BUỔI TRƯA

BUỔI TRƯA
Trời tháng tư. Một buổi trưa nắng gắt. Hơi nóng bốc lên như lửa. Chú Tư ngồi trong nhà nhìn ra đồng. Mặt chú đỏ lừ như người ngà ngà men rượu. Miệng chú đang lẩm bẩm với thím:
_ Lúc này bà không còn là con mẹ Tư của những năm trước nữa rồi!
_ Ụa! Sao kì cục vậy? Lúc nào cũng như lúc nào! _Thím đáp lại gọn lỏn.
_ Khác chớ! Không khác ai nói làm chi.
Nãy giờ thím đang ngồi trên bộ ván, bỗng bước xuống đất, thím chỉ vào ngực mình và nói lớn tiếng với chú: “Lòng dạ con này không bao giờ… nhưng tức tôi phải nói chứ”.


Cái nóng của không khí đã ngột ngạt, thái độ của thím lại càng làm cho chú Tư bực bội thêm. Chú ngồi tréo hai chân, nhịp nhịp xuống đất, đôi mắt hướng trở vào bàn thờ. Trên cao là ảnh Bác, phía dưới là bằng “Tổ quốc ghi công”. Bác Hồ hiền từ, trang nghiêm nãy giờ như chứng kiến câu chuyện của gia đình chú. Bỗng chú ngừng nhịp chân. Ở đôi mắt Bác dường như có cái  gì nghiêm khắc với chú. Chú cuối mặt xuống đất không dám nhìn thẳng, chú cảm thấy xấu hổ với Bác.
Hồi những năm tối tăm, trong o ép của địch, nằm đêm hai vợ chồng chú ao ước ngày độc lập để được Bác vào thăm. Ngày Bác mất trên bàn thờ không ảnh Bác. Một đôi đũa, một chén cơm, mảnh vải trắng để cúng thờ, tang Bác. Sự tôn kính của nông dân nó có gì đó mộc mạc, chân thật. Có một lần vùng này mở được thế kềm kẹp của Mỹ-Ngụy, nhân ngày giỗ cha, chú Tư bộc bạch  với người bạn nghèo nối khố cũng được cấp đất: “Mình có cơm ăn áo mặc là nhờ cách mạng, nhờ Bác Hồ thương dân cày nghèo”. Cũng một dịp nhân ngày giỗ cha, hồi ấy là năm 1963, chú dẫn người con trai lớn lạy tạ ông bà, đứng trước bàn thờ, chú dạy con hãy nhớ lấy. Rồi đứa con ấy lên đường đi đánh Mỹ. Cứ ba lần giỗ cha là đứa con được chú tiễn đưa lên đường tòng quân cứu nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm nông dân hợp tác xã Phước Tú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An tháng 1 năm 1988. Ảnh: TTXVN


