Tác phẩm Bút ký vào vòng chung khảo xếp giải Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL năm 2017 tại Long An

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vannghelongan giới thiệu tác phẩm bút ký có mã số 011: "Phiên chợ Ba Tri" được vào vòng chung khảo xếp hạng.
Tác phẩm có mã số 011:
PHIÊN CHỢ BA TRI
 
Phiên là phen. Theo Việt Nam Tự điển của Khai trí Tiến Đức ấn hành năm 1954 định nghĩa, Chợ phiên "Chợ họp có ngày nhất định".
Không như ngoài Bắc, từ chốn núi cao cho đến trung du hay đồng bằng, từ lâu nhiều nơi đã có họp chợ phiên và nghiễm nhiên trở thành nét văn hóa đặc sắc không thể tìm đâu thay thế được. Thành câu hát: "Chợ lớn thì họp hằng ngày. Chợ phiên thì đợi đến ngày họp phiên". Còn ở miền Nam, rất hiếm nơi nào có chợ phiên. Vùng ĐBSCL mênh mông nói riêng mà nhất là tỉnh Bến Tre lại càng hiếm hoi đến mức hầu như không có. Chợ lớn chợ nhỏ gì ngày nào cũng nhóm, mãn niên. Nghe nói đâu miệt Quới An, huyện Vũng Liêm bên Vĩnh Long có "phiên chợ thứ Ba" hằng tuần. Bán hầm bà lằng xắng cấu đủ mọi sản vật như một cuộc nhóm chợ bình thường chứ không "chuyên đề" riêng biệt một món gì. Khởi nguồn do những lái buôn khô cá, mắm từ Cà Mau làm nên và có tuổi đời tính đến nay chưa lâu.
Riêng Bến Tre, ở huyện Ba Tri đã gần thế kỷ nay, hằng năm có phiên chợ rất đặc biệt vào mùng hai Tết. Ngày mà mọi người, mọi ngành nghề khác còn đang nghỉ ngơi, các chợ xã còn đóng sạp im lìm. Phiên chợ tại thị trấn này là phiên chợ bán toàn thịt heo quay. Nó họp ngoài trời chứ không vào trong nhà lồng, chợ thịt như mọi hôm. Vã lại còn đương Tết, đường xá rộng thinh thang, nhóm đâu chả được, cốt sao cho dễ thấy dễ đi, dễ mua dễ bán. Chợ diễn ra từ lúc tinh mơ, khi mặt trời chưa tỏ, người ta còn phải chong đèn dọn hàng. Hằng dãy sạp thịt có đến mấy chục quầy kéo dài từ khu trung tâm, đại lộ Trần Hưng Đạo cho đến hai bên trục đường chính Nguyễn Trãi, Thái Hữu Kiểm, 30 tháng Tư... Sạp nào cũng chất đầy những chú heo quay kềnh càng, vàng ươm, bóng lẫy, thơm lừng.
                     *                     *
                                *
Ba Tri tuy là vùng đất trù phú, đa dạng ngành nghề từ trồng lúa, chăn nuôi đến ghe tàu đánh cá và nền tảng kinh tế phát triển. Nhưng thuở xưa nếp ẩm thực người đây còn đơn giản lắm. Với thịt heo, hồi ấy chỉ biết dùng heo trắng, ra thịt rồi bán ở các sạp thịt. Mua về kho hột vịt hoặc kho tiêu dành ăn lâu ngày. Nghĩ thương, quanh năm toàn cá mắm, kho khô kho quẹt. Chỉ những lúc giỗ quãi lễ lạt mới mong có được miếng thịt heo. Ngày cận Tết, bà con lân xóm hùn làm cả con rồi chia nhau.
