CHUYỆN TÌNH YÊU Ở TRƯỜNG VIẾT VĂN NGUYỄN DU

Tôi và Tùng Linh ngồi bên nhau dưới tán lá cây sanh trong quán cà phê nhỏ ở công viên thành phố Tân An (Long An). Vài chấm nắng thật mỏng thỉnh thoảng lại rơi xuống mặt bàn cùng với gió. Cây sanh cùng họ với cây si. Người Nam Bộ thường gọi cây si là cây gừa. Lá cây sanh có màu xanh non, mềm hơn lá si. Rễ của nó rủ xuống cũng thưa hơn, thướt tha hơn cây si.

Lâu lắm mới có dịp gặp nhau dù vẫn hỏi thăm nhau qua điện thoại. Tùng Linh từ Hà nội bay vô Sài Gòn có việc riêng. Rồi từ Sài Gòn nhảy hai chặng xe buýt về Long An, gặp tôi tặng tập thơ anh mới xuất bản, tập Biển Mùa Đông. Miên man là chuyện văn chương, miên man những kỷ niệm cũ về trường viết văn Nguyễn Du ( khóa I). Nhìn nhau thấy như chẳng có gì thay đổi, ngỡ như mới hôm qua còn ngồi bên nhau trong căn lán mái lá vách đất của trường Nguyễn Du. Ngỡ như mùi  thơm bếp dầu xanh lửa nơi góc phòng vẫn còn đâu đó. Ngày ấy Tùng Linh thường tự hào mình có cái bếp dầu “tuyệt chiêu”, lửa cháy xanh “như mơ” vậy. Cả lớp (bên dân sự) mỗi người có một bếp riêng nơi góc phòng với lủng  củng  chai lọ, nam cũng như nữ. Sau giờ lên lớp buổi sáng là ai nấy tất tưởi ra chợ Giảng Võ gần đó. Mới hay cánh đàn ông khi “thời thế” xô đẩy thì việc nội trợ nấu nướng chẳng thua chị em phụ nữ. Cũng tại quán cà phê này vào một buổi sáng chủ nhật đã lâu, tôi ngồi nói chuyện điện thoại với Tùng Linh lúc anh đamg ở Singapore. Cũng chỉ là chuyện văn chương. Kết thúc cuộc nói chuyện, tôi hỏi, nói chuyện nãy giờ hết bao nhiều tiền cước. Hai trăm ngàn tiền Việt. Tùng Linh tắt máy sau câu trả lời. Hai cô con gái của Tùng Linh hiện đang ở  bên “Sinh” . Hai vợ chồng phải thay nhau sang với con, với cháu ngoại. Thỉnh thoảng gọi cho Tùng Linh, máy báo “số điện thoại này tạm dừng” là hiểu Tùng  Linh đã “ra khỏi đất nước”.

Tùng Linh làm thơ còn tôi thì viết văn xuôi. Tập mới nhất của anh,tập “Biển Mùa Đông” dày gần 300 trang , đọc xong cứ thấy một Tùng Linh thoát hiện thoắt ẩn  sau mỗi trang giấy trắng, thật tinh khiết. Lạ như thế. Có thể do tôi quá yêu Tùng Linh chăng (?). Khác hẳn một Tùng Linh có bộ râu quai nón mỗi lần cạo cùn hẳn một lưỡi dao lam như Tùng Linh từng than. Cũng tại ngày ấy, những năm học ở trường Nguyễn Du,  lưỡi lam là một thứ đồ hiếm, “thứ tốt” cạo “mát cằm” kiếm thật “ trần ai”. Bộ râu ấy dù cạo hay chưa  cạo vẫn vẽ ra trước mắt mọi người một Tùng Linh ,  “ hầm hố” và “bụi” , theo cách gọi vui của bè bạn  là “cao bồi  đất Cảng”. Nhưng có thật là Tùng Linh “ hầm hố” như vẻ bề ngoài của anh không? Tôi gặp Tùng Linh trong ngày nhập học đầu tiên, nhận đồng hương Hải Phòng, thì ra nhà tôi cũng gần nhà Tùng Linh, thế là thấy mến nhau. Tôi từ Long An  ra học sau những năm đi B, rồi bám trụ chiến trường. Biết rõ cái lạnh mùa đông của Miền Bắc nên chuẩn bị  áo ấm đầy đủ. Ngạc nhiên bữa ấy Tùng Linh xin nghỉ về Hải Phòng. Hỏi về làm gì, sao không đợi chủ nhật, Tùng Linh nói, về mượn thằng em cái áo ấm lên mặc, trời lạnh rồi, đợi ngày nữa sợ không kịp với ông trời.Áo của ông đâu. Tùng Linh trả lời, không có. Vây mỗi mùa lạnh tới thì ... Thì mượn của chúng nó, hết lạnh lại trả. Vậy là mỗi mùa lạnh phải thay mấy lần áo, đồ mượn mà. Thì nó đòi lại trả, mượn cái khác của nó. Cũng tiện. Lại hỏi luôn một câu nữa cho hết tò mò, sao tôi thấy ông không có  bộ quần áo nào mới hết vậy. Tao không thích, mặc quần áo mới nó ngường ngượng thế nào . Thì ông cũng phải vào hiệu may để  may một bộ quần áo,  bình thường thôi, như người ta. Không, tao không vào hiệu may, đứng cho người ta đo thì dơ (xấu hổ) lắm.

