Dân quê tôi đảm bảo ai cũng từng nghe qua địa danh “Vàm Nao”, nhưng khi hỏi Vàm Nao nghĩa là gì, chắc chắn 99,99% người dân không biết. Ngay cả tôi, hồi nhỏ tắm sông lặn hụp dưới dòng Vàm Nao này không biết bao nhiêu bận, vậy mà khi bạn hỏi, tôi mới chưng hửng, “Vàm Nao nghĩa là gì?”. - Cái nết con sông, tấm lòng con cá
Sông Vàm Nao chỉ dài độ 6,5km, tả ngạn hầu như nằm gọn trong xã Tân Trung, huyện Phú Tân, hữu ngạn thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới. Đó là cái chiều dài địa lí của Vàm Nao. Chứ dân nơi này thường không quan tâm con sông dài bao nhiêu, chỉ biết nó bắt đầu từ vàm Cái Đầm, ngay chợ Tân Hòa, và kết thúc ở vàm Cây Mít, gần chợ Đình, thuộc thị trấn Phú Mỹ hiện nay. Dân nơi đây “đo” con sông bằng ký ức, bằng kỷ niệm, bởi vậy con sông cứ đằng đẵng, bạt ngàn. Vàm Nao là con sông nối liền sông Tiền và sông Hậu. Cơ hồ hai đứa con của mẹ Cửu Long bất hòa, trôi song song mà chẳng thèm chạm mặt nhau, đến nỗi phải có một Vàm Nao kết giao hai dòng nước. Ấy vậy mà bất thành. Tiền Giang và Hậu Giang vẫn điềm nhiên chảy, bỏ mặc Vàm Nao như đứa con ngoài giá thú, nằm gối đầu lên hai dòng Tiền-Hậu, đêm ngày nghe vang vọng ngân nga tiếng kinh giảng sấm truyền, tiếng quết bánh phồng và tiếng nện búa rèn ở làng nghề Hòa Hảo. Chẳng biết có phải nguyên do đó, mà Vàm Nao được bù đắp lại bằng những con cá bông lau trắng hếu, thịt thơm ngon độc nhất vô nhị. Cũng anh em dòng họ với cá tra, cá ba sa hay cá hú, cũng thuộc loại cá da trơn nhưng thịt cá bông lau không béo ngậy mà lại ngọt bùi, thớ thịt săn chắc. Khi khứa ra từng khứa bông lau nấu chua hay kho lạt, lúc chín hai thỏi thịt trên lưng cá có những thớ tròn đồng tâm như hai cái hoa tay của những ai khéo léo. Đó cũng là dấu hiệu đặc biệt để “nhận diện” cá bông lau trên bàn ăn của “dân ngoại đạo”. Chớ dân miệt này, nhìn thoáng qua là biết ngay. Dân nơi đây quen mặt với con cá bông lau hàng trăm năm rồi. Trước đây, vào mùa cá bông lau, mỗi gia đình đi giăng lưới một đêm được chừng vài chục ký như chơi. Con bông lau nhỏ cũng cỡ 2 – 3 ký lô, con nào bự cỡ 10 ký lô. Giăng được chừng chục ngoài con là khẳm xuồng, sáng ra tha hồ mà đếm tiền. Phải chăng đây là sự ban tặng của tự nhiên?
Cái nết của con cá này cũng chẳng phải vừa đâu. Hễ vào mùa nào đẹp trời, như độ tháng Chạp đến tháng Tư âm lịch thì nó mới xuất hiện. Chứ còn những tháng khác đôi khi kiếm một cái nhớt cũng không có. Mà bông lau chỉ có ở sông Vàm Nao, duy nhất con sông này. Cùng lắm là lấn sang sông Tiền sông Hậu vài trăm mét, chớ đi xa hơn đừng hòng bắt được con nào. Bởi vậy, có người nói bông lau từ Biển Hồ trôi xuống là thiếu căn cứ, bởi thượng nguồn và hạ nguồn sông Tiền sông Hậu đều không có cá bông lau, chỉ duy nhất đoạn Vàm Nao có. Nếu từ Biển Hồ thì chắc cá bông lau “nhảy” hàng trăm cây số rồi rớt ngay Vàm Nao, chứ “trôi” kiểu gì kì cục. Cá mà còn bày đặt làm mình làm mẩy như thế đúng là “sang chảnh”. Bởi vậy, dân hạ bạc sống nhờ con cá bông lau nhiều, mà khổ cũng vì con cá bông lau nhiều lắm.
Chợt nhớ, hai năm trước có lần tôi theo ghe anh sáu Tánh ở ấp Thượng I, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân đi giăng lưới bông lau. Đi ba đêm ròng, bủa chừng 20 mẻ lưới mà chẳng dính con nào, tôi chán quá, viết mấy câu thơ thả trôi trên dòng nước:
“Con cá bông lau không nhớ lời hẹn ước bằn bặt tăm hơi để đêm về, mái chèo ai buông lơi.” (Đêm trên sông Vàm Nao)
Người đời ít ai ngờ, sự hào phóng của thiên nhiên vậy mà cũng có giới hạn, chẳng phải vô tận vô cùng. Trò chơi cút bắt của con cá bông lau trên sông Vàm Nao, hay cá cóc, cá sủ trên sông Tiền, cá hô sông Hậu là những thông điệp cảnh báo sắc lẻm của tự nhiên. Đến một lúc nào đó, chúng ta phải trả giá cho cái sự hoang phí của con người. Mà cảnh ngộ cô gái tôi sắp kể ra sau đây, là một minh chứng day dứt.
- Vàm Nao, bông lau nao lòng người xa xứ
Năm 2013, tôi tình cờ gặp được cô Nguyễn Thị Tuyết Mai tại Đào Viên, Đài Loan. Cô này lấy chồng Đài Loan và định cư quê chồng hơn chục năm, chưa lần nào về thăm quê mẹ. Mai mở một quán ăn nhỏ gần Trường Đại học Trung Ương (Trung Ương Đại học), nơi tôi lưu học nên chúng tôi biết nhau. Hỏi ra mới biết cô quê ở ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, Phú Tân, An Giang, cách nhà tôi chừng ba cây số. Cái tình đồng hương ở xứ người nó mặn nồng lắm. Tôi nhớ có lần, cũng ở Đài Loan, tôi gặp một bà dì quê ở Bạc Liêu sang đó nuôi cháu ngoại. Dì hỏi quê tôi ở đâu, tôi nói dạ con ở An Giang. Dì cười tươi rói, nói dì ở Bạc Liêu nè con ơi. Trời ơi, dì cháu mình ở kế một bên, An Giang với Bạc Liêu là miền Tây Nam Bộ hết con ơi. Chợt bồi hồi thương những cánh chim Việt bay đi khắp mọi phương trời vô định, nhưng vẫn mang tâm thức cành Nam. Cuộc hội ngộ ngẫu nhiên với Tuyết Mai khiến chúng tôi vui mừng khôn xiết, nói toàn chuyện quê nhà. Tôi nhắc từng gốc cây ngọn cỏ, từng bãi lúa bờ sông cho Mai nghe. Nói đến đâu cô cũng xuýt xoa, dạ dạ em nhớ, hồi đó em hay hái rau ở đó. Dạ dạ em nhớ, hồi đó em đi mót lúa ở đó. Dạ dạ em nhớ, hồi đó em... Ấy vậy mà, khi tôi nhắc món canh chua cá bông lau đặc sản xứ Vàm Nao quê mình, Mai lại ngồi yên lặng rất lâu, hai khóe mắt đỏ hoe rồi lăn xuống vài giọt nước mắt. Mai nói, anh nhắc chi hổng biết, em nhớ chớ làm sao quên được con cá xứ mình. Nhưng...
Sự hào hứng của tôi bỗng nhiên biến mất, như một người mải mê ngắm nhìn hoa thơm cỏ lạ đã lỡ chân đạp gãy một cành hoa quý trong vườn. Tôi tính chào Mai ra về, vì tôi thường bối rối khi gặp người phụ nữ rơi nước mắt. Rồi Mai níu tôi lại, níu lại bằng chính ký ức của cô. Mai nói, mắt nhìn vào một nơi nào đó rất xa, bàng bạc dòng nước cuộn. Ông nội và ba của Mai đều theo nghề giăng lưới cá bông lau. Thuở trước, cá dày đặc trên khúc sông này. Vào mùa cá bông lau sông vui như hội, những ánh đèn ghe lưới và trên các chiếc phao thả theo dòng nước như ngàn vạn chiếc hoa đăng. Tiếng cười đùa của dân hạ bạc vang động cả khúc sông dài. Hồi nhỏ, Mai cũng thỉnh thoảng theo ghe ba đi giăng lưới bông lau. Nhưng ba vừa bủa lưới xong là Mai nằm trên bộ vạc tre phía sau ghe ngủ ngon lành, đến khi thức giấc là cả bầu trời sao đêm lấp lánh, và cả một bầu trời đang lấp lánh dưới mặt nước sông. Mai dụi mắt nhìn ba kéo lưới, kéo theo cả những niềm vui cuồn cuộn trên tay. Lớn lên một chút Mai không theo ghe, nhưng vào mùa cá cô thường hay xuống bờ sông rửa chén, chùi nồi hay giặt áo. Có bao mái chèo đã lơi nhịp khi ngang qua bến sông cô. Tim cô cũng bao lần rạo rực trên bến sông này, khi câu hò của mấy anh chàng hạ bạc bồng bềnh trên dòng nước. Gia đình Mai khi ấy sung túc lắm, sắm được cả cái tivi màu đầu tiên trong xóm mà vừa gì. Thế nhưng, bầu vú nào thì cũng đến ngày cạn sữa. Những con cá bông lau ngày càng thưa vắng. Ông nội của Mai bán mấy tay lưới, chiều chiều ra bờ sông ngồi rít những hơi thuốc thật dài, phả khói vào mảng trời ký ức xa xăm. Ba Mai kiên trì hơn nhưng vẫn thường hay nén tiếng thở dài sau những đêm trở về tay trắng. Đồ đạc trong nhà Mai bán đổ bán tháo chạy gạo. Mai ít khi xuống bến sông. Rồi đến một ngày, cô phải gạt nước mắt chấp nhận dạt trôi xứ người để có tiền xoay sở cho cả đàn em nheo nhóc.
