Hiểu thêm về kiến trúc xanh ở Việt Nam

Hiểu thêm về kiến trúc xanh ở Việt Nam
1.Lời dẫn:
Do nguồn gốc của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, từ ngàn xưa tổ tiên chúng ta đã mang khát vọng được sống hòa mình với thiên nhiên “Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống lấy ruộng tôi cày” hoặc là luôn luôn cầu mong, chịu ơn thiên nhiên “Ơn trời mưa nắng phải thì…” .Hơn một thế kỉ nay, sau Cách mạng Công nghiệp ở Tây Âu, xu thế cách mạng ấy đã cuốn thế giới quay theo tốc độ hiện đại hóa một cách chóng mặt, Theo Liên hiệp Quốc hiện đã đến 54% dân số toàn cầu sống trong đô thị, phần lớn có thể nói là chật chội, ô nhiễm đủ thứ từ không khí đến nguồn nước rồi cả tiếng ồn…Để đáp ứng vòng quay gấp gáp ồn ào ấy, con người kêu gọi nhau “đi ta đi khai phá rừng hoang” để rồi bây giờ lũ lụt tơi bời, khốc liệt, mất cân bằng sinh thái một cách nghiêm trọng, dẫn đến một hiểm họa mang tính toàn nhân loại. Để con người bây giờ lại hối hả kêu gọi nhau “phát triển bền vững”, lo lắng cho môi trường sống của các thế hệ mai sau từ hậu quả của thế hệ này đang gây ra . Điều vừa nói hiện đã được bảo hiểm bằng hành lang pháp lí, trở thành chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Đến nay, hơn 110 nước, trong đó có Việt Nam, hưởng ứng chương trình nghị sự 21(Agenda-21) của Liên hiệp Quốc: “Phát triển bền vững là"sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...", và Việt Nam đã xây dựng chiến lược và giải pháp phát triển bền vững, trong đó kiến trúc xanh là một trong những giải pháp quan trọng.

Công trình F Café (Đồng Hới - Quảng Bình) - Giải thưởng hội đồng thể loại công trình công cộng - dịch vụ, khách sạn, nghỉ dưỡng - Tác giả: KTS Lê Vũ Hồng Quang

 

2.Nghĩ tiếp về kiến trúc xanh:

Nhũng hiểu biết bước đầu:

Kiến trúc là một bộ phận, một thành tố của văn hóa,  người ta vẫn nói đó là văn hóa vật thể bên cạnh văn hóa phi vật thể (gồm các loại hình nghệ thuật của thời gian – khác với  nghệ thuật tạo hình, trong đó có kiến trúc được gọi là nghệ thuật của không gian-đó là nói về phương thức tồn tại của chúng. Chức năng  của kiến trúc, nếu có thể nói như thế được, là sự tạo lập  không gian sống và lao động cho con người. Đó có thể là không gian điểm dân cư (đô thị hoặc nông thôn) có thể là không gian của bản thân công trình kiến trúc nào đó-lúc này nó có ý nghĩa như một công trình văn hóa nghệ thuật- người ta thưởng thức, chiêm ngưỡng nó chứ không phải chỉ sử dụng ,chiếm hữu nó như một đồ vật.

          Thực ra, nhiều tư  tưởng về kiến trúc xanh đã hình thành dù ở mức độ và quy mô khác nhau, hoặc dè dặt hoặc rầm rộ, cái mới nào bắt đầu xuất hiện mà chả vậy: đó là kiến trúc hữu cơ, kiến trúc tự bền vững, kiến trúc xanh…..Ngày nay các xu hướng kiến trúc hiện đại đều hướng tới mục tiêu thích ứng và hài hòa với thiên nhiên, dĩ nhiên cũng có trường hợp kiến trúc phú ông, tìm cách phô diễn sự lắm tiền nhiều của của mình,học đòi một cách vô lối  kiểu kiến  trúc trưởng giả, phá nát cảnh quan, cũng may là chỉ mới lẻ tẻ thôi, vì bản sắc văn hóa Việt vốn ngàn đời nay vẫn vậy, khiêm nhường, lặng lẽ….Và do vậy ngày càng xuất hiện nhiều hơn những công trình kiến trúc hài hòa với môi trường sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn:Trung tâm Hội nghị,cơ quan tỉnh ủy,Uỷ ban…bước đầu đã chạm đến lằn ranh của kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, nếu như có được những Tổng đạo diễn kiến trúc có thự quyền hơn thì tính  thống nhất sẽ mạnh mẽ, rõ nét hơn.

