượng xung kích 2 đã trụ bám suốt ngày quanh khu hãng Vinatexco, bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch. Có khẩu đội đại liên và 12,7 ly đã bắn rớt máy bay địch. Có đồng chí tiểu đội trưởng bị thương gãy tay, không kịp băng, gác tay lên đầu, máu chãy ướt đẫm áo quần, vẫn đứng chỉ huy đơn vị đánh địch. Do đất tháng khô cứng như đá, đào công sự không được, quân ta bị thương vong khá nhiều. Một điều rất đặc biệt là trong tình hình ác liệt như vậy, nhưng không một ai trong chúng tôi tỏ ra nao núng. Toàn bộ thương binh không chịu rời vị trí chiến đấu. Lệnh giữ trận địa chờ quân chủ lực của BCH phân khu đã được chấp hành tuyệt đối. Điều nữa là kỷ luật dân vận đã được bộ đội chấp hành rất nghiêm. Bom pháo địch dội bừa vào nhà dân. Đồ đạc thờ cúng đổ ngổn ngang. Anh em đánh suốt ngày, rất đói, nhưng không một ai lượm một cái bánh, một trái cây để ăn.

 

Khoảng 5 giờ chiều, địch vẫn không đánh bật được quân ta. Chúng cho máy bay lên kêu gọi dân di tản ra khỏi khu vực Vinatexco, để chúng hủy diệt. Đó cũng là một đòn tâm lý. Thực tế nhân dân đã di hết từ sáng sớm. Máy bay phản lực và X carayđơ của địch lên, dội các đợt bơm xuống trận địa. Quân ta vẫn trụ vững cho đến khi có lệnh rút…

 

 

Năm tháng qua đi! Nhưng những ỷ niệm của mùa xuân Mậu Thân Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 vẫn còn sống mãi trong trái tim chúng tôi như một bản anh hùng ca bất tận. Hình ảnh của cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, nhưng rất đỗi anh hùng như vừa mới xảy ra ngày hôm qua, với biết bao tấm gương hi sinh  dũng cảm của đồng báo đồng chí. Tất cả những con người ấy đều xứng đáng là anh hùng. Những người đã ngã xuống trong mùa xuân Mậu Thân đã mở đường cho ít năm sau đó, dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong đại thắng mùa xuân 1975.

 

Cho tới nay, ngọn lửa mùa xuân Mậu Thân 1968 vẫn mãi mãi sáng ngời, thôi thúc nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, vững bước đi lên.

Tác giả bài viết: Vũ Chí Thành

Nguồn tin: TC VNLA Xuân 2014