Sau ngày giải phóng có ba ngày, chú đi hết thành phố này đến thành phố nọ tìm một tấm hình lí tưởng, nhưng chú thất vọng. Một tháng sau đứa cháu ruột từ miền Bắc tập hồi về tặng cho chú một tấm ảnh lụa. Từ đấy gia đình chú Tư có Bác. Mỗi khi chú thím có gì bất hòa, chú thường lấy đạo đức của Bác ra mà củng cố, giáo dục gia đình “đừng bao giờ làm gì để gia đình không vui”.
Trời không một chút gió, không khí yên lặng kéo dài nãy giờ. Thím Tư, bên kia bộ ván, vẫn nhai trầu mà suy nghĩ để đối phó với chú. Bỗng chú Tư lên tiếng:
_ Nè bà: tôi hỏi thêm một câu nữa tại sao bà không chịu đăng kí sản xuất?
_ Khổ đến nơi rồi mà ông còn “quạnh hẹ” với tôi, kỳ này vào hợp tác xã, làm chung ăn chung, còn gì ruộng sâu trâu nái…!
Chú Tư muốn phát lên cười. Như chú cố trấn tĩnh.
_ Trời đầt ơi! Bà này bị nhiễm độc rồi. Nếu vào hợp tác xã mà chết thì miền Bắc họ chết ráo trọi rồi. Chắc bây giờ dân Liên Xô đi ăn xin, chứ nào họ được sung sướng như trong truyền hình mà bà xem bà ao bà ước hôm đó…hả bà?
Thím Tư đứng dậy. Con mực nãy giờ há mồm, le lưỡi cố mà thở, thấy thím bước xuống nó mừng quấn quýt theo chân thím. Thím Tư bực dọc hất nó ra làm nó đứng ngơ ngác.
Chưa bao giờ thím Tư có hành động bất hòa với con mực như thế. Bởi lẽ thím Tư tưng tiu nó vì nó là con chó cưng của thằng Út. Hồi thằng Út chưa vào công an võ trang thì Út với  con mực như hình với bóng. Thằng Út ăn cũng xớt phần cho con mực đàng hòang, thằng Út ngủ con mực nằm dưới chân giường. Càng thương con bao nhiêu thím Tư lại tưng tiu con mực bấy nhiêu.
_ Để xem thiên hạ làm ăn ra sao. Vả lại…
_ Vả lại cái gì- Chú Tư ngắt lời và tiến tới phía thím Tư rồi tiếp:
_ Không lẽ cách mạng cứ để cho bà tự do ngồi trên miếng đất mà suy nghĩ. Mọi người ở cái ấp 1B này như bà thì “tết” mới tổ chức được Ban sản xuất. Hèn chi con hai Tiến nó mời năm lần bảy lượt mà bà có chịu đi đâu!
Chú Tư, hai con mắt đỏ lừ, môi run run  như muốn nói những gì nặng nề thêm nữa. Thấy chú tiến tới thím Tư lùi lại:
_ Bộ ông xâm phạm đến quyền tự do thân thể của tôi hả?
Học hiến pháp rồi kia mà, chuyện đói no của gia đình phải có sự đồng ý nhất trí.
_ Tôi không đụng chạm đến phụ nữ mà tôi “đả” con mẹ ba Xuân ấp 1B này. Con mẹ đó chỉ lo riêng tư, lo cá nhân của mẻ mà thôi.
_ Ăn nói lảng nhách_ Thím Tư đối lại cụt ngủn như thế.
Trời càng oi bức. Một đàn gà tơ, da ngực đỏ tía, phục phịch chạy vào nhà há họng thở. Con mực cũng không thèm đuổi cắn chúng như thường bữa. Nó chỏi hai chân trước, đầu nhếch qua lại, hết nhìn chú rồi lại nhìn thím. Nó mong có sự vuốt ve âu yếm của chủ. Nhưng được đâu nào!
Chú Tư thọc hai tay vào túi áo đi tới đi lui suy nghĩ.
_ Những việc gì khó khăn thì gia đình cách mạng phải gánh trước. Mấy đứa  nhỏ bây giờ nó chỉ có nhiệt tình. Nhưng tất cả đều như bà thì bao giờ cách mạng xã này lên nổi. Cái việc của Ban sản xuất vào tổ đòan kết là việc vần công đổi công, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, làm mau rồi, mau khá, năng suất cao mà không chịu. Như vậy mà mang cái danh hiệu “cừ khôi” trong đấu tranh trực diện với địch hồi năm xưa. Tôi mắc cỡ quá!
