Nhớ về anh, người “xây nền” cho văn nghệ Long An

Di ảnh Hà Mạnh Đức

Di ảnh Hà Mạnh Đức

Tháng 7 này là tròn 50 năm ngày anh hi sinh. Anh ra đi khi còn quá trẻ, mới 35 tuổi, nhưng những gì anh đóng góp cho văn học – nghệ thuật tỉnh Long An là quá lớn. Anh là người lập nên Đoàn Măng non Long An và cũng chính anh đã “nâng” Đoàn Măng non lên thành Đoàn Văn công Long An. Tập san “Văn Nghệ Vàm Cỏ”, tiền thân của tờ Văn Nghệ Long An ngày nay, cũng do chính anh làm “bà dỡ” lúc ra đời. Bài viết này thay nén tâm nhang gửi đến anh nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ, cũng là tròn 50 năm ngày anh đi xa.
      Anh là Hà Mạnh Đức, sinh năm 1932, quê quán tỉnh Gia Định, nay là TP.HCM. Anh tham gia cách mạng năm 18 tuổi, đến năm 20 tuổi anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước tạm thời phân chia hai miền chờ tổng tuyển cử. Hà Minh Đức không tập kết ra Bắc, mà ở lại miền Nam theo phân công của tổ chức. Chính quyền Diệm lật lọng, không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, lùng bắt các cán bộ cách mạng còn ở lại miền Nam. Hà Mạnh Đức đã bị địch bắt trong hoàn cảnh ấy, bị giam giữ ở nhà lao Tân Hiệp – Biên Hòa. Ngày 2.12.1956, Hà Mạnh Đức cùng gần 500 tù chính trị tổ chức cuộc vượt ngục nổi tiếng. Anh cùng 461 chiến sĩ cách mạng đã vượt ngục thành công, về với cách mạng, nhưng cũng có 22 người nằm lại ngay cổng nhà lao bởi những làn đạn của quân thù. Ông Đức cùng đoàn tù vượt ngục chạy vào rừng sâu, không liên lạc được với cách mạng, phải ăn lá rừng để sống. Hơn 2 tháng sau đoàn tù vượt ngục mới bắt liên lạc được với cách mạng, Hà Mạnh Đức được đón về Long An tiếp tục hoạt động cách mạng.
     Công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Long An, Hà Mạnh Đức đã là người khởi xướng ý tưởng thành lập Đội Văn nghệ tỉnh nhà để phục vụ chiến sĩ, đồng bào, để động viên ý chí chiến đấu của quân và dân Long An quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Ý tưởng của anh đã được Tỉnh ủy Long An chấp thuận và khen ngợi. Đó là thời điểm năm 1960. Không có sẵn lực lượng, ban đầu anh Tư Đức cho thành lập Đoàn Măng Non Long An, gồm các em nhỏ tuổi từ 11 đến 13, là con của cán bộ đảng viên cấp tỉnh, như chị Ngọc Dung, anh Thành Sơn, chị Nguyễn Thị Bông, chị Ngọc Tiến, chị Kim Tiến, anh Minh Triết… Các anh chị đã từ bỏ ghế nhà trường để vào chiến khu phục vụ kháng chiến bằng lời ca, tiếng hát. Xuất phát từ Giồng Két, Giồng Xoài (huyện Đức Huệ) đội văn nghệ Măng Non gồm chưa tới 10 diễn viên, nhạc công nhí, cùng vài cây đàn măng-đô-lin, cái trống cơm bé tí, đã đi khắp tỉnh biểu diễn phục vụ đồng báo, chiến sĩ. Các diễn viên nhí cũng băng đồng, lội bưng như người lớn để đi biểu diễn. Nhiều đêm diễn đến khuya, các diễn viên nhí buồn ngủ không đi nỗi, chú Tư Đức (Hà Mạnh Đức) cùng các chú phải thay nhau cõng các cháu nhỏ về căn cứ.
      Đoàn “Măng non” đã dần lớn lên thành “tre” trong lòng cách mạng, trong tình yêu thương của đồng bào, chiến sĩ. Anh Tư Đức đã mạnh dạn đưa các em đi học các lớp ca, múa, nhạc ở R để nâng cao trình độ. Sau đó anh tiếp tục tuyển thêm diễn viên từ phong trào văn nghệ ở các huyện để bổ sung về đoàn. Bấy giờ không gọi là “Đoàn Măng non” nữa, mà thay bằng tên mới: Đoàn Văn công Long An. Đó là vào tháng 5 năm 1962. Các diễn viên “măng non” ngày nào giờ trở thành thầy cô dạy lại cho các học trò mới từ các huyện chọn vào. Giai đoạn đầu, chương trình biểu diễn của Đoàn Văn công Long An chủ yếu là “cây nhà lá vườn”, cùng với một số tiết mục từ trên đưa xuống.
