Điều chưa trọn vẹn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những ngày cuối năm bận rộn, tôi vẫn chưa kịp lựa thiệp để gởi cho bạn bè. Quyển sách gởi tặng cho trưởng phòng cũ đã chuyển sang làm công ty khác vẫn còn nằm trên bàn dù giáng sinh đã qua được vài ngày. Bạn tôi gởi cho tôi một chú Monokuro Boo thay cho lời chúc mừng năm mới. Chú heo bằng nhựa nhỏ màu trắng, gần như vuông vức giương mắt nhìn tôi. Tôi thay nhạc chuông điện thoại từ Last Chirstmas sang Happy New Year. Rồi cả đống "nhắc nhở" mua cái này, sắm cái kia chuẩn bị cho mấy ngày Tết. Mọi thứ rối tung cả lên. Chỉ có chú heo nằm nhàn rỗi trên bàn.

Thị xã buổi chiều đầy nắng, thứ nắng vàng, trong vắt và đầy gió của ngày giáp tết. Những chậu hoa vừa được mang từ miền Tây lên vẫn còn đặt ngổn ngang trên vỉa hè làm bừng thêm sắc vàng của cúc, của mai. Tôi thích cái cảm giác chờ đón một điều gì đó hơn là trải qua nó, đi dạo ngoài phố ngắm những cây thông Noel trang trí còn đang dở dang, hay thỉnh thoảng bắt gặp một ông già Noel đang phát những tờ rơi thì vẫn hay hơn là đêm Noel trong chút gì đó tiếc nuối. Cũng như giờ đây, tôi thích chạy ngoài phố nhìn theo những bà nội trợ mua sắm chuẩn bị Tết, từng căn nhà đang được lau chùi, sơn phết lại, những búp mai được dưỡng nở đúng ngày hơn là nằm ườn ở nhà đếm mùng một, mùng hai.

Linh nhắn tin rủ đi uống cà phê. Phương rủ đi chợ mua sắm quần áo. Tập công văn, báo cáo bị sếp gạch đỏ chói vẫn còn nằm trên bàn. Chú heo nhựa nhỏ vẫn thờ ơ giương mắt nhìn. Tin nhắn bị nghẽn lại không thể nhắn lời cám ơn cho người bạn từ nơi xa với món quà ngộ nghĩnh ấy. Chợt thấy ân hận vì một lỗi đã làm từ rất lâu. Hình như với tôi mùa xuân là mùa mà tôi trở nên nhạy cảm, dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn nhất. Chị thủ quỹ nhá máy nhắc tôi qua nhận tiền lương trước khi nghỉ. Tôi thấy chị cũng khác mọi ngày "Chúc mừng năm mới nha". Cái nụ cười thường ngày yếu ớt, phần lớn là xã giao ấy bây giờ đã có thêm chút gì mới mẻ.

Tôi bỏ quên Monokuro Boo ở công ty. Không thể ngồi yên hàng giờ trước ly nước trong quán cà phê với Linh như trước, tôi rủ Phương chen chúc trong chợ để lựa quần áo mới. Tin nhắn rủ chat. Tôi không nỡ từ chối kẻ cách tôi hàng trăm cây số đang chuẩn bị đón Tết một mình. Nhưng cũng không thể thoát khỏi gian nhà lồng đầy hơi người. Tôi đành giả vờ như chưa nhận được tin. Phương trả giá từng món đồ. Tôi để mặc cho nó làm cái chuyện mà tôi không thể nào làm được như thế. Cả hai đứa mệt lả với lỉnh kỉnh túi nilông đồ đạc. Tối đó tôi mệt phờ và lăn ra mơ. Monokuro Boo đang khóc. Nó bảo đang buồn vì tôi bỏ nó lại giữa căn phòng đầy giấy tờ và máy tính. Tin nhắn khiến tôi thức giấc. Một lời trách ngắn, chỉ có vài từ làm tôi nhói lòng. Người bạn ấy đang cô đơn  có lẽ vì thế nên Monokuro Boo khóc. Tôi cũng cô đơn nhưng tôi đâu có khóc. Không thể ngủ tiếp nữa, tôi ngồi dậy tìm thứ gì đó để đọc. Chẳng có quyển sách nào mà tôi đọc qua dưới một lần. Buồn tay, tôi mở cái hộp gỗ nhỏ vẫn để yên trên bàn mọi khi. Chiếc túi thơm mùi oải hương dành cho một kẻ hay thích buồn như tôi. Chiếc vòng nhựa Livestrong màu hồng. Màu tấm thiệp nhỏ màu vân gỗ trước đây được kèm theo món quà sinh nhật. Và một bức ảnh cũ đã xuống màu, hai gương mặt trong bức ảnh ấy trông rất trẻ con và buồn cười, bức ảnh rực một màu vàng của những chậu cúc mâm xôi. Tôi thèm được khóc. Không phải vì buồn, chỉ vì cảm xúc thật nhiều và tôi không thể nào giữ chúng trong lòng được nữa. Tôi lại lôi nhật ký ra, bấm mã số một cách vô thức và viết cắm cúi từ trang này sang trang khác. Chỉ có thế tôi mới khiến cho mình nhẹ nhàng và ngủ thiếp đi được.

