CHIẾC ÁO ẤM LEN ĐEN

Tình cờ xếp lại đồ đạc trong tủ, tôi chợt phát hiện ra cái bọc ni-lông màu đen nằm bên trong hốc tủ xen lẫn với các bọc đồ khác. Thì ra trong đó là chiếc áo ấm được đan bằng len màu đen dạng áo thun thể thao dài tay có cổ lọ giữ ấm cổ. Chiếc áo vẫn còn nguyên vẹn không bị sờn rách dù nó đã được hai thế hệ người mặc. Chiếc áo ấm đan bằng len ấy được mẹ tôi mua tặng cho cậu út tôi lúc cậu chuẩn bị vào học cấp III ở trường huyện. Mẹ tôi sợ cậu đi học đường xa vào mùa lạnh sẽ dễ bị cảm, bởi cậu tôi ngày còn bé rất yếu ớt, hay đau bệnh, nhất là những hôm trái gió trở trời.

          Cậu tôi rất quý chiếc áo ấm ấy lắm vì đó là một món quà vô cùng ý nghĩa của một người chị cả dành tặng cho mình. Mặc nó qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, cậu tôi lại giặt nó sạch sẽ, phơi khô, xếp lại gói cẩn thận rồi cho vào rương, để đến mùa đông sau hoặc khi có những đợt không khí lạnh từ phương bắc tràn về thì cậu mới lấy nó ra mặc tiếp. Những năm tháng còn bé tôi thường ở nhà ngoại, chính mắt tôi cũng đã trông thấy cậu chỉ mặc chiếc áo ấm ấy vào những hôm tiết trời thật lạnh.

 

          Theo thời gian, tôi lớn dần lên, cậu cũng có gia đình. Những năm đầu tám mươi của thế kỉ trước, cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cha tôi phải đi học tập cải tạo xa nhà, một mình mẹ tôi phải tần tảo sớm hôm với đồng ruộng, bươn chải làm mọi thứ để nuôi chồng, nuôi con. Thấy hoàn cảnh chị và đám cháu mình nheo nhóc bữa đói bữa no, manh áo thô cộc không bằng chúng bạn, cậu tôi cảm thấy xót xa lắm.

 

          Bỗng một hôm, cậu lấy cái áo ấm len đen lên tận nhà trao lại cho mẹ tôi. Cậu nói : “Đây là chiếc áo ấm chị mua tặng cho em khi em còn đi học. Em đã mặc nó nhiều lần rồi. Tuy đã mặc nhưng chiếc áo ấy vẫn còn lành lặn và chắc lắm. Nay em mang lên đây gởi lại cho cháu lớn nó mặc đỡ lạnh khi đi học. Hôm trời lạnh, thấy nó đi học sớm mà chỉ có độc nhất chiếc áo vải mỏng toanh, em thấy tội quá.”

 

          Mẹ tôi sợ cậu giấu mợ đem áo ấm lên cho cháu mặc mà không thông qua mợ, mẹ phân trần : “Em cứ để mặc đi, chiếc áo ấy chị mua tặng cho em mà. Chị sẽ cố gắng lo liệu cho cháu được, em đừng lo. Nhà em mà biết được thì chị không vui đâu.” Cậu trấn an mẹ tôi : “Chị an tâm đi, chuyện này em đã bàn với nhà em rồi. Nhà em bảo em mang lên cho cháu đó!” Bây giờ thì mẹ tôi không còn nói gì được nữa. Đứng phía sau phên vách, tôi len lén nhìn thấy mẹ tôi mắt đỏ hoe thì thầm với cậu tôi điều gì đó. Còn cậu tôi, nét mặt trầm buồn, ánh mắt nhìn xa xăm về phía cánh đồng lúa. Trước lúc về, cậu ngoắt tôi lại nói : “Cậu đem cái áo ấm lên cho con mặc đi học đó, đi học xa nhớ mặc nó vào cho đỡ lạnh nha con, không khéo lại ốm. Bây giờ đang còn mùa lạnh đấy !” Tôi ngoan ngoãn cúi đầu khẽ đáp : “Dạ, con cảm ơn cậu.” Ngày hôm sau đi học, mẹ bảo tôi lấy cái áo ấm cậu mang lên hôm qua khoác vào cho đỡ lạnh. Chiếc áo thật vừa vặn với thân hình của tôi. Nó ấm ơi là ấm ! Vào lớp bạn bè tôi vây quanh trầm trồ : “Trời ơi, hôm nay cậu bạn nhà mình lại có chiếc áo ấm mới nha !” “Mới mua hả ? Bao nhiêu vậy ?” Mấy đứa bạn tôi ngồi bên cạnh xúm lại hỏi. Tôi nghiêm túc đáp : “Của cậu út mình cho đấy. Đắt lắm !” Một đứa bạn khá rành về thời trang nói với vẻ sành điệu nói : “Nhưng kiểu áo này xưa rồi, đúng không ?” Tôi đáp : “Vâng, hơn hai mươi năm rồi đấy !” “Hèn gì.” Đứa bạn ấy nhìn tôi mỉm cười.

 

          Không mặc thì thôi, hễ mỗi lần mặc chiếc áo ấm ấy vào, tôi lại nghĩ đến mẹ và cậu. Tôi cảm thấy thương mẹ và cậu tôi biết dường nào. Chiếc áo ấy nó ấm bởi cái tình chị em giữa mẹ và cậu tôi và nó cũng ấm bởi tình cậu và tôi trong đó. Chiếc áo ấm đã có hai thế hệ người mặc. Tôi cũng như cậu vậy, luôn yêu quý nó. Khi mùa đông đến hay có đợt không khí lạnh bất chợt tràn về thì tôi mới lấy nó ra mặc. Hết mùa lạnh, tôi lại giặt sạch nó, phơi khô và cất giữ như cất một báu vật quý vậy.

 

          Sau này tôi cũng có gia đình, nhà tôi cũng đã sắm cho tôi chiếc áo ấm mới. Nó vẫn ấm khi tôi mặc vào nhưng không ấm bằng chiếc áo ấm len đen ngày xưa. Tôi đã cất thật kĩ chiếc áo ấm ấy trong tủ như cất đi một báu vật thiêng liêng. Cũng đúng thôi, chiếc áo ấm ấy là một báu vật tinh thần thắm đượm tình cảm gia đình, máu mủ ruột thịt. Giờ đây, mỗi khi lấy vật gì hoặc sắp xếp lại đồ đạc trong tủ, tôi lại hé mở bọc ny-lông ra ngắm lại chiếc áo ấm kỷ niệm. Và trong khoảnh khắc ấy, kí ức tuổi thơ chợt hiện về trong tôi./.

 

Tác giả bài viết: Phạm Hoàng Nguyên

Nguồn tin: TC NVLA 06/2013