Mức sống cao, nhu cầu thực tế về con heo quay trong những dịp trọng đại như quan, hôn, tang, tế cũng cấp thiết. Nó dùng để thể hiện sự hiếu kính với ông bà, mừng thọ mẹ cha. Trong những mốc lịch sử của đời người: Mừng con giáp thôi nôi, lên mười hai tuổi. Mừng đỗ đạt, ra trường, cưới hỏi. Thậm chí tiễn sui gia về với đất. Tất cả đều cần đến con heo quay, và đó là một nhu cầu có thật. Các lò heo ở Ba Tri cũng mày mò quay theo "phương pháp" tự chế, y như... thằng mù đeo mắt kiếng đen không cầm gậy đi trong đêm 30! Chỉ là ướp bột ngọt, tỏi, đường rồi đút vô lò. Kêu là heo nướng cũng không ngoa. Môn hộ giàu có thì phải cho người lặn lội lên thị xã hoặc tuốt tới Sài Gòn mua. Mắc mỏ mà lại kỳ công nhọc nhằn, xe cộ khó khăn, đò giang cách trở. Mất một hoặc hai ngày mới về tới nhà làm con heo quay không còn tươi mới nóng giòn nữa.
Nghe ông bà kể lại, khoảng thập niên 1930, có một người nhanh nhạy nhận ra điều ấy và đã táo bạo, đi tiên phong trong việc làm nên món Heo quay Ba Tri. Đó là ông Trương Bửu, tên thường gọi là Chú Bồ. Ông sinh năm 1916 trong một gia đình nông dân đông con tại huyện Đại Bô, tỉnh Quãng Đông, Trung Quốc. Cái nghèo đói của một vùng đất nông nghiệp lạc hậu cùng với tình hình rối reng loạn lạc sau Cách mạng Tân Hợi đã thúc đẩy người thanh niên thông minh, giàu nghị lực theo ghe bầu phiêu dạt xuống phương Nam và đặt chân lên đất Ba Tri. Những ngày đầu Trương Bửu giúp việc cho nhà thuốc Tế Dân Đường. Không lâu sau, thấy cảnh làm công ăn lương không khá, đồng thời nhận ra nhu cầu to lớn về con heo quay, Trương Bửu thôi việc, nhảy ra kinh doanh nghề làm heo. Với vốn kiến thức sẵn có về thuốc Bắc và gia vị, sau nhiều thử nghiệm, tăng giảm, cuối cùng ông cho ra một công thức hoàn chỉnh hầu như bất di bất dịch mãi cho đến nay.
Hương vị heo quay Ba Tri mang đậm dấu ấn của quê hương Bến Tre không lẫn vào đâu được. Là sự pha trộn hài hòa của mật ong, nước dừa Xiêm cùng với mùi hung khói của than miễng gáo. Cũng là sự liên kết, giao thoa chặt chẽ giữa hai nền văn hóa Hoa-Việt.
Về sau "chú Bồ" Trương Bửu còn định hình được công thức ướp gà, vịt quay, lạp xưởng và giồi trường phá lấu. Chú sẵn lòng mang hết mọi bí quyết ra truyền dạy cho rất nhiều lớp thanh niên biết nghề quay mà không hề giấu giếm. Thậm chí còn giúp vốn cho họ mở lò riêng. Vì khi ấy, chú đã là một trong những người giàu có nhứt xứ Ba Tri. Từ đó, cuộc sống thụ hưởng của người Ba Tri đã được nâng lên một tầm mức mới. Cả huyện bấy giờ đã có hằng mươi lò quay mới.
Cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, với cộng đồng người Hoa đông đảo sống tập trung ở thị trấn và nhiều xã biển, xã lân cận có tín ngưỡng cúng kiếng thần tài, thổ địa, phiên chợ thịt heo quay mùng hai Tết ra đời. Đã trở thành quy ước bất thành văn. Trải gần trăm năm hòa nhập, nó cũng trở thành nền tảng văn hóa chung, không còn phân biệt Việt hay Hoa.
                    *                     *
                                *
Đi cùng là những thứ ăn kèm không thể thiếu của món heo quay là bánh hỏi và rau sống, cũng được bày bán lân cận. Khiến cho phiên chợ mùng hai Tết càng thêm đông vui rộn rịp, tiếng cười nói trong gió mùa Xuân càng thêm rộn rã xôn xao.