Đó là một mối tình từ thời sinh viên. Tôi chỉ trả lời Linh như thế khi nó cố vặn vẹo xem cái gì làm cho tôi tỏ ra ray rứt như thế. Linh gật gù, có thể nó cho là tôi quá đa cảm. Nhưng với tâm hồn luôn hướng về sự đơn giản và thực tế thì còn lâu nó mới hiểu được tôi. Nó chở tôi qua công ty để lấy Monokuro Boo về nhà. Cả hai đứa cùng về nhà tôi. Nó loay hoay dưới bếp phụ mẹ tôi làm món thịt kho tàu. Cái món tôi chỉ muốn ăn vào ngày Tết. Tôi thích nhìn nó và mẹ tranh cãi xem nên để cho nước dừa khét thành nước màu hay cho hẳn nước màu vào ngay từ đầu. Linh bao giờ cũng tỏ ra là đứa đảm đang nhưng kỳ thực nó chưa bao giờ nấu một món ăn nào ra hồn. Cái nó có là một kho tàng mẹo vặt linh tinh còn công thức nấu ăn thì chẳng có cái nào là trọn vẹn. Vậy mà mẹ tôi vẫn thích và cho là nó sẽ trở thành một người vợ mẫu mực. Còn tôi, dĩ nhiên chưa bao giờ có một gã đàn ông nào muốn theo tôi về nhà chơi thì lấy gì mà nội với trợ.

Người bạn ấy nấu ăn rất giỏi. Và chúng tôi quen nhau trong một hội chợ ẩm thực của nhà trường vào dịp cuối năm. Với chiếc tạp dề được dán đầy hình của các cầu thủ bóng đá nổi tiếng, anh ta bật bếp ga lên và mời chào chúng tôi món cá viên chiên. Tôi chỉ muốn ăn còn nhỏ bạn đi cùng lúc ấy thì muốn dừng lại để nhìn. Từng động tác nhanh, chính xác khiến cho tôi tự hỏi gã sinh viên khoa Thể chất có học thêm khóa nấu ăn nào trong chương trình không. Tôi đưa phiếu và nhận hai que cá. Anh ta hỏi tôi có muốn mua thêm đậu hũ chiên không. Tôi trả lời là không ưa món đó và bỏ đi. Khi những sinh viên trong tổ tự quản đốt lửa trại, gần như tất cả sinh viên trong ký túc xá quây lại thành những vòng tròn quanh đóng lửa. Chúng tôi hát tất cả những bài hát của thiếu nhi đến người lớn và cuối cùng là bài Happy New Year. Khi ABBA hát "every neighbour's a friend" mọi người nắm lấy tay nhau và đung đưa theo điệu nhạc. Người nắm lấy tay tôi chính là anh, gã sinh viên Thể chất bán món cá viên chiên.

