Người thầy của nó

Người thầy của nó
Đây là năm thứ hai nó được làm cô giáo đứng trên bục giảng dạy các em thơ. Năm ngoái, ba nó đưa nó vô trường nhận công tác và được cô hiệu trưởng phân công dạy lớp 2. Và năm học này nó lại tiếp tục dạy lớp 2. Nhớ lại năm ngoái, ở lớp nó dạy lại có mấy em học sinh học tiếp thu bài rất chậm lại hay khóc nhè, không chịu học, buộc nó phải đi theo năn nỉ chúng bù đầu bù cổ, tội nghiệp cho mấy đứa còn lại phải ngồi chờ cho nó vỗ về mấy đứa kia hết khóc, xong nó mới tiếp tục giảng bài tiếp cho cả lớp.

Nhiều lần như vậy, nó cảm thấy chán nản lắm, muốn bỏ nghề ngang cho rồi. Rồi nó bật khóc trước lớp. Học trò có đứa hiểu vì sao cô giáo khóc. Các em không dám hỏi cô giáo, các em ấy tìm đến các bạn hay khóc nhè kia nói rằng: “Cũng tại các bạn cả đấy, các bạn cứ khóc hoài, không chịu học nên cô giáo mình đã buồn và khóc đó”. Có những đêm nhớ lại chuyện lớp, chuyện học trò, không ngủ được, nó nằm suy nghĩ vẩn vơ rồi sụt sùi khóc một mình.

Có điều nó may mắn được về dạy ở trường cũ mà ngày xưa nó đã từng học tiểu học ở đấy và được dạy chung với một số thầy cô giáo cũ đã từng dạy nó học ngày xưa. Nó cảm thấy rất hãnh diện và tự hào về ngôi trường mà hôm qua nó đã được học và hôm nay nó lại nhận một nhiệm vụ đầy trọng trách mà xã hội giao phó cho nó: đó là tiếp tục sự nghiệp trồng người ở đấy. Người thầy mà nó yêu quý và kính trọng nhất đó là thầy Khang. Thầy đã dạy và chủ nhiệm lớp nó khi ấy nó đang học lớp 3. Nó xem thầy Khang như một người cha thứ hai của nó trong đời vậy. Nó đã từng nói với bạn bè của nó rằng: “Thầy Khang chính là một người thầy mẫu mực, đáng kính, là một tấm gương sáng để tôi học tập theo. Tôi nguyện sẽ nối nghiệp thầy sau này”.

Cũng vì chuyện thầy Khang - người thầy, thần tượng của nó mà đã xảy ra một sự cố lớn đối với nó khi chập chững đứng trên bục giảng. Tất cả đều cũng do nó mà ra. Chuyện đã xảy ra không lâu sau ngày tựu trường ở năm học vừa qua. Năm ngoái về trường, được gặp lại thầy Khang, nó mừng lắm. Hai thầy trò đã có một cuộc trò chuyện với nhau rất lâu. Mặc dù không được sinh hoạt chuyên môn cùng một tổ với thầy Khang, vì thầy phụ trách khối lớp 3, nhưng có những vướng mắc khó khăn về chuyên môn cũng như các vấn đề khác ở trường, ở lớp, nó đều tìm đến thầy để thỉnh thị, xin ý kiến tư vấn cả.

Nhiều thầy cô giáo không hiểu hết tính cách của nó nên đã không ít người nghĩ không tốt về nó và luôn cả thầy Khang nữa. Một bộ phận thầy cô trong trường lẫn một số người bên ngoài phao tin rằng: “Cô giáo Thanh mới về trường có những biểu hiện quan hệ không lành mạnh với thầy giáo Khang - ông thầy đã từng dạy nó học ngày xưa. Học trò gì mà tinh ranh, quỷ quái, gớm ghiếc quá”. Loáng thoáng nó nghe ai đó xì xầm như thế. Nó bị sốc nặng. Nó khóc nhiều lắm. Nó viết đơn xin nghỉ việc riêng mấy hôm. Tội nghiệp học trò của nó cứ nhao nhác dõi mắt kiếm tìm. Thầy cô nào vào lớp dạy thay cho nó, học trò của nó hết đứa này đến đứa kia cứ hỏi không ngớt: “Cô của con đâu rồi thầy? Cô của con đâu rồi cô? Cô giáo của con có sao không? Chừng nào cô con vào lớp với tụi con vậy?”.

