Tổng kết Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí đợt IV-2011

Qua tuyển chọn, có 52 tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí được trao thưởng trong đêm tổng kết đợt VI vào ngày 11/11/2011 vừa qua. Trong đó có 6 tác phẩm đạt loại A, 11 tác phẩm đạt loại B, 15 tác phẩm đạt loại C và 20 tác phẩm đạt giải khuyến khích.

Trong đợt IV-2011, Ban Tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo trong tỉnh thông qua số lượng các tác phẩm tham dự. Cuộc vận động sáng tác, quảng bá đợt IV-2011 đã nhận được 289 tác phẩm của 138 tác giả (trong đó 55 tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật, 29 tác giả là hội viên Hội Nhà báo và 54 tác giả đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành các cấp) qua 11 thể loại (Bài ca vọng cổ, tranh cổ động, nhiếp ảnh, ca khúc, thơ, báo in, báo nói, báo hình, truyện ngắn, tiểu phẩm sân khấu, câu chuyện truyền thanh) tăng gấp 2 lần số lượng tác phẩm tham gia ở năm 2010. Ngoài ra, cuộc vận động sáng tác, quảng bá của tỉnh còn nhận được sự hưởng ứng của các tác giả ngoài tỉnh (02 tác giả ở Cần Thơ, 01 tác giả ở Thái Nguyên).

Các tác phẩm tham dự đã tập trung vào hai chủ đề chính theo yêu cầu: thứ nhất là thể hiện tình cảm, lòng kính yêu và biết ơn vô hạn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; thứ hai là nêu bật được những tấm gương người tốt việc tốt, tập thể, địa phương tiêu biểu xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chất lượng dự giải ở từng thể loại tuy khác nhau, nhưng nhìn chung thể hiện sự cố gắng, tìm tòi, sáng tạo của từng tác giả và đều tập trung vào chủ đề chính “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; số lượng, chất lượng tác phẩm báo chí tham dự có sự vượt trội hơn so với các đợt trước.

Về thể loại thơ, năm nay đã có số lượng tham gia nhiều hơn. Ngoài một số tác giả là những tên tuổi quen thuộc, thường xuyên có tác phẩm phổ biến trên các phương tiện truyền thông còn nhận được sự hưởng ứng từ các tác giả mới. Các tác phẩm có cách thể hiện tinh tế cùng bố cục chặt chẽ như bài thơ “Quyển sách đầu tiên” của tác giả Ti gôn, “Những chàng trai giữ biển” của tác giả Giang Dũng đã vượt qua được kiểu ca ngợi chung chung khó tạo được cảm xúc nơi người đọc ở một số tác phẩm dự thi.

Về thể loại ca khúc, 14 ca khúc dự thi của các hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và hội viên thuộc Chi hội âm nhạc tỉnh tham gia. Tất cả các ca khúc dự thi là những sáng tác mới. Đa số ca khúc đều có hồn, có cảm xúc, giai điệu đẹp dễ hát, dễ nhớ, thể hiện lòng kính yêu vô bờ với Bác Hồ, với tấm gương cao đẹp của Người mà nổi bật là “Giai điệu tuổi trẻ” của tác giả Nguyễn Thanh Hải, “Sáng mãi một tấm gương” của tác giả Xuân Cát. Tuy nhiên, vẫn còn một số ca khúc chưa có sự sáng tạo mới, giai điệu cũ, sáo mòn, hình tượng âm nhạc còn chung chung, chưa có sự tìm tòi bức phá.

Về thể loại sân khấu, chủ yếu là các bài ca vọng cổ có nội dung ca ngợi về tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, ca ngợi tinh thần lạc quan của Bác trong giai đoạn khó khăn ở nhà tù Liễu Châu… nhưng có khá nhiều tác phẩm tham gia chưa bám sát được chủ đề, trong số 23 bài ca cổ gởi dự thi đã có 06 bài lạc chủ đề cuộc thi; giá trị nghệ thuật còn hạn chế. Chưa có nhiều tác phẩm dự thi gắn liền với chủ đề học tập và làm tấm gương đạo đức của Bác Hồ như bài: “Như có Bác quay về” nói về người kiểm sát nhân dân luôn nhớ công ơn của Bác đồng thời quyết tâm học tập và làm theo lời dạy của Bác đó là: “mỗi việc chúng con làm đều chính trực công minh”. Kịch chặp cải lương có chất lượng chưa cao. Ban Giám khảo đã không chọn được tác phẩm đạt giải A ở thể loại này.

Về ảnh nghệ thuật, với 65 tác phẩm của 17 tác gỉả gởi đến, đã giới thiệu được các nội dung và chủ đề tư tưởng của các tác phẩm, đã đi đúng vào trọng tâm của cuộc vận động sáng tác, quảng bá. Các tác phẩm nhiếp ảnh đã thể hiện qua nhiều hình thức ảnh màu, ảnh trắng đen có bố cục hợp lý, ánh sáng hài hòa, sắc nét rõ ràng và có sử dụng chương trình xử lý ảnh hợp lệ. Về nội dung, các tác phẩm đã phản ánh đầy đủ các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà, từ những chương trình hành động cụ thể của các lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân, các hoạt động của ngành văn hóa, giáo dục, y tế, thanh thiếu niên làm theo lời Bác, đến các công việc cụ thể nêu lên tấm gương người tốt, việc tốt. Nổi bật có “Tình quân dân”, “Tấm lòng” của Thanh Phương; “Đại hội thể dục thể thao” của Hoàng Hải”…

Về tranh cổ động, kỹ thuật thể hiện tốt, nội dung rõ ràng. Nhìn chung, lần này số lượng và chất lượng tác phẩm tranh cổ động tham gia có phần hạn chế so với các đợt trước. Ban Giám khảo đã chọn ra 1 giải B và 2 giải C ở thể loại này.

Về tác phẩm thể loại báo chí, đây là thể loại có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất, nổi bật là các tác phẩm báo in như: “Những kỷ niệm về Bác kính yêu” của tác giả Hoàng Văn Hiển; “Dân vận khéo việc gì cũng thành công” của tác giả Trung Dũng; “Cô thủ khoa mê đốn mía” của tác giả Minh Tâm. Nội dung súc tích, mang tính thời sự phản ánh các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số tác phẩm dự thi có nội dung khá tốt nhưng chưa đảm bảo về thời lượng theo quy định, mắc lỗi sử dụng từ ngữ…

Qua tuyển chọn, có 52 tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí được trao thưởng trong đêm tổng kết đợt VI vào ngày 11/11/2011 vừa qua. Trong đó có 6 tác phẩm đạt loại A, 11 tác phẩm đạt loại B, 15 tác phẩm đạt loại C và 20 tác phẩm đạt giải khuyến khích.

Với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động sáng tác, quảng bá sẽ tiếp tục được tổ chức trong thời gian tới.

D.A

Tác giả bài viết: D.A