Tôi ngồi lặng im, nghe Mai thổn thức bao cung bậc khắc khoải của cuộc đời cô, chợt như hiển hiện trước mắt hình ảnh của những người con quê tôi đang bị bứng đi phiêu dạt khắp xứ. Kẻ lên Bình Dương, người đi thành phố, người ra tận Đồng Nai, Ban Mê... Tôi và Mai cũng là hai con người phiêu bạt tha hương, nhưng ngay cả trong giấc mơ cũng chập chờn tiếng mẹ.
Mai còn kể, cô có anh người yêu cũng làm nghề giăng lưới cá bông lau, thương Mai lắm nhưng gia cảnh nghèo không giúp gì cho Mai được. Cái đêm nhà Mai nhóm họ, ảnh uống say quắc cần câu rồi một mình chèo xuồng ra giữa dòng Vàm Nao, ngửa mặt lên trời cất giọng hò lao xao sóng nước:
“
Hò....ơ.... Ngó lên Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao Thấy con cá bông lau nhảy nhào vô lưới Anh ngồi chắc lưỡi.... (Mà) hò ơ........... Anh ngồi chắc lưỡi.... Không biết chừng nào mới cưới đặng em”
(1) Câu chuyện của Mai ở lại trong lòng tôi rất lâu mà không nhạt. Đến nỗi, khi về nước, tôi lập tức chạy về nhà, xuống cây cầu ván bắc dưới bến Vàm Nao, thọt hai chân xuống nước rồi điện thoại cho Mai. Tôi mô tả cho Mai hình dung cảnh vật quanh tôi, những chiếc ghe chở gạch chạy xuôi dòng, những bông lục bình vô tư tím, bờ bãi xanh um những luống hành luống hẹ, những liếp đậu liếp cà. Và nước sông Vàm Nao vẫn trong vẫn mát, như những ngày thơ ấu tôi trầm mình cùng chúng bạn mặc tía má rầy la, có khi còn bị vài roi nổi lằn dưới đít. Tôi nói nhiều, nhiều lắm, đến khi nghe bên kia Mai sụt sịt mới thôi. Mai bảo cảm ơn cái cách tôi mang quê hương qua cho Mai, Mai hứa khi về sẽ đãi tôi một chầu canh chua cá bông lau ăn cho cành hông. Nói vậy chớ tới nay Mai vẫn chưa về, dù lúc nào tôi cũng tin rằng Mai sẽ về, nhất định sẽ về.
- “Tang điền biến vi thương hải”
Một người con của đất Phú Tân mà tôi rất ngưỡng phục chính là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp, nhà ở ngay thị trấn Phú Mỹ. Hồi tháng 10 năm 2016, tôi gặp chú Hiệp tại Hội thảo “
Phát triển Phú Tân – An Giang trở thành điểm đến du lịch văn hóa sinh thái” do Trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp với UBND huyện Phú Tân tổ chức. Tôi nói, chú nghiên cứu văn hóa dân gian, viết hơn 20 đầu sách về An Giang rồi, vậy mà chưa có bài nào lí giải về tên gọi Vàm Nao, ngay cái mảnh đất mà chú sống. Cháu tìm hiểu sách cũ, thấy mỗi người lí giải mỗi kiểu, càng thêm rối rắm trêu ngươi. Tỉ như, sách
Gia Định thành thông chí gọi Vàm Nao là “Vàm Giao”
(2), nghĩa là nơi cửa sông nối nhau, giao nhau giữa hai con sông;
Đại Nam nhất thống chí gọi là “Thuận Cảng”
(3), hàm chỉ nơi bến sông yên ả, nước êm đềm, thuận lợi cho ghe tàu neo đậu lưu thông; các nhà nghiên cứu gần hơn như Nguyễn Văn Hầu
(4), Nguyễn Hiến Lê
(5), Vương Hồng Sển gọi Vàm Nao là “Hồi Oa”
(6), nghĩa là vùng nước xoáy... Nói thật, cháu thấy mấy cái tên này có phần xa lạ, như một sự áp đặt khiên cưỡng với Vàm Nao. Kiểu như cho một anh nhà quê quanh năm chân lấm tay bùn khoác lên mình bộ áo mão cân đai quyền quý, áo cứ ra áo, người cứ ra người, chẳng ăn nhập gì nhau cả. Chưa nói tới, cùng một con sông, sao người cho là sông hiền (Thuận Cảng), người cho là sông dữ (Hồi Oa)? Còn nữa nhé, một học giả Khmer là thầy Chau Mô Ni Sóc Kha, người có nghiên cứu về địa danh An Giang khá nhiều, cho rằng chữ Vàm Nam có gốc Khmer. Thầy Kha nói, nó phát xuất từ chữ “Peam Ta Nau”, nghĩa là “Vàm sông Ông Nau”. Có thể nơi này xưa kia có một ông nào đó cũng nổi tiếng người Khmer, tên là Nau, nên dân gọi vậy. Sau này “Peam Ta Nau” biến âm thành Vàm Nao. Cái chuyện biến âm từ Khmer sang tiếng Việt thì ở xứ này nhiều lắm. Ví như gọi “srok chek” thành “Sóc Chét” (địa danh ở huyện Chợ Mới, An Giang) hay “Svay Von” thành “Xà Tón” (địa danh ở huyện Tri Tôn, An Giang) và hằng hà sa số địa danh khác nữa. Nhưng từ tên của một “Tà Nau” nào đó mà thành “Vàm Nao” thì thật sự nghe cũng chưa có đã đời cho lắm.
Chú Hữu Hiệp cười khà khà nói mấy ông kia giải thích sai hết rồi, “Vàm Nao” là cái nơi cửa sông nước chảy làm “nao lòng” người ta mà thôi. Chú mày thử xuống dưới đó ngó dòng nước khi chiều tà bóng xế coi, buồn đứt ruột đứt gan chớ chẳng chơi à. Chẳng phải Hán ngữ, cũng chẳng phải Khmer ngữ gì đâu, người miệt mình nghĩ sao nói vậy người ơi. Chú còn nói thêm, sông này trước kia nhỏ xíu hà, cây cối hai bên bờ nhiều khi chạm đọt nhau, người dân nơi đây gọi là “
cây giao đu”, nhưng mà “
tang điền biến vi thương hải” hết rồi (ruộng dâu biến thành biển cả, ý nói sự biến chuyển khôn cùng của tạo vật). Vàm Nao là một con sông buồn man mác đến nao lòng, nhưng chắc chắn không phải là con sông dữ, mà có dữ thì cũng dữ với kẻ thù chứ không dữ với dân mình. Ý chú muốn nhắc đến hai trận thủy chiến vào tháng Chạp năm 1833 và tháng Giêng năm 1834, khi sông phẫn nộ nhấn chìm nhiều chiến thuyền của quân Xiêm, đập tan mưu đồ cướp nước ta
(7). Nói đến đây, tôi bỗng liên tưởng đến con sông Bạch Đằng lừng lẫy, con sông Nhật Tảo oai hùng, con sông Thạch Hãn kiên cường, và bao con sông khác trên đất Việt. Khi có ngoại xâm thì sông kiên cường chống giặc, nhưng đất nước thanh bình thì sông trở về với nét dịu dàng đôn hậu như chính bản chất con người Việt Nam ta. Có khác biệt chăng là, hiện nay sông Vàm Nao không bận tâm “làm sử”, chỉ âm trầm bổn phận “làm sông”.
- Vàm Nao, bông lau – làm sao thu hút khách?
Khi lần đầu nghe nói chuyện sông Vàm Nao sắp thực thi một sứ mạng mới là làm du lịch, tôi băn khoăn lắm. Bởi tôi từng chứng kiến, biết bao khu du lịch mọc lên, mang cái “mác” du lịch sinh thái nhưng chẳng bao lâu đã băm nát quang cảnh thiên nhiên mỹ lệ. Rồi còn bao hệ lụy khác về môi trường, về văn hóa xã hội nữa, liệu dòng Vàm Nao có gồng gánh nổi hay không!?