"Mày làm ơn bỏ con heo đó xuống đi" Linh tỏ vẻ không hài lòng khi tôi chẳng nghe những gì nó đang nói. Và tôi thì thấy bực mình khi nó gọi con heo Monokuro Boo bằng… heo. Mẹ tôi bày những củ cải trắng ngấn đầy nước ra sàn. Linh muốn tôi phụ nó cắt củ cải ra thành từng khúc nhỏ. Nó càu nhàu vì tôi chẳng thiết tha gì với công việc nhà của mình. Thật ra chỉ vì nó quá nhanh nhảu và luôn giành phần làm trước. "Mày nên buông cành cây đó ra đi". Nó chế giễu cái tính mơ mơ như đang "treo ngược cành cây" của tôi. Điện thoại báo có tin nhắn. Phương hỏi tôi có muốn mua vài thứ đồ giảm giá đang đổ bán ở ngoài chợ không. Linh giật điện thoại và bảo Phương thật rảnh hơi.

"Sao lại gọi bằng anh, gã đó học sau tụi mình hai năm lận", nhỏ bạn tôi vặt lại khi tôi kể cho nó nghe chuyện chúng tôi nắm tay nhau. Khi đó tôi giống y như một đứa học sinh tiểu học. Khi là học sinh tiểu học, chúng tôi luôn hoảng sợ khi chơi trò chơi trong vòng tròn, nghĩa là đứa con gái nào đứng ở đầu và cuối hàng sẽ phải nắm tay con trai. Chuyện đó còn kinh khủng hơn là đem ra nặng tượng hay làm chấm câu. Sau hội trại bọn sinh viên chúng tôi ai nấy vùi đầu vào học thi, thi xong thì vội vàng dọn dẹp đồ đạc về quê để ăn Tết Nguyên Đán. Tôi hầu như không có thời gian thêm để nghĩ về anh ta, dù chữ anh ở đây có hơi ngượng nghịu một tí. Nhưng tôi thường nhìn thấy hắn chơi cầu lông dưới sân vào mỗi buổi sáng, trong căn tin ký túc xá vào mỗi buổi ăn. Đôi khi chúng tôi ngồi cùng xe buýt đến trường. Một hai lần gì đó cả hai bắt gặp ánh mắt của nhau. Còn một tuần nữa là tôi sẽ về quê ăn Tết. Những sinh viên ở xa đã tranh thủ nghỉ những buổi học không quan trọng để về, tôi thì không vội vì từ trường đại học về nhà chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ xe đò. Căng - tin vắng dần, có nhiều lúc tôi thấy ngượng và buồn khi ngồi ăn một mình giữa một khu rộng lớn. Và một lần cả hai cùng vào căng - tin. Có hàng chục bàn để hắn ngồi thoải mái nhưng hắn lại chọn ngồi cùng bàn với tôi và cười như thể chúng tôi quen nhau từ đời tám hoánh nào.

"Phải cắt xéo thế này thì hoa mới lâu tàn được" Linh giật cái kéo ra khỏi tay tôi. Nó đặt cây cúc vào trong chậu, nhìn nhìn, ngắm ngắm rồi lấy ra tỉa bớt một đoạn. Tôi treo những tấm thiệp màu đỏ ánh vàng lên cây mai gầy guộc mà mẹ chăm sóc từ cuối tháng mười một âm lịch. Phong bao lì xì bay phấp phới, mấy quả châu màu đỏ và vàng lấn át cả những cụm hoa mai yếu ớt chỉ chực rụng hết cánh. Thấy tôi cứ mê mẩn nhìn cây mai, Linh trề môi chê cái này treo thấp cái kia treo cao. Tôi không thèm quan tâm đến mấy lời chọc tức của nó. Có cái gì của tôi mà nó khen đâu. "Mai mày phải qua phụ tao đó" nó căn dặn tôi trước khi leo lên xe phóng vèo ra ngoài đường. Tôi ừ, nhưng thể nào mai cũng ngủ đến chín giờ và lò mò qua nhà ngồi nhìn nó lau cái này, dọn cái kia cho hết buổi rồi về.