Miệng thím Tư đang khô quánh vì thiếu trầu. Thấy chú Tư hơi dịu cơn nóng, thím vừa trở lại trên ván vừa têm trầu vừa suy nghĩ.
Thím vốn biết chồng là người cương trực, thẳng thắn, thường bảo vệ lẽ phải. Nhưng ở chú có sự hờn dỗi lâu và nóng tánh đột xuất có thể hư hại.
Sau Đồng Khởi, hồi 1963, hai vợ chồng bất hòa với nhau về đứa con trai đầu lòng tòng quân. Cậu con trai dạo ấy mới mười tám tuổi. Ý chú Tư cho đi liền. Thím thì định chờ một ít năm vì sợ con chưa đủ trí khôn. Chú bảo “đành giặc đâu còn chờ tuổi tác gì. Thằng Mỹ đâu có chờ con mình đúng tuổi nó mới đánh”. Cậu con trai bị cầm chân, làm suốt một tháng trời chú không hề nói đến thím. Sau việc đồng án trở về, hai vợ chồng nằm trở đầu nghịch nhau, không ai nói đến ai. Tình hình căng thẳng kéo dài. Cho đến một hôm thím Tư vật con gà trống thiến. Ấy là hôm thím đồng ý để cậu con trai ra đi. Chú Tư nhảy phóc lên bồ lúa lôi ra nào: thắt lưng, bình toong, ba lô, ni lông, võng mùng, kem đánh răng, bàn chải… đủ thứ. Trong bữa cơm cuối cùng với con, chú Tư mừng rỡ “ta là người mang ơn của đất, phải trả ơn cho đất”.
Thím Tư bỗng trách móc chú “nói chuyện với con như Lữ Bố với Trương Phi”.
_ Êm dịu với bà được đâu, cái tật lớn hơn cái tuổi. Gia đình này là một trong ba trăm gia đình liệt sỹ. Thiên hạ đang dòm ngó, chờ đợi mình đây.
_ Thật khổ quá.
_ Khổ cái gì! Chú Tư tiến thẳng tới cái bàn gỡ cái bằng “Tổ quốc ghi công” đem lại để trên bàn thờ trước mặt thím Tư mà bảo:
_ Tôi đề nghị bà hãy đem trả cái bằng này!
_ Tôi không có quyền. Thím đáp lại.
_ Bà “hỏng” trả, tôi trả. Ai có hỏi, tôi nói con mẹ Ba Xuân không nhận danh dự này nữa. Mấy đứa con hi sinh nó kể như “xù”.
Chú Tư cặp nách cái bằng lộng kiếng ra đi. Thím Tư hốt hỏang níu áo chú gĩư lại.
_ Của chồng, công vợ, có lí đâu ông lại độc tài với tôi.
_ Ruộng của bà, trâu của bà, lúa của bà, có ai tước đọat bao giờ mà sợ. Làm ăn có kế họach, có sự giúp đỡ của nhà nước, của xóm ấp mà không chịu còn biết còn cách  nào nữa.
Chú để cái bằng trở lại trên bàn rồi chăm chăm nhìn thím Tư.
_ Tôi sợ kê khai rạch ròi còn gì sản lựơng thực thu. Tôi định nấn ná…
Chú Tư cướp lời “nấn ná một đôi năm nữa để có tiền cưới vợ cho thằng Út chứ gì. Cứ vào đi. Muốn mấy trâu mấy heo cũng có. Sợ năng suất nó tăng quá rồi không có bồ mà đựng cho hết”.
Bỗng có tiếng gọi ơi ới ngòai đường “ Thím Tư ơi, đi chưa, tới giờ họp”.
Chú Tư hỏi gặng lại:
_ Sao chịu đăng kí chưa?
_ Tùy ông- Thím Tư nói với giọng ỉu xìu.
Chú Tư mừng. Chú vào trong đem bút, giấy ra để mạnh dạn lên bàn.
_ Bà đăng ký hay tôi?
_ Ông!
Chú Tư hí hóay viết rồi đọc lại: Trần Thị Xuân, ấp 1, xã Tân Thanh, Bến Thủ, sáu nhân khẩu: ba liệt sĩ, hai lao động, một thóat ly, một mẫu ta hai vụ, sản lượng tám tấn năm…Xong! Chú hỏi thím: Bà hay tôi đi. Thím Tư cầm tờ kế họach gia đình bước nhanh ra khỏi nhà. Con mực vui vẻ chạy theo thím Tư.
Một ngọn gió mát lùa vào. Chú Tư thấy mát cả trong lòng. Chú nhìn lên ảnh Bác, Bác vẫn cười hiền hòa. Trong đôi mắt của Bác, chú thấy như có nụ cười vui vui.

Tác giả bài viết: Lê Thanh Châu

Nguồn tin: Tuyển tập Văn Long An 30 năm (1975-2005)