Từ Long Xuyên, tôi xách xe máy chạy về Phú Tân, ghé ngay Lòng Hồ, nơi đặt “trụ sở” khu du lịch sinh thái Vàm Nao tại xã Tân Trung, Phú Tân. Nơi đây có mấy hầm nuôi cá, mấy liếp trồng hoa màu. Bạn Nguyễn Thu Tâm là hướng dẫn viên duy nhất tiếp chúng tôi. Tâm nói nơi này mới mua lại từ một trung tâm sản xuất giống của địa phương, hiện tại chưa thể trực tiếp tổ chức đón khách du lịch mà chỉ liên kết với một vài Công ty du lịch khác để cho gói tuor thêm đa dạng. Từ khi đi vào hoạt động, khu này mỗi tháng đón được khoảng 3 đoàn khách. Du khách đến đây chủ yếu ngắm cảnh, săn cá bông lau, thưởng thức đặc sản. Tâm là cô gái trẻ, đôi mắt sáng với ánh nhìn cương nghị. Nghe giọng cô nói, tôi cứ nghĩ đến sự trong trẻo của nước sông Vàm Nao. Tâm vừa tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch tại Đại học Cần Thơ, trở về công tác cống hiến cho quê hương vì cô cũng là người con của đất Phú Tân, nhà ngay chợ Đình, Phú Mỹ. Tôi nói sự băn khoăn của tôi về đề án phát triển du lịch Vàm Nao, Tâm im lặng rất lâu, chừng như suy nghĩ của cô đang bao chứa cả một ý tưởng cao rộng và một hành trình dài. Rồi Tâm dẫn tôi xuống chiếc xuống chiếc xuồng nhỏ đậu dưới bến, bơi dọc theo sông Vàm Nao. Chúng tôi vừa bơi xuồng vừa trò chuyện với nhau. Tâm giới thiệu cho tôi biết những mô hình kết hợp trong gói du lịch mà công ty cô đang triển khai, về những ý tưởng sắp tới sẽ cho du khách trải nghiệm đặc sắc của Vàm Nao. Tôi ngồi nghe Tâm nói, nhận ra cả một bầu nhiệt huyết của cô gái trẻ này. Tôi hỏi Tâm có người yêu chưa, Tâm bảo ai chịu về Vàm Nao với em thì em mới yêu. Câu nói đùa của Tâm duyên quá, khiến tôi thoáng bần thần. Rồi Tâm cười, nói em cũng chưa biết nữa, nhưng chắc em yêu cái xứ Vàm Nao này mất rồi, nên khi chưa làm được gì cho nơi này thì em chưa nghĩ đến chuyện tình cảm của riêng em. Ôi, cái tình đất tình người mới cao đẹp làm sao!
Chúng tôi tới căn chòi của anh Nhân, ngay đầu cồn gần vàm Cái Đầm. Anh Nhân cất chòi này để coi chừng rẫy. Anh bảo, nói là “coi chừng” vậy chớ xứ này cũng ít ai phá lắm, tại anh “mê” rẫy và “mê” cái quang cảnh nơi này nên ra đó ở vậy thôi. Bốn bề gió lộng, bên sông chảy miên man, bên những luống rẫy xanh mượt mà thì còn gì bằng nơi đây. Ai cũng biết, đất cồn phù sa dữ lắm, trồng rẫy là bá cháy bù chét. Anh Nhân trồng được một công khoai cau, một công hành với hơn một công ớt. Anh cũng tận dụng mấy liếp đất trống trồng thêm vài thứ khác như rau càng cua, ngò gai, cà chua, đậu bắp... Mấy rãnh nước thì anh thả rau muống và nuôi cá rô, cá lóc. “Đó, cả giang san của tui đó!”, anh Nhân “quảng cáo”, miệng lúc nào cũng cười thật tươi. Ảnh hỏi tôi: - Anh là dân thành phố về hả? Tôi bảo, tôi cũng là dân quê mình, đầu tôi còn hôi khét nắng, chân tôi còn dính phù sa sông Vàm Nao nè anh ơi... Anh cười lớn, nói sẽ đãi tôi một chầu đúng chất quê. Anh kêu tôi với Tâm đi hái rau, anh thì đắp một rãnh nước lại tát cá. Anh bắt cá rô cá lóc cả thau nhưng chỉ lựa một con cá lóc bự và vài con cá rô đủ ăn, còn bao nhiêu anh thả lại rãnh, rồi xả nước vào nuôi tiếp. Anh xỏ con cá lóc, cắm đứng lên đốt rơm nướng. Đây là cách nướng cá tôi thích nhất. Rơm cháy hết là cá chín. Bên ngoài con cá nhìn khét đen nhưng cạo nhẹ lớp vảy sẽ hiện ra lớp da vàng tươi. Nướng rơm giữ được độ ngọt của cá, cộng thêm cái thơm của rơm vàng thì ngon hết sẩy. Tôi lấy dao cắt mấy tàu lá chuối hột, trải xuống bờ sông, sau đó để con cá vừa nướng lên. Tâm cũng vừa nấu xong tộ canh chua cá rô với toàn rau rác đúng nghĩa cây nhà lá vườn. Chúng tôi hái thêm nắm rau càng cua, mấy đọt rau muống, vài trái đậu bắp ăn sống với cá nướng. Anh Nhân lấy trong góc chòi ra chai rượu nếp để tôi với anh “cưa”. Anh rót một li rượu đầy, nhưng không uống ngay mà khấn đất đai viên trạch, ông tà bà cậu, rồi anh đổ vài giọt rượu xuống đất, xuống dòng nước sông, còn lại hơn nửa li anh nốc cái ực, vỗ đùi cái đét đầy sảng khoái. Tôi nhận ra cái lòng tri ân thành kính của anh với nơi anh đang sống, và cả cái dư vị đẹp đẽ trong cách uống rượu của anh.
Tôi với anh Nhân lắc gần hết chai rượu nếp thì ngà ngà say. Tôi và Tâm từ biệt anh ra về khi trời đã xế chiều. Ánh nắng dát vàng trên mặt sông lấp lánh, tựa hồ như ai chơi ác, đem hàng ngàn mảnh kính màu rải khắp mặt sông. Hai bên bờ sông, các bà các chị đem đồ ra sông giặt. Mấy đứa con nít tắm lội lủm chủm xung quanh chân cầu. Tôi hỏi đùa, Tâm có sợ ông Năm Chèo không Tâm?
(8) Tâm nói hồi nhỏ cũng sợ lắm, đâu có dám đi tắm sông mình ên. Lớn lên một chút, biết suy nghĩ một chút thì hết sợ. Bởi dân gian dựng lên câu chuyện có ông cá sấu năm chân bự chảng thần hồn, đang nằm im lìm dưới đáy Vàm Nao, đợi sau này tận thế ai hiền thì cho lên lưng vượt dòng nước cuộn, ai dữ thì “ông” nuốt vô bụng cho xuống âm phủ, chẳng qua đó cũng là cách người dân muốn con cháu phải biết nhân từ, làm lành lánh dữ. Ông Năm Chèo và bao hình tượng siêu nhiên khác tồn tại trong tâm thức dân gian trên mảnh đất này, không gì ngoài mong muốn chân phương và cao đẹp của người dân.
Tôi nhìn Tâm say đắm, cứ như đứa học trò ngồi say sưa nghe cô giáo giảng bài học vở lòng. Trong bãng lãng chiều, Tâm đẹp như một dòng sông. Tôi chợt nhớ đến Tuyết Mai và nghe văng vẳng bên tai hình như tiếng Mai khe khẽ hát trong thổn thức:
“
Sông vẫn in màu mây, vẫn hay vơi đầy, vẫn đem phù sa làm đẹp thêm làng quê yêu dấu... Ôi những con thuyền giấy, những năm tuổi thơ đã đi về đâu, còn mình tôi nhớ thương vô bờ.”(9) Bất giác tôi thầm gọi: “Về với quê mình, về với Vàm Nao đi, Mai ơi!”
Tác phẩm có mã số 085: MỘT ĐỜI NGƯỜI, MỘT ĐỜI BIỂN
Mặt trời vừa rải những tia nắng chiều lên khóm hoa mua tím ngát đang khoe mình dọc theo bãi biển cũng là lúc chiếc ghe chở khách đưa chúng tôi vào bãi hòn Nồm. Vừa bước lên bờ, cô Út Giàu, con gái của chủ đảo Vương Ngọc Ánh (Sáu Ánh) niềm nở bảo chúng tôi: Trời sắp tối rồi, tối nay các anh ngủ lại đảo với ba tôi cho vui.
Thế là lần đầu tiên chúng tôi được ngủ đảo, được tâm tình với những người dân đảo hiền hoà, mến khách và tận hưởng cái cảm giác êm đềm, sâu lắng của một vùng biển đảo bình yên, chẳng khác nào một khu vườn cổ tích.
BA ĐỜI “ROBINSON” TRÊN MỘT HOANG ĐẢO:
Có lẽ hôm đó là đêm nhộn nhịp nhất ở hòn Nồm và cũng là một đêm đầy ấn tượng vì cả nhà đều quay quần bên ánh sáng diệu kỳ của ngọn đèn manchon - chiếc đèn của vị chủ đảo đầu tiên, tức thân phụ của bác Sáu Ánh để lại như một kỷ vật, hôm nay mới có dịp thắp lên sáng cả một góc rừng.
