Mùa tát ao nhớ ngoại!

Ảnh minh họa ( Nguồn: internet)

Ảnh minh họa ( Nguồn: internet)

Mới đầu tháng ba thôi mà nắng đã gay gắt, oi nồng. Trưa, ngột ngạt quá, tôi lần ra mé bờ ao ngồi hóng mát dưới những tán cây bình bát cho đỡ nóng, hít làn hơi nước mát lành từ dưới mặt ao bốc lên cho đỡ ngột ngạt. Đang ngồi hóng mát ngắm mặt nước ao trong xanh, thì con gái nhỏ tám tuổi của tôi đang học lớp hai cũng mon men ra ngồi cạnh. Cá dưới ao ăn móng nước vẩy gợn sóng lăn tăn. Giờ thì nước dưới ao cũng đã lưng lững gần cạn.

Con gái khều vai tôi, quay sang nói : “Cha ơi, chừng nào nhà mình tát ao bắt cá hả cha ? Con thích bắt cá lắm đó. Mai mốt tát ao, cha cho con lội xuống ao bắt cá với nha cha. Cha hứa với con đi”. Tôi còn ngần ngừ chưa kịp trả lời thì nó vẫn không buông tha: “Cha móc ngoéo với con đi, con mới tin !”. Tôi quay sang nhìn con gái âu yếm rồi nói : “Ừ, cha hứa mà. Có bao giờ cha thất hứa với con đâu hả con gái ?”. Giữa trưa rồi mà chưa thấy con gái vào nhà ngủ, từ trong nhà, nhà tôi đánh tiếng giục : “Bé An ơi, vô ngủ nè xế trưa rồi con !”. Nghe mẹ gọi, nó ngoan ngoãn vụt chạy một mạch vào nhà. Nghe con gái nhắc chuyện tát ao bắt cá, tôi lại chợt nhớ về ngày xưa. Cái thời mà tôi cũng gần bằng cái tuổi của con gái như bây giờ, tôi cũng thích được lội xuống ao bùn bắt cá mỗi khi nhà ngoại tát ao. Ký ức ngày thơ bé chợt ùa về ….


Ngày ấy, tôi còn ở nhà bên ngoại. Cũng vào khoảng đầu tháng ba như thế này, ngoại thường tổ chức tát ao bắt cá. Hôm nào mà được nghe ngoại định ngày tát ao bắt cá, tôi lắng tai nghe và đếm từng ngày cho tới khi được lội dưới bùn ì ạch bắt cá. Còn nhỏ thì tôi bắt những con cá nhỏ, những con cá lớn tôi nhường hết cho cậu út. Ì ạch bước từng bước khó khăn bởi bùn sình níu kéo đôi chân mà tôi vẫn khoái lội cho bằng được dưới ao. Hồi đó, nhà ngoại tôi xung quanh được bao bọc bởi lũy tre dày đặc, phía trong lũy tre là hệ thống ao tứ phía, ao lớn ao nhỏ, cái nong cái sâu, cái dài cái rộng, tùy theo hình dạng, kích thước ao mà gọi. Những năm đất nước mới giải phóng, ao nhà ngoại cá nhiều lắm, bắt không xuể. Ngày hôm sau bùn lắng, cá còn sót tụ lại từng vũng nước đọng vẫy nổi bùn, đi học về cơm nước xong, tôi lại lao xuống ao mò bắt tiếp, không biết chán. Mỗi lần bắt cá tát ao lên, ngoại vẫn để sẵn cho tôi một cục xà bông hiệu Cô Ba thơm phức để tôi tắm gội sạch sẽ hết mùi bùn sình. Tôi còn nhớ, khi còn đang bắt cá dưới ao, thấy tôi loạy hoay xoay trở dưới bùn một cách khó khăn, mấy ông cậu em chú bác với mẹ tôi đến bắt cá phụ ngoại cứ theo tôi chọc ghẹo : “Coi chừng mấy con cá nó rỉa mất cục vàng đó nha nhỏ !”. Tôi mắc cỡ cười bẽn lẽn với khuôn mặt đầy bùn sình như một chú hề. Còn ngoại thì đi vòng xung quanh bờ ao xách cá vào dội rửa sạch bùn cho vào hủ, vào khạm theo từng loại. Nghe mấy cậu theo chọc ghẹo tôi, ngoại lên tiếng : “Ối, tụi bây cứ theo ghẹo chọc thằng nhỏ hoài !”. Nghe ngoại bênh vực, tôi cảm thấy bớt thẹn thùng. Phân chia cá xong, ngoại bảo tôi mang cá đi biếu những nhà quen ở xóm chưa tát ao, nhà có ít ao hoặc những gia đình nghèo khó. Cá nhiều, ngoại cũng đem đi bán bớt, nhưng ít lắm, thường là để dành lại ăn hoặc cho con cháu trong nhà. Những con cá lóc to trên cả ký ngoại thường rọng lại thật kỹ để dành làm đám giỗ cúng ông bà bề trên. Theo thời gian, tôi cũng lớn dần, đi học xa. Nhưng gần đến ngày tát ao, ngoại cặm cụi lên nhà hoặc bảo cậu lên nhà cho tôi hay có rảnh thì về bắt cá với ngoại để rồi ngoại cho cá mang về ăn. Những lần tát ao sau này tôi không về được bởi bận học và không trúng vào ngày chủ nhật hoặc ngày nghỉ. Tát ao xong, hôm sau, ngoại cho cá vào bao cát nhỏ, cột chặt miệng bao, bảo cậu út tôi ràng hai bên xe đạp chở lên cho mẹ tôi và mấy anh em tôi làm thức ăn qua ngày. Những lần tát ao như thế vắng tôi, ngoại thường xuýt xoa, chắc hít với mấy cậu tôi rằng : “Tội nghiệp thằng nhỏ nó ham bắt cá lắm nhưng mà nó bận đi học xa làm sau về bắt cá được.”


Gần mười năm rồi tôi chưa tác ao bằt cá. Ngoại tôi giờ cũng không còn sống trên cõi đời này nữa. Nhớ Ngoại, ký ức về những ngày xưa cứ cuồn cuộn quay về trong lòng tôi …. 

Tác giả bài viết: Phạm Hoàng Nguyên