Ghi chép: BA MƯƠI NĂM ẤY

Ông Trần Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ

Ông Trần Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi lễ

Ngày 1 tháng 3 năm 2012. Thành phố Tân An vẫn như mọi ngày, người xe xuôi ngược. Dòng Vàm Cỏ Tây yên ả sóng. Trời nắng đẹp. Không có gì khác lạ trong buổi sáng hôm ấy. Nhưng với anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà, đó là một ngày đáng nhớ.

Tại công viên nước Biển Đông nằm trong công viên thành phố, buổi sáng hôm ấy có một cuộc gặp mặt thân tình, đằm thắm của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Văn học nghệ thuật Long An, nay là Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Long An.


Hội trường rực rỡ những lẵng hoa chào mừng. Những ánh mắt  rực sáng cùng với những lời chào thân mật. Lâu lâu vẫn gặp nhưng hôm nay nhìn nhau sao bỗng thấy có gì mới lạ. Những cái bắt tay thật chặt, những tiếng cười sảng khoái ngỡ như chưa bao giờ sảng khoái đến vậy. Đã ba mươi năm. Ừ nhỉ, ba mươi năm. Thời gian qua mau quá. Ngày ấy anh, chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà chỉ có một nơi tìm đến để gặp nhau, để trao đổi, là Tạp chí Văn nghệ Vàm Cỏ của Sở Văn hóa Thông tin trụ sở tại 57 Nguyễn Huệ. Căn nhà chật hẹp nhỏ bé, nóng nực được xây từ hồi chế độ cũ. Nơi làm việc tiếp công tác viên cũng là nơi ăn nghỉ của cán bộ nhân viên của Tạp Chí. Ngôi nhà ấy bây giờ đã biến mất, thay vào đó là những tòa nhà cao rộng với nhiều vạt cỏ được trồng tỉa cắt xén phẳng phiu. Ký ức về ngôi nhà nhỏ bé thân thương 57 Nguyễn Huệ không bao giờ phai mờ trong ký ức của anh chị em văn nghệ sĩ, những người đầu tiên tìm đến nhau để cùng mơ về một cơ quan dành riêng cho mình, rộng rãi trang trọng và thân tình. Cũng tại ngôi nhà nhỏ bé nóng nực ấy, gian phía sau, bên chiếc bàn gỗ được đóng bằng thùng đựng đạn pháo, mặt bàn đầy vết đinh, nhà văn Khương Minh Ngọc ngồi đó, lắng nghe anh chị em văn nghệ sĩ trò chuyện, trao đổi, và ý tưởng về một Hội Văn học Nghệ thuật dần hình thành.

NSNA Nguyễn Lành, Chủ tịch Hội LH- VHNT tỉnh tặng khánh vàng cho đại diện gia đình nhà văn Khương Minh Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội nhiệm kỳ đầu 


Đã ba mươi năm trôi qua. Bây giờ gặp nhau tại một hội trường sang trọng, bất chợt lại cùng nhớ về “ cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.

Nhà văn Khương Minh Ngọc lúc ấy là hội viên của Hội chuyên ngành trung ương duy nhất của Long An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Mái đầu bạc trắng, bên ly rượu trắng, anh thường lặng lẽ ngồi một mình. Anh được tỉnh ủy giao nhiệm vụ thành lập Hội văn học nghệ thuật Long An. Anh quê huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, tham gia kháng chiến chống Pháp tại địa bàn Long An, trưởng thành từ Long An, rồi tập kết ra Bắc. Ra Bắc, anh công tác tại các cơ quan văn hóa văn nghệ như: Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Văn nghệ ( Hội nhà văn Việt Nam), Nxb Văn học, Nxb Giải phóng, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.


Với một bề dày công tác như thế, uy tín nghề nghiệp như thế, tỉnh ủy tin tưởng giao cho anh trọng trách tập hợp văn nghệ sĩ trong tỉnh. Mô hình tổ chức đã có ở nhiều nơi, nhưng áp dụng ở Long An như thế nào? Lực lượng cán bộ làm công tác văn hóa văn nghệ từ trong kháng chiến sẽ là những hạt giống đầu tiên của phong trào. Hãy là phong trào đã, từ phong trào sẽ có lực luợng đủ tầm với đòi hỏi của cuộc sống. Bước đi là thế nhưng triển khai cũng chẳng thể đơn giản. Anh em văn nghệ sĩ vốn nhạy cảm, cá tính rất mạnh. Cũng dễ hiểu, không có cá tính sẽ có không tác phẩm. Tập hợp những con người với những cá tính mạnh mẽ như thế phải có cách làm thích hợp. Mái đầu bạc trắng của nhà văn Khương Minh Ngọc như bạc thêm ra. Những buổi chiều lặng lẽ bên li rượu nhạt như dài thêm ra. Rồi thì mọi việc cũng được giải quyết. Từng bước, từng bước, các việc được giải quyết thận trọng, kỹ lưỡng. Và rồi, ngày mơ ước của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã đến. Ngày 1 tháng 3 năm 1982, thường vụ tỉnh ủy ra quyết định thành lập Hội văn học nghệ thuật Long An, nay là Hội Liên hiệp VHNT Long An, trên cơ sở Phân hội văn nghệ Vàm Cỏ thuộc Long An và Phân hội văn nghệ Kiến Tường thuộc tỉnh Kiến Tường cũ… Một danh sách Ban chấp hành lâm thời được chỉ định thành lập do anh Khương Minh Ngọc giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội. Rồi tờ báo Văn nghệ Long An ra đời do anh Khương Minh Ngọc giữ chức Tổng biên tập. Tờ báo hình thành trên cơ sở tạp chí Văn nghệ Vàm Cỏ thuộc Sở VHTT đã xuất bản từ trong kháng chiến chống Mỹ. Tờ báo Văn nghệ Long An, tiếng nói của giới văn nghệ sĩ trong tỉnh, tiếng nói của những người yêu thích văn học nghệ thuật trong tỉnh, tồn tại suốt bao nhiêu năm. Rồi tờ báo Văn nghệ Long An được chuyển thành Tạp chí Văn nghệ Long An hôm nay.