Dưới ánh đèn lung linh và huyền ảo, gió biển rạt rào mát lạnh, chúng tôi vừa nhâm nhi, vừa nghe bác Sáu kể lại chuyện đời, chuyện thời trai trẻ và chuyện sóng gió trùng khơi mà lòng không sao ngăn được cảm hoài. Càng về khuya giọng bác càng chùng xuống, cảm xúc miên man, pha lẫn tự hào:
“Đầu năm 1952, cha tôi là Vương Văn Kiều cùng bà kế mẫu từ Kiên Lương giong thuyền ra hòn Ngang, một trong 21 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Nam Du, cách bờ Rạch Giá (Kiên Giang) chừng 90 km để mưu sinh, lúc đó tôi mới 8 tuổi đầu, ăn chưa no lo chưa đủ. Được ít lâu, cha tôi lại đưa gia đình chuyển sang hòn Nồm giữa (1), cách hòn Ngang khoảng 30 phút đường tàu, một hòn đảo hoang sơ, nay thuộc ấp An Cư, xã An Sơn. Vừa đến nơi, cha tôi dựng lên môt túp lều đủ che nắng trú mưa, chuẩn bị cho cuộc hành trình mở đất đầy cam go và thử thách. Chính vì vậy mà dân ở Nam Du đã gọi ba tôi là “Robinson” - chủ đảo hòn Nồm đời thứ nhất. Tại đây, cha mẹ tôi đã thấm đẫm bao mồ hôi công sức để khai hoang, cuốc rẫy và đánh bắt hải sản…”
Mãi cho tới sau nầy, trải qua ba thế hệ (tam đại đồng đường) mà hòn Nồm cũng chỉ có một gia đình họ Vương sinh cơ lập nghiệp (cha ông, vợ chồng ông và các con) bởi thế hòn đảo nầy mới có biệt danh “Nhứt đảo, nhứt gia, ba thế hệ”. Nơi đây từng là đầu sóng ngọn gió, bao quanh lại có nhiều hòn lớn nhỏ nhấp nhô, loáng thoáng một vài mái tranh nghèo, là nơi nuôi dưỡng nhiều thế hệ ngư phủ từ khắp mọi miền đất nước về đây sinh sống dưới sự đùm bọc cưu mang của biển cả và núi rừng.
Ngày nay muốn đến Hòn Nồm giữa, từ cầu tàu Rạch Giá khách du lịch xuống tàu cao tốc ngồi khoảng ba tiếng đồng hồ là sẽ đến hòn Củ Tron (hòn Lớn) thuộc quần đảo Nam Du. Tại đây có 21 đảo lớn nhỏ gồm hai xã An Sơn và Nam Du, thuộc huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Từ hòn Củ Tron nhìn ra biển khơi giống như một Hạ Long thu nhỏ, bốn bề hiện lên những cụm đảo xanh rì, mỗi hòn đều có cái tên ngộ nghĩnh, gần nhất là hòn Ngang, hòn Đụng…xa xa là hòn Nồm, hòn Nhàn, hòn Hàn…
Năm tháng dần trôi, cậu bé Vương Ngọc Ánh lớn lên cùng với trời đất cỏ cây. Trong ký ức của bác, cuộc sống mấy năm đầu vô cùng cam go, vất vả, hằng ngày mọi người vừa phải vật lộn với sóng gió, vừa lo cho cái ăn cái mặc, vừa đối phó với bệnh tật, đói nghèo. Nhiều lúc thiếu gạo cả nhà phải ăn củ nần, rau, cá cầm hơi. Buồn nhất là ngày tết, cả ba người sống trơ trọi giữa rừng, nhà không trà, không rượu cũng không bánh trái, vì thế thân phụ bác phải lượm lá bàng nướng lên cho thơm để pha nước uống thay trà.
Khi cuộc sống tạm ổn, thân phụ bác mới đào giếng lấy nước, dọn rừng, cuốc rẫy trồng khoai, trồng bắp và chăn nuôi gà vịt. Ban ngày hai cha con làm vườn, đóng ghe xuồng, lặn bắt sò bắt ốc, ban đêm đi câu mực làm khô, vài ba tuần lại mang sản vật qua hòn Lớn hoặc vào đất liền bằng thuyền buồm để đổi lấy gạo muối và những thứ cần dùng. Đôi khi cũng có những chiếc tau buôn ghé qua đổi lấy hàng, nhờ vậy mà cuộc sống quen dần. Bác nhớ lại khoảng trước năm 1975, bà con ở các đảo ngoài khơi mỗi năm chỉ ăn thit heo có hai lần vào ngày tết Đoan Ngọ mùng 5 – 5 và tết Nguyên Đán. Vào các ngày nầy bà con trên các đảo lân cận xúm nhau làm heo chia thịt. Các ngày khác ăn toàn cá tôm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày càng có nhiều cánh bườm vượt sóng ra khơi, thuyền tàu chạy máy xuất hiện nhiều hơn khiến cho giao thương thuận lợi và dễ dàng, nhờ vậy mà hòn Nồm bắt đầu có người qua lai,
Năm 20 tuổi, nhân lúc qua hòn Ngang, bác Sáu Ánh đã quen với một người phụ nữ tên Võ Thị Huông, quê ở Nha Mân - Đồng Tháp ra đảo sinh sống. Không bao lâu hai người đã phải lòng nhau và đi đến hôn nhân. Thời gian trôi nhanh, vợ chồng bác đã lần lượt cho ra đời 9 “công dân”. Trong số đó có hai đứa do chính bác đỡ đẻ ngay trên đảo vì không rước mụ kịp. Theo lời kể của bác, có một lần GS. Bác sĩ Phạm Biểu Tâm ghé hòn Nồm tham quan nghe bác kể lại chuyện sinh con ở đảo thật vô cùng vất vả và khó khăn, bác sĩ Tâm cảm động nên tận tình hướng dẫn bác về cách đỡ đẻ, cắt rốn và chăm sóc cháu bé sơ sinh phòng khi bất trắc. Nhờ vậy mà sau đó bác tự đỡ đẻ cho hai đứa được mẹ tròn con vuông, đứa nào cũng mạnh cùi cụi, sau nầy lớn lên bác lại dựng vợ gả chồng cho chúng cũng ngay trên hòn đảo nầy để rồi chúng tiếp tục sinh con đẻ cháu, biến hòn đảo hoang sơ trở thành một đại mái ấm gia đình, một “giang sơn” giữa trời nước mênh mông nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng nói tiếng cười. Mãi đến năm 1985, đường đi vẫn còn khó khăn trắc trở, một lần con gái đầu lòng của Bác chuyển bụng sinh con, cả nhà vội vả đưa qua trạm xá ở Hòn Lớn nhưng không kịp nên đứa bé phải cất tiếng khóc chào đời giữa biển khơi.
Năm 1982, thân phụ bác qua đời. Trước khi mất ông ấy đã để lại một di ngôn “Họ Vương không được rời bỏ hòn đảo nầy, con cháu hãy thương yêu, đùm bọc lấy nhau mà ra sức dựng xây cho đảo ngày càng trù phú. Nghề đánh bắt tuy không ai giàu ba họ nhưng cuộc sống lúc nào cũng bình yên, tránh được mọi sự đua chen, phiền não”. Từ di ngôn đó, bác Sáu đã hết lòng trông coi, gìn giữ, khẩn khai và di thực thêm một số loài cây ăn quả từ đất liền ra trồng như xoài, mít, cốc, ổi, hồng quân, mận, mảng cầu…nhiều nhất là dừa nên có người gọi hòn Nồm giữa là bãi Dừa. Nhưng nghề chủ yếu của gia đình bác vẫn là khai thác và đánh bắt hải sản.
Từ lời trăn trối của ông, những đứa cháu nội lúc nào cũng canh cánh bên lòng, nhất định chọn hòn Nồm giữa làm vùng “đất hứa” mà cô Vương Ngọc Thắm, người con gái đầu lòng là hình ảnh tiêu biểu nhất cho đàn em noi theo. Tại đây, người nào cũng quen với cuộc sống trùng khơi, có đứa lặn giỏi như rái cá. Nhưng để có được cái ăn cái mặc, tất cả phải chống chọi với bao khắc nghiệt, nắng cháy mưa ngàn, bệnh tật và tăm tối, nhất là những ngày mưa to gió lớn, có khi năm, sáu ngày mới vào bờ một lần.
Trong quá trình đánh bắt, bác Sáu ít khi khai thác xa bờ. Cho đến năm 1980, do thị trường tiêu thụ mạnh loại sò điệp nên bác chuyển sang nghề lặn biển săn tìm sò điệp và ngọc nữ vì đây là loài hai mảnh vỏ, nhiều người khai thác bán cho các nghệ nhân cần xà cừ nên giá trị kinh tế rất cao. Bác cho biết thời giá lúc bấy giờ, cứ 10 con sò điệp hoặc ngọc nữ tương đương với một chỉ vàng. Bản thân bác cũng nhờ lặn biển mà gia đình ngày càng khấm khá, xây thêm nhà mới và tu bổ tàu thuyền. Nhưng việc đời họa phúc không biết đâu mà lường, tai họa ập xuống không biết đâu mà đỡ. Năm 1987, trong lúc lặn xuống độ sâu 20 - 30 mét, do sức ép của nước làm cho lòng ngưc bị tức, khi ngoi lên khỏi mặt nước, bác cảm thấy mệt, khó thở, tay chân rả rời, cơn đau dữ dội từ ngực lan dần xuống tứ chi. Biết đây là hiện tượng tai biến nên người nhà vội đưa bác vào phòng cứu cấp ở bệnh viện Phú Quốc. Sau hơn một năm điều trị Tây y lẫn Đông y nhưng sức khỏe bác chỉ phục hồi khoảng 70 %. Cho tới nay hai chân vẫn còn khập khểnh và sức lực ngày càng suy yếu. Kể từ sự cố đó, bác đã giã từ nghề lặn biển, chuyển giao kinh nghiệm cho các con để dốc hết tâm lực vào việc trông nom, gìn giữ hòn đảo, trồng thêm thật nhiều cây ăn trái và phát triển đàn gia cầm để làm giàu cho bản thân và xã đảo..