Cũng phải nói thêm một chút, không phải để bênh vực cho Tùng Linh, mà để ta có nhìn thoáng hơn về cách mặc thời ấy.Thời ấy mỗi người chỉ được phân phối theo tem phiếu số vải đủ may một năm hai bộ quần áo. Thành ra các hiệu may, vá quần áo hồi ấy làm ăn rất được (cần lưu ý là có khi vá nhiều hơn may). Việc vào hiệu may để may quần áo là chuyện bình thường của mọi người, không phải như bây giờ, vào hiệu may để may quần áo là một thứ chi tiêu xa xỉ.

Nhưng rồi Tùng Linh cũng có một chiếc áo ấm của riêng mình, đẹp là đằng khác, màu da cam,cổ lọ, ấm thì hẳn rồi, còn là nỗi niềm riêng tư nữa. Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, (ngoài áo lạnh mẹ mua cho hồi nhỏ thì không tính) đây là chiếc áo lạnh đầu tiên trong đời của Tùng Linh. Cũng có một điều “mới” nữa là, lần đầu tiên tôi nghe anh khoe với tôi, chắc cũng với nhiều người  khác về chiếc áo len “ của mình”: “Cái áo này đẹp chứ?” Mặc áo đẹp không thấy ngường ngượng lại còn đi khoe là điều xưa nay hiếm ở Tùng Linh. Ấy là vào những tháng cuối cùng của khóa học. Tùng Linh có người yêu, cô Năm, sinh viên lớp thư viện xinh đẹp, tâm hồn  trong veo như nắng buổi sáng, ở nội trú tại dãy nhà cũng tranh tre vách nứa,  nằm kế bên dãy lớp chúng tôi. Chiếc áo ấm ấy là sản phẩm của tình yêu. Chuyện tình yêu “lần này”của Tùng Linh thì tôi cũng biết. Hai dãy nhà cách nhau một cái ao nhỏ. Phía bên trường Nguyễn Du là một khung cửa sổ nhìn qua, bên khu nội trú của lớp thư viện là cửa chính nhìn lại. Năm thường ngồi ở cửa chính “ ngắm mây trời”, trong khi  Tùng Linh nép mình trong phòng, qua khung cửa sổ ngắm nhìn đôi guốc đẹp trang điểm cho đôi bàn chân nuột nà của nàng. Rồi họ yêu nhau lúc nào không hay.Tôi xin cam đoan chuyện đó hoàn toàn là sự thật mặc dù nghe có vẻ như là chuyện của tiểu thuyết diễm tình. Và cũng nói thêm một sự thật nữa. Cái ao nhỏ, nơi “nâng niu”  ánh nhìn qua lại của hai người là nơi nhà trường ngâm tre nứa chuẩn bị dựng một dãy nhà sinh viên mới. Mùi tre nứa ngâm thỉnh thoảng “ bay bay” trong gió thật ra cũng không mấy dễ chịu. In trong tập “ Biển mùa đông” của Tùng Linh, bài “ Lập Thu” có những dòng sau đây kể về tiếng guốc của nàng: “Sáng nay em đến tìm/ Tiếng guốc quen cửa trước/ … Nắng dịu dần sắc nắng/Gió có chi bồn chồn…”