Thị trấn Ba Tri có nhiều lò làm bánh hỏi lâu đời và cũng rất nổi tiếng, Bánh trắng, sợi nhỏ, bột dẻo, không pha trộn hóa chất, làm ngày nào bán dứt ngày đó nên người dùng yên tâm. Bánh được gấp lại thnh từng phần nhỏ gọi là "rê". Thường nhật chỉ ăn bánh hỏi mới ra lò còn ấm hỉnh, phết thiệt nhiều mỡ hành, chan nước mắm ngọt, đựng trong miếng lá chuối là cũng đủ ngon rồi. Khi ăn nhớ bốc bằng tay mới thấy đã đời! Xứ này có rất nhiều quán cháo lòng heo điểm tâm và luôn ăn kèm với thứ bánh hỏi đặc sắc ấy. Không như nhiều địa phương khác, thường dùng với bún sợi khá to, gần bằng cọng bánh canh lận.
Ba Tri có nhiều đất giồng cát nên nghề và kinh nghiệm nghề trồng rau thơm phát triển mạnh từ xa xưa. Đến dự đông vui cùng phiên chợ heo quay Ba Tri bữa mùng hai Tết là những cô thôn nữ vóc dáng khỏe khoắn, diện mạo xuân thì tràn đầy nhựa sống, áo quần tinh tươm. Từ các xã, mới hừng đông mấy cổ đã bươn bã gióng gánh địu hàng bông ra thiệt sớm. Mướt mát cải sà-lách, bẹ xanh, húng quế, húng chanh, dưa leo, cà tô-mách... Thơm nồng đọt non vạn thọ ta, soi nhái. Dìu dịu diếp cá, ngò rí, ngò gai... Rau đua nhau khoe hương khoe sắc. Nhưng lạ điều, tuy thấy có lí nhí ớt hiểm xanh rờn, nhưng không thấy bán chuối chát, khế chua. Mặc dù hai thứ này "đính kèm" với thịt heo quay ngon hết xẩy, khỏi lo ăn nhiều mỡ màng... tào tháo rượt! Chắc đầu năm người ta kiêng kỵ những ấn tượng xấu hái. Trong đó "kẹt ỏ" luôn cả bí đao và khổ qua. Khổ qua từ chữ Hán là khổ quả nghĩa trái đắng, mé tiếng Việt dính chữ khổ, thôi đành. Oan mạng cho em bí đao, đã mắc họ mà lại còn đồng âm với chữ đau. Tết nhất cho không người ta cũng chẳng lấy, có khi còn bị rầy nữa là!
Mặt trời chưa kịp rạng, đèn đường chưa vội tắt thì khách mua đã đông dầy. Giữa tiết Xuân khí trời se se lạnh, ngang phố xá nhà ai chỉ mới he hé cửa. Trước thềm nhà nào cũng chưng đầy những chậu, giỏ bông giấy, cúc, vạn thọ, mâm xôi... nồng nàn hương sắc Tết. Và suốt cả dọc đường, nhà nào cũng có nhành mai vàng hực hỡ. Lơn tơn đường đến với phiên chợ mùng Hai đẹp như tranh vẽ. Người ta, có khi là đôi vợ chồng, hai mẹ con, bà cháu, dăm ba cô chú Việt kiều trắng nõn... cầm giỏ thả rề lên rề xuống hết dãy sạp này sang hàng thịt khác. Dạo quanh phiên chợ heo quay mùng hai Tết Ba Tri âu cũng là một thú vui khó tả mà một năm chỉ thưởng thức được một lần và mỗi lần chỉ trong chốc lát ít tiếng đồng hồ. Có gì mà phải vội. Cứ tà tà ngắm nghía, được chủ hàng sẵn sàng chặt cho miếng thử, cầm tay bốc lủm, chọn lựa tỉ mỉ từng con heo một. Có khi còn "phê bình phân tích" tại chỗ, thịt thơm, mỡ rệu, da giòn, con này hơi dư lửa, con nọ thiếu bàn xâm... để tỏ ra ta đây cũng là tay lịch lãm "nghệ thuật ăn uống" trước khi mua cũng là niềm vui không thể tìm đâu có được. Ăn thử rồi bỏ đi không mua, hẹn... năm sau gặp lại, chủ hàng cũng cười hì hì vui vẻ, chẳng đốt phong lông hay cau có phiền hà. Tết nhất mà. Ai nỡ nói với nhau những lời thương tổn. Tánh tình người miền Nam mình là vậy.