Về phần thầy Khang, thầy cũng bị gia đình chì chiết khi nghe tin đồn râm ran như thế. Với bản lĩnh của người thầy già dặn kinh nghiệm, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống giản dị, trong sáng và lành mạnh, vì một phần quá bức xúc của bản thân, một phần muốn làm sáng tỏ vụ việc để trấn an và bảo vệ danh dự cho đứa học trò cũ, một đồng nghiệp của mình, thầy đã viết đơn khiếu nại gửi lên Ban giám hiệu và tổ chức Công đoàn nhà trường. Rồi mọi chuyện cũng được sáng tỏ sau khi Thanh tra nhân dân nhà trường đi thực tế xác minh báo cáo lại kết quả cho nhà trường.

Thông qua tổ chức Công đoàn nhà trường, thầy Khang đã trình bày rõ ràng mối quan hệ thầy trò giữa thầy và nó bấy lâu nay trước tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường. Thầy nói: “Thanh là một đứa học trò cũ của trường cũng là đứa học trò cũ của tôi ngày xưa, tôi dạy em học ở lớp 3. Giờ thì em đã trưởng thành và là một cô giáo mới vừa tốt nghiệp sư phạm ra trường về đây cùng chúng ta tiếp tục sự nghiệp trồng người cho địa phương. Rất tiếc chỉ còn tôi và một vài thầy cô khác em chỉ quen biết, nên em thường tìm đến tôi để xin ý kiến hoặc cùng trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc của em trong công tác chuyên môn mà thôi.

Tình cảm thầy trò của tôi và Thanh vẫn bình thường như hồi nào tới giờ, không có gì cả, chỉ là tình thầy trò trong sáng, cao thượng, mong quý thầy cô hãy có một cái nhìn tốt về em, giúp đỡ em, bởi em như một chú chim non chưa thật đầy đủ lông cánh mới tập bay giữa khoảng không còn yếu ớt, hãy cùng nâng đỡ cho em để em vững chãi hơn trong công tác chuyên môn cũng như trong cuộc sống sau này”. Nó ngồi phía dưới nghe thầy Khang phân trần trước tổ chức Công đoàn nhà trường, nó cảm thấy trong lòng như được trút bỏ tất cả những lời gièm pha không tốt về nó mà thời gian gần đây dư luận đã gán ép cho. Sau vụ việc đó, những cá nhân có ý nghĩ không tốt về nó đã đến gặp thầy Khang và nó xin lỗi. Nó càng tỏ ra quý trọng thầy Khang hơn nữa. Nó cũng đã có cái nhìn rộng mở hơn trong mối quan hệ giữa các đồng nghiệp với nhau trong tập thể nhà trường. Nó hứa sẽ sống tốt và hòa đồng hơn nữa với tập thể sư phạm nhà trường.

Cuối năm học, lớp của nó lên lớp thẳng 100%, nó được đề nghị xét danh hiệu Lao động giỏi. Nó vui mừng lắm và kể cho bạn bè nghe chuyện trường, chuyện lớp và có cả chuyện về người đồng nghiệp, người thầy đáng kính của nó mà nó đã từng khoe ngày nào. Bạn bè nghe kể xong, ai cũng tỏ ra “ganh tị” với nó và khuyên bảo: “Mày là một đứa học trò có phước đức lắm đấy, được thầy giáo cũ tận tình giúp đỡ, quan tâm, dạy bảo hãy ráng mà sống tốt, dạy tốt nhé!”. Mặt nó sướng rơn

Tác giả bài viết: Phạm Hoàng Nguyên

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng