Người mang hơi thở cội nguồn

Người mang hơi thở cội nguồn
Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Phan Văn Phấn: Người mang hơi thở cội nguồn

Vài năm trước, khi nghe nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Phan Văn Phấn chia sẻ về kế họach sưu tầm và giới thiệu các trò chơi dân gian Nam Bộ, tôi rất e ngại cho ông. E ngại là vì khi ấy ông đã ngoài cái tuổi bảy muơi hai, sức khỏe ông đã kém, mà việc rong ruổi khắp các tỉnh, thành Nam Bộ để sưu tầm tư liệu thì  đã vô cùng khó khăn đối với người bình thường, huống gì một nguời tuổi cao, sức yếu, thính lực kém như ông. Tuy vậy, tôi vẫn thầm chúc ông “chân cứng đá mềm”.

Cho nên hôm nay hay tin công trình nghiên cứu “Trò chơi dân gian Nam Bộ” của ông đạt giải nhì B của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2014, tôi cảm thấy mừng. Vậy là tấm lòng của ông đối với văn hóa dân gian Nam Bộ đã cho “hoa thơm trái ngọt”, được giới chuyên môn công nhận và đánh giá cao.

Nhà nghiên cứu VH, VNDD Phan Văn Phấn (bìa trái) nhận giải từ Hội VNDG Việt Nam. 

Đây là lần thứ hai ông đạt giải về đề tài văn hóa, văn nghệ dân gian Nam Bộ. Lần trước, vào năm 2011, ông đạt giải A với công trình “Nông ngư cụ Nam Bộ qua ca dao tục ngữ”. Hẳn là ông rất nặng lòng với văn hóa truyền thống của vùng đất được gọi là mới nhưng đã có bề dày hơn 300 năm tuổi này? Trước câu hỏi đó,ông thành thật chia sẻ: ông được sinh ra và lớn lên ở xã Bình Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Long An- một không gian đậm đặc văn hóa, văn nghệ dân gian. Những câu hò, điệu lí, phong tục văn hóa tốt đẹp của dân tộc đã trở thành một phần không thể xóa nhòa trong tâm trí ông. Tuy nhiên, ngày nay, những điều tốt đẹp ấy cứ mai một dần. Ông rất ưu tư trước sự mai một đó. Vì vậy mà, ông quyết dành những năm tháng còn lại của cuộc đời để sưu tầm, quảng bá về chúng. Với mục đích duy nhất: các thế hệ con cháu sau này có cái để nhớ, để hiểu, để tự hào về ông cha.

Chính vì sự nặng lòng với văn hóa, văn nghệ dân gian Nam Bộ mà ông đã rong ruổi khắp nơi. Xa thì đi xe khách, gần thì đi xe gắn máy. Và ông cho rằng ông rất may mắn khi được gặp những người cũng nặng lòng như ông. Họ chia sẻ hết với ông những vốn hiểu biết về văn hóa, văn nghệ dân gian mà họ có được. Có người còn xin số điện thoại, xin địa chỉ để khi họ nhớ lại những gì thì cung cấp tư liệu cho ông. Và ông đã khiêm tốn cho rằng, tất cả những công trình, tất cả những giải thưởng mà ông đạt được là thành quả chung của rất nhiều người.

Sinh năm 1937, vậy là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Phan Văn Phấn sắp bước vào tuổi 80. Mỗi ngày ông vẫn tự lái xe gắn máy đi uống cà phê, gặp gỡ bạn bè văn nghệ. Ông vẫn sáng tác văn chương, sưu tầm, viết bài nghiên cứu vế văn hóa
văn nghệ dân gian mỗi ngày. Ông bảo việc sưu tầm, nghiên cứu những gì thuộc về cội nguồn xưa cũ là đam mê lớn nhất đời ông!

Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân- Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Long An đã tinh tế khi nhận định rằng “Có lẽ, không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai từng gặp tác giả Phan Văn Phấn- chúng tôi thường gọi thân mật là chú Sáu Phấn- đều liên tưởng đến hai chữ “cội nguồn”. Tôi nghe thấy đâu đây âm thanh của hoài niệm, hơi thở của cội nguồn trong cách thức chú Sáu Phấn cẩn trọng trò chuyện cùng mọi người, trong dáng dấp thiếm Sáu khoan thai từ tốn bên cạnh chú, tôi còn nhìn thấy qua từng gương mặt hồn hậu hiếu thảo của con cái lớn bé trong gia đình chú những lần giỗ chạp…”.  

Và giữa cuộc đời chộn rộn này, nếu có khi nào bạn gặp một cụ già lặng lẽ, tóc bạc trắng, dáng dấp nho nhã, phong thái từ tốn và hỏi bạn những gì thuộc về văn hóa, văn nghệ dân gian…đó chính là nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Phan Văn Phấn- hậu duệ của nhà chí sĩ yêu nước Phan Văn Đạt- người mang hơi thở cội nguồn!

Tác giả bài viết: TANG NHU