Kiến trúc xanh là xu hướng của thời đại, nó có cùng bản chất với kiến trúc sinh thái, kiến trúc bền vững, là kiến trúc được tạo dựng theo chiều hướng thân thiện với môi trường, hài hòa  “Thiên – địa - nhân” tam tài.

Công trình “Hồi sinh” (quán café, Nha Trang – Khánh Hoà) - Giải thưởng hội đồng thể loại công trình công cộng - dịch vụ, khách sạn, nghỉ dưỡng - Tác giả: KTS Nguyễn Hoà Hiệp và cộng sự.

 

3.Những điều đang nghĩ tiếp
-Kiến trúc xanh, khởi nguồn từ Châu Âu-nơi con người chinh phục, làm chủ thiên nhiên  đầu tiên, sau đó phát triển sang châu Á, khu  vực có con người mang khát vọng ngàn đời sống hài hòa với thiên nhiên như đã nói ở phần trên, nhưng trước xu thế toàn cầu hóa đã du nhập  các cơ sở lí luận, áp dụng, kiểm nghiệm thực tế, hình thành các tiêu chí đánh giá, nguyên tắc thiết kế kiến trúc xanh mà những nét đại thể là:tạo môi trường không gian bên trong có chất lượng, không làm tổn hại đến môi trường lớn, áp dụng tiến bộ kĩ thuật, tiết kiệm tài nguyên năng lượng trong quá trình xây dựng và sử dụng về sau.
+ Tạo lập môi trường không gian bên trong có chất lượng: tiện ích sử dụng tối đa, không gian thoáng rộng.
+ Không tổn hại môi trường  lớn xung quanh: tận dụng bảo tồn thiên nhiên
+ Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên
+ Áp dụng kĩ thuật-công nghệ mới.
+ Hòa nhập môi trường nhân văn và cảnh quan khu vực.
Thực ra mà nói, những nguyên tắc trên đây,có vẻ như xưa cũ mất rồi, bởi vì như đã đề cập ở phần đầu, do cái gốc văn minh nông nghiệp lúa nước, để sinh tồn, các tầng lớp cư dân người Việt nối tiếp nhau tự thiết kế cho mình ngôi nhà ở nông thôn rất hợp lí mà có người gọi đó là   “một đơn vị cân bằng sinh thái” : cửa chính luôn mở về hướng Nam để tận hưởng  gió nồm, hạn chế mở ra hướng Đông Bắc để tránh rét, gần như nhà nào cũng có cái gác, chủ yếu bằng tre gỗ, vừa để  chống cái nóng hắt xuống từ mái nhà đồng thời còn sử dụng vào các công năng khác:dự trữ lương thực,tránh lụt, ngày xưa nữa thì để tránh kẻ thù:kẻ thù hai chân và kẻ thù bốn chân… Nhưng nói như thế, chẳng lẽ chúng ta lại làm cái việc không tưởng và kì quặc: trở về với quá khứ?
Do vậy, sau khi tham khảo hệ thống tiêu chí đánh giá kiến trúc xanh do
Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất,tác giả bài viết này, với tư cách là người nhiều năm giảng dạy nghiên cứu Nghệ thuật học và Mĩ học cho các trường Đại học và Cao đẳng, xin được lạm bàn và nêu những cảm nhận cô đọng từ tiêu chí trên cho một công trình xanh cần có là:
- Địa  điểm bền vững: phù hợp quy hoạch, hài hòa với không gian nơi nó tọa lạc, sự bền vững của công trình còn thể hiện ở các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, ở điều này chúng tôi còn cho rằng công trình khi xây dựng ít phải can thiệp một cách thô bạo đến hiện trạng tự nhiên nhất là phá vỡ cân bằng sinh thái: san lấp tràn lan, phá núi, chặt bỏ cây xanh, nếu không nói là không được “hi sinh”cảnh quan dưới bất kì lí do nào. Và khi đó những công trình  mà con người  sử dụng nó sẽ cảm giác như được “trở về”.
-Môi trường bên trong hiệu quả, tận dụng hết công năng, ngôi nhà  như trở thành nơi trú ẩn tâm linh.
-Sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả:nước,điều tiết và kiểm soát nâng cao hiệu quả sử dụng bằng các giải pháp kĩ thuật vật liệu mới.
-Hòa nhập môi trường nhân văn bằng bản sắc độc đáo,thông minhtrong các giải pháp kế thừa và phát huy các giá trị văn minh mang bản chất người.
Trở lên là những đề nghị của kẻ “điếc không sợ súng” có gì mong người đọc lượng thứ cho kẻ ngoại đạo này.

Tác giả bài viết: Phan Văn Tường

Nguồn tin: Tạp chí Văn nghệ Long An 04/2015