BÁNH IN LONG HỰU

BÁNH IN LONG HỰU
Long Hựu quê tôi ngày Tết hiện lên một cách rõ nét là nhà nào cũng có làm bánh in. Ngày Tết đi đến bất cứ nhà nào cũng đập vào mắt mình hình ảnh những chiếc bánh in. Bánh in được chưng cúng trên bàn thờ gia tiên, bánh in được bày ra đãi khách, bánh in còn làm quà cho con cháu ở xa về quê ăn Tết. Bánh in đã trở thành đặc sản ở vùng quê tôi vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cũng như những ngày giỗ chạp trong năm. Hình ảnh hoa văn rồng, phụng hiện lên trên bề mặt của từng chiếc bánh in làm tăng thêm vẻ đẹp tinh tế, hài hòa, nói lên khát vọng đẹp đẽ của người dân ở một vùng quê giàu ý tưởng đã có tự bao đời. Hương vị bánh in ở quê tôi có một nét đặc trưng riêng, khác biệt với những loại bánh in ở những vùng quê khác. Nguyên vật liệu của bánh in từ các sản vật nông nghiệp mà ra: lúa nếp, củ, quả trong vườn, mỡ thịt lợn, … mà thôi.

            Bánh in được làm từ nếp ruột đã được rang hoặc sấy xay nhuyễn nhồi trộn với đường thùng mua từ chợ về hoặc nước đường cát thường thắng vừa tới. Trộn thật đều cho đường và bột nếp hòa quyện vào nhau để làm lớp vỏ bánh bao bọc bên ngoài. Còn nhân (nhưng) của bánh được làm từ chuối sứ chín ép phơi khô hoặc được sấy thái nhuyễn xào với củ gừng tươi cũng được thái nhuyễn thành sợi và thêm một ít đường nếu cảm thấy chuối chưa được ngọt lắm. Ngoài ra còn có thể gia vị thêm vào nhân xào một ít tai vị rang giòn, giã nhỏ dầu chuối hoặc bột va ni để tăng thêm hương vị của bánh. Thịt mỡ lợn được mua từ hôm trước về lát mỏng ướp một ít muối vừa ăn, luộc chín, ướp thêm một ít đường cát. Tất cả nguyên vật liệu đã được bày sẵn, giờ chỉ còn ngồi vào bàn để nhận bánh mà thôi. Khuôn nhận bánh bên ngoài là một chiếc vòng làm bằng nhôm tròn, dẹp, cao độ chừng năm xăng-ti-mét, đường kính một tấc phần bên trong là một khối gỗ hoặc một thỏi kim loại bằng gang đặc hình khối trụ được chạm trổ hoặc đúc khắc hình rồng, phụng với những đường nét hoa văn thật độc đáo để thể hiện lên trên bề mặt của từng chiếc bánh in lọt lòng khít khao chiếc vòng nhôm bên ngoài. Lúc nhận bánh cần phải có hai người : một người cho bột và nhân  bánh vào khuôn, người còn lại nhận nén bánh cho thật dẻ và lấy bánh từ khuôn ra. Người dân quê tôi làm bánh in thật nhanh, gọn với một thao tác nhịp nhàng, hoàn hảo, dứt khoát. Quả thật, công đoạn làm bánh in cũng có nét nghệ thuật lắm đấy. Với nguyên vật liệu sẵn có với hai người loáng trong một buổi thì cho ra đời khoảng hai trăm chiếc bánh in. Nhà tôi đông anh em, năm nào cũng vậy, mẹ tôi đem đi rang rồi xay đến những mười kí-lô-gam nếp ruột (tương đương với mười ba lít). Có nhà còn làm bánh nhiều hơn nữa kìa. Bánh in từ khuôn ra được lát trên giấy hoa được cắt sẵn rất đẹp. Khi nhận bánh, giấy hoa được lát trước, sau đó đặt khuôn ngay ngắn, cân đối lên giấy hoa, rồi mới cho bột và nhân bánh vào để nhận. Bánh nhận xong được lát vào những cái thau, cái xoong rộng thật sạch, chiếc bánh nọ chồng lên chiếc bánh kia thành nhiều lớp, rồi đậy thật kỹ. Cái đặc biệt là bánh sau khi được nhận ra, gặp không khí, những nguyên liệu ấy kết chặt hơn, khó bị vỡ hoặc sứt mẻ. Đó cũng là những thủ thuật, kỹ xảo của các bà, các mẹ, các chị ở quê tôi trong cái nghiệp làm bánh in của mình. Ở gia đình, tôi là người thường nhận bánh và lấy bánh ra. Ngày mẹ tôi còn sống thì bà thường bảo tôi cùng làm để sau này có gia đình chỉ bảo lại cho vợ con tôi. Lớn lên, tôi đi học, đi đó đi đây, những gì mẹ tôi chỉ bảo trong tôi vẫn còn mang máng nhớ lại được ngần này. Từ ngày mẹ tôi mất, chị Ba thay mẹ và mấy đứa em tôi đảm nhiệm công việc làm bánh cho gia đình.

