Tác giả Thanh Hiền - một đời đờn và viết

Tác giả Thanh Hiền không chỉ là cây viết sáng tác vọng cổ nổi tiếng, sáng tác hơn 2.000 bài vọng cổ và bản tài tử; ông còn là nghệ nhân đờn kìm, nhạc tài tử tiêu biểu của Khu vực miền Đông Nam bộ. Ông lớn lên từ môi trường nghệ thuật cách mạng trong kháng chiến liên tục cho đến thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, bước vào tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn chưa ngơi nghỉ. Gần đây, tôi còn gặp ông dẫn Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử Tây Ninh đến giao lưu với CLB Đờn ca tài tử TP.HCM và ông thủ đờn kìm còn khá phong độ.
Tác giả Thanh Hiền
Đờn - viết trong khói lửa

Tác giả Thanh Hiền tên thật là Đỗ Văn Trượng (SN 1942), tại xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Lúc nhỏ, ông được gia đình cho học cả tiếng Pháp và tiếng Hán. Ngoài học chữ, ông còn đam mê nhạc tài tử, ông biết ca và sử dụng được một số nhạc cụ nhưng đờn kìm là sở trường. Khi tham gia kháng chiến, cây đờn kìm cũng đồng hành với ông từ đó cho đến bây giờ.

Nhờ khả năng ca cầm và vốn chữ nghĩa nên khi còn thanh niên, Thanh Hiền hăng hái tham gia phong trào văn nghệ ở địa phương. Lúc đó, ông viết một số bài bản tài tử, chặp cho đội văn nghệ ở quê nhà. Sau đó, Thanh Hiền được Đoàn Văn công tỉnh Tây Ninh rút về và hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp (năm 1960). Với tính tình năng động trong nghệ thuật đờn ca, Thanh Hiền còn là cây viết nhạy bén sáng tác về đề tài nóng có tính thời sự lúc bấy giờ nên ông được Đoàn Văn công Giải phóng “R” rút về (năm 1961) làm Trưởng ban Cổ nhạc, ông vẫn đờn kìm chánh và giữ song lang. Những năm sau đó, Thanh Hiền được đơn vị cử đi học các lớp: Thông tin, báo chí và văn nghệ (1963-1964) do các thầy: Trần Bạch Đằng, Trần Hữu Trang, Nguyễn Hiếu Minh,... giảng dạy.

Khi lớp học kết thúc, học viên được phân công đi thực tế sáng tác và viết bài phản ánh  chiến trường miền Nam cho Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng (CP 90). Riêng Thanh Hiền được phân công về các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ: Tây Ninh, Sài Gòn - Gia Định, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Mỹ Tho,... từ cuối năm 1964 đến 1968. Đây là giai đoạn mà tác giả Thanh Hiền viết vọng cổ về đề tài kháng chiến, với nội dung phong phú ca ngợi những người nông dân chịu thương, chịu khó, bám đất, giữ làng, lòng kiên trung với cách mạng qua hình tượng bác nông dân, cô du kích, bà mẹ chiến sĩ, anh dân quân,... Những bài vọng cổ tiêu biểu thời đó đều được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng, hầu hết các bài được NSƯT Thanh Hùng và NSƯT Ngọc Hoa ca: Em bé Phú Riềng, Vui kháng chiến, Gởi bạn khúc tình ca, Tiếng sóng biển tiếng quê hương, Xuân vui Long An tươi màu lá mạ, Lá thư Đường Bốn, Đường ra trận hôm nay,... Đến năm 1969, Thanh Hiền được về Trường Văn nghệ Giải phóng (B 2.5) rồi đi học các lớp ở Hà Nội (1972-1975): Trung cấp, cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Lý luận nghiệp vụ Văn hóa, Dự bị đại học sân khấu,... Thời gian này, ngoài giờ học ở trường, ông thường xuyên có mặt ở Đài Phát thanh Giải phóng, vì lúc đó, tác giả Trần Nam Dân là Trưởng ban Biên tập Văn nghệ của đài, rất mến Thanh Hiền (ông Trần Nam Dân lớn hơn Thanh Hiền 13 tuổi), biết Thanh Hiền đờn kìm và sáng tác hay nên kéo ông về cộng tác thường xuyên vừa đờn, vừa sáng tác cho đài cho đến ngày miền Nam giải phóng.

Viết - đờn lúc hòa bình

Ngay sau ngày giải phóng (5/1975), tác giả Thanh Hiền công tác tại Hội Sân khấu TP.HCM. Đến cuối năm 1978, ông chuyển công tác về Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Tây Ninh để gần nhà, chăm sóc mẹ già (vì 3 người anh, em trai của Thanh Hiền hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ). Sau đó, ông về làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh cho đến khi về hưu (2007). Ở cương vị nào, giai đoạn nào, tác giả Thanh Hiền vẫn không rời cây đờn kìm và cây viết, được xem như hai loại vũ khí suốt thời gian ông phục vụ cách mạng.