      Hà Mạnh Đức là người sáng tác chính các bài ca, vở kịch cho đoàn biểu diễn. Các vở kịch như “Trăng lên khỏi núi”, “Ông già mù vót chông” của anh được đoàn biểu diễn khắp các vùng giải phóng trong tỉnh. Đặc biệt, các bài ca ngắn, bài vọng cổ được anh Tư Đức sáng tác ngay tại chỗ để phục vụ. Buổi sáng giặc ném bom cháy nhà, chết người thì tối đến có bài của Hà Mạnh Đức phục vụ bà con tại đó. Các bài Lý con sáo như “Tân Tập oán hờn”, “Trường Bình uất hận”,…, được Hà Mạnh Đức viết trên miệng công sự, trong vòng vài tiếng đồng hồ, trong tiếng bom của địch, đó là biệt tài của anh!
      Hà Mạnh Đức là người dám nghĩ dám làm. Năm 1965 trong tình hình đối phương chuyển sang chiến tranh cục bộ, đánh ta ác liệt, vậy mà Hà Mạnh Đức mạnh dạn tổ chức Đại hội Văn nghệ toàn tỉnh tại xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa. Tất cả các huyện, cùng một số xã có phong trào nổi bật đã gửi đại biểu về dự. Đặc biệt lần ấy có nhà thơ Giang Nam đang đi thực tế ở Long An được mời tham gia Chủ tọa đoàn cùng anh Tư Đức. Chính tại lần đại hội này, tập san “Văn nghệ Vàm Cỏ” đã ra đời, mỗi tháng một số, khổ 18x24, dày 60 – 80 trang. Từ đây, Tổ sáng tác văn thơ của Tiểu ban Văn nghệ Long An cũng ra đời. Lê Hoàng Mai là một trong những thành viên trong Tổ sáng tác văn thơ do anh Tư Đức thành lập. Những bài thơ trữ tình cách mạng của Lê Hoàng Mai đậm đà lòng yêu mước. Tuy con trẻ, người nhỏ nhắn nhưng ý chí, quyết tâm của Lê Hoàng Mai đáng để mọi người khâm phục. Lần ấy khi nghe tin người đồng đội Nguyễn Thị Thanh Nhàn đi công tác vùng hạ bị địch bắt, Lê Hoàng Mai kiên quyết xin cấp trên cho anh đi công tác cơ sở để trả thù cho đồng đội, dù anh đang bị bệnh dạ dày rất nặng. Để rồi tại huyện Bến Thủ, nơi anh sinh ra, lớn lên và đi theo cách mạng, Lê Hoàng Mai đã ngã xuống ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hầu như mọi cán bộ được anh Tư Đức lựa chọn, thu nhận, đào tạo đều kiên cường, tận tụy với công việc, trung thành với Đảng, với dân, hết lòng với đồng đội. Chính tấm gương của Hà Mạnh Đức đã góp phần tạo nên những phẩm chất tốt đẹp nơi các “học trò”.
     Anh Tư Đức ít nói, nhưng nhạy bén và đầy tính quyết đoán. Giai đoạn 1965 – 1966 là thời kỳ khó khăn ác liệt, vậy mà anh dám nhận Đoàn văn công Tây Nguyên với đầy đủ khiên, trống gần 20 người về cùng Đoàn Văn công Long An đi biểu diễn khắp tỉnh. Việc đi lại, ăn ở, bảo vệ cho Đoàn Văn công Tây Nguyên khó khăn gấp chục lần so với Đoàn Văn công tỉnh nhà. Nhưng vì nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, phục vụ đồng bào, anh Tư Đức động viên, thuyết phục cán bộ, diễn viên trong đoàn cùng chung tay gánh vác. Có thêm Đoàn Văn công đến từ Tây Nguyên cùng biểu diễn, các đêm phục vụ đồng bào của Đoàn Văn công Long An càng thêm sôi động, thu hút đông đảo bà con đến xem. Bà con các huyện Đức Hòa, Bến Thủ, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc lúc ấy nô nức đón xem các đêm văn nghệ cách mạng, họ băng đồng, bơi xuồng đi xa để xem “văn công” bất chấp nguy hiểm từ bom pháo địch rình rập trên đầu. Hiệu ứng của những đêm văn nghệ thật ấn tượng: Sau đêm diễn, hàng loạt thanh niên nhảy lên sân khấu đăng ký tòng quân giết giặc, giải phóng quê hương. Bà con nông dân mang tiền, gạo, đậu mang lên sân khấu tặng bộ đội nuôi quân. Một lần, khi vở kịch “Ông già mù vót chông” của Hà Mạnh Đức đang được trình diễn, bất ngờ một bác nông dân nhảy lên sân khấu ôm “ông già mù” (diễn viên Hữu Nghĩa đóng) khóc và tặng một số tiền.