"Mai mình về quê". Hắn nói khi ngồi ăn chung với tôi lần thứ hai. Tôi "vậy hả" một cách thờ ơ và cố giấu vẻ tiếc nuối khi mất một người trò chuyện trong lúc này. Nói vậy nhưng hắn cũng không về được vì lý do gì đó mà sau này tôi mới biết là… vì tôi. Sau ba lần "đòi về" như vậy cuối cùng hắn cũng phải về. Sáng hôm ấy hắn sang phòng tôi, có thể hắn ngượng không biết nói gì… nhưng chắc chắn là tôi thấy chút động đậy trong lòng và đọc hết quyển thơ ấy chỉ trong một buổi. Có những bài hắn đánh dấu, tôi nghĩ  là nó giống với những cảm xúc của hắn lúc này đây và hắn muốn tôi "đặc biệt" lưu ý đến những bài ấy. Sau Tết tôi ở lại nhà lâu hơn ngày nghỉ phép. Tối hôm tôi vừa trở lên ký túc xá thì hắn sang thăm và lì xì cho một hộp dâu tươi. Bọn trong phòng xúm xít chia nhau dâu, vứt lại cái hộp nhỏ xinh xinh với lời chúc nắn nót ghi trên hộp "Chúc chúng ta mãi mãi như ngày đầu"…

*

Mẹ vẫn lu bu trong bếp. Mùi nhang thơm khiến tôi thấy lâng lâng, khó mà dỗ mình ngủ được. Tôi ngồi đợi giao thừa. Chỉ còn vài giờ ít ỏi nữa là sang năm mới, nghĩa là tôi sẽ mất hết cái hứng thú, rạo rực của những ngày trước Tết và ngồi nhà xem ti vi đến mùng một, mùng hai cho đến khi đi làm lại. Kịch Táo quân năm nay nhạt nhẽo hơn năm trước. Tôi bỏ lên phòng ngồi viết chút gì đó cho những giờ phút cuối cùng của một năm.

Trong mắt bọn bạn, chúng tôi là gì đó của nhau. Nhưng thật ra chỉ là cái bắt đầu của một điều gì đó. Chúng tôi cùng chơi cầu lông vào buổi sáng, cùng đạp xe đến trường và chỉ một lần đi chơi ở công viên.tôi biết có nhiều lúc hắn cáu vì không thể nắm được tay tôi. Rồi hắn cố nhìn chăm chăm vào mắt tôi nhưng… tôi trả lời bằng cái nhìn lãng xẹt và hắn chẳng thể nào bắt đầu bằng một câu nói nghiêm túc. Tôi bước vào năm cuối cũng là lúc hắn phải thi lại ba môn. Những sinh viên khoa Thể chất đều thi lại nhiều hơn thế hoặc bị đình chỉ. Đa phần đều giỏi năng khiếu còn những môn học cần động não thì quả là gian nan cho họ. Hắn tỏ ra mặc cảm là ít gặp tôi nhất là từ khi tôi và năm đứa nữa trong lớp được chọn làm luận văn thay vì phải thi tốt nghiệp. Với tôi đó là sự hãnh diện không thể giấu.

Những chùm pháo hoa tung lên cao khi hai kim đồng hồ gặp nhau ở số mười hai. Mọi người đổ ra đường trầm trồ theo đám pháo hoa. Mẹ dọn các thứ đồ cúng ra giữa sân, đặt trịnh trọng lên bàn, rồi đốt nhang vái lạy các phương. Tôi và cả những thành viên còn lại của gia đình bao giờ cũng đứng ngoài việc cúng bái ấy của mẹ. Tôi nhận được những tin nhắn chúc mừng được gởi đi từ lúc chiều. Tin nhắn của tôi chắc tới mai người ấy mới nhận được. Dù sao cũng thầm chúc cho hắn một năm Monokuro Boo không phải cô đơn giữa cái lạnh của xứ Bảo Lộc để nhắn tin cho tôi vào giờ này.

Tết năm ấy, tôi và hắn quyết định sẽ chẳng là gì của nhau bởi những khó khăn mỗi đứa tự hình dung ra. Tôi tốt nghiệp về lại quê mình, hắn ở lại. Có thể đó chỉ là những rung động vu vơ, có thể là gì đó nhiều hơn nữa về sau này nhưng đến giờ tôi và hắn "vẫn mãi như ngày đầu", như câu chúc của hắn. Và nếu có một phép "đông lạnh" tình yêu của con người tôi sẽ luôn dùng đến nó để mỗi người có thể sống mãi trong cái lâng lâng, cái dịu dàng của những ngày đầu.

Tác giả bài viết: Thảo Nguyên