NGƯỜI YÊU ĐẢO, ĐẢO TRẢ ƠN NGƯỜI:
Hình như gia đình của bác Sáu đều có duyên nợ với đảo Trong số 9 người con, 6 gái, 3 trai đã có đến 6 người gắn chặt đời mình với biển. Còn lại, một cô gái lấy chồng bác sĩ, môt vô đất liền và con trai thứ bảy, tốt nghiệp đại học Tin học, hiện là chiến sĩ công an. Mặc dù trong sâu thẩm, bác cũng hiểu thế nào là cuộc sống “mặt biển chân mây”, thế nào là “ phá sơn lâm đâm hà bá”, một nghề “ ráo mái chèo là khô túi” nhưng bác vẫn một lòng yêu đảo yêu rừng. Vẫn biết rằng đàn bà đi biển, giữa trùng khơi sóng gió, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập nhưng bác Sáu vẫn lấy làm tự hào về những người con của mình, nhất là cô Vuong Ngọc Thắm vừa khôn khéo bản lĩnh, vừa tài giỏi, siêng năng không ai bằng.
Các con của bác cũng có một khoảng trời mơ ước và những khao khát cháy bỏng về sự đổi đời, nhất là mong cho con cái được học hành nhưng cuối cùng họ vẫn bám đảo. Mặc dù sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, từ quần đảo Nam Du, gia đình bác Sáu có rất nhiều cơ hội để vượt biên ra nước ngoài nhưng bác vẫn nặng lòng với đảo, với quê hương. Không những vậy, các con của bác cũng từ chối lấy chồng giàu ở đất liền vì sau khi lập gia đình các cô sẽ phải theo chồng rời xa hòn Nồm. Cuối cùng bốn cô đều gã bắt rể..
Sau nhiều lần trò chuyện, chúng tôi vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ bác Sáu Ánh, người đang giữ một kho tàng kinh nghiệm dân gian về biển cả vô cùng qúy giá. Bác chia sẻ: Lúc lặn dười đáy biển mà thấy lòng biển êm ru là thời tiết bình thường. Trái lại nếu áp tai vào những tảng san hô mà nghe âm thanh răn rắc (đá nổ) thì chắc chắn vài ngày sau sẽ có giông to gió lớn. Còn như ban đêm, nhin trời thấy sao sáng rực là trời yên bể lặng, còn sao nhấp nháy là điềm sẽ có gió mạnh. Ngoài ra, người đi biển có thể nhìn mặt biển, nhìn những rạn san hô hoặc nghe biển động mà đoán được “ý biển, lòng trời” và biết chỗ nào cá nhiều cá ít. Nhờ vậy mà bác và các con của bác biết lúc nào nên ra khơi, lúc nào không. Tất cả những kinh nghiệm đó đều bắt nguồn từ tri thức dân gian, từ trí tuệ sắc sảo của một ngư dân lam lũ, ít học mà có được. Thật đáng kinh!
Các người con của bác sinh ra và lớn lên từ đảo, lắng nghe từng hơi thở của đảo, môi trường xung quanh đều là ngư trường nên biển - đảo đối với họ đều là nhà, là chốn mưu sinh. Nhờ được bác truyền dạy kinh nghiệm ra khơi, đặc biệt là đánh bắt cá xanh xương nên con của bác đứa nào cũng tài giỏi, gan góc và lì lợm với gió núi mưa ngàn. Con trai con gái 12 tuổi đã biết chèo thuyền, vá lưới và bắt đầu làm quen với sóng gió. Từ bủa lưới, kéo lưới cho đến lặn hụp, sửa máy móc … thứ nào họ cũng quán xuyến, đặc biệt là phụ nữ, chưa có hình ảnh nào tuyệt vời bằng hình ảnh những cô gái tóc dài, khăn bịt mặt, ngồi lái tàu một cách tự tin hoặc nhảy xuống biển lặn một hơi dài rồi nổi lên như nàng tiên cá. Anh Tô Văn Vũ, rể của bác Sáu đã nức nở khen: Phụ nữ hòn Nồm ngoài biệt tài lặn hụp, đánh bắt còn có khả năng dự cảm thời tiết và nhạy cảm với sóng nước. Trong đó, cô con gái đầu lòng của bác là Vương Ngọc Thắm mới 7 tuổi đã theo cha đi câu mực, 15 tuổi đánh bắt cá xanh xương, trên 25 tuổi được người dân xứ đảo phong tặng là “sói biển” và là “nữ tướng” đánh bắt cá xanh xương. Người con gái thứ tư là Vương Mỹ Hồng cũng là những tay “sát thủ” cá xanh xương nổi tiếng ờ quần đảo Nam Du. Cá xanh xương là một loài cá mỏ nhọn giống như cá nhái, thân dài cả thước, rất hung dữ. Người dân ở đảo thường có lời thề “Ai gian lận, ai nói dối sẽ bị cá xanh xương phóng lòi ruột” là do xuất phát từ loài cá hung dữ nầy!
Trải qua hơn nửa thế kỷ chọn biển đảo làm quê hương, dòng họ Vương đã đương đầu với bao sóng gió, vui buồn khổ cưc để biến một hoang đảo trở thành nơi dừng chân lý tưởng của tàu thuyền và khách du lịch, đồng thời khoác lên mình hòn Nồm giữa một dáng vẻ mới, nổi bật là khu vườn và ngôi nhà đầy ấn tượng giữa một ốc đảo bình yên, một tổ ấm mà càng về già bác Sáu càng cảm thấy mãn nguyện. Có được ngày hôm nay chính là nhờ vào ý chí, nghị lực, tình yêu và khát vọng màu xanh của vợ chồng bác và các con các cháu.
Tại khu mộ song thân, bác đã khắc lên tường mấy dòng chữ “Thân phụ thương con đến đảo nầy. Khai sơn lập nghiệp nghỉ tại đây”. Và mỗi lần lên núi hái trái cây hoặc bẻ dừa bác đều xúc động nhớ đến công lao gầy dựng của cha“ Ngắm xem mồ mả mẹ cha/ Nghìn thu yên giấc xót xa trong lòng/ Nhớ xưa cha mẹ dày công/ Khai sơn lập nghiệp, hòn Nồm đảo hoang”.
Một lần ra thăm hòn Nồm, tiến sĩ Nguyễn Văn Thảnh cũng có làm mấy vần thơ tặng cho chủ đảo:
Một thuyền một cuốc một giang sơn
Khai khẩn hòn Nồm xã An Sơn …
Tuy là một ngư dân sống trên hoang đảo, lúc nào bác cũng bị nỗi cô đơn ám ảnh, nhưng giờ đây, mọi tiện nghi trong gia đình như tàu thuyền, máy móc và các phương tiện thông tin từ đất liền ra đảo như ra dio, ti ti, điện thoại cầm tay … đều đầy đủ nên bác cảm thấy vô cùng ấm áp không còn cô độc nữa.
Đến nay, hòn đảo hoang nầy đã có trên 25 thành viên sống quay quần bên nhau, cùng dốc hết tâm nguyện trông coi và phát triển, góp phần xây dựng quần đảo Nam Du ngày thêm tươi đẹp. Tuy đôi chân của Bác còn khập khiểng do hậu quả của những năm lặn hụp mưu sinh. Thế nhưng, mỗi lần đắm chìm vào hồi ức xa xăm, bác Sáu vẫn coi biển đảo như khúc ruột của chính mình, trong đó hòn Nồm giũa là máu thit, là kho tàng quý báu mà cụ thân sinh của bác và các thế hệ sau nầy đã đổ bao mồ hôi công sức để tạo dựng và giữ gìn như gìn vàng giữ ngọc.
Ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã đảo An Sơn (quần đảo Nam Du) cho biết Hòn Nồm giữa tuy nằm giữa trùng khơi, cách Hòn Lớn, xã An Sơn khoảng 10 km nhưng nơi đó rất an ninh, người dân rất hiền lành chất phác. Bác Vương Ngọc Ánh là người có công khai phá và xây dựng hòn Nồm giữa từ một đảo hoang trở thành hòn đảo có nhiều tàu thuyền qua lại. Ngoài ra, bác Sáu Ánh còn là một ngư dân rất tốt bụng, tính tình hào phóng, mỗi lần có tàu thuyền du lịch ghé qua thăm bác đều ân cần đón tiếp, nhất là chính quyền địa phương, đội biên phòng, các nhà văn, nhà báo đến phỏng vấn bác cũng đều niềm nở như người thân trong gia đình. Do vậy mà ai cũng quý trọng bác, coi bác như một “lão ngư tri hải”, một nhân chứng lịch sử ở quần đảo Nam Du. Hy vọng trong tương lai, Hòn Nồm sẽ là điểm dừng chân lý tưởng của các tàu thuyền du lịch trên vùng biển Tây Nam tổ quốc.