Ông Trần Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh và ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch UBMTTQ trao bằng khen và hoa cho văn nghệ sỹ

   
 Anh Khương Minh Ngọc mất năm 1993. Trong lễ lỷ niệm hôm nay chị Khương Minh Ngọc và gia đình từ thành phố Hồ chí Minh cũng về dự. Chi Ngọc nay đã yếu,ở tuổi 94, chị không thể lên sân khấu nhận lời chúc mừng thay cho chồng. Chị ngồi ở hàng ghế dưới, nhìn lên sân khấu, chứng kiến người con gái lớn của anh chị thay mặt nhận lời chúc mừng và nhận phần quà kỷ niệm. Cả hội trường xúc động lắng đi trong giây lát khi chủ tịch Hội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Lành trao tặng phần quà kỷ niệm cho gia đình vị chủ tịch đầu tiên của Hội.


Trên hàng ghế đầu các vị lãnh đạo cấp tỉnh chăm chú theo dõi. Tôi nhận ra chú sáu Lê Thanh Châu ngồi trên hàng ghế đầu. Chú Sáu hồi ấy là phó chủ tịch Hội, sát cánh cùng với anh Khương Minh Ngọc xây dựng Hội. Chú Sáu nay cũng đã yếu nhiều. Mái tóc bạc trắng, dáng đi chậm chạp, chỉ ánh mắt và nụ cười là còn tươi nguyên hồn hậu. Một bài thơ mới sáng tác của chú vừa được biểu diễn ở phần khai mạc.
Có người nói, giới văn nghệ sĩ nhìn chung không thích sự gò bó, có người rất ngại dự các cuộc họp. Tôi không biết nhận xét ấy có đúng không, nhưng tại buổi lễ hôm nay, anh chị em văn nghệ sĩ ngồi dự rất nghiêm túc. Bản báo cáo của chủ tịch Hội Nguyễn Lành tổng kết hoạt động của  Hội trong suốt ba mươi năm qua đã tạo được những nét lớn về thành tựu được điểm qua với những nhận xét đánh giá khách quan, khoa học. Tôi nhớ một nhận xét của bản báo cáo.Tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ đã bám sát cuộc sống, nội dung phong phú, sinh động. Nhiều tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ Long An đã đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Chỉ từng ấy câu thôi, để nói được như thế là biết bao cố gắng, biết bao mồ hôi, công sức, của từng cá nhân văn nghệ sĩ, là biết bao cố gắng của cơ quan Hội, của lãnh đạo tỉnh…để tạo điều kiện thuận lợi cho anh chị em văn nghệ sĩ họa động sáng tạo…


Rồi các vị lãnh đạo cấp tỉnh lên trao bằng khen và phần thưởng cho các thế hệ lãnh đạo hội, lãnh đạo Hội trao giấy khen và phần thưởng cho các hội viên có nhiều đóng góp…


Sau cùng là phát biểu của phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Minh Hùng. Ông đánh giá khen ngợi những thành tựu trong hoạt động của anh chị em văn nghệ sĩ và của cơ quan Hội trong thời gian qua.Trên tinh thần  Chương trình hành động số 18/CTr/TU ngày 29/10/2008 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết 23- NQ/TW của Bộ Chính trị về “ Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, ông nhấn mạnh, thời gian qua Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo kịp thời sâu sát, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hoá văn nghệ nói chung, VHNT nói riêng. Cơ sở vật chất của các đơn vị văn học nghệ thuật từng bước được cải thiện. (…)Tư duy lý luận và quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển, góp phần cổ vũ, khích lệ, tạo niềm tin cho văn nghệ sĩ. Ông cũng nhắc nhở anh chị em một số vấn đề. Các sự kiện lớn của tỉnh được cả nước biết đến, như khai phá Đồng Tháp Mười, bù giá vào lương trong thời kỳ bao cấp, hạt gạo Nàng Thơm Chợ Đào nổi tiếng.. chưa được anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà phản ánh xứng tầm trong các tác phẩm VHNT. Cuộc sống đang chờ đợi anh chị em văn nghệ sĩ.

Ông Trần Minh Hùng, Phó chủ tịch UNND tỉnh trao bằng khen cho văn nghệ sĩ


Ông tin thời gian tới nhất định văn nghệ sĩ tỉnh nhà sẽ có nhiều tác phẩm hay phục vụ nhân dân, gắn bó với với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo.


Kết thúc buổi lễ, anh Nguyễn Công Toại, chi hội trưởng chi hội văn nghệ dân gian, trong vai trò dẫn chương trình, mời cử tọa chào cờ bế mạc. Tuyên bố bế mạc rồi mà mọi người vẫn còn tiếc nuối.


Lễ kỷ niệm tổ chức gói gọn trong buổi sáng, nhưng dư âm cả nó sẽ còn mãi trong tâm trí của giới hoạt động VHNT tỉnh nhà. Và không chỉ riêng trong giới văn nghệ sĩ.

Tác giả bài viết: Hào Vũ