NHÀ CHÓP

Nhà chóp ở Việt Nam (Nguồn: internet)

Nhà chóp ở Việt Nam (Nguồn: internet)

Tại Miền Nam nước Ý có một thị trấn nhỏ tên là Alberobello nằm trên hai ngọn đồi, nơi có những kiến trúc nhà hết sức đặc biệt là những ngôi nhà chóp trullo, được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản thế giới vào năm 1996.

Trullo là những nhà ở được xây dựng theo kiến trúc thời tiền sử, không sử dụng vôi vữa nhưng bền vững vô cùng. Mái nhà là những tấm đá vôi phẳng dẹp lấy từ núi đem về và được lợp dốc theo hình chóp nón, vì thế chúng ta có thể gọi đây là những nhà chóp.

 

 

 

 

Nhà chóp trullo ở Ý (Nguồn: internet) 

Ngày nay, một số nhà chóp trullo được cải tạo thành nhà hàng, khách sạn, quán bar… để phục vu du khách; và đặc biệt có một trullo cải tạo thành ngôi nhà thờ có một không hai trên thế giới, thường được nhiều đôi uyên ương chọn để làm đám cưới thật ấn tượng.

Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, các nhà phố vốn có diện tích chật hẹp, nên nhiệt độ trong nhà thường cao hơn ở ngoài, vì thế giải pháp mái bằng là một giải pháp không ổn, làm cho nhiệt độ tầng trên cùng luôn nóng nực vì bê tông hút nhiệt ban ngày và tỏa nhiệt chậm, dai dẳng ban đêm. Vì thế, mái nhà lợp ngói dốc là giải pháp khá tốt, tạo được một khoảng không gian cách nhiệt giữa mái và các phòng trên cùng giúp cho tầng mái được mát hơn.

Nhà chóp ở Việt Nam (Kts Nguyễn Đình Phước)

Có lẽ từ những lý do đó mà mái nhà lợp ngói dốc lần hồi được các chủ nhà chế biến thêm thành một vài cái chóp cho có vẻ ấn tượng, mong làm đẹp và tạo sự chú ý cho ngôi nhà của mình. Những cái chóp nhọn trên nóc nhà là một phong trào nổi lên khoảng trên 10 năm về trước, không phải do kiến trúc sư thiết kế mà do ngẫu hứng của chủ nhà, muốn làm thêm một hai cái chóp nhọn thật nhọn không có công năng gì khác, chỉ phí phạm tiền bạc để thỏa mãn ý thích cá nhân của mình mà thôi. Phong trào này bắt đầu từ miền Bắc, lần hồi lây lan vào Nam và chạy về đến cả miền Tây. Chóp đã một thời làm mưa làm gió khiến Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng như ở các tỉnh phải bó tay. May thay, hiện nay phong cách chóp này đã tự biến mất, nhưng rải rác đây đó, kể cả ở Long An chúng ta, vẫn còn lưu dấu nhiều cái chóp nhọn sừng sững giữa trời.

Nhà chóp trullo ở Ý đã trở thành di sản thế giới, nhưng nhà chóp của ta là một trong nhiều nỗi đau của ngành kiến trúc nước nhà. Khi mà người chủ nhà xem kiến trúc nhà ở của mình là thuộc sở hữu của riêng mình nên tự ý xây dựng thêm bớt một cách tùy tiện theo cảm tính; và quản lý nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ cho người dân tự sáng tác mặt tiền nhà, thì không phải chỉ nhà chóp, mà e rằng trong tương lai sẽ còn nhiều phong cách kiến trúc kỳ dị khác xuất hiện, rất đáng xếp vào dạng do Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt tên: “kiến trúc đen”.

 

Tác giả bài viết: KTS NGUYỄN ĐÌNH PHƯỚC