Tác phẩm có mã số 059:
THEO DẤU CHÂN CAO VĂN LẦU
Long An (cùng với Bạc Liêu) có quyền hãnh diện vì đã góp phần quan trọng hình thành nên bộ môn nghệ thuật truyền thống Đờn ca Tài tử Nam Bộ vừa được thế giới vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Long An và Bạc Liêu cũng có chung niềm tự hào, bởi một nơi sinh ra, nơi khác nuôi dưỡng tài năng âm nhạc Cao Văn Lầu, người nhạc sĩ Nam Bộ được nhắc tên nhiều nhất trong thế kỷ 20. Tôi đã lần theo dấu chân Cao Văn Lầu và tiếng đờn kìm của ông để chiêm nghiệm ý nghĩa, giá trị của một “di sản văn hóa của nhân loại”.
Một lần, về dự đám giỗ nhạc sĩ Cao Văn Lầu do Phòng Văn hóa –Thông tin huyện Châu Thành (Long An) tổ chức tại Trung tâm Văn hóa xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành), tôi chợt nảy ra ý định lần theo cuộc hành trình của Cao Văn Lầu từ nơi ông sinh ra cho tới khi ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”, góp phần làm thăng hoa nghệ thuật đờn ca tài tử, để bộ môn nghệ thuật truyền thống này được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Tôi đã tìm đến ấp Cái Cui, xã Thuận Mỹ, bên bờ sông Vàm Cỏ, để khởi đầu cuộc hành trình. Tại đây (lúc đó là xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ) vào tháng 12 năm 1892 một đứa bé đã cất tiếng khóc chào đời, người mà sau này đã viết bài "Dạ cổ hoài lang" bất hủ, một bài ca độc đáo và nổi tiếng trong đờn ca tài tử, giúp làm thăng hoa nghệ thuật cải lương. Ở bên kia sông Vàm Cỏ, trên vùng lúa Nàng Thơm Chợ Đào thuộc xã Mỹ lệ, huyện Cần Đước (Long An), trước khi nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời khoảng ba thập kỷ, có một nhạc quan triều đình Huế vì bất mãn chuyện triều đình đầu hàng giặc Pháp, đã bỏ kinh thành phiêu bạt vào Nam, đến vùng đất này mở lò dạy nhạc, đó là nhạc quan Nguyễn Quang Đại (người Cần Đước quen gọi thân mật là ông Ba Đợi). Ông Ba Đợi và những học trò của mình đã làm sôi động không khí ca hát ở vùng Chợ Đào nói riêng, Cần Đước nói chung. Chắc hẳn, không gian đờn ca tài tử bên kia sông Vàm Cỏ đã có ảnh hưởng đến ông Chín Giỏi (Cao Văn Giỏi, cha của Cao Văn Lầu) và đứa con thứ sáu của ông (Sáu Lầu) sau này.
Tại Trung tâm Văn hóa xã Thuận Mỹ có treo bức chân dung khổ lớn ông Cao Văn Lầu tay ôm cây đờn kìm, như khẳng định niềm tự hào của một vùng quê đã sinh ra người nhạc sĩ tài hoa. Theo các cụ cao niên ở Thuận Mỹ, vùng đất này được khai khẩn bởi những di dân từ miền Trung vào khai phá khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18. Đó cũng là lúc cây đàn nguyệt xuất hiện và nhanh chóng thịnh hành ở miền Trung và miền Bắc nước Đại Việt. Rời quê hương miền Trung lên chiếc ghe bầu đi lập nghiệp ở phương Nam, nhiều người mang theo bên mình cây đàn nguyệt đơn giản nhưng âm thanh sâu lắng. Những đêm nhớ nhà, bên đống lửa bập bùng, ven khu rừng nhiều thú dữ, các lưu dân ngồi lại bên nhau, khảy lên tiếng đàn nguyệt mà thấy lòng ấm lại. Dây đàn vốn làm bằng tơ, khi vào Nam khẩn hoang, dây tơ cũng hiếm, nên được thay bằng dây nilon vốn dùng để câu cá, không ngờ tiếng đàn lại sâu lắng, réo rắc hơn. Tên đàn cũng được đổi thành “đờn kìm”. Với cây đờn kìm, trải qua hàng trăm năm trên vùng đất mới khai phá, các thế hệ người nông dân yêu thích đàn hát đã tạo nên một dòng nhạc dân gian Nam Bộ buồn man mác, vừa phóng khoáng như chính vùng đất mới này. Đến nửa cuối thế kỷ 19, khi những nhạc sư, nhạc quan từ kinh đô Huế (trong đó có nhạc sư Nguyễn Quang Đại) phiêu dạt vào Nam để tránh giặc Pháp, họ mang theo kho tàng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế. Để rồi dòng nhạc cung đình khuôn thước đã hòa trộn với dòng nhạc dân gian Nam bộ khoáng đạt, tạo nên một hiện tượng âm nhạc kỳ thú mà khi định hình được gọi là Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đờn ca tài tử đã phát triển rực rỡ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, góp phần cho sự ra đời và phát triển rực rỡ sau đó của nghệ thuật cải lương. Ở Huế, dàn nhạc ngũ âm trong cung đình dù theo phong cách “tứ tuyệt” (nguyệt – cò – tranh – bầu) hay “ngũ tuyệt” (nguyệt – cò – tranh – bầu – sáo), cây đàn nguyệt luôn đứng ở vị trí đầu nhóm đảm nhiệm vai trò… lĩnh xướng. Trôi dạt về phương Nam, hình thành nên dòng nhạc Đờn ca tài tử Nam Bộ, cây đờn kìm vẫn giữ được vị trí “độc tôn” này. Những loại nhạc cụ khác phải dựa vào nền tảng âm nhạc của đờn kìm. Cây đờn kìm là “thầy” của các loại nhạc cụ khác là vì vậy. Trên vùng đất phương Nam mới khai phá, thanh niên nam nữ nông thôn hát ca sau những giờ lao động mệt nhọc, cả người hát và người đàn, thậm chí người nghe, đều ngồi trên chiếu nhạc. Dù chỉ một cây đàn hay đủ bộ “tứ tuyệt” thì cũng không thể thiếu cây đàn kìm. Và cây đàn kìm luôn được xem là “đàn Tổ”, được người “trưởng thượng” trong ban nhạc cầm chịch, kiêm luôn giữ nhịp song loan.
Có lẻ cha ông của ông Cao Văn Giỏi khi phiêu bạt vào Nam lập nghiệp cũng mang theo bên mình cây đờn kìm, đời trước truyền cho đời sau, nên đến đời mình, ông Chín Giỏi cũng biết chơi đờn kìm, tuy không chuyên nghiệp, xuất sắc. Theo các cụ cao niên ở Thuận Mỹ, Cao Văn Lầu lúc mới sinh hay khóc đêm, ai dỗ kiểu gì cũng không nín, làm bà Chín Giỏi rất khổ sở. Một đêm nọ, cậu bé Sáu Lầu lại làm cả nhà mất ngủ vì tiếng khóc khàn đục nấc lên từng hồi. Không ngủ được, ông Chín Giỏi xách cây đờn kìm ra sân đờn giải sầu. Tiếng đờn nỉ non vọng vào buồng, chợt cậu bé Sáu Lầu thôi khóc, khuôn mặt háo hức như thể lắng nghe tiếng đờn ở ngoài sân. Kể từ đó, mỗi lần đứa bé Sáu Lầu khóc đêm là ông Chín Giỏi xách cây đờn kìm ra sân, đến gần cửa sổ buồng ngủ của vợ khảy đờn, y như rằng tiếng khóc bên trong buồng chấm dứt. Tiếng đờn kìm vốn đã buồn, tiếng đờn kìm của ông Chín Giỏi càng buồn da diết, có lẽ gói ghém cả nỗi nhớ cố hương xa xôi và thân phận của kẻ tá điền nghèo khổ nơi đất khách.