Có lẽ công việc cầm viết sáng tác của tác giả Thanh Hiền qua nhiều giai đoạn khó mà thống kê, ông cho biết, số lượng bài ca lẻ lên đến 2.200 bài (vọng cổ, bài lý, bài bản tài tử) tính từ năm 1958 đến 2015, và khoảng 20 kịch bản cải lương đều được sử dụng trên các đài truyền hình, sân khấu, nhất là Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Những kịch bản cải lương tiêu biểu: Lá thư cô Hiếu (giải Nhất - Đài Phát thanh Giải phóng), Đám cưới cô Trầm, Vì sao anh chưa về (giải Nhì - Đài Phát thanh Giải phóng), Tiếng hát An Cơ (Huy chương Bạc - Đoàn Cải lương Tây Ninh), Chim quyên xuống đất (Huy chương Bạc - Đoàn Văn công Đồng Tháp),... Về bài ca lẻ, nhóm ba bài lý: Lý sáng trăng, Lý bông đậu và Lý tầm quân đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Đờn hát dân ca toàn quốc - 1985.

Riêng về thể loại vọng cổ, từ sau năm 1975, tác giả Thanh Hiền sáng tác nhiều bài cho các đài và cho phong trào ở địa phương nhưng trong đó, những bài nổi tiếng và được phổ biến rộng trong dân gian, ai cũng có thể thuộc lòng và ca được: Bông điệp Sài Gòn (NS Minh Cảnh ca), Tấc đất tấc vàng, Chuyến xe Tây Ninh (Thanh Tuấn ca), Rẽ mạ đầu mùa (Minh Cảnh - Thanh Kim Huệ ca), Lan trắng, Cây thương nhớ, Tâm sự Ngọc Hân,... Bút pháp sáng tác vọng cổ của Thanh Hiền có nét rất riêng, văn phong nhẹ nhàng, không chỉ chuẩn xác về vần điệu, âm nhạc cho người ca dễ ca mà còn tạo xúc cảm nữa. Do đó, ca từ của Thanh Hiền gợi cảm mạnh mẽ không chỉ với người ca mà còn chinh phục tình cảm của người nghe. Nói mặt nào đó, tác giả Thanh Hiền viết vọng cổ rất chắt lọc từ ngữ, gọi là lời văn nghệ thuật được tác giả trau chuốt và gọt giũa cẩn thận nên khi ca, ngôn từ có màu âm ngữ điệu mướt mát nhưng cũng thật sâu sắc; lại có những cảnh huống, nội dung ông lại sử dụng từ ngữ bình dân, mộc mạc nhưng tinh túy để thích hợp với hoàn cảnh và tâm trạng của nhân vật trong bối cảnh đó mà ông đề cập. Nói chung, tác giả Thanh Hiền có vốn văn chương phong phú, vận dụng ngôn từ cơ bản cả về cú pháp lẫn biện pháp tu từ nên hầu hết tác phẩm của ông sinh động, mượt mà, bóng bẩy về hình thức biểu đạt ca từ; giàu cảm xúc và tâm trạng, phong phú ngữ nghĩa và sâu lắng về mặt nội dung hàm ý,...

Về đờn kìm, nghệ nhân Thanh Hiền là đại biểu của giới tài tử miền Đông, ông có lối đờn xôm tụ và hùng tráng ở hơi điệu Bắc, buồn mùi ở hơi điệu Nam - Oán, vọng cổ thì trẻ trung dù ông lớn tuổi. Cụ thể gần đây, hôm CLB Đờn ca tài tử Tây Ninh giao lưu với CLB Đờn ca tài tử TP.HCM, Thanh Hiền ôm đờn kìm và giữ song lang hòa tấu cùng 6 nhạc sĩ TP.HCM rất ngoạn mục, thỏa mãn thính giác người mộ điệu qua nhiều bài bản lớn và vọng cổ nhịp 4, 8, 16, 32. Ông chạy ngón đờn nhanh, nhẹ, ngón nhấn đâu ra đó, các âm sắc chuẩn xác chắc nịch với nhạc điệu,... Nét riêng của ông khi hòa tấu thường hay nhường cho bạn đờn những láy đờn chánh, ông đan xen và thỉnh thoảng “xốc” vài chữ lạ nghe rất hay, tạo âm sắc tươi tắn và chẻ nhịp khá điệu nghệ.

Với cuộc đời hoạt động cách mạng và cống hiến cho nghệ thuật dân tộc, ngoài những giải thưởng tác phẩm nêu trên, tác giả Thanh Hiền còn được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu đợt I và II (trong chiến khu), Giải thưởng Văn học Nguyễn Thông - Long An năm 2002, nhiều huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen khác. Từ ngày về hưu đến nay, ông vẫn sáng tác đều tay về lời ca mới cho nhạc tài tử khá nhiều, ông cùng vài tác giả khác in thành một tập tương đối đầy đủ bài bản tài tử và một tập vọng cổ. Hiện nay, ông là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử tỉnh Tây Ninh. Ông tâm sự, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của ông hiện nay, ngoài gia đình thì công việc cầm viết để sáng tác và cầm đờn để cùng bạn đồng điệu tri âm là không còn gì hơn nữa...

Tác giả bài viết: Đỗ Dũng

Nguồn tin: baolongan.vn