       Tự mình sáng tác các tiết mục cho Đoàn Văn công Long An, Hà Mạnh Đức còn động viên, hướng dẫn anh chị em trong đoàn cùng tham gia sáng tác. Nhờ đó mà có thêm cây viết ra đời và phát triển về sau, như: Nguyễn Vũ, Nguyễn Hữu Nghĩa, Lê Hoài, Huỳnh Quắn, Thành Sơn, Thanh Tùng, Hồng Quang. Các sáng tác của họ cùng với “ông thầy” Tư Đức dựa trên những câu chuyện có thật, những tình tiết cảm động từ chính cuộc sống, đau như xe ruột, đã đi thẳng vào lòng người xem, làm rung động hàng vạn trái tim nóng bỏng tình yêu cách mạng. Mảnh đất “Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” đã thắp lửa cho tài năng, nhiệt huyết của Hà Mạnh Đức, để rồi người nghệ sĩ cách mạng ấy đã đem hết khả năng của mình công hiến cho vùng đất, dù là quê vợ, nhưng anh luôn xem là chính quê hương mình.
       Hà Mạnh Đức hi sinh trong một trận càn tại Lộc Giang vào tháng 7 năm 1967. Ông bị thương rất nặng, máu ra nhiều, trong điều kiện thiếu thốn thuốc men. Hai đồng đội Nguyễn Vũ và Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải hết sức vất vả mới đưa được ông thoát khỏi trận càn, đến xã Thái Mỹ, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Nhưng rồi ông không qua khỏi vì thương tích quá nặng, máu ra quá nhiều.
        Những bài ca, vở kịch của Hà Mạnh Đức viết số lượng rất nhiều, nhiều tác phẩm có tính nghệ thuật cao. Hà Mạnh Đức xứng đáng là tên tuổi hàng đầu của văn nghệ Long An trong giai đoạn kháng chiến cửu nước. Nhìn nhận một cách vô tư, giai đoạn 1960 – 1967 không ai có thể phủ nhận công lao, thành tích của Hà Mạnh Đức đã gầy dựng, phát triển phong trào văn nghệ cách mạng tỉnh Long An từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ một nhóm “măng non” ở Đức Huệ lan tỏa ra thành phong trào văn nghệ cách mạng sôi động toàn tỉnh. Những năm tháng ấy, dù chiến tranh khốc liệt, không ngày nào ngớt tiếng bom pháo địch, nhưng đến huyện xã nào ở Long An cũng nghe người dân ngâm nga các bài thơ, bài ca cách mạng. Đúng là “Tiếng hát át tiếng bom”! Chính Hà Mạnh Đức đã có công lớn làm nên điều ấy, anh đã sử dụng ngòi bút làm vũ khí sắc bén để đánh giặc. Nhưng rất tiếc đến nay không còn ai, cơ quan nào lưu giữ những tác phẩm của anh. Có chăng là ít nhiều còn trong trí nhớ của những diễn viên “măng non” thời ấy như Thành Sơn, Minh Triết, Nguyễn Thị Bông, Ngọc Dung, Ngọc Tiến (soạn giả Huyền Nhung)… Nếu không có cơ quan nào đứng ra sưu tầm, lưu giữ, một thời gian nữa các anh chị “măng non” ngày nào già và chết hết, không còn ai nhớ các tác phẩm xưa của ông thầy Tư Đức, coi như sự nghiệp sáng tác của Hà Mạnh Đức không còn lưu lại gì.
       Hà Mạnh Đức đã được công nhận liệt sĩ, sau ngày giải phóng được đưa về yên nghỉ trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Hòa. Đó là những ghi nhận xứng đáng dành cho anh với tư cách một chiến sĩ - liệt sĩ. Điều còn lại là các thế hệ văn nghệ sĩ đời sau cần nhớ đến anh với tư cách một nghệ sĩ, một soạn giả cách mạng! Điều đó chúng ta vẫn còn mắc nợ anh!

Tác giả bài viết: NGUYỄN PHẤN ĐẤU (viết theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn)