Thứ ba 19/03/2024

NỘI DUNG CHÍNH

Những đôi tay tài hoa

May mắn có được năng khiếu với đôi tay tài hoa, khéo léo cộng với niềm đam mê, sự cần cù, chịu khó, những người “nghệ sĩ” đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, sống động.
Hội họa giúp Trường An tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống

Hội họa giúp Trường An tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống

Chàng trai 9x mê hội họa

Ngay từ khi còn nhỏ, anh Nguyễn Trường An (SN 1994, ngụ phường 3, TP.Tân An) đã có “cảm tình” với hội họa khi tỏ ra thích thú với những hình ảnh được vẽ minh họa trong sách giáo khoa. Chàng trai 9X chia sẻ, chính vì yêu thích vẽ nên vào dịp hè năm lớp 6, anh xin gia đình tham gia lớp học vẽ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Long An. Tuy nhiên, các lớp năng khiếu chỉ được tổ chức trong 2 tháng nên sau đó, anh tìm học các lớp bên ngoài để thỏa đam mê. Và rồi, niềm đam mê ấy bắt đầu lớn dần trong anh, cậu học trò nhỏ mơ ước trở thành họa sĩ.

An tâm sự: “Họa sĩ Nguyễn Hữu Phương là người truyền cảm hứng cho tôi. Những năm học phổ thông, niềm đam mê hội họa càng lớn dần trong tôi. Năm lớp 12, tôi quyết định thi vào ngành Hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Sau khi đậu vào trường, qua 2 năm học cơ bản, năm thứ 3 thì tôi chọn học chuyên ngành Sơn mài. Tôi thích nét truyền thống, man mác chút trầm ấm, sâu lắng của tranh sơn mài. 

Với tôi, ngoài năng khiếu thì quá trình rèn luyện đóng vai trò quan trọng giúp người vẽ “lên tay”. Chính vì vậy, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã xin đi dạy vẽ tại các trung tâm, vẽ chân dung ở các công viên để rèn luyện tay nghề, đồng thời kiếm thêm thu nhập. 5 năm theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, tôi được học rất nhiều kiến thức bổ ích, có cơ hội cọ xát thực tế, tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho bản thân”. Bằng niềm đam mê và tài năng ngay từ khi còn nhỏ, An đã đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi vẽ do tỉnh Long An tổ chức. Hiện nay, chàng trai trẻ này cũng đã “bỏ túi” cho mình kha khá giải thưởng lớn như giải ba Triển lãm Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2016), giải C Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc (2017), giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật Đồng bằng sông Cửu Long (2017),…

Mặc dù hiện tại không thể viết tiếp ước mơ làm họa sĩ thuở nhỏ nhưng sau giờ làm việc, An thường dành thời gian để vẽ, bởi vì hội họa giúp chàng trai trẻ tìm lại được sự cân bằng trong cuộc sống.

“Tay” điêu khắc gỗ cừ khôi

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề điêu khắc gỗ, ông Huỳnh Minh Thuận (SN 1967, ngụ phường 3, TP.Tân An) nổi tiếng là “tay” điêu khắc gỗ cừ khôi. Qua bàn tay khéo léo, tài hoa của ông, những khối gỗ vô tri, vô giác bỗng toát lên vẻ đẹp sống động. Từ sự giới thiệu của nhiều người mê điêu khắc gỗ, chúng tôi tìm đến cơ sở của ông Thuận, chưa đến cổng đã nghe âm thanh của tiếng đục, tiếng gọt vang lên nhịp nhàng. 

Đặt chiếc đục trên tay nằm ngay ngắn vào hộp đồ nghề, ông bắt đầu câu chuyện về điêu khắc gỗ. “Bất cứ ai đến với nghề cũng là để mưu sinh, ngành nghề nào cũng có cái khó riêng, đòi hỏi người học nghề phải yêu thích và đam mê thì mới làm được. Đối với điêu khắc gỗ, đến với nghề thì dễ nhưng để gắn bó lâu dài và trở thành thợ giỏi thì rất khó” - ông Thuận trải lòng. 

Ông Thuận chia sẻ: “Tôi bén duyên với nghề rất tình cờ và gắn bó gần 40 năm qua. Năm 1981, Công ty Mỹ thuật Long An mở khóa nhận học viên, tôi nộp hồ sơ vào công ty. Đợt đó, tôi thi đậu nên được công ty nhận vào đào tạo, khoảng 1 năm thì ra nghề và bắt đầu được trả lương. Năm 1985, tôi tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, tôi quay lại với nghề vì niềm đam mê. Tôi từng theo nghệ nhân Huỳnh Măng, nghệ nhân Huỳnh Định để học nghề. Theo tôi, trường lớp chỉ dạy những điều cơ bản, còn trong quá trình làm, tiếp xúc với nhiều tác phẩm, mỗi người sẽ đúc kết cho mình kinh nghiệm để nâng cao tay nghề”.

Ông Huỳnh Minh Thuận được UBND tỉnh Long An tặng danh hiệu Thợ giỏi năm 2019

 

 




Cũng theo ông Thuận, mỗi tượng có một nét đẹp riêng, để tạo được thần thái cho mỗi tác phẩm, đòi hỏi người thợ phải thật am hiểu, nắm bắt được những đặc điểm nổi bật của nhân vật. Đặc biệt, đối với tượng điêu khắc chân dung, người thợ phải nghiên cứu về cơ thể học, bởi cơ thể mỗi người mỗi khác, người châu Âu cũng sẽ khác với người châu Á. Ngoài ra, tùy vào chất liệu gỗ và độ tinh xảo mà các tác phẩm điêu khắc sẽ có giá thành khác nhau. 

“Tượng độc đáo, cao cấp, nhiều chi tiết thì người thợ tốn thời gian nhiều tháng để điêu khắc, đơn giản thì tốn vài tuần. Mỗi tác phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như phác thảo trên giấy, sơ chế phá loại bỏ những phần gỗ thừa, phá vào chi tiết, gọt, cạo, chà nhám. Bất cứ loại gỗ nào cũng có thể sử dụng để làm nhưng các loại gỗ nhóm 1 như cẩm lai, giáng hương, xà cừ, gõ đỏ,… thì có thời gian sử dụng lâu, giá thành cao. Gỗ càng quý, chạm càng đẹp nên có những món đồ gần như vô giá” - ông Thuận cho biết thêm.

Mặc dù khác nhau về tuổi tác, ngành nghề theo đuổi nhưng ở ông Thuận và anh An đều có chung tình yêu nghệ thuật mãnh liệt. Ngày ngày, họ vẫn miệt mài với công việc, với đam mê của mình. Và, bên cạnh giá trị kinh tế, các tác phẩm nghệ thuật còn giúp mỗi người có những giây phút bình yên trong cuộc sống./.

 


Nguyễn Dung

Theo baolongan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

THĂM DÒ Ý KIẾN

Đánh giá của bạn về Website này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Không có gì để nói

Rất xấu

THỐNG KÊ

Đang truy cậpĐang truy cập : 50


Hôm nayHôm nay : 8115

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 173603

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 8320013