Tôi đã đứng thẫn thờ bên bờ sông Vàm Cỏ để hình dung nơi nào những bàn chân nhỏ xíu của cậu bé Sáu Lầu đã bước xuống bến sông, rời nơi chôn nhau cắt rốn để cùng gia đình xuôi về phương Nam. Năm Cao Văn Lầu bốn tuổi (năm 1896), ông Chín Giỏi vì nghèo, vì bị áp bức nên đã cùng vợ và sáu đứa con nhỏ xuống ghe, xuôi về phương Nam tìm đất khác sinh sống. Tôi đã có lần theo một xà lan chở cát đi trên sông Vàm Cỏ, rồi rẽ vào kinh Chợ Gạo, đêm nghỉ ở vàm Kỳ Hôn, sáng dậy đi tiếp qua sông Tiền, vào dòng Chợ Lách để ra sông Cổ Chiên, xong vào sông Măng Thít…, như cái cách mà ông Chín Giỏi đã chèo ghe đưa cả gia đình làm cuộc hành trình trên sông hơn một trăm năm trước. Ông Chín Giỏi ngày chèo đêm nghỉ, đưa cả nhà vượt sông Tiền, rồi sông Hậu, vào vùng đất Hậu Giang cò bay thẳng cánh. Tôi đã có một buổi tối đứng bên dòng sông Phụng Hiệp thuộc thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang để hình dung cái cảnh cha con ông Chín Giỏi nửa đêm khảy đờn kìm nơi mũi ghe. Người xưa kể lại rằng, ông Chín Giỏi sau khi chèo ghe băng qua sông Hậu, đã đi tiếp vào sông Cái Răng xuôi về Bạc Liêu để tìm miền đất hứa. Một đêm nọ, gia đình ông Chín Giỏi dừng ghe nghỉ đêm trên sông Phụng Hiệp thuộc khu vực thị xã Ngã Bảy ngày nay. Nửa đêm, ông mang cây đờn kìm ra mũi ghe khảy lên giải sầu. Cậu bé Sáu Lầu vừa nhớ chốn cũ vừa không quen ngủ trên sông nước nên thức trằn trọc, nửa đêm nghe tiếng đờn của cha, đã trở dậy ra mũi ghe ngồi khóc thút thít. Ông Chín Giỏi đã an ủi, vỗ về đứa con nhỏ, đại ý là cả nhà rồi sẽ đi đến vùng đất mới đầy hứa hẹn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Như tiện tay, ông Chín Giỏi đã đưa cho cậu con nhỏ cây đờn kìm như cách để an ủi con. Bất giác, cậu bé Sáu Lầu mới bốn tuổi đầu đã chạm những ngon tay nhỏ xíu vào hai sợi dây đàn, làm vang lên những âm thanh ngộ nghĩnh. Hai mươi năm sau, cũng trên nền âm nhạc cây đờn kìm, Cao Văn Lầu đã viết nên bài nhạc bất hủ “Dạ cổ hoài lang”, sau đó phát triển thành bài “Vọng cổ” lừng danh. Như là tiền định, chính bên bờ sông Phụng Hiệp ở Ngã Bảy nơi 7 dòng kênh tụ hội về, sau đó hơn nửa thế kỷ soạn giả Viễn Châu đã viết bài vọng cổ để đời “Tình anh bán chiếu”, gắn liền với cái tên “Hoàng đế vọng cổ” Út Trà Ôn. Tháng 12 năm 2013 Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Tháng 2 năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón nhận Bằng vinh danh này tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 4 năm 2014, tỉnh Bạc Liêu, một trong những cái nôi lớn của loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai tổ chức sự kiện "Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014", với chủ đề "Đờn ca tài tử, Tình người – Tình đất Phương Nam". Lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu được đăng cai tổ chức một sự kiện văn hóa lớn, mang tầm Quốc gia và có tính chất Quốc tế - một sự kiện văn hóa hết sức ý nghĩa, nên chính quyền và nhân dân nơi đây chuẩn bị rất chu đáo. Dù đã có ít nhiều những lời thị phi, nhưng công bằng mà nói, tỉnh Bạc Liêu đã làm tất cả những gì có thể để vinh danh bộ môn nghệ thuật độc đáo của tiền nhân. Trong ngày khai mạc lễ, hàng ngàn du khách tập trung quanh Nhà hát Ba Nón Lá và tượng đài Cây Đờn Kìm được xây dựng rất đẹp, rất hoành tráng trên quảng trường Hùng Vương. Còn tôi, tôi tìm đến khu Gia Hội bên bờ sông Bạc Liêu để hình dung cảnh gia đình ông Chín Giỏi những ngày đầu chân ướt chân ráo đến vùng đất này. Tại đây, gia đình ông Chín Giỏi đã đến tá túc trên đất của một người bà con để đi làm mướn kiếm sống. Sau chín tháng đi làm mướn cật lực mà không đủ ăn, gia đình ông Chín Giỏi lại phải xuống ghe đến vùng Xà Phiên (nay thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) khẩn hoang làm ruộng. Khoảng một năm sau, gia đình ông khai khẩn được hơn 40 công đất, nhưng thân cô thế cô, đất bị bọn địa chủ sở tại chiếm hết. Gia đình ông Chín Giỏi lại lên ghe theo dòng Xà No xuôi về Họng Chàng Bè (thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu ngày nay) để tiếp tục khẩn hoang, nhưng rồi số đất này về sau cũng về tay người khác. Xót cảnh trắng tay của ông Chín Giỏi, hương sư Chơn ở làng Vĩnh Lợi tổng Thạnh Hòa cho gia đình ông cất một căn chòi lá trên đất công điền gần chùa Vĩnh Phước An để ở tạm (nay thuộc phường 2, thành phố Bạc Liêu). Ở đó, vợ chồng ông và các con phải đi làm mướn, đi câu để chạy ăn từng bữa. Trong những ngày ở Bạc Liêu dự “Festival Đờn ca tài tử”, tôi đã lân la đến chùa Phước Vĩnh An để tìm dấu chân của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tại đây, tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh hàng chục trẻ nhỏ bị bỏ rơi, trong đó có nhiều trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, đang được nuôi dương, chăm sóc tại Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi của chùa. Hơn 100 năm trước, chính ngôi chùa này cũng đã từng cưu mang một đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh, là tiền đề giúp Cao Văn Lầu phát triển tài năng về sau. Thuở ấy, thấy gia đình ông Chín Giỏi quá vất vả làm lụng mà không đủ ăn, Hòa thượng Minh Bảo, trụ trì chùa Vĩnh Phước An, đã đến gặp ông Chín Giỏi đề nghị cho đứa con trai tám tuổi là Cao Văn Lầu vào chùa ở để nhà chùa chia sẻ gánh nặng với gia đình. Kể từ đó, chú bé Sáu Lầu ngày kinh kệ, tối được nhà sư dạy chữ Nho. Ngôi chùa tôn nghiêm ngày nay vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kính của hơn trăm năm trước, vì vậy mà tôi tin rằng trong chánh điện ngôi chùa vẫn còn in dấu chân của cậu bé Sáu Lầu hàng ngày quỳ trước Phật đài đọc kinh. Còn phía sau hậu liêu, những băng ghế đã mòn nhẵn vì thời gian hẳn từng được cậu bé Sáu Lầu mài đũng quần mỗi đêm để học chữ Nho. Nhờ vốn liếng chữ nghĩa được học ở chùa Vĩnh Phước An, Sáu Lầu tiếp tục theo học chữ Quốc ngữ đến "lớp nhì năm thứ hai" (Cours moyen 2e année) tức lớp 4 ngày nay, nền móng học vấn vừa đủ để ông đi vào đời... Năm 17 tuổi, Cao Văn Lầu vừa phải thay cha làm trụ cột nuôi cả gia đình, vừa theo học thầy đàn nổi tiếng ở Bạc Liêu tên Lê Tài Khí, tục gọi Hai Khị hay Nhạc Khị, ông thầy bị mù cả hai mắt thêm có tật ở chân, nhưng ngón đàn của ông thì thật điêu luyện. Nhờ đam mê, có năng khiếu và siêng năng, Sáu Lầu mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ; và trở thành một nhạc sĩ nồng cốt trong “Ban cổ nhạc Bạc Liêu” của thầy Nhạc Khị. Nhân dịp “Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I năm 2014”, tỉnh Bạc Liêu đã làm một việc rất đáng làm, đó là xây dựng khang trang Khu lưu niệm Cao Văn Lầu và Đờn ca tài tử Nam Bộ tại nơi ông Sáu Lầu trưởng thành, cũng là nơi vợ chồng ông yên nghỉ sau cùng. Trong khu lưu niệm có trưng bày mô hình ban nhạc đờn ca tài tử đang biểu diễn, mà người cầm cây đờn kìm là thầy Nhạc Khị. Thời ấy, cả môn sinh Cao Văn Lầu và các học trò khác của thầy Nhạc Khị trong “Ban cổ nhạc Bạc Liêu” đều không được cầm cây đàn kìm trong ban nhạc, mà phải do chính người thầy là Nhạc Khị cầm chịch. Cũng trong Khu lưu niệm nói trên, ở cuối khuôn viên, có bốn ngôi mộ đá màu xanh, bia mộ màu hồng, hai trong số đó là của vợ chồng ông Chín Giỏi, hai ngôi còn lại là của vợ chồng Cao Văn Lầu – Trần Thị Tần. Đối với những người trong giới đờn ca tài tử, tên bà Trần Thị Tần gợi lên nhiều cảm xúc, dù bà không biết đàn hát. Năm 21 tuổi (1913), Cao Văn Lầu vâng lệnh cha mẹ đi cưới vợ, đó là cô Trần Thị Tần. Khi ngón đờn của Sáu Lầu đã có chiều sâu, ông bắt đầu tập tành sáng tác, thì một câu chuyện bi thương đã đến với ông, là duyên cớ giúp ông viết nên bài “Dạ cổ hoài lang” bất hủ. Cuộc sống vợ chồng Sáu Lầu rất mặn nồng, hạnh phúc, nhưng khốn nỗi vợ chồng ông sống với nhau đã ba năm mà bà vẫn chưa có dấu hiệu thai nghén. “Tam niên vô tử bất thành thê!”