Tùng Linh  thường tâm sự chuyện tình yêu của  anh với tôi, vậy mà việc đan tặng áo Tùng Linh hoàn toàn bí mật. Có lẽ vì Tùng Linh thấy việc “ đan áo cho anh” có vẻ “cải lương” quá trong khi anh luôn cố ý chứng minh với mọi người rằng mình là con người của thời hiện đại. Nhưng rồi Tung Linh đã mặc chiếc áo ấm ấy. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, Tùng Linh trở thành con người khác.Sau này thì Tùng Linh chống chế  rằng, thì ra chuyện  anh hùng lụy mỹ nhân là chẳng của riêng ai. Sự thừa nhận muộn màng vào lúc hai người đã thành vợ chồng, Tùng Linh về công tác tại Tổng Công Đoàn Việt Nam còn Năm về công tác tại thư viện của  Báo Văn nghệ Hội Nhà Văn.

-         Dạo này mày đang viết gì? – Tùng Linh hỏi.

-         Viết mấy cái ngăn ngắn chơi vậy thôi.- Tôi trả lời rồi nhắp một ngụm trà “lip-ton” có pha một chút vị chua của chanh.

Lại im lặng.Và nhớ.

Những ngày ở trường Nguyễn Du, vừa cực vừa vui. Đói kém, khem khổ, và miệt mài viết dưới ánh đèn điện vàng vọt do điện yếu. Nhớ về đêm thơ của trường viết văn Nguyễn Du khóa I. Cuối năm 79, đầu năm 80 của thế kỷ trước, Trường văn Nguyễn Du mở khóa đầu tiên.  Văn chương thời ấy có giá lắm, và nhà văn cũng nhờ đó “ có giá” theo, nhất là trong trường Đại học văn hóa, toàn những em gái sinh viên xinh đẹp, mơ mộng có thừa. Thành ra mới có sáng kiến tổ chức đêm thơ để các em sinh viên Đại học văn hóa nói chung và nữ sinh viên nói riêng, được “làm quen” với các nhà thơ.

Đêm thơ ấy, các tác giả thơ (căn cứ vào bản khai làm thơ hay văn xuôi trong sơ yếu lý lịch khi nhập học) có trách nhiệm mỗi người  đọc một bài thơ ưng ý nhất của mình trước cử tọa là sinh viên cùng trường.  Đêm thơ đã có một sự cố ngòai dự kiến của Ban tổ chức. Người dự đông quá khiến có nhà thơ run không dám bước lên sân khấu.  Ban tổ chức đành phải sử dụng phép  “doping” như sau. Một người trong ban tổ chức cầm sẵn chai rượu,  (tôi không nhớ tối hôm ấy người  được phân công cầm rượu là ai)  ngồi ở bàn trên. Ai trước khi bước lên sân khấu đọc thơ đều được (phải) uống một  hoặc hai cốc (gọi là  liều cũng được) tùy theo sức khỏe thần kinh . Trong số người yêu cầu “hai liều doping” ấy có Tùng Linh.

