Truyện ngắn của Đặng Trung Thành

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

BẦY CHIM SẺ KÉO VỀ
        Sau một trận mưa đêm tầm tã. Bình minh. Cây khế xuất hiện chi chít những quả đỏ, vàng rực rỡ. Bầy chim sẻ kéo đến như mọi khi. Chúng lượn lờ quanh nhành khế, khẽ hót những giai điệu quen thuộc rồi dừng giây lát. Ấy là khoảnh khắc tuyệt vời khi mà chúng tận hưởng những quả ngọt mà thiên nhiên đã ban tặng. Chúng khôn  đáo để. Giỏi hơn con người trong việc cảm nhận mùi vị. Vì thế mà những quả khế ngọt, ngọt như đường mật bị chúng mổ lỗ chỗ… Cứ mỗi sáng nằm trong căn gác trọ, nghe lũ chim chíu chít vang trời, tôi đoán biết hôm ấy cả xóm vui như trẩy hội. Đặc biệt là vào ngày cuối tuần.
        Con hẻm nơi tôi ở trọ có vài chục hộ gia đình nhưng lại trơ trọi cây xanh. Xung quanh chỉ là những bức tường phủ đầy sơn đa sắc. Duy chỉ có ngôi nhà lộp ngói âm dương theo kiểu cũ của ông lão tên Mười là trồng được cây khế ngọt. Nó đã gắn bó với ông hơn 20 năm qua. Ông Mười thân thiện, vui tính, lại yêu trẻ con nên lúc nào trước nhà ông cũng náo nhiệt. Nhất là khi cây khế trĩu quả đỏ au. Người thành thị dường như khát mảng xanh, thèm thuồng khung cảnh tự nhiên như tranh thủy mặc. Họ nhìn thấy cây xanh như thấy vàng. Tiếc là diện tích đất không cho phép nên những dây leo loe ngoe trồng trên sân thượng dù có tuổi thọ ngắn ngủi nhưng họ xem đó là một niềm vui, một thú điền viên “nửa mùa” nơi chốn thị thành.
        Chẳng biết tự bao giờ công dân ở đây chuẩn bị sẵn dụng cụ hái khế như là kiểu thu hoạch nông vụ của người nhà quê. Những thanh tre dài được họ mua ở chợ về, dùng làm vợt với nhiều kiểu khác nhau. Có người dùng lưới có viền vòng sắt rồi buộc ở đầu ngọn. Người thì dùng chai nhựa hoặc chẻ thanh tre thành hình phễu rồi dùng dây kẽm nẹp xung quanh cho chắc. Lại có người thiết kế đầu ngọn tre theo kiểu hình ô van, bên hông có lỗ vừa đủ quả khế lọt vào… Rất đa dạng. Ông Mười, chủ cây khế không phiền hà về chuyện này, ngược lại còn bày người ta cách làm vợt, giúp hái khế. Thực sự là ông trồng khế chỉ để lấy bóng mát và thèm nghe lũ chim sẻ  “nhiều chuyện” trên cây. Ở đây khá lâu nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông hái một quả khế ăn. Mà chẳng riêng gì ông, bà con nơi đây dường như hái khế cho vui, cho thỏa chí khám phá, chinh phục chớ nhiều khi họ để đầy trong tủ lạnh cả tuần, có khách mới mang ra đãi hoặc trong bữa cơm ăn kèm với rau sống, ép nước trái cây uống dần.
        Khế chín. Đã mới sáng sớm thôi, hơi sương còn loang trên lá, mọi người đã mang vợt ra hái khế. Ai thức sớm, vợt dài thì thu hoạch nhiều. Có khi 5, 6 người cùng hái một lúc, giỏ đầy ắp nhưng những quả khế vẫn còn đong đưa trên cành ra chiều thách thức. Buổi trưa, trong khi những ông lão mang ghế ra ngồi dưới gốc khế chơi cờ thì cũng là lúc lũ trẻ đi học về rồi, chúng vội vác vợt kéo nhau đi hái hái khế. Không giống như người lớn, chúng bắt chước mấy đứa trẻ nhà quê trong phim – đựng chiến lợi phẩm bằng vạt áo. Thỉnh thoảng chúng còn tinh nghịch trèo lên cây nhưng bị ông Mười đe nẹt nên vội vàng tuột xuống.  Sau một hồi hái quả chán chê, chúng ngồi bệt xuống nền xi măng rồi chia quả cùng ăn. Dễ thương nhất là những lần ngồi dưới gốc khế, những đứa trẻ tiểu học được ông Mười kể chuyện cổ tích liên tưởng – “Ăn khế trả vàng”. Trẻ con thời nay sớm nhận biết cổ tích không phải là thật nên hài hước nói với ông: “Vậy là ông Mười trồng khế để chờ con quạ tới hả ông?”. Rồi chúng phá lên cười. Ông cũng cười, nụ cười ngọt ngào như quả khế. Ông yêu trẻ con như yêu chính cây khế ông trồng, chăm bón từng ngày. Một ngày mà vắng lũ trẻ, ông buồn như thiếu tiếng chim sẻ líu lo trên cây khế. Ông còn nói đùa rằng: “Phải chi đêm nào cũng mưa thì hay biết mấy!”.
        Đêm nay trời lại mưa. Có lẽ sáng mai, bầy chim sẻ sẽ kéo nhau về…

Đặng Trung Thành