Và dự phiên chợ heo quay mùng Hai Tết Ba Tri, người ta mua thịt quay không chỉ là mua lấy miếng thịt quay. Nó còn là mua lấy tình cảm lắng đọng trong tim. Là muốn nhặt nhạnh lại hình bóng ông bà, mẹ cha từ lâu bị cuộc sống bon chen làm mờ lấp. Là sự tinh khôi, hồn nhiên chân sáo của thuở con nít con nôi, được mẹ mặc cho bộ đồ Tết cứng ngắt mùi hồ, dắt đi phiên chợ mùng Hai. Là quay quắt như cá bơi ngược dòng tìm về linh hồn của quá khứ, mà khi tuổi lớn rồi, không lấy gì nhắc nhớ thì quá khứ ấy cũng liêu xiêu.
Môn hộ khá giả, đông con cháu hay hiệu buôn mua lần mấy ký. Sẵn chặt biếu sui gia cho thêm tình khăng khít. Nhà yếu yếu neo người tệ gì cũng vài trăm gờ-ram. Chặt ra sắp vào dĩa bày lên bàn thờ, bên cạnh là dĩa bánh hỏi, dĩa rau thơm, nước chấm cùng bình trà, ba chung rượu đế Phú Lễ trong veo mắt mèo. Cốt trước dâng kính ông bà tổ tiên ẩn khuất đã về theo làn khói nhang trầm mặc đang ở chơi vui cùng con cháu từ đêm Trừ tịch thiêng liêng. Điều ta không nhìn thấy chưa chắc đã là không hiện hữu. Đồng thời cúng bàn thờ thổ địa, thần tài mà nhà nào cũng có, cầu mong trọn năm được phò trợ, cho gia hộ an vui, mua may bán đắt. Ai cũng ngưỡng vọng về một tương lai gần được yên ổn, ấm no, thanh bình. Nhang tàn sau rốt, mồi đưa xuống mâm dọn lên. Cả nhà quây quần bữa điểm tâm heo quay bánh hỏi hạnh phúc sum vầy. Mấy anh bợm khà khà "chai hia" chung rượu đầu Xuân.
Đâu chừng mới tám, chín giờ sáng, mặt trời lên chưa cao thì phiên chợ Ba Tri đã hầu tàn. Bánh hỏi, rau thơm bán hết sạch. Mấy cô đã quảy gióng gánh, te te riết về lo cơm nước cúng ông bà, trong nhà trong cửa. Trên sạp thịt quay giờ chỉ còn lại đầu, giò, cậy đuôi, ống quyển. Giá cũng "nới" rồi. Đừng khi dễ nó nhe. Vét khúc này cũng là tuyệt sách của bà nội trợ sành ăn, của kẻ mê nhậu thao lượt chiến trường lắm đó. Đem kho mẵn mẵn cặp với cải chua tùa xại thơm ngon lết bánh, bể nồi cơm, banh hủ rượu. Hâm tới hâm lui da thịt bệu ra càng ngon hơn. Xin mở ngoặc đơn ở đây chút xíu. Tùa xại là ngữ âm Hoa xứ Bạc Liêu. Xại là cây cải. Tùa là đại, là lớn. Người mình hay nói trại là tiều xại, triều xại, tần xại... Thôi kệ, xại nào cũng xại, miễn hiểu được rồi! Cải tùa xại hơi giống cải bẹ xanh nhưng mùi quá hăng nồng, không ăn sống được. Trước đây người trồng hàng bông Ba Tri có trồng lấy hột xuất khẩu để xay chế biến làm mù-tạt -mustard- vàng. Ăn cay nồng từ mũi đến tận... óc o!
                    *                     *
                                *
 
Vài dòng sơ nét về phiên chợ mùng hai Tết ở Ba Tri, đậm đà nét văn hóa đặc trưng ít nơi nào có được. Nó đã trường tồn với thời gian như một góc sáng từ di sản xưa xa truyền lại.  Đã thành dấu ấn khắc sâu vào ký ức, vào tuổi thơ, vào tâm tưởng mọi người con Ba Tri. Dù có xa xứ bao lâu cứ vẫn nhớ hoài. Dễ cho thấy rằng quá khứ không mù mờ khó tưởng. Linh hồn quê hương vẫn sừng sững, kết nối cho mọi không gian và thời gian gần lại. Linh hồn ấy vẫn hiển hiện và sống động gắn bó mãi quanh ta./.