Với thơ tôi là ngoại đạo nên chẳng dám bàn , chỉ thấy yêu Tùng Linh hơn sau mỗi lần đọc thơ anh. Những ngày ở trường Nguyễn Du, cả hai, mà nói chung là cả lớp, đều là những chàng trai, cô gái  trẻ. Sung mãn và háo hức. Thậm chí còn có cả chút ảo tưởng. Cái này là học theo cụ Nguyên Hồng. Nhà văn  Nguyên Hồng dạy đám viết văn trẻ đại ý rằng, hãy đọc thật nhiều những nhà văn lớn, và khi viết thì hãy coi các vị ấy “chẳng là  gì cả”. Viết xong đọc lại của mình, lại phải biết sợ các vị ấy hơn trước để run rẩy dò lại từng câu văn. Có vậy mới vượt lên được. Tùng Linh làm thơ, nhưng anh rất mê nhà văn Nguyên Hồng , thuộc nhiều giai thoại về cụ. Cũng một phần do nhà văn Nguyên Hồng có giai đoạn giữ chức chủ tịch Hội văn nghệ Hải Phòng, và Tùng Linh có nhiều dịp  được gần gũi cụ khi anh còn là một cán bộ của ngành xây dựng Hải Phòng. Anh có cả một bài thơ về nhà văn Nguyên Hồng in trong tập  Biển mùa đông, với  nét chấm phá chân dung  nhà văn anh yêu kính. “ Ông ngồi đấy / quên cả chiều đang xuống/ chén rượu ngang hắt tia nắng hoàng hôn…Ông ngồi đấy/ quên cả ngày đã đến/những ngôi sao nhợt nhạt tận cuối trời/tia nắng ướt soi trang chưa ráo mực…”  và rồi “ Cả cuộc đời và trên từng trang viết/ông dạy tôi bài học lớn của đời…”  Thỉnh thoảng  trong tiệc rượu uống với kẹo lạc,  cao hứng, giữa đám bạn bè văn chương, Tùng Linh lớn tiếng “Những điều các đại văn hào chưa kịp làm thì chúng ta … sẽ làm”. Và  đám bạn bè còn đang tràn trề sức trẻ với những trang viết của mình, cười bò ra, nhưng cũng vỗ tay tán thưởng. Rượu nói chứ không phải Tùng  Linh nói. Có lẽ  vậy. Nhưng … biết đâu đấy.

Tôi thích thơ Tùng Linh. Ấn tượng mạnh nhất của tôi là khi nghe Tùng Linh đọc bài “ Người đàn bà  Ả -  Rập của tôi” trong một lần hai đứa ngồi nhâm nhi ở cái quán nhỏ giữa lòng Hà Nội . Khối thuốc nổ vừa được kích nổ. Giờ đây, đọc lại bài thơ ấy trong tập “Biển mùa đông” của anh, cảm xúc cũ lại tràn ngập. Hừng hực,  hổn hển từ dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng. Thơ tình như thế thật không nhiều.

Tùng Linh có cách ký họa phong cảnh trong thơ đọc rất thích. Kỳ cả lớp đi thực tế  ở Phan Thiết, Tùng Linh có bài thơ “Thị xã của những người đánh cá” , bài thơ được giải thưởng Báo Văn Nghệ sau đó. Tôi thích nhất sự quan sát tinh tế của anh trong bài thơ  khi nói về một thị xã ven biển “ Con hải âu bay lạc vào thị xã…” Tôi cứ tự trách mình, mình là dân văn xuôi sao lại không nhìn ra cái chi tiết ấy. Nhưng đọc bài Đồng Đăng trong tập Biển nùa đông của anh tôi mới hiểu rằng, sự quan sát tinh tế ấy là không dễ bắt chước. Thị xã Đồng Đăng đổ nát sau trận chiến biên giới được Tùng Linh phác họa với chi tiết “trái lê lăn tròn” trên đất có sức ám ảnh thật mạnh mẽ.

Bè bạn văn chương quen gọi Tùng Linh là nhà thơ của công nhân, của người lao động. Đọc tập “Biển mùa đông” của anh tôi cảm nhận rõ thêm điều ấy. Anh luôn nuôi dưỡng và dễ bùng cháy cảm xúc trước một không gian lao động, trước người lao động. Chẳng thế mà, theo chỗ tôi biết, một trong những nhà văn anh yêu mến nhất là nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn có thời được vinh danh là nhà văn của những người cùng khổ. Tất cả những điều ấy đã góp phần tạo nên một phong cách Tùng Linh.

Tôi cầm trên tay tập thơ  Biển mùa đông của Tùng Linh. Nằng nặng những con sóng cảm xúc xô bờ của gần cả một Đời Thơ.

Chúng tôi im lặng ngồi bên nhau dưới bóng mát cây sanh phơ phất chùm rễ thưa, chùm rễ nhìn  giống như chòm râu của một ông già nhân hậu. Mày nói gì đi. Tùng Linh nhắc và tôi ừ, rồi lại im lặng. Chúng tôi cứ ngồi im lặng bên nhau thật lâu như thế.

Tác giả bài viết: HÀO VŨ

Nguồn tin: TCVNLA 04/2014