          Vào các ngày 29, 30 Tết, bánh in được cho vào trong những túi ny-lông, đặt thành từng chồng, bày lên đĩa chưng cúng trên bàn thờ gia tiên phần nào. Số còn lại vẫn để trong thau, trong xoong, khi có khách đến bày ra đãi khách. Tết mà ngồi uống trà nhâm nhi chút bánh in thì không còn gì để nói được nữa. Vị ngọt của đường, của chuối, vị béo của mỡ, vị cay cay của gừng, tai vị, hương thơm của gia vị làm ấm dạ mọi người hơn trong những ngày vui xuân đón Tết cổ truyền của dân tộc.
          Tôi còn nhớ ngày còn bé khi mới lên năm lên sáu vào tối 23 Tết, ngày đưa ông Táo chầu trời, mẹ tôi quày quã quảy hai túi nếp trên vai lên tận chợ Kinh Nước Mặn để rang sấy và xay nhuyễn làm bột bánh. Đường đi ngày ấy thật vất vả, phải đi vòng vèo qua các ngả đường trong xóm. Ngày đó chỉ có duy nhất một chiếc cầu cây Ông Mít bắt ngang qua con Rạch Chanh, vì quê tôi bên Long Hựu Tây, mỗi lần đi chợ Kinh Nước Mặn thì phải lội bộ gần bốn cây số đường đất đồng mới đến được chợ, hoặc nếu có đi đò cũng phải lội bộ đến các bến đò Hựu Lộc, Mĩ Điền, cách nhà tôi cũng khá xa. Đi chợ vất vả như thế, mà mỗi lần được đi chợ Tết với mẹ, tôi cảm thấy thật là vui. Từ ngày có con lộ 82 đến giờ (lộ được hình thành năm 1982) thì việc đi lại trong xóm ấp rất dễ dàng nhất là việc đi chợ. Còn bây giờ thì đường sá thuận tiện vô cùng, không còn đò giang cách trở. Muốn lên chợ Kinh Nước Mặn, đạp xe không quá nửa giờ, nói gì đi xe máy thì khoảng mười phút là tới chợ. Còn bây giờ chợ xã đã mọc lên được mấy năm nay cách nhà tôi non chừng một cây số, tha hồ mà đi chợ Tết. Và thương hiệu bánh in Long Hựu quê tôi đã chắp cánh vang xa, bay xa trong Nam ngoài Bắc. Đặc sản bánh in Long Hựu không những ấm lòng bao người con xa Tổ quốc nhất là mỗi khi về thăm quê mà còn ngon miệng cho những người khách nước ngoài đến thăm vùng đất Long Hựu một góc nhỏ của quê hương Cần Đước, một khi chiếc cầu Kinh Nước Mặn được vắt qua con kênh đào cách nay hơn ba trăm năm vùng đất Long Hựu không còn là bán đảo cù lao nữa.
          Ở vùng Long Hựu quê tôi, dù Long Hựu Đông hay Long Hựu Tây, ngày Tết mà không có những cây bánh in chưng cúng trên bàn thờ gia tiên, xem như năm ấy con cháu thất lễ với ông bà tổ tiên rồi đó. Dù thất bát, mất mùa hay có một lý do nào khác đi nữa, ít nhiều gì đó vào những ngày Tết cũng phải có chiếc bánh in với những nét hoa văn độc đáo, khéo léo, tinh tế của người dân quê tôi trên các bàn thờ gia tiên. Hình ảnh rồng, phụng thể hiện trên bề mặt của những chiếc bánh in đã phần nào đó nói lên được những phong tục, tập quán đẹp đẽ của người dân Long Hựu quê tôi nói riêng và của dân tộc ta nói chung trong ngày đầu năm mới.

Tác giả bài viết: Phạm Hoàng Nguyên

Nguồn tin: VNLA XUÂN 2013