. Theo tục xưa, vợ chồng ông Chín Giỏi buộc con trai là Sáu Lầu phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột và bắt ông đi cưới vợ khác sinh con nối dòng. Không thể trái lời, Sáu Lầu đành trả bà Tần về cho gia đình bên vợ, nhưng hễ có dịp chơi đờn ở đâu đó là ông ghé về thăm vợ, có bao nhiêu tiền ông đưa hết cho bà. Về nhà, đêm đêm ông Sáu Lầu ngồi ôm đờn thẫn thờ nhớ về người vợ bất hạnh, ông cũng cương quyết không cưới vợ khác theo sắp đặt của cha mẹ. Nghĩ cũng lạ, suốt ba năm trời vợ chồng Sáu Lầu đêm đêm gần gũi bên nhau mà bà không có thai, vậy mà chỉ đôi lần lén lút gặp nhau một cách vội vã đã làm làm bà Tần thụ thai, nhờ đó mà gia đình cho hai người được xum họp trở lại. Sau đó bà Tần sinh liền cho Sáu Lầu một mạch sáu đứa con. Người đời sau phải cảm ơn sự cắc cớ nói trên của số phận, vì nhờ một năm xa nhau của vợ chồng Sáu Lầu, nhờ tình yêu thương vô bờ với người vợ bị xua đuổi, mà Sáu Lầu đã viết nên bài “Dạ cổ hoài lang” để lại cho đời. Đó là năm 1917, trong tâm trạng nhớ thương vợ, ông Sáu Lầu viết bài nhạc 20 câu nhịp đôi mà chưa kịp đặt tên: “Từ là từ phu tướng - Báo kiếm sắc phán lên đàng - Vào ra luống trông tin nhạn - Năm canh mơ màng - Em luống trông tin chàng - Ôi gan vàng thêm đau - Đường dầu sai ong bướm - Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…”. Tết Trung thu năm Mậu Ngọ (15 tháng 8 âm lịch, nhằm ngày 19 tháng 9 năm 1918), ông Sáu Lầu cùng các bạn đến thăm thầy, luôn tiện trình bày bản nhạc chưa có tên nói trên, được thầy Nhạc Khị khen hay. Đêm đó có nhà sư Nguyệt Chiếu cùng tham dự, thầy Nhạc Khị liền nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc. Nhà sư suy ngẫm một hồi và đặt tên cho bài hát là "Dạ cổ hoài lang" (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng), cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong làng âm nhạc nước nhà suốt một thế kỷ sau đó. Về sau, khi Nhạc Khị già yếu, cậu học trò Sáu Lầu được vinh dự giao cầm cây đàn kìm trong ban nhạc. Sáu Lầu đã cùng các môn đệ ở Bạc Liêu như Cai Đệ, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Hai Tài, Mộng Vân, Thiện Thành, Trịnh Thiên Tư…đưa phong trào đờn ca tài tử tiếp tục phát triển, tạo được lực lượng hùng hậu cho các ban nhạc cổ truyền, các phong trào đờn ca tài tử, ca ra bộ, và cho sân khấu cải lương buổi ban đầu. Đặc biệt, bài “Dạ cổ hoài lang” 20 câu nhịp đôi ban đầu của Sáu Lầu đã được giới nhạc sĩ ở Bạc Liêu nâng lên nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, rồi nhịp 32… với một cái tên mới “Vọng cổ”, bản nhạc có tác dụng kích thích thích mạnh mẽ sân khấu cải lương phát triển trên cả nước. Theo những người trong giới đờn ca tài tử, vào thời ấy trên đất Nam Bộ có nhiều danh cầm đờn kìm, nhưng không ai qua được tiếng đờn kìm của Nhạc Khị ở Bạc Liêu. Khi đến Bạc Liêu, tiếng đàn kìm giản đơn mà phóng khoáng như càng phù hợp với đất và người nơi đây. Vùng Bạc Liêu xưa đất rộng, người thưa nên cũng hình thành phong cách “ăn to nói lớn”, nói năng thật rõ, thật to để cho người nghe hiểu thông ý mình. Trong nói năng, họ không đôi co dài dòng, không rào trước đón sau, mà chủ yếu là tinh thông nghĩa lý, đi thẳng vào câu chuyện. Giữa “Quân tử cầm” (cây đờn kìm) và vùng đất, con người Bạc Liêu như có sự giao thoa, hòa quyện vào nhau ở sự phóng khoáng mà giản đơn. Tính cách phóng khoáng, “chịu chơi” của những người chơi đàn ở Bạc Liêu càng làm tiếng đàn kìm thêm thăng hoa. Để rồi tiếng đàn kìm càng làm cho người Bạc Liêu thêm phóng khoáng, bộc trực, thẳng thắn, nhiệt tình, hiếu khách… Một sự giao thoa, tác động qua lại giữa một nhạc cụ và con người - một hiện tượng văn hóa độc đáo ra đời trên vùng đất Nam bộ. Thật dễ hiểu khi ngày nay trên đất Bạc Liêu hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu ôm cây đàn kìm xuất hiện khắp mọi nơi. Tại Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại thành phố Bạc Liêu, khách có thể hình dung được cảnh người xưa chơi đờn ca tài tử và vị thế của cây đàn kìm trên chiếu nhạc năm xưa. Bạc Liêu chọn cây đờn kìm làm biểu tượng văn hóa của tỉnh đã thể hiện được tất cả tính cách của con người nơi đây. Chính vì tính cách phóng khoáng, “chịu chơi” này mà nhiều người Bạc Liêu mê cái “ngón” đờn ca tài tử, đặc sản văn hóa phi vật thể của người xứ Nam Bộ nói chung và của đất Bạc Liêu nói riêng. Họ đam mê từ đời ông sang đời cha, từ đời cha sang đời con. Khi xây dựng quảng trường Hùng Vương để chuẩn bị cho Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I năm 2014, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu bàn chọn xây dựng biểu tượng văn hóa của tỉnh với phương châm phải thể hiện được tất cả tính cách của con người nơi đây. Ở Bạc Liêu, có thể việc này việc nọ còn có ý kiến trái chiều, phải bàn đi tính lại, nhưng việc chọn cây “Đờn Kìm” làm biểu tượng văn hóa của tỉnh, đặt trang trọng tại trung tâm quảng trường Hùng Vương, đã nhanh chóng đạt được sự đồng thuận cao trong lãnh đạo, cơ quan chuyên môn và nhân dân. Để rồi, mô hình chiếc đàn kìm cách điệu đặt tại quảng trường Hùng Vương giờ đây được xem là điểm nhấn độc đáo về biểu tượng của tỉnh Bạc Liêu. Biểu tượng “Đờn Kìm” trên quảng trường Hùng Vương đã lột tả đầy đủ sự trân trọng của nhân dân tỉnh Bạc Liêu với những giá trị truyền thống, đồng thời thể hiện cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ, làm tăng sức hút đối du khách gần xa khi đến với Bạc Liêu. Theo nghệ nhân Võ Trường Kỳ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Long An, Bạc Liêu được chọn tổ chức Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I là hoàn toàn xứng đáng, với những gì mà vùng đất này đã làm với tư cách một trong những cái nôi của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nhưng công bằng mà nói, tỉnh Long An cũng đã góp công rất lớn cho thành quả này. Từ việc rước linh vị Nhạc sư Nguyễn Quang Đại từ Nhà Văn hóa Quận 8 Thành phố Hồ Chí Minh về thờ cúng tại đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) vào năm 1996, đến việc tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử hàng năm tại đình Vạn Phước vào dịp giỗ Nhạc sư, mời các ban Đờn ca tài tử khắp Nam Bộ đến dự, đã kích thích mạnh mẽ phong trào Đờn ca tài tử và sự hồi sinh kỳ diệu của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Rồi Long An, cùng với Bạc Liêu và nhiều tỉnh, thành khác, đã dày công làm hồ sơ, thủ tục để trình ra thế giới, làm cho nhân loại biết đến và tôn vinh loại hình âm nhạc này. Tôi đã có dịp gặp nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng ở Bạc Liêu, nghe chị kể cái cảm xúc tuyệt vời trên đất Baku, thủ đô nước Công hòa Azerbaijan. Chị may mắn có mặt trong đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức ở Baku tháng 12 năm 2013 để xem xét vinh danh Đờn ca tài tử Nam Bộ của việt Nam. Chị kể, khi nghe tiếng búa gõ xuống quyết định công nhận Đờn ca tài tử Nam Bộ của việt Nam là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, tất cả đại biểu trong đoàn Việt Nam đã vui mừng không kìm được nước mắt, tay ai cũng run run giương cao lá cờ Tổ quốc... Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của UNESCO như: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc... Việc Đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này của Việt Nam, đồng thời chứng tỏ sức sống của văn hoá truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hoá thế giới. Với việc vinh danh này, UNESCO kỳ vọng Việt Nam sẽ có các biện pháp bảo vệ nhằm hỗ trợ trao truyền và giảng dạy về Di sản văn hóa phi vật thể này trong chương trình giáo dục chính thức. Kể từ giây phút bước ngoặt đó, Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức bước lên một tầm cao mới, trở thành một di sản vô giá không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhân loại. Cũng theo nghệ sĩ Hải Phượng, trong đoàn đại biểu Việt Nam dự phiên họp ở Baku ngày hôm đó, có vài người mang theo bên mình chân dung nhạc sĩ Cao Văn Lầu và đã giương cao trong lễ vinh danh, như thể người nhạc sĩ còn sống và có mặt nơi xứ người. Ra đi từ bờ sông Vàm Cỏ, Cao Văn Lầu đã in đậm dấu chân trên suốt cuộc hành trình đưa Đờn ca tài tử Nam Bộ trở nên phổ quát trên cả nước và chinh phục trái tim yêu thích âm nhạc của nhân loại. | |